Trang

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thứ Ba sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Thứ Ba sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 14, 21 - 15, 1
"Con cái Israel đi qua giữa biển ráo chân".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, khi Môsê giơ tay trên biển, thì bằng một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, Chúa dồn biển lui và làm cho biển khô cạn. Nước rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước dựng lên như bức thành hai bên tả hữu. Người Ai-cập đuổi theo, toàn thể binh mã của Pharaon, chiến xa và kỵ binh đi theo sau Israel vào giữa lòng biển.
Lúc gần sáng, qua cột mây lửa, Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người lật đổ bánh xe, khiến xe tiến tới thật vất vả. Người Ai-cập nói: "Ta hãy chạy trốn Israel, vì Chúa chiến đấu giúp họ, chống chúng ta".
Chúa phán bảo Môsê: "Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng". Môsê giơ tay trên biển, và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng như bức thành hai bên tả hữu.
Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập, toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ Người.
Bấy giờ Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này: "Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì uy linh Người cao cả, Người đã ném ngựa và người xuống biển khơi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Xh 15, 8-9. 10 và 12. 17
Ðáp: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả (c. 1a).
Xướng: 1) Gió hận thù của Chúa thổi lên dồn nước đông lại, những dòng nước đứng dựng lên như thể bức tường, sóng cả vực sâu đông đặc giữa biển khơi. Tên địch tự nhủ: "Ta rượt theo và truy nã, ta sẽ tuốt gươm ra, tay ta sẽ lột trần bọn chúng". - Ðáp.
2) Nhưng Chúa đã thổi gió lên, biển đã nuốt trơn quân thù, chúng chìm lỉm như hòn chì giữa nước biển bao la. Chúa giơ tay hữu ra, đất đã nuốt trửng quân thù, vì tình thương Chúa lãnh đạo dân tộc Người giải thoát. - Ðáp.
3) Chúa sẽ đưa họ tới và định cư trên núi thuộc cơ nghiệp Người; ở chính nơi mà Chúa đã chọn làm nhà trú ngụ, lạy Chúa, nơi thánh điện mà tay Chúa đã dựng nên. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thực Hành Lời Chúa
Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 16 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Exo 14:21-15:1; Mt 12:46-50.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Có thể nói cuộc đời con người là một mầu nhiệm, vì chúng ta không luôn luôn hiểu rõ những gì chúng ta phải làm; nhưng chúng ta vẫn thi hành những gì Thiên Chúa muốn, vì chúng ta tin tưởng vào sự thương yêu và uy quyền của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chỉ khi nhìn thấy kết quả sau này chúng ta mới nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thi hành thánh ý Thiên Chúa mặc dù chúng ta không luôn hiểu rõ ràng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel dưới sự chỉ đạo của Moses, xuất hành khỏi Ai-cập mà không biết phải làm sao; nhưng khi đã an toàn vượt qua Biển Đỏ, họ mới nhận ra uy quyền và sự thương yêu của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là điều kiện để trở thành phần tử trong đại gia đình của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Israel nhìn thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập.
1.1/ Cuộc vượt Biển Đỏ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa truyền cho Moses giơ tay trên mặt biển, để khiến nước của Biển Đỏ rẽ ra làm hai, tạo thành một lối đi giữa biển cho dân Israel băng qua. Trình thuật kể: "Ông Moses giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu."
Thấy dân Israel đi giữa biển được, quân Ai-cập đuổi theo sau cũng tiến vào; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pharao tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Israel. Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: "Ta phải trốn bọn Israel, vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ."
Nhưng đã quá trễ để quay đầu trở lại... Khi dân Israel đã lên bờ bên kia hết, Đức Chúa phán với ông Moses: "Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng." Ông Moses giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharao đã theo dân Israel đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót.
1.2/ Dân Israel nhận ra và ngợi khen uy quyền của Thiên Chúa: "Ngày đó, Đức Chúa đã cứu Israel khỏi tay quân Ai-cập. Israel thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Moses, tôi trung của Người."
Chiến thắng Biển Đỏ hoàn toàn do uy quyền của Thiên Chúa. Như ông Moses báo trước cho dân Israel: Họ không cần phải giao chiến, chỉ cần đứng nhìn xem cánh tay uy hùng của Thiên Chúa sẽ nhận chìm quân đội của vua Pharao dưới lòng biển.
Mỗi năm, dân tộc Israel nhớ lại cuộc Xuất Hành của mình ra khỏi Ai-cập và chiến thắng huy hoàng của Thiên Chúa trên Biển Đỏ, để nhắc nhở cho nhau biết tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Với chân không, đoàn di dân cả hàng triệu người, chưa kể súc vật đã vượt qua Biển Đỏ ráo chân. Với tay không, họ đã chiến thắng vẻ vang trên quân đội hùng mạnh và tinh nhuệ của Ai-cập. Họ có thể làm được chuyện này vì bàn tay của Thiên Chúa ở với họ. Dân Israel muốn nhắc nhở cho nhau trong đêm này: Đừng bao giờ quên tình thương và uy quyền của Thiên Chúa.
Bài ca chiến thắng của nữ tiên tri Miriam: Bấy giờ ông Moses cùng với con cái Israel hát mừng Đức Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng: "Tôi xin hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng:
Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương." Lời Việt mà các ca đoàn hát trong Bài Đáp Ca của Đêm Phục Sinh: "Vang lên muôn lời ca, ta ca tụng Chúa, vì uy danh Ngài cao cả à á a. Chiến mã với kỵ binh, Người đã quăng chìm đáy biển à á a."
2/ Phúc Âm: Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.
2.1/ Thi hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa:Khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1) Mọi người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2) Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời. Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).
2.2/ Đức Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn ba nét chính:
(1) Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền" (Lk 1:38).
(2) Tại tiệc cưới Cana: Khi nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa: "Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn căn dặn gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Jn 2:4-5).
(3) Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong cuộc đời, chúng ta không luôn sống theo sự hiểu biết; vì có những lúc chúng ta phải sống bằng đức tin qua việc làm theo thánh ý của Thiên Chúa.
- Chúng ta làm theo thánh ý Thiên Chúa vì chúng ta tin tưởng Ngài là Thiên Chúa có quyền trên mọi sự và thương yêu chúng ta hơn bất cứ ai trong cuộc đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét