Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Chúa Nhật 26 Quanh Năm Năm A (phần I)

Chúa Nhật 26 Quanh Năm Năm A
(phần I)

Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28
"Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa phán: "Các ngươi đã nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}
"Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.
{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32
"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ăn Năn Thống Hối

Ai là người con thứ nhất theo bài Tin Mừng hôm nay? Và ai là người con thứ hai? Phải chăng ở đây chỉ có ý nói đến các Biệt phái và Luật sĩ ở thời Chúa Yêsu? Hay là Lời Chúa vẫn còn có giá trị cho chúng ta đang sống ở thời này? Ðể giúp suy nghĩ đúng về các lời trong bài Tin Mừng này, chúng ta theo Phụng vụ sẽ đọc lại cả hai bài Kinh Thánh kia, là bài sách Êzêkiel và bài thư Phaolô.

A. Mọi Người Ðều Phải Trở Lại
Thoạt đầu, chúng ta có thể nghĩ bài sách Êzêkiel rất đơn sơ: kẻ công chính mà bỏ đường công chính để phạm tội cũng sẽ phải chết, còn kẻ ác nhân biết bỏ điều ác đã làm để thi hành công chính thì sẽ được sống. Chân lý ấy không có gì khó hiểu. Ðó là chuyện thường tình. Nhưng được viết trong Kinh Thánh và trở nên những lời Kinh Thánh, những câu khẳng định kia không còn đơn giản như người ta có thể nghĩ.
Trước hết, trên khắp thửa đất Israel bấy giờ người ta vẫn bô bô câu cách ngôn này: "Cha ăn nho xanh, con sẽ ghê răng", nghĩa là tội lỗi của cha mẹ sẽ để hậu quả lại cho con cái. Và trong xã hội thời xưa, nhiều khi người ta phạt tội cha cho tới đời con và đời cháu. Không biết còn có xã hội loài người nào hiện nay cư xử như thế nữa không? Dù sao sự kiện ấy cũng cho chúng ta thấy rằng ở thời Êzêkiel không dễ gì có thể đưa ra một châm ngôn khác để quyết rằng mạng nào có tội mạng ấy phải chết, và ai nấy đều có trách nhiệm về hành động của mình. Nói đúng ra, bấy giờ người ta để ý đến trách nhiệm của tập thể quá đến nỗi hầu như không còn nói đến trách nhiệm của cá nhân.
Nhất là nơi dân Dothái. Ý thức tập thể ngay từ đầu đã quá mạnh. Người dân không thấy rõ trách nhiệm của mình. Ngay cả khi các ngôn sứ kêu gọi ăn năn thống hối, người ta dường như cũng cứ chờ đợi cả xã hội cải tạo đời sống chứ từng cá nhân cảm thấy bất lực trước vận mạng của dân tộc mình. Nhưng với những lời như bài nói hôm nay, ông kêu gọi mọi người phải nỗ lực. Người đang công chính phải cố gắng giữ vững đường lối và tiếp tục thi hành công chính. Kẻ gian ác hãy tỉnh ngộ, canh tân đổi mới đời sống để khỏi bị án phạt. Ðó là điều ông nhắm, là giáo huấn lúc này của ông vì ông thấy nếu mọi người không ý thức trách nhiệm của mình, thì làm sao có thể cầm giữ lại được con đường sa đọa mà Dân Chúa đang đi vào.
Như vậy bảo rằng ông rao giảng một giáo lý mới, khác hẳn truyền thống xưa nay, thiết tưởng cũng không đúng. Ông khuyến khích người ta ý thức phần trách nhiệm cá nhân của mình để mọi người nỗ lực sống thánh thiện hơn chứ không phải ông phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm giữa loài người với nhau. Sống trong xã hội mà mọi người đang có ý thức mạnh về điều mà người ta thường nói: đồng hội đồng thuyền, Êzêkiel nói mạnh đến trách nhiệm cá nhân và tự do của mỗi người để mọi người đều cố gắng hầu cứu vãn "hội" và "thuyền" đang chở mình đi trong giòng lịch sử.
Sở dĩ chúng ta cần nói như vậy để tránh xa cảm giác cho rằng vấn đề tôn giáo là chuyện cá nhân; đạo đức là vấn đề của mỗi người, việc lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục chỉ tùy thiện chí của mỗi người. Không, ngay từ đầu Thiên Chúa đã sáng tạo một nhân loại liên đới mật thiết với nhau, cả trong sự tội cũng như trong ơn cứu độ. Một Ađam đã sa ngã khiến hệ lụy còn đè nặng trên con cháu; nhưng một Ađam Mới đã đến mở đường cứu độ cho hết mọi con người. Loài người liên đới mật thiết với nhau, nhưng trong sự liên đới này mỗi người lại có tự do tuyệt đối và vì thế có trách nhiệm cũng tuyệt đối luôn. Ở đây không thể nào đi sâu vào giải thích vấn đề nhiệm mầu này. Nhưng cần phải nêu lên để chúng ta hiểu rõ giáo lý của Lời Chúa hôm nay. Qua miệng Êzêkiel, Người kêu gọi mọi hạng người phải nỗ lực sống thánh thiện. Kẻ công chính hãy cố gắng tiếp tục thi hành công chính, kẻ gian ác phải mau từ bỏ tội lỗi và trở về đường ngay.
Và đó là đường lối của Chúa. Người muốn cứu độ mọi người. Người muốn con người được sống và sống dồi dào. Người không muốn kẻ công chính hư đi và chẳng muốn kẻ tội lỗi bị luận phạt. Nơi Người chỉ có tình thương. Chỉ muốn hạnh phúc cho hết mọi người. Còn thật sự con người sẽ được hạnh phúc hay không, là tùy ở chính họ có muốn hay không muốn được hạnh phúc, vì làm sao có thể ép buộc ai hạnh phúc khi họ không muốn? Tuy nhiên vì bản chất tốt lành của Người, vì tình yêu bao la của Người, Thiên Chúa luôn đặt hạnh phúc ở tầm tay mọi người. Kẻ công chính hãy tiếp tục thi hành công chính để khỏi mất hạnh phúc và kẻ tội lỗi hãy thật lòng trở lại để được hạnh phúc.
Thế nên, nếu bảo Êzêkiel là ngôn sứ về trách nhiệm cá nhân, thì cũng đừng quên trước hết phải nói ông là tiên tri về tình yêu đằm thắm của Thiên Chúa (xem ch. 16). Chính tình yêu sâu xa lênh láng này hôm nay dùng miệng Êzêkiel để kêu gọi mọi hạng người trong Dân Chúa nỗ lực để được hạnh phúc. Lời ấy thiết tưởng không bao giờ không thức thời. Và khi chúng ta đã ý thức như vậy, việc tìm hiểu bải Tin Mừng hôm nay sẽ có giá trị thiết thực cho hết mọi người chúng ta.

B. Trở Lại Là Tin Vào Chúa Yêsu
Thật vậy, nếu không ý tứ chúng ta chỉ đọc bài Tin Mừng trong lịch sử mà thôi. Chúng ta thấy Chúa Yêsu đang nói với các Thượng tế và hàng niên trưởng của dân Dothái lúc bấy giờ. Người đưa ra một thí dụ về người con thứ nhất và người con thứ hai để trách họ không biết hối hận về thái độ của họ đối với Yoan Tẩy giả và theo đó đối với Người.
Ðể hiểu rõ chúng ta hãy xây dựng lại bối cảnh của bài Tin Mừng như sau: Hôm ấy, các Thượng tế và Niên trưởng của Dân đến chất vấn Ðức Yêsu: "Quyền đâu mà ông làm các điều ấy?". Họ có ý nói đến việc Chúa xua đuổi phường con buôn ra khỏi đền thờ. Ðáp lại, Người cũng chất vấn họ một câu: "Thanh tẩy của Yoan từ đâu đến?". Trả lời được câu hỏi này, tức khắc không cần trả lời câu trên nữa, vì nếu tin Yoan cũng sẽ tin Người, bởi lẽ Yoan đã làm chứng về Người.
Các Thượng tế và Niên trưởng lúng túng. Họ không dám trả lời. Vì nếu nói tin Yoan, họ phải tin Người; còn nếu bảo không, họ sợ dân chúng phản đối vì ai ai cũng tin Yoan là sứ giả của Thiên Chúa. Trước thái độ không dứt khoát như thế, Chúa Yêsu đã hành động, như bài Tin Mừng hôm nay kể.
Người lấy thí dụ về hai người con để ám chỉ. Kìa hạng thu thuế và đàng điếm trước kia không giữ Luật pháp nay nghe lời Yoan, họ đang trở lại hối hận tội lỗi của mình. Còn các ông, Thượng tế và Niên trưởng, cứ bảo mình giữ Luật Chúa thế mà chẳng ăn năn thống hối gì theo lời rao giảng của Yoan, cho dù đã và đang thấy bao nhiêu người đang trở lại. Ai là người con thứ nhất khó bảo và ai là người con thứ hai? Người ta cứ tưởng người con thứ nhất khó bảo, còn đứa con thứ hai thường được thương hơn nên dễ vâng lời hơn. Nhưng vâng lời đích thực không phải ở ngoài miệng, mà ở việc làm. Hạng thu thuế và đàng điếm đang đến với Yoan để xin rửa: họ làm sự công chính. Còn nhiều kẻ vỗ ngực tự xưng là giữ Luật pháp thì lại không làm gì cả!
Và cũng đừng tưởng họ không làm gì. Hãy nghe Chúa Yêsu kể tiếp ví dụ về bọn tá điền. Khi chủ vườn nho sai người đến hỏi huê lợi, chúng đã lần lượt bắt giết tất cả và cuối cùng đã giết cả người con của chủ vườn sai đến nữa. Người báo trước, các Thượng tế và Niên trưởng cũng sẽ xử với Người như vậy.
Lời Người có làm rung động lòng họ không? Dù sao hôm nay Người cũng muốn nói với họ: nếu quả thật họ là người công chính, họ hãy thi hành công chính đi. Này kìa tội nhân đang thống hối ăn năn để đi vào Nước Trời, họ cũng hãy tin vào Con Thiên Chúa đã được sai đến thu hoạch hoa quả đạo đức trong đời sống của mọi người.
Chắc chắn chúng ta không giống họ. Chúng ta đã tin Chúa Yêsu Kitô. Nhưng đó có phải là đức tin có việc làm hay không? Vì tin mà không làm thì có khác nào người con thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng làm gì?

C. Và Hãy Lo Cho Ðược Ðồng Tâm Ý Hợp
Mở đầu bài thư hôm nay, thánh Phaolô có giọng long trọng khác thường. Ðiều người sắp nói chắc phải quan hệ. Nhưng cũng không phải là điều buồn. Ngược lại nó sẽ làm cho nỗi vui mừng của người nên trọn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết, đối với một Tông đồ như thánh Phaolô, cái gì có thể làm cho người vui mừng và rất vui mừng, nếu nó không làm cho giáo đoàn của người tốt đẹp hơn? Phải nói rằng chỉ có sự thăng tiến và hạnh phúc của giáo đoàn mới làm cho tâm hồn người được thỏa mãn. Nhất là đối với một giáo đoàn như giáo đoàn ở Philip. Thánh Phaolô rất cưng giáo đoàn này. Và họ cũng rất chung thủy, thắm thiết với người. Thế nên điều làm cho thánh Tông đồ vui mừng hoàn toàn đối với giáo đoàn này, chính là điều giáo đoàn này cần phải làm cho họ được nên trọn lành và công chính hơn. Rồi đây xét cho cùng chúng ta sẽ thấy đó cũng là điều cần thiết cho chúng ta hơn cả.
Vậy sau khi mở đầu bằng những lời rất thắm thiết, thánh Phaolô khuyên bảo giáo đoàn Philip: Hãy lo cho được đồng tâm ý hợp với nhau! Phải chăng vì họ đang chia rẽ lục đục? Dường như không. Vì nếu có chắc chắn thánh Phaolô đã kể ra. Ðàng này chúng ta chỉ thấy người nói đến những điều rất thường như đừng làm vì ganh tị, vì hư danh... đừng chỉ dán mắt vào những điều sở đắc nơi mình, song cả vào những điều sở đắc của người khác nữa. Không, thánh Tông đồ khuyên nhủ sự hiệp nhất không phải vì anh em có những cái tiêu cực to lớn nào... nhưng có thể nói, vì đã tin vào Ðức Yêsu Kitô, thì anh em "hãy có nơi mình tâm tư như đã có ở nơi Người". Vì chúng ta đã đi theo Chúa Yêsu thì chúng ta phải bắt chước Người và sống như Người.
Thế mà một bản thánh ca rất quen thuộc ở thời bấy giờ đã mô tả Ðức Yêsu Kitô như đoạn tiếp theo của bài thư hôm nay. Thánh Phaolô có lẽ đã chép lại bản ấy và gửi cho giáo đoàn Philip. Cũng có thể bấy giờ người đang ở trong tù, không có điều kiện để viết nhiều, người đã bảo một ai ở ngoài chép lại, đính vào những lời mở đầu tâm huyết trên đây. Bản thánh ca ấy ngày nay phụng vụ còn hát một cách đặc biệt trong tuần lễ thánh, để mọi người thấm thía chân dung của Chúa Cứu thế:
"Ngài, phận là phận một Vị Thiên Chúa...
song Ngài đã hủy mình ra không,
lĩnh lấy thân phận tôi đòi...
Ngài đã hạ mình thấp hèn hơn nữa
trở thành vâng phục cho đến chết
và chết trên thập giá.
Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài
và ban cho Ngài Danh hiệu...
hầu mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng:
Yêsu Kitô Là Chúa"
Chúng ta phải khâm phục tài đức của người xưa. Chúa Yêsu Kitô mới tử nạn-phục sinh có mấy chục năm, mà thần học của Hội Thánh đã phát huy đầy đủ trong bộ áo văn chương nghệ thuật và thi vị như thế! Ngày nay người ta khó viết hơn được như vậy. Mọi vẻ đẹp của Ðức Yêsu Kitô đã được gói ghém trong mấy câu thơ này. Thiên tính của Người ngang hàng với Thiên tính nơi Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên Người đã hủy mình ra không khi mặc lấy thân phận con người là tôi đòi sánh với Thiên Chúa. Và Người đã đồng hóa, giống hẳn người ta. Rồi hơn thế nữa, Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục, không phải vâng phục bôi bác như con cái Israel nói Luật mà không làm Luật, nhưng vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá.
Ðó là những phận vụ công chính mà Ðức Yêsu Kitô đã làm. Người để gương lại cho chúng ta. Thánh Phaolô khuyên người dân Philip hãy có những tâm tư như thế để đừng làm gì vì ganh tị, vì hư danh; nhưng thật lòng khiêm nhường, coi kẻ khác trổi trang hơn mình, hầu có thể đồng tâm ý hợp, làm nên cộng đoàn bác ái là bản chất của Hội Thánh và là Nhiệm Thể của Ðức Yêsu Kitô.
Tuy nhiên nơi Người không phải chỉ có mầu nhiệm vâng phục, song sau đó, đáp lại còn có hành động của Thiên Chúa. Và ở đây bản thánh ca đã mượn lại nghi thức phong vương ngày xưa nơi các triều đình để gợi lên những gì Thiên Chúa đã làm cho Ðức Yêsu Kitô.
Trước hết có nghi lễ giới thiệu: Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài; rồi có nghi lễ phong tước: Thiên Chúa ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu; và sau cùng có sự hoan hô, chấp nhận, tùng phục của hết mọi người: nên mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Yêsu Kitô là Chúa.
Chúng ta sung sướng vì bản thánh ca này. Chúng ta hứa sẽ thuộc, sẽ hát để diễn tả đầy đủ mọi tâm tư đối với Chúa Yêsu. Nhưng thánh Phaolô bảo chúng ta phải có những tâm tư ấy ở nơi mình để chúng ta đồng tâm ý hợp-điều này tất nhiên sẽ đến-; nhưng nhất là để chúng ta trở nên tốt hơn. Chúng ta sẽ đáp ứng lời kêu gọi của Thiên Chúa qua miệng Êzêkiel khi người tuyên bố ai ai cũng phải nỗ lực tiến bộ hơn về mặt thánh thiện. Và chúng ta sẽ vâng lời chính Ðức Yêsu theo như lời Người nói trong bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải đón nhận Người.
Chúng ta sẽ đón nhận Người khi rước lễ. Nhưng để việc đón nhận này không phải chỉ là một cử chỉ bên ngoài nhưng thật sự là ước muốn chân thật, chúng ta hãy mang vào trong mình những tâm tư của Người mà thánh Phaolô đã dùng một bản thánh ca để gợi lên. Có như vậy việc suy niệm Thánh Kinh và việc tham dự thánh lễ hôm nay mới chân thực; chúng ta mới khá hơn và đời sống cộng đoàn mới có khả năng tiến bộ. Chúng ta cố gắng làm như vậy!

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Eze 18:25-28; Phil 2:1-11; Mt 21:28-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hai điều:
(1) Nhìn vào bản thân để xét mình: Một trong những tật xấu nhất của con người mà Bài đọc I và Phúc Âm lên án hôm nay là thái độ kiêu ngạo, tự cho mình là công chính. Tật xấu này làm cho con người xúc phạm đến Thiên Chúa và khinh thường tha nhân: Xúc phạm đến Thiên Chúa vì chê đường lối của Thiên Chúa không công chính ngay thẳng vì Ngài đối xử với người công chính ngang hàng như những người tội lỗi. Khinh thường tha nhân là những người tội lỗi và không muốn cho họ có cơ hội ăn năn trở lại.
(2) Nhìn vào Thiên Chúa: Tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa không phải là tiêu chuẩn và đường lối của con người. Ngài không chỉ xét xử theo công bằng, nhưng còn theo lòng thương xót. Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn xám hối và được sống.
- Đường lối nào ích lợi cho con người hơn? Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta những cái nhìn chính xác về 2 đường lối này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa mở lối cho tất cả mọi người
Những người tự cho mình là công chính khó chịu khi thấy Chúa tỏ lòng thương xót cho những người tội lỗi, họ than phiền: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Hay khi thấy Thiên Chúa đối xử tốt với Dân Ngọai, họ ghen tị và phân bì: Tại sao Thiên Chúa lại đối xử với người công chính ngang hàng với những tội nhân?
Thiên Chúa trả lời họ: “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?” Chương 18 của Tiên tri Êzêkiel liệt kê tất cả 4 trường hợp có thể xảy ra:
(1) Những người công chính luôn luôn thực hành điều chính trực sẽ sống. Có thể nói không ai trong con người thuộc lọai người đầu tiên này, trừ Đức Mẹ.
(2) Những người công chính từ bỏ lẽ công chính để làm điều bất chính sẽ chết.
(3) Những kẻ gian ác từ bỏ điều dữ chúng đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh sẽ sống. Đa số con người ở trong trường hơp này.
(4) Những kẻ gian ác không chịu từ bỏ mọi tội phản nghịch chúng đã phạm sẽ chết.
Điều mà Bài đọc muốn nhấn mạnh đến hôm nay là trường hợp thứ (3). Đây là một trong những chủ đề chính của tiên tri Êzêkiel: “Thiên Chúa không muốn những kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn chúng ăn năn xám hối và được sống.” Nêu lên điều này tiên tri muốn chứng minh: đường lối của Thiên Chúa rất khác với đường lối con người. Theo luật công bằng của con người, hễ đã có tội là phải đền trả: mắt đền mắt, răng đền răng, và mạng đền mạng. Án tử hình cho tội giết người trong quốc gia chúng ta đang sống là một ví dụ điển hình.
2/ Bài đọc II: Duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.
2.1/ Thánh Phaolô liệt kê 3 nhân đức cần thiết để xây dựng cộng đòan và 3 tật xấu cần tránh vì chúng phá hủy cộng đòan.
- Ba đức tính cần có để xây dựng cộng đòan theo đường lối của Thiên Chúa:
(1) Liên kết với Đức Kitô: Qua BT Rửa Tội, chúng ta đều là những chi thể của một thân thể, và mọi người đều có bổn phận giữ cho chi thể của Chúa Kitô tòan vẹn.
(2) Bác ái huynh đệ: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Một người anh em bị hư mất thân thể của Chúa Kitô bớt tòan vẹn.
(3) Và hiệp thông trong một Thánh Thần: Các ơn thánh lãnh nhận nơi cùng một Thánh Thần là để xây dựng cộng đòan và bảo trì sự hiệp nhất trong cộng đòan.
Và thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.”
- Ba tật xấu cần tránh vì chúng phá hủy cộng đòan theo đường lối con người:
(1) Ghen tị: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình và tìm mọi dịp để hạ bệ người khác.
(2) Tìm hư danh: Làm đủ mọi cách để được tiếng khen, ngay cả việc tự mình khen mình, và khó chịu khi người khác được khen.
(3) Và tìm lợi ích riêng: Luôn lo thu tích cho mình những lợi nhuận và không bao giờ chịu để ý đến nhu cầu của người khác.
Và Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.”
2.2/ Để chống lại thái độ kiêu ngạo của những người tự cho mình là công chính, thánh Phaolô nêu bật cho chúng ta gương khiêm nhường và vâng lời của Đức Kitô:Sự hủy mình ra không (Kenosis) qua sự khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa: Chỉ trong 6 câu ngắn ngủi, Thánh Phaolô đã lột tả được trọn vẹn kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế. Thánh Gioan Kim Khẩu cho đây mới là sự khiêm nhường đích thực vì tuy Ngài ở địa vị cao trọng của Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận một địa vị thấp hèn của con người. Hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự.
2.3/ Vinh quang tột đỉnh nhờ khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối: Vinh quang chiếm được nhờ sự hủy mình ra không: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Danh được Thiên Chúa ban cho Chúa Kitô là Đức Giêsu, có nghĩa là Đấng Cứu Độ. Khi nào nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa."
3/ Phúc Âm: Nghe và làm theo ý Chúa
3.1/ Giống như tư tưởng của Bài đọc I, các Kinh-sư và Biệt-phái là hai hạng người tự cho mình là công chính nên luôn tìm cách phê bình Chúa Giêsu khi Ngài ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tỏ lòng thương cảm cho những cô gái điếm. Để các Kinh-sư và Biệt-phái nhận ra con người thật của họ, Chúa đưa ra câu truyện: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không đi đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đi!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất."
Giống như trong Bài đọc I, chúng ta có thể liệt kê 4 trường hợp có thể xảy ra mặc dù Phúc Âm chỉ liệt kê 2 trường hợp:
(1) Nghe và làm theo lời cha;
(2) Không nghe nhưng sau hối hận làm theo lời cha;
(3) Nghe nhưng không làm theo lời cha;
(4) Không nghe và cũng không làm theo lời cha.
Điều đáng mong ước hơn cả là trường hợp thứ (1); thứ đến là trường hợp thứ (2) mà cả Bài đọc I và Phúc Âm chú ý tới; mặc dù không tòan hảo nhưng vẫn hơn xa hai trường hợp sau. Trường hợp thứ (3) dành cho những người con chỉ yêu cha bằng chóp lưỡi đầu môi nhưng không thể hiện bằng hành động; hứa hẹn rất nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu. Trường hợp cuối cùng dành cho những đứa con hoang đàng.
Đối chiếu với 4 trường hợp có thể xảy ra trên đây, chúng ta thấy ngay dụng ý của Chúa: Những người thu thuế và những cô gái điếm thuộc trường hợp thứ (2) vì tuy họ không nghe theo ý Chúa từ ban đầu, nhưng sau hối hận và làm theo ý Chúa; trong khi các Kinh-sư và Biệt-phái thuộc trường hợp thứ (3), vì tuy họ nghe theo ý Chúa từ đầu, nhưng không chịu làm theo ý Chúa. Không những thế, họ còn chê trách và ngăn cản những người muốn trở về cùng Chúa. Họ quên đi rằng con người có khả năng để thay đổi: từ xấu nên tốt và ngược lại.
Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa mở lối cho tất cả: người công chính cũng như tội nhân. Ngài không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn xám hối và được sống. Nếu Chúa xét xử như đường lối của những người tự cho mình là công chính thì chẳng ai có thể được cứu, vì mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa. Bắt Chúa phải xét xử công chính là tự khai án tử cho mình. Muốn được cứu độ, con người chỉ còn cách trông nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
- Ba tật xấu phá hủy cộng đòan cần tránh: ghen tị, tìm hư danh, và tìm lợi ích riêng. Muốn xây dựng cộng đòan, mọi người cần có 3 đức tính: liên kết với Đức Kitô, bác ái huynh đệ, và hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần. Gương khiêm nhường và vâng lời của Chúa Kitô là mẫu gương cho chúng ta noi theo.
- Vì các Kinh-sư và Biệt-phái chỉ lo vun xới cho danh vọng và những đặc quyền của họ; nên không bao giờ họ hiểu được nỗi đau khổ của Thiên Chúa khi nhìn thấy dù chỉ một người con của mình bị hư mất.
- Điều lý tưởng nhất là lời nói phải đi đôi với hành động. Nước Trời chỉ dành cho những ai nghe và làm theo ý Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét