Trang

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

38. PHÂN TÍCH CHƯƠNG KINH THÁNH

38. PHÂN TÍCH CHƯƠNG KINH THÁNH


LM. JM. Mười Một, CSsR

Khi ghé thăm các gia đình trong giáo xứ, một vị linh mục kia luôn thấy cần phải đọc một đoạn Kinh Thánh. Một dịp nọ, khi thấy thuận lợi, ngài liền bày tỏ ý định đọc một đoạn Kinh Thánh. Bà chủ nhà liền nói với cô con gái nhỏ: “Con cưng, chạy lại chỗ kệ sách và đem lại đây quyển sách mà chúng ta yêu thích.” Đứa bé vâng lời chạy đến kệ sách và sau đó trở lại với một quyển sách trong tay. Đó là quyển Sear Shopping Catalog! (Sách mục lục mua sắm của hãng Sear).

Xin Chúa ban cho các tín hữu thêm lòng yêu mến và ham thích đọc Kinh Thánh. Nếu không bắt đầu đọc Kinh Thánh thì sẽ chẳng bao giờ có thể bắt đầu học Kinh Thánh được!

Martin Luther so sánh cách ông học Kinh Thánh tương tự như cách người ta đi lượm táo: Trước hết, ông rung cả cây táo (=học tổng quát toàn bộ Kinh Thánh), để các trái chín rụng trước. Sau đó, ông leo lên cây và rung từng cành (=học từng quyển trong Kinh Thánh), rồi sau đó, tiếp tục rung từng nhánh cây (=học từng chương), và tiếp đến là cành con (=học từng đoạn, từng câu). Rồi cuối cùng ông lật từng chiếc lá để tìm các quả còn lại (=học từng từ).

Ở bài trước, chúng ta đã rung từng cành, nghĩa là có cái nhìn chung và tốt về một quyển trong Kinh Thánh; bài này sẽ tiếp tục rung từng nhánh cây, nghĩa là học từng chương.[1]

Định nghĩa

Phương pháp phân tích một chương Kinh Thánh nhắm đạt được sự hiểu biết thấu đáo về ý nghĩa của một chương, bằng cách xem xét kỹ lưỡng từng đoạn, từng câu chữ một cách hệ thống. Nhờ đó, các tín hữu sẽ hiểu đúng và sống đúng những lời Chúa dạy.

Các bước tìm hiểu chương Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống

1. Tóm tắt: Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần chương được chọn để làm quen dần, rồi tóm tắt ý chính cách ngắn gọn. Đừng vội tìm hiểu hoặc giải thích gì lúc này.

2. Quan sát: Bây giờ bạn mới quan sát kỹ hơn từng câu, rồi ghi ra những gì bạn thấy. Càng lục soát cây táo kỹ thì càng thu hoạch được nhiều trái! Hãy trả lời câu hỏi: “Bản văn Kinh Thánh đang nói gì?” Đừng vội áp đặt ý tưởng riêng của bạn vào bản văn lúc này. Hãy tìm hiểu đúng ý tác giả muốn nói đã. Để hiểu đúng ý tác giả, bạn cần biết cách phân tích bản văn cách khoa học, như chúng ta đã nói ở các bài trước. Xin vui lòng xem lại. Hạn như: Đặt các câu hỏi tìm hiểu bằng sáu chữ WH và HOW, tìm từ khóa, câu chữ được lặp lại, văn thể,…

3. Các câu hỏi giúp giải thích: Đây là lúc giải thích bản văn, nghĩa là xây những nhịp cầu, giúp cho sứ điệp của bản văn quá khứ trở nên sống động cho bạn hôm nay. Nói cách khác, đó là hiện tại hóa Lời Chúa cho chính bạn hôm nay. Bạn cần đặt ra các câu hỏi về nghĩa của bản văn rồi đi tìm câu trả lời. Bằng cách này, bạn có thể tìm ra mục đích và sứ điệp của tác giả bằng cách khám phá ý tác giả muốn nói qua tư tưởng của ông.

Các câu hỏi bao gồm hai chữ WH: What (=cái gì) và WHY (=tại sao).

Ví dụ: Tại sao tác giả viết điều này? Ý nghĩa của ... là gì? Hệ quả của … là gì? ...

Sau đó tìm câu trả lời. Đừng tìm đâu xa. Câu trả lời thường nằm ngay trong chính bản văn của chương này, hoặc rộng lớn hơn là của quyển sách có chương này. Bám chặt vào bối cảnh bản văn là điều rất quan trọng. Bạn hãy trả lời các câu hỏi: Ai đang nói? Nói với ai? Nói về điều gì? Ở đâu? Trong hoàn cảnh nào? Ý chính của sứ điệp? Các bối cảnh khác? Bạn cũng cần đi tìm ý nghĩa của các từ ngữ chủ chốt trong mỗi câu, bằng cách tra từ điển Kinh Thánh hoặc thần học. Sau cùng, bạn mới tìm các sách chú giải Kinh Thánh để tìm hiểu chương bạn đã vất vả khám phá như trên. Lúc này, bạn sẽ thấy bạn đã đạt được một bước tiến lớn rồi!

4. Đối chiếu: Đối chiếu chương này với các phần khác trong Kinh Thánh, hạn như trong cùng tác phẩm, cùng tác giả, cùng phần Cựu hoặc Tân Ước. Nhờ vậy, ý tưởng của chương này sẽ sáng rõ hơn. Các phần khó hiểu trong Kinh Thánh thường được giải thích sáng tỏ ở chỗ khác.

5. Áp dụng: Bước sau cùng này sẽ giúp biến đổi những kiến thức Kinh Thánh thành thần lương nuôi sống tâm hồn bạn, thành sức mạnh giúp bạn vượt qua thử thách, và sau cùng đưa bạn vào thông hiệp sự sống đời đời của Thiên Chúa, Đấng rất yêu bạn và đã ngỏ lời với bạn như người Cha với con!






[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 189-197, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếngThe Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét