Trang

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Thánh Giá, Đường giải thoát

Thánh Giá, Đường giải thoát


 
Tác giả: 
 Nam Hoa


Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn
Hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
Và đứng vững trước mặt Con Người.
( Lc 21, 36)


Thánh Giá, Đường giải thoát

Từ sáng, mặt trời đã dấu mặt cho những hạt mưa thi nhau trải lối, tôi chép miệng: Ngày mưa! Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, nhưng tôi thì vẫn cứ phải đi, đội mưa mà đi, nên mưa không còn thi vị nhưng là một ngăn trở, tôi phải cố vượt. Mãi rồi cũng quen với những khó khăn trong đời sống, một lối sống tự chọn cho mình con đường tinh thần nghèo khó, nhiều người cho rằng tôi dỡ hơi, ai đời sống xứ văn minh tân tiến mà lại chê tiện nghi vật chất, chẳng cần chạy theo thì thôi.

Sau công việc, tôi lại vội vả đi nhanh ra trạm bus để đến nhà thờ quen thuộc dự lễ trưa, hy vọng còn giờ chầu Thánh Thể như lòng mong ước. Tuyến đường nầy lần đầu tiên tôi đi nên khá nhiều bỡ ngỡ, phải nhắm hướng để đi không thôi phiền lắm. Mà phiền thật vì tôi lạc hướng ! Ở xứ nầy bao nhiêu năm mà phương hướng tôi vẫn không rành, lại thêm trời mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt, tôi đi như chạy mong tới nhà thờ dù tôi biết đoạn đường nầy tôi phải đi bộ gần một tiếng.

Rồi cũng vào tới nhà thờ, gấp cây dù ướt nhem cho vào một góc, tôi hân hoan bước vào nhà nguyện chầu Thánh Thể, bửa nay con có nhiều chuyện để nói với Chúa lắm nhe, tôi thưa với Chúa vậy vì từ lâu rồi, đối với tôi, Chúa Giêsu Thánh Thể rất rất rất thật. Thường thì tôi hay quì thưa chuyện với Chúa vài phút, rồi bắt đầu lần chuỗi Nhân Hậu, nhưng sao hôm nay cơn mệt lã từ đâu kéo đến, tôi vội vàng ngồi lên, cố gắng giữ nhịp thở đều khi lần chuỗi. Chỉ sau chừng vài phút, chưa hết chục chuỗi đầu tiên, mồ hôi tôi bắt đầu vã ra, rỏ xuống từng giọt dài theo thái dương, chẳng mấy chốc mặt mày tôi ướt đẫm. Mặc dù nhà nguyện không nóng, nhưng cảm giác ngột ngạt làm tôi phải tức khắc bước ra, rời nhà nguyện với lòng buồn bã. Dù biết cơ thể bắt đầu phản ứng với đoạn đường dài đi nhanh dưới mưa khi nảy, tôi vẫn cảm thấy chút tủi thân: Chúa không cho con ở lại đây, đuổi con không cho gần Nhan Thánh sao ?! Ngài thinh lặng mà tôi thì lại âu lo, buồn tủi.

Vào bên trong nhà thờ hãy còn rất vắng vì sớm, chỉ rải rác một hai người, tôi đi lên chọn một chỗ ngồi gần bàn thờ, tiếp tục lần chuỗi đang dỡ dang. Chỉ một lúc sau tôi nhận ra cơn mệt biến đâu mất, mồ hôi cũng ngưng đổ từ hồi nào tôi không hay. Nhà thờ vắng, gần như có mỗi mình tôi ngồi trên cùng, gần bàn thờ và đối diện với cây Thánh Giá to treo trên tường trước mặt. Tôi ngồi đó, nhìn Thánh Giá mà trong bụng vẫn còn buồn buồn vì phải rời nhà nguyện. Nhưng bỗng dưng tôi nhận ra, trước mặt tôi là Thánh Giá với ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh, một ý nghĩ thoáng qua làm tôi lặng người giây lát. Hình như Chúa nói với tôi : Hôm nay Chúa muốn gặp con với gương mặt của Đấng bị đóng đinh và Cây Thánh Giá mà con đang nghĩ tới, con nói tới mấy ngày nay! Thì ra, cách nào đó, Chúa Giêsu mời gọi tôi đến với Cây Thánh Giá và Chúa đang bị treo trên cao, trước mặt, như một an ủi, một lời đáp trả, một cách biểu đồng tình lạ lùng, quá sức hiểu biết của tôi. Tôi lặng nhìn Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh và Cây Thánh Giá của Ngài trước mặt mà nước mắt rưng rưng, con không dám tin mình có được đặc ân quá lớn như vậy. Tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi vang vang trong tâm: “ Chúa ơi, có thiệt vậy hông? Có thiệt Chúa muốn gặp con với gương mặt của Đấng bị treo trên Thánh Giá không? Có thiệt Chúa cũng đồng ý với con không ?!!”. Tôi như chợt hiểu ý nghĩa của Thánh Giá sâu xa hơn, tôi nhìn ngắm gương mặt của Đấng Bị Đóng Đinh, thấy mình khám phá nơi Gương Mặt của Người Tôi Trung đau khổ đó thêm nhiều điều mới.

2000 năm trước Chúa Giêsu đã đến căn nhà nhân loại nầy, sống giữa con người, với con người và gọi họ là anh em, là người nhà của Người (x. Mt 12,46-50). Thời Người rao giảng là lúc xã hội còn chế độ nô lệ, cùng với tâm tình tôn giáo nặng về thần quyền ảnh hưởng của thần thoại đã có trên nhân loại từ thượng cổ. Vùng châu thổ sông Nile, Ai Cập, Do Thái, La Hy, là những nơi xuất phát các nền văn minh huy hoàng rực rở của nhân loại. Nguồn gốc văn hóa La Hy là chiếc nôi cho văn minh văn hóa Âu Châu, Trung Đông và Cận Đông, vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh đến hiện nay. Trong nền văn minh chỉ có Thần, đa Thần hay độc Thần, được coi trọng tôn sùng trên hết con người chỉ là thứ yếu, thậm chí phải hy sinh, sát tế cho Thần để nhân loại được sống; thì Lời rao giảng của Chúa Giêsu là những điều quá mới lạ, xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! (Ga 7,46), đầy uy quyền, làm ngạc nhiên mọi người thuộc mọi giai cấp giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân, tự do hay nô lệ, trong xã hội thời đó. Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em ( Lc 12, 32 ). Lời Người làm đảo lộn trật tự xã hội, Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông (Mt 21, 31). Lời giải thoát con người khỏi những ách ràng buộc nặng nề, đặt lên đầu lên cổ nhân loại từ bấy lâu nay, nâng con người lên, chữa và cứu con người từ thể xác đến tinh thần. Lời trở thành một thách thức cho con người thời đại:Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại nầy, sao các người lại không biết nhận xét ? (Lc 12, 56), đưa con người vào một suy tư mới.

Lời Chúa Giêsu rao giảng 2000 năm trước thật sự là những Lời vô cùng nhân bản, tôn trọng con người, thay đổi quan niệm về Thiên Chúa của dân Do Thái từ một ông Thần trên mãi cao xanh, ban Ơn Lành hay giáng Tai Họa xuống dân, thành một Người Cha rất nhân hậu yêu thương và cứu độ con người, là con cái do chính Ngài tạo dựng. Người đã cho họ nhận biết Cha trên trời vẫn luôn gần gũi, lắng nghe lời kêu than của con cái mình, chậm giận và giàu tình thương, là Thiên Chúa trung thành và chân thật, đáp trả lời họ kêu xin. Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó. Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bò cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài ? ( Lc 1: 9, 11-13). Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người thắm thiết hơn nữa trong chương trình cứu độ Ngài thực hiện cho nhân loại, để giải thoát con người.

Nền văn minh Hy Lạp cổ định nghĩa con người trên nguồn gốc thần minh của các câu chuyện thần thoại. Con người chỉ được tự do khi họ là con đẻ của các thần thánh trên trời, ngoài ra những giòng giống khác đều là nô lệ. Nhưng, hỡi ơi, các ông thần bà thần đã làm đủ thứ chuyện trời ơi để sinh ra con người (!) Loài người như vậy là con của các thần theo nghĩa huyết thống sinh lý. Chính sự xuất sinh do dòng dõi thần minh đó mới đem lại cho con người quyền làm người: vì thế những dân ngoại bang hay người không sinh bởi thần đều là nô lệ không được quyền làm người. Nơi các thần, việc ngoại tình hay cả loạn luân không bị coi là một tội mà chỉ là một truyện thường tình. Thần minh làm chủ tế điều động con người, vì thế niềm tin đó dễ trở thành lực lượng đàn áp biến lịch sử con người thành những trang đẫm máu. ( Kim Định, Nhân Chủ ). Vì bị coi là nô lệ không có quyền làm người, bao nhiêu nhân mạng đã bị sát tế cho thần minh hay trở thành trò tiêu khiển cho những người “ tự do” quyền thế, thì nền văn minh đó chưa thể gọi là nhân bản, chưa giải thoát được con người. Cũng chẳng thể gọi là nhân bản tâm linh cho dù họ có trưng dẫn vô số thần linh gọi là nguồn gốc con người tự do, nhưng kỳ thực đem con người vào tròng nô lệ cho thần minh, thần quyền khủng khiếp hơn.Chính niềm tin này đã đặt nền cho chế độ nô lệ trùm lên đầu có đến bảy tám mươi phần trăm dân chúng. Ta thấy còn xa biết bao họ mới đi đến được nhân bản trung thực, nhằm giải thoát mọi người ( Kim Định, sđd). Chống đối lại thần minh thì bị xử tử như trường hợp nhà hiền triết nổi tiếng Socrate.

Trong thế giới văn minh hiện nay, chế độ nô lệ thần quyền xa xưa có thực sự được xóa bỏ chưa, hay chỉ là một biến thái nô lệ hóa con người dưới một hình thức mới, tinh vi hơn mà cũng độc ác hơn? Những gì đang xảy ra tại Trung Đông, vùng đất của thần quyền từ rất lâu đời, đã đủ bằng chứng cho người ta nhìn thấy những bạo tàn do con người gây ra nhân danh Thần Quyền đàn áp và tiêu diệt con người dựa trên đức tin của họ? Họ sẽ khai trừ anh em ra khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ mà kẻ nào giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa ( Ga 16, 2). Những biến cố đang xảy ra ngày nay tại Trung Đông ở thời đại nầy vì thực sự con người đã bị coi thường, nhân bản đã bị chối bỏ từ bao đời nay, bây giờ là lúc hậu quả của sai lầm đó hiển hiện cho người ta có cơ hội gẫm suy.

Ngày trước, Chúa Giêsu đã đưa ra thách đố thay đổi tận nền móng: “ Các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” ( Ga 2, 19)  để đã phá ngôi đền thờ đặt trên nền móng Thần Quyền, chà đạp con người, mà nhiều lần Người đã lên tiếng cảnh báo họ; và để thay thế Người sẽ xây dựng lại một Đền Thờ mới, một tôn giáo mới đặt nền tảng trên Con Người. Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người. ( Ga 2, 21). Chính vì một thách đố vô cùng nhân bản, đưa Con Người thoát khỏi thế lực đền thờ ẩn dưới quyền lực Thiên Chúa, Đức Giêsu bị kết án tử. Đám đông còn bám vào thần thoại như bám lấy tấm ván cứu rỗi. Khi đám đông thấy có người muốn vất tấm ván đó thì tất nhiên họ phải tự vệ, họ coi cái mớ tin tưởng kia quan trọng như một sống một còn, không phải của riêng ai mà là của cả một dân tộc, một quốc gia, là hương hoa tinh thần đảm bảo an ninh cho đất nước cũng như cho từng cá nhân, nên coi những người đả động đến cái di sản thiêng liêng đó là những tội nhân, vi phạm đến cái cốt tuỷ, cái hồn thiêng của họ.... Là kế hoạch kẻ cai trị cố duy trì làm phương thế, bắt đại chúng vâng phục nhà cầm quyền thì khó, nhưng nói phải vâng phục thần minh thì dễ: tất cả trong dân gian đều tin như thế và đều kính sợ thần uy lực hơn con người biết bao: vâng phục thần là chí lý, mà không ngờ đứng sau thần minh là các nhà chuyên chế.( Kim Định, Nhân Chủ). Để lên án tử hình Chúa Giêsu, các thượng tế, các lãnh binh Đền Thờ, và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm cách buộc tội Người bằng lời chứng: “ Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày, sẽ xây dựng lại” ( Mt 26, 61). Một lời nói ngay lành từ đầu bị xuyên tạc làm sai lệch ý nghĩa, trở thành ác ý buộc tội Con Người, Đức Giêsu đã bị đem đi đóng đinh từ cách diễn giải đầy ác ý đó.

Ngày nay, đọc lại Lời Chúa trong Phúc Âm, người ta có nghe được Lời Cứu Độ rất nhân bản, chân thật mà cũng rất quyết liệt từ Đấng Cứu Thế 2000 năm trước cho đến ngàn ngàn năm sau và mãi mãi, nhằm giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm, dùng xiềng xích tội lỗi, kể cả hình thức đạo đức bên ngoài để trói buộc, chà đạp phẩm giá và nô lệ hóa con người để giết chết tinh thần con người, đưa nhân loại vào đường hủy diệt của vô vọng. Chúa Giêsu không chỉ nói về một nhân bản suông, Người đã đón nhận thập giá từ Sự Dữ trong thế gian để đi trọn Đường Cứu Chuộc, biến thập giá thành Thánh Giá Cứu Độ, dấu chỉ của Hy Vọng, dấu chỉ Phục Sinh, để phục hồi nhân phẩm, nâng dậy loài người sa ngã, đưa nhân loại vào Trời Mới của đời sống Tự Do đích thực, nơi đó mọi Con Người được tôn trọng với nhân phẩm bình đẳng trước Thiên Chúa là Người Cha vô cùng yêu thương con người, mỗi một người, không loại trừ ai.

Nhân bản mà Chúa Kitô giảng dạy là Nhân Bản đặt trên nền tảng Tâm Linh, khác với thứ nhân bản đầy sai lầm và thiếu sót của con người tìm kiếm để tự giải thoát mình. Nền Nhân Bản Tâm Linh thực sự là nhân bản trung thực nhằm giải thoát con người.(Kim Định, Nhân Chủ). Nhân bản trung thực gồm bên trong là chiều kích siêu linh, bên ngoài là trù liệu cho mọi người được tự do và độc lập trong tài sản.( sđd ) Trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã thiết lập phép Thánh Thể để ở lại với loài người, nuôi dưỡng chiều kích siêu linh vô cùng cần thiết cho con người tâm linh bên trong của nhân loại để chống lại quyền lực tối tăm. Bên ngoài, giáo lý của Người nhằm giải thoát con người khỏi vòng kiềm tỏa của vật chất, quyền hành và danh vọng, là những điều thế gian coi trọng nhưng lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa, mà thế gian dùng để nô lệ hóa và tiêu diệt con người mà người ta bắt đầu nhận ra qua những biến cố bên ngoài đang đưa nhân loại đến bờ diệt vong, ai cũng nhìn thấy.

Chúa Giêsu đã giúp loài người tái lập mối liên hệ mật thiết giữa loài người và Thiên Chúa, Cha Nhân Lành của họ. Giúp con người tìm được nguồn gốc Tự Do đích thực vì Cha là Đấng vô cùng Tự Do. Chính Thiên Chúa là Cha đã mặc lại cho con người chiếc áo Tự Do của quyền Làm Người, giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ lầm than, cho họ được thừa hưởng gia sản của quyền làm Con Thiên Chúa. Chính Người đã nâng họ dậy, đặt họ lên đỉnh núi vượt chốn bùn lầy lưu tục, để họ nghe được Tiếng Người, thấy được Mặt của Đấng là Sự Sống giữa phong ba cuồng nộ trong thế giới ngày nay. Nhưng đừng sợ,khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hảy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc ( Lc 21,28)  

Đường Thánh Giá, đường cứu chuộc mà Chúa Giêsu Kitô đã đi, thật sự là Con Đường Giải Thoát loài người khỏi quyền lực tối tăm, khỏi giam cầm của tội lỗi, thoát ách bạo quyền và những ràng buộc nô lệ hóa con người của thế gian. Thánh Giá là dấu hiệu Cứu Độ, dấu chỉ Phục Sinh mà Thiên Chúa đã dùng để tái sinh nhân loại. Ngước nhìn Thánh Giá, chiêm ngắm gương mặt của Đấng bị đóng đinh, tôi nhìn thấy con Đường Sự Sống thật bao la đàng sau hình ảnh kinh hoàng của thập giá.

Đông phương có một cái nhìn rất hay về Thập Giá: : Cha trời Mẹ đất sinh ra con người Đại Ngã tâm linh “Nhân hoàng” có tước Vương đóng vai Trung gian căn để cho trời cùng đất. Thiên Nhân Địa. Nhân giữ vai trò trung ương làm nơi giao điểm của đất trời dưới biểu tượng Thập tự nhai + do đất góp nét ngang, trời góp nét dọc. Thế rồi trời che lên trên, đất chở ở dưới thập tự nhai làm thành chữ Vương, vì thế mà có tước Nhân hoàng, hay là Nhân chủ cũng vậy.( Kim Định, Nhân Chủ, Địa vị Con Người trong Tam Tài).  Thật là một kỳ tích trùng hợp với Kinh Thánh khi Chúa Giêsu được xưng tụng là Vua trên Thập Giá. Chính trên Thánh Giá, Người khai mở cho nhân loại một vương quốc mới, Vương Quốc Tình Thương của Thiên Chúa và Lòng Nhân nơi Con Người. Chúa Kitô thật sự là Con Người Đại Ngã Tâm Linh theo vũ trụ quan của Đông Phương mà mọi cá nhân, tiểu ngã, phải hướng về để kết hợp với Người là vị Vua Nhân Ái của nhân loại. Nơi Người, Đông và Tây phương gặp nhau trong hài hòa của Thiên Lý, thật sự đem Bình An, đem Thái Hòa về cho con người, cho thế giới. Thánh Giá là nơi nhân bản trung thực của con người được nhận biết, vì chính trên Thánh Giá nhân sinh quan mới về Con Người được hiển hiện cho muôn dân muôn nước nhận ra Sự Thật sau cùng, lớn lao nhứt, không ai còn chối cải được từ Đông sang Tây đều phải công nhận là Chân Lý: Trên Thánh Giá, Vị Nhân Hoàng của loài người đã hiển dung, là Đấng kết hợp được nguồn Sống thiêng liêng của Trời và Đất, được sinh ra bởi Thiên Chúa và con người, Đức Maria. Sự Thật ấy giải thoát tất cả chúng ta ( x. Ga 8, 32 ), đem con người vào Sự Sống đời đời, cuộc sinh sinh trường tồn của nhân loại, là Thánh Ý của Chúa Cha ( x. Ga 12, 50). Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô kéo mọi người lên với Người trong địa vị Nhân Hoàng của vũ trụ, để cùng với Người làm chủ công trình sáng tạo, là ý định từ thưở ban đầu, từ muôn thưở của Đấng Tạo Thành.

Sau Thánh Lễ khi mọi người ra về, tôi nán lại nhà thờ một lúc để nhìn ngắm Thánh Giá và gương mặt của Đấng Cứu Thế để hiểu được Thánh Giá, Đường giải thoát nhân loại trong mầu nhiệm lạ lùng, khai mở Triều Đại Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, con biết từ hôm nay hình ảnh Chúa bị đóng đinh và Thánh Giá sẽ khắc ghi thật đậm nét vào Tâm Tư con, không bao giờ phai. Gương Mặt Đấng Cứu Thế mà thế gian nhìn như một tội nhân, lại là gương mặt của Đấng Cứu Độ, giải thoát loài người. Hôm nay con đến đây, được nhìn thấy Chúa bị treo trên Thánh Giá kia, không phải là lời đồng ý của Chúa dành cho con; nhưng thật ra là vì con đã đồng ý với Chúa. Con đồng ý với những Lời rao giảng từ 2000 năm trước của Chúa, con đồng ý với Lời trao ban hôm nay qua Thần Khí Hằng Sống của Chúa. Con đồng ý cách Chúa được sinh ra,Làm Người, trong cách Chúa sống và cả cách Chúa chọn cho mình cái chết quá thương tâm để cứu con, cũng như giải thoát nhân loại. Bởi ý hợp nên Tâm đầu, con hoàn toàn vâng phục và bước theo con Đường Chúa đi, dù đối với con Thánh Giá quá lớn mà sức con thì hèn yếu. Xin giúp con được cùng đi với Chúa để trong mọi nẻo đường, mọi biến cố xảy đến cho con, con đều nghe được Lời Chúa bảo ban con, nhìn thấy được sự hiện diện của Chúa trong thế giới nầy để luôn sống với niềm vui Có Chúa.

Lạy Mẹ Maria, con biết Mẹ vẫn kề cận bên con vì dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Mẹ đã nhận lời làm Mẹ chúng con. Trong mọi nỗi vui, buồn, gian nan hay sợ hãi, Mẹ vẫn ở đây với con. Xin trợ giúp con luôn trong đời sống đầy biến động nầy, để con luôn vững tâm bước đi trên Đường của Thánh Tử Mẹ, không lo âu, xao xuyến. Xin nhậm lời con, hỡi Mẹ của con.

Nam Hoa
  http://www.thanhlinh.net/node/92257

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét