Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Thứ Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm

Thứ Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo tại Hàn quốc. Lễ nhớ.

 * Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.


Ngày 20 tháng 9
Lễ Thánh Anrê Kim Taegon và Các Bạn, Tử Ðạo
Lễ Nhớ

Bài Ðọc (Cựu Ước): Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc (Tân Ước): Rm 8, 31b-39
"Dầu sự chết, dầu sự sống cũng không thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chằng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chả lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chả lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?
Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? Như có lời chép rằng: "Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị coi như con chiên đem đi giết".
Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

Alleluia: 1 Pr 4, 14
Alleluia, alleluia! - Nếu anh em bị xỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 23-26
"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì?
Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".
Ðó là lời Chúa.

Thứ Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49
"Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13
Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
Xướng: 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi. - Ðáp.
2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Dụ Ngôn Người Gieo Giống
Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe, để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn trình bày.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 15:35-37, 42-49; Lk 8:4-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.
Nhìn một hạt giống nhiều người chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi nó bắt đầu có lá chúng ta có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh trái thì đã quá rõ ràng. Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta không thể đóan đứa trẻ sẽ giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó giống ai trong gia đình; nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho đến khi chúng thành nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc I, thánh Phaolô ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết được con người sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc Âm, Chúa ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh quả gấp trăm.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống lại?
Mặc dù Phaolô và các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả tổng quát Chúa Phục Sinh như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được mang lấy thi thể đó. Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và ngôn ngữ của con người để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của ngài bao gồm 3 điều chính yếu sau:
(1) Như một hạt giống gieo xuống lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc lên khác xa với hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con người cũng vậy, phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là cùng một người.
(2) Thân thể khi sống lại khác với thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước khi chết sẽ bị hủy họai còn thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy họai. (2) Thân thể trước khi chết thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh quang. Có lẽ điều thánh Phaolô muốn nói ở đây là các giác quan và dục vọng của con người khi còn sống, chúng làm cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. (3) Thân thể trước khi chết thì yếu đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ. Có lẽ ở đây thánh Phaolô nói về sức mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời này là còn bị chi phối bởi các thứ bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống lại sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước khi chết là thân thể có sinh khí còn thân thể sống lại là thân thể có thần khí. Có lẽ ở đây thánh Phaolô muốn chú trọng đến tính vững bền của thần khí: thân xác con người trước khi chết muốn sống theo thần khí nhưng có khi được khi không vì vẫn còn bị chi phối bởi dục vọng; một khi dục vọng hết, con người sẽ hòan tòan sống theo thần khí.
(3) Con người là một tổng thể của cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp 2 biến cố: Thiên Chúa tạo dựng Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu; để suy luận về thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
2/ Phúc Âm: Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa, Ngài nói: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.”
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà có lẽ không nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời này hơi khó hiểu. Phải chăng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số người được chọn? Chắc chắn một Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục đích của dụ ngôn này là nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa. Không phải mọi người có mắt là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay trước mắt mà có người vẫn không nhìn thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc họ không cố gắng chú ý để nhìn. Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có bao nhiêu giáo dân hiểu được bài giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe hay không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các cha cắt nghĩa.
Và Chúa cắt nghĩa dụ ngôn như sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
(1) Hạt rơi bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Đây là lọai người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không hiểu.
(2) Hạt rơi trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được mang ra thực hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi hòan cảnh.
(3) Hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ muốn làm điều mà Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”
(4) Hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tuy không biết hòan tòan những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết; nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống lại, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh khỏe, luôn hướng thiện, luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hay các dục vọng thấp hèn.
- Để Lời Chúa có thể sinh lợi ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang ra áp dụng trong cuộc sống để đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin vững mạnh sẽ giúp chúng ta can đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn sàng làm chứng cho Chúa: bằng lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 24
Lc 8,4-15

A. Hạt giống...
Dụ ngôn người gieo giống :
- Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí của người gieo giống : gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng nẩy mầm rất ít.
- Cũng hãy để ý đến những loại đất xấu : a/ Đất vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay ; b/ Đất sỏi đá là người không kiên trì trong gian nan thử thách ; c/ đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.
- Đất tốt là “những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”

B.... nẩy mầm.
1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này : không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô : “Tôi trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.
2. Hãy suy gẫm kỹ những điều kiện làm cho hạt giống nẩy mầm :
- “Nghe Lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo” : lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.
- “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn” : không bỏ cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách ; không để mình bị phân tâm vì những lo toan và đam mê việc đời.
3. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc : bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải chỉ trong Thánh lễ, mà còn lúc nguyện gẫm, lúc đọc Thánh Kinh…
4. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi ”Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời ”Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”... Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua ”Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”... Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Góp nhặt)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét