Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

(11) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương IV)

(11) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương IV)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương IV

Gia đình, việc sinh sản và dưỡng dục

Việc truyền sinh và các thách đố của việc giảm sinh suất

133. (57) Ngày nay, việc phổ biến não trạng muốn rút gọn việc sinh sản sự sống nhân bản thành một thông số tùy thuộc kế hoạch của cá nhân hay của cặp vợ chồng là điều thấy rõ. Đôi khi, các nhân tố kinh tế nặng nề đã đóng góp nhiều vào việc sút giảm đáng kể về sinh suất, làm suy yếu cơ cấu xã hội, làm hại mối tương quan giữa các thế hệ và làm cho viễn ảnh tương lai càng trở nên bất trắc hơn. Chào đón sự sống là một đòi hỏi nội tại của tình yêu vợ chồng. Về phương diện này, Giáo Hội hỗ trợ các gia đình để họ chấp nhận, nuôi dưỡng và âu yếm bảo bọc các đứa con có khuyết tật.

134. Một số người thấy cần phải tiếp tục làm cho người ta biết đến việc Huấn Quyền của Giáo Hội cổ vũ nền văn hóa sự sống, đối đầu với nền văn hóa sự chết đang mỗi ngày mỗi lan tràn hơn. Về phương diện này, cần lưu tâm hơn tới một số trung tâm đang dấn thân vào cuộc nghiên cứu về khả năng sinh sản và sự hiếm muộn, một cuộc nghiên cứu đang cổ vũ cuộc đối thoại giữa các nhà đạo đức sinh học Công Giáo và các nhà khoa học tinh tường kỹ thuật học sinh y (bio-medical). Sinh hoạt mục vụ gia đình nên bao gồm nhiều chuyên gia sinh y Công Giáo hơn trong việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp đính hôn và đồng hành với các cặp đã kết hôn rồi.

135. Điều cần kíp là các Kitô hữu đang tham gia sinh hoạt chính trị cần phải khuyến khích các quyết định lập pháp thích đáng và có trách nhiệm trong các vấn đề cổ vũ và bảo vệ sự sống.Tiếng nói của Giáo Hội về các chủ đề này đã được nghe trên bình diện xã hội và chính trị thế nào, thì ta cũng phải cố gắng hết sức để bước vào một cuộc đối thoại với các cơ quan và các nhà tạo chính sách quốc tế như thế ngõ hầu cổ vũ việc tôn trọng sự sống con người, từ lúc tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên. Về phương diện này, cần dành sự chú ý đặc biệt đối với các gia đình có con khuyết tật.

Làm cha mẹ có trách nhiệm

136. (58) Việc mục vụ trong lãnh vực trên phải khởi đầu bằng việc lắng nghe người ta và thừa nhận vẻ đẹp và sự thật của việc chào đón sự sống vô điều kiện, một điều cần thiết, nếu muốn sống đầy đủ tình yêu nhân bản. Điều này được dùng làm căn bản cho một giáo huấn thích đáng liên quan tới các phương pháp tự nhiên trong việc sinh sản có trách nhiệm; phương pháp này cho phép cặp vợ chồng sống một cách hòa hợp và có ý thức sự thông đạt đầy yêu thương giữa vợ và chồng trong mọi khía cạnh của nó phù hợp với trách nhiệm phụ tạo sự sống. Về phương diện này, ta nên trở lại với sứ điệp của thông điệp Sự Sống Con Người của Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, một sứ điệp nhấn mạnh tới việc phải tôn trọng phẩm giá người ta khi lượng giá các phương pháp điều hòa sinh sản về phương diện luân lý. Việc nhận nuôi trẻ em, trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi và coi chúng như con cái của mình là một hình thức chuyên biệt của việc tông đồ gia đình (xem Apostolicam Actuositatem, III, 11), và thường được Huấn Quyền kêu gọi và khuyến khích (xem Familiaris Consortio, III, II; Evangelium Vitae, IV, 93). Quyết định nhận con nuôi hay nhận nuôi dưỡng nói lên tính sinh hoa trái của cuộc sống vợ chồng, không phải chỉ trong trường hợp hiếm muộn mà thôi. Một quyết định như thế là dấu hiệu mạnh mẽ nói lên tình yêu gia đình và là cơ hội làm chứng cho đức tin của ta cũng như phục hồi phẩm giá người con cho những người bị tước mất phẩm giá này.

137. Liên quan tới nội dung phong phú của Humanae Vitae và các vấn đề nó bàn, hai điểm chính đã được đặt ra và luôn phải liên kết với nhau. Một điểm liên quan tới vai trò của lương tâm, được hiểu như tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong tâm hồn đã được huấn luyện để lắng nghe của con người. Điểm kia là qui luật luân lý khách quan vốn không cho phép coi hành vi sinh sản như một thực tại được quyết định cách võ đoán tùy tiện, bất chấp kế hoạch của Thiên Chúa dành cho việc sinh sản của con người. Quá nhấn mạnh tới khía cạnh chủ quan của con người, sẽ có nguy cơ dễ dàng đưa ra các chọn lựa vị kỷ. Quá nhấn mạnh tới khía cạnh kia kết cuộc sẽ coi qui luật luân lý như một gánh nặng không thể nào vượt qua và không đáp ứng được nhu cầu và tài nguyên của con người. Kết hợp cả hai, dưới sự hướng dẫn thường xuyên của một người hướng dẫn tâm linh có khả năng sẽ giúp những người kết hôn thực hiện được các lựa chọn hoàn toàn có tính nhân bản và là những lựa chọn phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Nhận con nuôi và làm dưỡng phụ mẫu

138. Để cung cấp cho các trẻ em bị bỏ rơi một gia đình, nhiều người yêu cầu phải chú ý nhiều hơn tới sự quan trọng của việc nhận con nuôi và việc chăm dưỡng (foster care). Về phương diện này, có người nhấn mạnh tới việc phải quả quyết rằng việc giáo dục một đứa trẻ phải đặt căn bản trên sự dị biệt giới tính, giống như việc sinh đẻ vậy. Do đó, cả trong việc giáo dục nữa, tự nó cũng phải đặt căn bản trên tình yêu vợ chồng giữa một người đàn ông và một người đàn bà, là những người tạo nền thiết yếu cho việc đào tạo tòan vẹn một đứa trẻ.

Trước các hoàn cảnh trong đó cha mẽ đôi khi ước muốn đứa con "cho riêng mình” và bằng bất cứ cách nào, như thể đứa trẻ này chỉ là sự nối dài các ước nguyện của mình, thì việc nhận con nuôi và việc chăm dưỡng, nếu hiểu cho đúng, sẽ làm sáng tỏ một khía cạnh quan trọng của việc làm cha mẹ và dòng dõi, ở điểm nó giúp các cha mẹ nhận ra rằng, bất kể là tự nhiên, là nuôi hay chăm dưỡng, con cái vẫn là “những nhân vị khác với chính mình” và do đó, cần được chấp nhận, yêu thương và chăm sóc chứ không phải chỉ là “đem vào thế gian”.

Vì căn bản trên, thực tại nhận con nuôi và chăm dưỡng phải được đánh giá cao và được đào sâu, nhất là trong nền thần học về hôn nhân và gia đình.

Sự sống con người: một mầu nhiệm khôn dò

139. (59) Cảm tính cũng cần được hỗ trợ trong hôn nhân, như là con đường tiến tới sự trưởng thành trong việc mỗi ngày mỗi chấp nhận người khác cách sâu sắc hơn và là một hiến thân mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn; theo ý hướng này, có người đã lặp lại sự cần thiết phải đưa ra các chương trình đào tạo nhằm nuôi dưỡng cuộc sống lứa đôi và tầm quan trọng của hàng ngũ giáo dân trong việc đồng hành như những chứng tá sinh động. Điều chắc chắn là gương sáng của một tình yêu trung thành và sâu sắc sẽ giúp ích rất nhiều; một tình yêu được biểu lộ trong âu yếm và kính trọng; một tình yêu có khả năng lớn mạnh với thời gian; một tình yêu, ngay chính trong hành vi cởi mở chào đón việc sinh sản, giúp ta cảm nghiệm được một mầu nhiệm vượt quá ta.

140. Sự sống là một ơn phúc của Thiên Chúa và là một mầu nhiệm siêu việt. Thành thử, dù ở khởi đầu hay ở kết thúc của cuộc sống, con người không có cách chi bị “vứt bỏ”. Trái lại, phải đưa ra các biện pháp để bảo đảm cho các giai đoạn của sự sống con người được lưu ý đặc biệt. Ngày nay, “chính các hữu thể nhân bản cũng (quá dễ dàng) bị coi như những hàng hóa tiêu thụ phải được sử dụng rồi sau đó vứt đi. Chúng ta đã tạo ra một nền văn hóa ‘vứt bỏ’ hiện đang lan rộng” (EG, 53). Về phương diện này, với sự hỗ trợ của mọi người trong xã hội, nhiệm vụ của gia đình là chào đón sự sống nhân bản chưa sinh ra và chăm sóc sự sống nhân bản trong giai đoạn cuối cùng của nó.

141. Về thảm kịch phá thai, trên hết, Giáo Hội khẳng định đặc điểm thánh thiêng và bất khả vi phạm của sự sống con người và tích cực dấn thân bảo vệ sự sống. Các định chế của Giáo Hội cung cấp huấn đạo cho các phụ nữ mang thai, hỗ trợ các bà mẹ đơn lẻ, thiếu niên và trợ giúp các trẻ em bị bỏ rơi, và gần gũi với những người đau khổ vì phá thai. Giáo Hội nhắc nhở những người đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế nhớ tới nghĩa vụ luân lý phải phản đối theo lương tâm.

Cũng thế, Giáo Hội không những cảm thấy khẩn thiết phải khẳng quyết quyền được chết tự nhiên, tránh những điều trị và an tử quá quyết đoán (aggressive), mà còn chăm sóc người cao niên, bảo vệ những người khuyết tật, giúp đỡ người bệnh nguy kịch và an ủi người hấp hối.

Thách đố dưỡng dục và vai trò gia đình trong việc phúc âm hóa

142. (60) Một trong các thách đố căn bản mà các gia đình ngày nay đang đối đầu chắc chắn là thách đố dưỡng dục con cái; một thách đố bị thực tại văn hóa ngày nay và ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền thông làm cho khó khăn và phức tạp hơn. Như thế, ta cần phải xem xét tới các nhu cầu và mong ước của các gia đình, giúp họ có khả năng trở nên các nơi để phát triển trong cuộc sống hàng ngày, các nơi để truyền thụ các nhân đức một cách cụ thể và chủ yếu, các nhân đức lên hình dáng cho cuộc hiện sinh của ta. Như thế, các bậc cha mẹ phải có khả năng chọn lựa mô thức giáo dục cho con cái họ, tùy theo xác tín của họ.

143. Mọi người nhất trí rằng trường học đầu tiên trong việc nuôi dạy một đứa con là gia đình và cộng đồng Kitô hữu cung hiến sự hỗ trợ và giúp đỡ vai trò dưỡng dục không thể thay thế này của gia đình. Nhiều người thấy cần phải cung cấp nơi chốn và cơ hội để các gia đình có thể gặp nhau nhằm khuyến khích việc huấn luyện làm cha mẹ và chia sẻ các kinh nghiệm giữa các gia đình với nhau. Vì các cha mẹ là các nhà giáo dục và chứng tá đức tin đầu tiên đối với con cái họ, nên điều quan trọng là họ phải tích cực tham dự vào việc chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo.

144. Trong các nền văn hóa đa dạng, các người trưởng thành trong gia đình duy trì một vai trò giáo dục không thể thay thế. Tuy nhiên, nhiều nơi đang mục kích sự kiện: càng ngày vai trò dưỡng dục của cha mẹ càng bị làm yếu đi, do sự hiện diện đầy xâm lấn của các phương tiện truyền thông vào gia đình cũng như khuynh hướng muốn đẩy nhiệm vụ này cho các thực thể khác. Hiện tượng này đòi Giáo Hội phải khuyến khích và hỗ trợ các gia đình trong việc giám sát cẩn mật và có trách nhiệm đối với các chương trình ở trường và các chương trình giáo dục có thể ảnh hưởng tới con cái mình.

145. (61) Giáo Hội đảm nhiệm một vai trò có giá trị trong việc hỗ trợ các gia đình, bắt đầu với việc Khai Tâm Kitô Giáo, bằng cách trở thành các cộng đồng chào đó. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các cộng đồng này cần phải cung cấp sự hỗ trợ cho các bậc cha mẹ, trong các tình huống phức tạp lẫn trong cuộc sống hàng ngày, trong việc dưỡng dục con cái của họ, đồng hành với chúng, cả trong tuổi thiếu niên lẫn tuổi thanh niên khi chúng đang độ phát triển, nhờ các chương trình mục vụ đã được bản vị hóa, có khả năng dẫn đưa chúng vào ý nghĩa trọn vẹn của đời người và khuyến khích chúng trong các quyết định và trách nhiệm của chúng, thực thi dưới ánh sáng Tin Mừng. Trong tình âu yếm, từ bi và mẫn cảm mẫu thân, Đức Maria có khả năng thoả mãn cơn khát của nhân loại và cả sự sống nữa. Do đó, các gia đình và người Kitô hữu nên chạy đến xin ngài cầu bầu. Việc mục vụ và lòng tôn sùng Thánh Mẫu là khởi điểm thích đáng của việc công bố Tin Mừng Gia Đình.

146. Các gia đình Kitô hữu có bổn phận phải chuyển giao đức tin cho con cái mình, một bổn phận xây dựng trên sự cam kết được thực hiện trong lúc cử hành hôn lễ. Việc thực thi cam kết này, một việc thực thi đòi phải có trong mọi giai đoạn của cuộc sống gia đình, phải được cộng đồng Kitô hữu hỗ trợ. Cách riêng, việc chuẩn bị con cái lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo là một cơ hội vô giá để các cha mẹ khám phá lại đức tin của mình, vì họ trở về chính nền tảng ơn gọi Kitô hữu của họ và thấy được nơi Thiên Chúa nguồn mạch tình yêu của họ, một tình yêu được Người thánh hiến trong Bí Tích Hôn Phối.

Không được lãng quên vai trò của ông bà trong việc truyền thụ đức tin và các truyền thống cũng như lòng sùng kính tôn giáo. Là các tông đồ, các ngài là những người không thể nào thay thế được trong các gia đình, vì các lời khuyên bảo khôn ngoan, lời cầu nguyện và gương sáng của các ngài. Việc tham dự phụng vụ Chúa Nhật, việc lắng nghe Lời Chúa, việc năng lui tới các bí tích và việc sống một cuộc sống bác ái sẽ luôn bảo đảm điều này: cha mẹ làm chứng một cách rõ rệt và khả tín về Chúa Kitô cho con cái mình.

 
Kết Luận

 
147. Tài Liệu Làm Việc này phát sinh trong khoảng thời gian giữa hai khóa họp của Thượng Hội Đồng vốn là hoa trái từ óc sáng tạo mục vụ của Đức GH Phanxicô, đấng, trong khoảng một năm, đã triệu tập hai khóa họp này về cùng một đề tài để kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II và việc Chân Phúc Phaolô VI Thiết Lập ra Thượng Hội Đồng Giám Mục. Nếu Khóa Đặc Biệt Thứ III, hồi mùa Thu vừa qua, đã giúp toàn thể Giáo Hội tập chú vào Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa, thì Khóa Thường Lệ Thứ XIV, dự tính vào tháng Mười, 2015, sẽ được mời gọi suy nghĩ về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Xã Hội Ngày Nay. Ngoài ra, việc cử hành Thượng Hội Đồng kế tiếp sẽ xẩy ra vào ngày vọng Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, được Đức GH Phanxicô công bố và định sẽ bắt đầu ngày 8 tháng Mười Hai, 2015.

Giống trường hợp của thượng hội đồng trước, số lượng lớn các câu trả lời, nhận xét do Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục nhận được cho thấy sự quan tâm ngoại thường và sự tích cực tham gia của Dân Chúa khắp nơi. Dù bản tóm lược các đề nghị trong tài liệu này không thể kể hết sự phong phú của chất liệu đến từ khắp mọi lục địa, tuy nhiên, bản văn này có thể được dùng như một phản ảnh đáng tin cậy các tầm nhìn của cảm thức thông suốt nơi toàn thể Giáo Hội về chủ đề chủ yếu gia đình.

Công việc của khóa họp Thượng Hội Đồng kế tiếp được phó thác cho Thánh Gia Nadarét: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, là các đấng đang thúc giục chúng ta “khám phá lại ơn gọi và sứ mệnh của gia đình” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 17 tháng 12, 2014).

Kinh Thánh Gia

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Nơi các ngài, chúng con được chiêm ngưỡng
vẻ sáng lạn của tình yêu đích thực,
chúng con tin tưởng chạy tới với các ngài.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin ban ơn cho các gia đình chúng con
Cũng trở thành nơi hiệp thông và cầu nguyện,
trường chân chính của Tin Mừng
và các Giáo Hội nhỏ tại gia.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho các gia đình chúng con đừng bao giờ
cảm nghiệm bạo lực, hất hủi và chia rẽ nữa:
xin cho tất cả những người bị thương tổn hay xúc phạm
tìm được an ủi và chữa lành tức khắc.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới,
Làm chúng con, một lần nữa, biết lưu tâm
tới tính thánh thiêng và bất khả vi phạm của gia đình,
và vẻ đẹp của nó trong kế hoạch Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Xin nhân từ nghe lời chúng con cầu xin.

Amen

http://www.thanhlinh.net/node/92077

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét