Trang

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Tư sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm
Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.



* Thánh nhân sinh quãng năm 540 tại Rôma. Người theo con đường công danh, nhưng đã từ chối chức thái thú Rôma. Người gia nhập đan viện và sau khi làm phó tế, người nhận nhiệm vụ sứ thần Công-tăng-ti-nốp. Ngày 3 tháng 9 năm 590, người được chọn làm người kế vị thánh Phêrô suốt mười bốn năm phục vụ Hội Thánh (590-604). Dầu sức khỏe không dồi dào, người đã tận tụy chu toàn bổn phận, giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm về luân lý và thần học. Hoạt động của người được nuôi dưỡng nhờ chiêm niệm. Người qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 3, 1-9
"Chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa, còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là toà nhà của Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: "Tôi thuộc về Phaolô". Kẻ khác nói: "Tôi thuộc về Apollô", thì anh em không phải là người phàm đó sao?
Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 14-15. 20-21
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta. - Ðáp.
2) Tự cung lâu của Người, Người quan sát, hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Người đã tạo thành tâm can họ hết thảy, Người quan tâm đến mọi việc làm của họ. - Ðáp.
3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. Bởi vậy lòng chúng tôi hân hoan trong Chúa, chúng tôi tin cậy ở thánh danh Người. - Ðáp.
  
Alleluia: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 38-44
"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.
Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chữa Trị Bệnh Tật
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 22 TN2
Bài đọc: 1 Cor 3:1-9; Lk 4:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.
Kinh Thánh không chỉ dạy những gì cao siêu khó hiểu nhưng còn liên quan đến những sinh họat bình thường hằng ngày, không chỉ dạy những gì thuộc lãnh vực tinh thần mà còn cả những gì thuộc lãnh vực thể xác. Nói tóm, không có một vấn nạn nào liên quan tới con người mà không được đề cập đến. Bài đọc I nói về những tật xấu; trong khi Phúc Âm đề cao những tính tốt của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.
Thánh Phaolô trong thư gởi Corintô phân biệt rõ ràng hai lối sống: lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt. Lối sống thứ nhất đẹp lòng Thiên Chúa, lối sống thứ hai cần phải sửa đổi để con người có thể ngày càng kiện toàn hơn. Bài đọc hôm nay đề cập nhiều đến lối sống theo xác thịt, ít nhất là 2 điểm chính:
(1) Ghen tương cãi cọ: Khi thấy người khác hơn mình hay khi người ta có được những cái mình không có, con người thường nói xấu để hạ bệ nhau hay tranh cãi để tố cáo nhau. Khi làm những điều này là con người đang để cho tính xác thịt chi phối làm chia rẽ gia đình và cộng đoàn. Bao lâu còn sống theo tính xác thịt, con người không thể tiếp thu những bài học để sống theo Thánh Thần. Thánh Phaolô chỉ cho thấy những điều này đang xảy ra giữa các tín hữu của ngài: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thánh Thần, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?”
(2) Vây cánh kéo bè: Một khi không đạt được những ham muốn xác thịt trên bằng cố gắng cá nhân, con người có khuynh hướng chọn những người cùng ham muốn những điều đó về phe của mình, rồi cùng tìm cách làm sao để có thể đạt được những ham muốn thấp hèn đó. Một trong những thủ đọan là dồn phiếu bầu cho một người và người này sau khi đắc cử phải tìm cách để thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Thánh Phaolô khiển trách: “Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô," và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông Apollo," thì anh em chẳng là người phàm tục sao?” Nếu một cộng đòan bị tính xác thịt chi phối như thế, làm sao có thể tồn tại và làm những gì Thánh Thần muốn?
Thánh Phaolô chỉ cho họ một lối sống cao hơn theo Thánh Thần: Điều quan trọng nhất phải làm trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có được niềm tin vào Thiên Chúa, và làm cho đức tin này ngày càng phát triển mạnh; chứ không phải sống để vơ vét cho mình những danh vọng, uy quyền, và các mối lợi vật chất. Mỗi người lãnh đạo hay rao giảng chỉ là khí cụ của Chúa dùng trong một thời gian hay một hòan cảnh nhất định để góp phần trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Người cần thiết nhất làm cho đức tin lớn mạnh là chính Thiên Chúa. Thay vì tập họp thành bè đảng để chọn người lãnh đạo làm theo ý riêng mình, họ phải để Thánh Thần hướng dẫn để lựa chọn những người có khả năng để hướng dẫn cộng đoàn, rồi chính họ cũng phải tích cực cộng tác với người lãnh đạo, trong sứ vụ rao truyền và củng cố đức tin cho Dân Chúa.
2/ Phúc Âm: Mọi người đều góp phần trong việc chữa lành những tật bệnh trong cuộc sống.
(1) Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài vất vả từ sáng đến tối để chữa lành cả phần hồn lẫn phần xác của mọi người. Vừa hoàn tất việc giảng dạy để mở mang kiến thức cần thiết cho cuộc sống phần hồn trong hội đường, Ngài về nhà Simon với mục đích để kiếm gì ăn và nghỉ ngơi phần xác; nhưng của ăn không thấy mà trước mắt bà nhạc của Simon và bao nhiêu người bệnh đang chờ để quấy rầy Ngài. Thay vì nổi nóng trước những điều trái ý, Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc và tất cả mọi người. Và khi đám đông tìm Ngài và muốn giữ Ngài lại kẻo Ngài bỏ họ mà đi, Ngài nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."
(2) Gương sáng của Bà nhạc mẫu của Simon: Chỉ với hai câu tường thuật ngắn ngủi đã dạy cho chúng ta bài học phải làm khi đã thọ ơn: “Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.” Bà không nấu ăn cho Chúa, cho con và các môn đệ được là vì Bà đang bị sốt. Nhưng sau khi đã được Chúa chữa lành, Bà đã không nại lý do mới lành bệnh cần được nghỉ ngơi cho lại sức; nhưng lập tức chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ. Bà là gương sáng cho mọi người noi theo vì tất cả mọi người đều có bổn phận phải đóng góp thì cuộc sống gia đình và cộng đoàn mới bình an ổn định được. Cuộc sống sẽ xáo trộn và thiệt thòi nếu Chúa Giêsu vừa lo giảng dạy, vừa chữa lành, vừa nấu ăn, vừa phục vụ!
(3) Gương sáng của mọi người: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Dân chúng xin Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc Simon, và lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Tuy không chữa bệnh được nhưng đám đông có công tìm thầy và mang những người bệnh tới cho Chúa để được chữa lành. Trong cuộc sống hằng ngày, con người cần có thái độ đoàn kết này để giúp nhau vượt qua những trở ngại. Đừng ích kỷ quay đi trước những đau khổ của tha nhân, vì “nay người mai ta.” Nếu mình quay đi trước những khổ đau của đồng loại, ai là người sẽ giúp mình trong những lúc mình phải đương đầu với đau khổ?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không những cần biết chế ngự các tật xấu mà còn phải phát huy những tính tốt trong đời sống hằng ngày.
- Nếu đã thọ ơn Chúa và thánh Phaolô trong việc nhận ra những giá trị tinh thần và được chữa lành, đừng ích kỷ quay đi, nhưng phải tiếp tục làm ơn cho người mình đã thọ ơn hay cho người khác.
- Đức tin phải là điều quan trọng nhất của chúng ta khi còn sống ở đời này. Đừng hy sinh đức tin cho những lợi lộc thấp hèn như danh vọng, uy quyền, những lợi lộc vật chất để kéo bè làm chết ngạt sự phát triển đức tin của mình cũng như của tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 22
Lc 4,38-44

A. Hạt giống...
Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu : sau khi giảng và chữa một người bị quỷ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.

B.... nẩy mầm.
1. Khi có người nào đó giống Chúa Giêsu biết quan tâm cứu giúp những người đau khổ, thì những người đau khổ vây quanh bám lấy người ấy như một đám đông gần chết đuối bám lấy chiếc phao duy nhất.
Tội nghiệp cho nhân loại khốn khổ. Xin cho có nhiều người mang tâm hồn bao la như Chúa, trong số đó cũng có con.
2. Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng : những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “họ cố cầm giữ Ngài lại”, nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác”.
Nhưng tôi đã hiểu : Chúa không nhắm cứu hết tất cả những đau khổ phần xác (bởi vì đã mang thân xác tất phải chịu khổ đau. Trần gian là thế !), nhưng Ngài nhằm đem cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
3. “Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa” : đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động rộn rịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện và hoạt động được phối hợp rất quân bình. Không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm việc nhiều thì Ngài càng cầu nguyện nhiều hơn.
4. “Chúa Giêsu nói với dân chúng : Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43)
Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến chăm sóc ông. Mỗi chúa nhựt có một thiếu nhi đến đọc truyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ông nói : “Thưa cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Lạy Chúa, xin cho con biết đem niềm vui của Tin Mừng đến với mọi người, luôn cảm thấy được thôi thúc, được sai đi. Xin cho con biết sẵn sàng lên đường khi được Chúa mời gọi. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét