Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

(9) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương III)

(9) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương III)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương III

Gia đình và việc đồng hành của Giáo Hội

Chăm sóc mục vụ cho các cặp kết hôn dân sự hay sống chung với nhau

98. (41) Trong khi tiếp tục công bố và phát huy hôn nhân Kitô Giáo, Thượng Hội Đồng cũng khuyến khích việc biện phân về phương diện mục vụ các hoàn cảnh của rất nhiều người không còn sống thực tại này nữa. Bước vào cuộc đối thoại mục vụ với những người này là điều cần thiết để phân biệt được các yếu tố nào trong đời sống họ có thể phát huy được việc phúc âm hóa cũng như việc phát triển nhân bản và thiêng liêng. Một yếu tố mới trong hoạt động mục vụ ngày nay là sự nhậy cảm đối với các khía cạnh tích cực của các cuộc hôn nhân cử hành theo dân luật và việc sống chung, tuy có nhiều dị biệt. Dù trình bày sứ điệp Kitô Giáo cách minh bạch, Giáo Hội cũng vẫn cần phải chỉ ra các yếu tố xây dựng trong các tình huống này, những tình huống chưa hoặc không còn tương hợp với sứ điệp này nữa.

99. Vì Bí Tích Hôn Phối là sự kết hợp trung thành bất khả tiêu và độc chiếm giữa một người đàn ông và một người đàn bà được mời gọi tiếp nhận lẫn nhau và đón chào sự sống, nên hôn nhân Kitô Giáo là một ơn phúc lớn lao đối với gia đình nhân loại. Giáo Hội có nhiệm vụ và sứ mệnh công bố ơn phúc này cho mỗi người trong mọi hoàn cảnh. Giáo Hội cũng phải đồng hành với những người kết hôn dân sự và những người sống chung với nhau trong việc họ dần dần khám phá ra “hạt giống Lời Chúa” vốn nằm dấu ẩn đâu đó, để họ biết trân qúy các hạt giống này cho tới khi đạt được sự viên mãn của việc kết hợp trong Bí Tích.

Con đường dẫn tới Bí Tích Hôn Phối

100. (42) Các nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng ghi nhận rằng tại nhiều quốc gia, “càng ngày càng có nhiều người muốn sống thử (ad experimentum) với nhau, trong những cuộc kết hợp chưa được nhìn nhận về phương diện tôn giáo hay dân sự (Instrumentum Laboris, 81). Ở một số nước, việc này đặc biệt diễn ra trong các cuộc hôn nhân truyền thống được xếp đặt giữa các gia đình và thường được cử hành trong nhiều giai đoạn khác nhau. Ở một số nước khác, người ta được chứng kiến sự gia tăng liên tục con số những người, sau khi sống chung với nhau một thời gian dài, yêu cầu được cử hành hôn lễ trong Giáo Hội. Chỉ đơn giản sống chung với nhau thường là một lựa chọn dựa trên thái độ tổng quát chống lại bất cứ điều gì có tính định chế hay dứt khoát; nó cũng có thể được lựa chọn trong khi chờ có nhiều an toàn hơn trong cuộc sống (việc làm ổn định và thu nhập đều đặn). Cuối cùng, ở một số nước, các cuộc hôn nhân trên thực tế (de facto) khá phổ biến, không những chỉ vì người ta bác bỏ các giá trị liên quan tới gia đình và hôn nhân mà chủ yếu vì việc cử hành hôn nhân bị coi là quá tốn kém trong nhiều hoàn cảnh xã hội. Thành thử, cảnh nghèo vật chất dẫn người ta tới các cuộc kết hợp trên thực tế.

101. (43) Tất cả các tình huống trên đòi hỏi một đáp ứng xây dựng, tìm cách biến đổi chúng thành các cơ hội có thể dẫn người ta tới sự viên mãn của hôn nhân và gia đình phù hợp với Tin Mừng. Các cặp này cần được chuẩn bị đầy đủ và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và khôn ngoan. Ý thức được điều này, chứng tá các gia đình Kitô hữu chân chính sẽ đặc biệt quan trọng và đầy lôi cuốn như những tác nhân phúc âm hóa gia đình.

102. Việc chọn kết hôn dân sự hay, trong một số trường hợp, chỉ đơn giản “sống chung với nhau” ít khi do thiên kiến hay ác cảm đối với việc kết hợp bí tích, nhưng đúng hơn được liên kết với các tình huống văn hóa hay ngẫu nhiên mà thôi. Trong nhiều hoàn cảnh, quyết định sống chung với nhau là dấu chỉ một mối liên hệ muốn được tự cấu trúc hóa và mở cửa đón nhận viễn ảnh viên mãn. Ý muốn này, một ý muốn tự diễn dịch bằng một dây liên kết lâu dài, có tính bền vững và chào đón sự sống, có thể được coi như một điều kiện giúp bước vào hành trình tăng trưởng có thể dẫn tới khả thể hôn nhân bí tích; khả thể hôn nhân bí tích này nên được công bố như một ơn phúc nhằm phong phú hóa và củng cố đời sống hôn nhân và gia đình, hơn là như một lý tưởng khó đạt tới.

103. Để giải quyết nhu cầu mục vụ này, các thành viên của cộng đồng Kitô hữu, nhất là ở bình diện địa phương, phải làm việc với nhau để tăng cường cách tiếp nhận người ta vào cộng đồng của mình. Các động lực trong các liên hệ mục vụ trên bình diện bản thân có thể cung cấp nền tảng vững chắc cho một phương pháp giáo huấn có thể phát huy được việc từ từ mở tâm trí ra đón nhận sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa, nhờ được gợi hứng bởi ơn thánh và có thái độ tôn kính. Về phương diện này, các gia đình Kitô hữu nào biết làm chứng cho chân lý của Tin Mừng, bằng chính đời sống của mình, đều có một vai trò quan trọng để đóng.

Chăm sóc các gia đình bị thương tích (Những người ly thân, ly dị nhưng không tái hôn, ly dị và tái hôn, và các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn lẻ)

104. (44) Nên dành cho các cặp vợ chồng có vấn đề trong mối liên hệ của họ khả thể biết trông cậy vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của Giáo Hội. Việc mục vụ bác ái và từ tâm phải tìm cách giúp người ta phục hồi và tái lập mối liên hệ của họ. Kinh nghiệm cho hay: với sự trợ giúp thích đáng và các hành vi hoà giải, nhờ ơn thánh, rất nhiều cuộc hôn nhân gặp trở ngại đã tìm được giải pháp một cách thỏa đáng. Biết cách tha thứ và cảm nhận được tha thứ là cảm nghiệm nền tảng trong cuộc sống gia đình. Sự tha thứ giữa vợ và chồng cho phép họ cảm nghiệm được một tình yêu khôn cùng, không bao giờ qua đi (xem 1Cor 13:8). Đôi khi, điều này khá khó khăn, nhưng những ai đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa đều được ban sức mạnh để có thể tha thứ đích thực giúp hồi sinh con người.

Sự tha thứ trong gia đình

105. Trong các mối liên hệ gia đình, nhu cầu hoà giải là điều gần như xẩy ra hàng ngày vì nhiều lý do đa dạng. Các việc hiểu lầm do các mối liên hệ trong gia đình người ta, các va chạm do các thói quen khác nhau đã bén rễ từ lâu, các phương thức đa dạng trong việc nuôi dưỡng con cái, lo âu trước các khó khăn kinh tế và các căng thẳng phát sinh từ việc mất việc chỉ là một số ít trong các lý do hiện đang tạo ra tranh chấp. Việc giải quyết các tình huống này đòi một sự sẵn sàng liên tục để hiểu ngưòi khác và tha thứ cho nhau. Nghệ thuật cam go để tái lập yên hàn cho mối liên hệ đòi hỏi không những sự trợ giúp của ơn thánh mà cả việc sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Về phương diện này, cộng đồng Kitô hữu phải chứng tỏ mình thực sự sẵn sàng cung hiến sự trợ giúp này.

Các tình huống đau lòng nhất, như bất trung hôn nhân, đòi phải có việc sửa chữa thích đáng được cả hai người coi là khả hữu. Liên hệ vợ chồng nào bị đổ vỡ cũng có thể được tái lập; niềm hy vọng này cần được giảng dạy ngay ở đầu việc chuẩn bị hôn nhân.

Ở đây, cần phải nhắc nhớ sự quan trọng của hành động Chúa Thánh Thần trong việc chăm sóc các người và các gia đình bị thương tổn, và sự cần thiết của con đường thiêng liêng được đồng hành bởi các thừa tác viên có chuyên môn. Thực vậy, đúng là Chúa Thánh Thần, “Đấng mà Giáo Hội gọi là ‘ánh sáng lương tâm’ luôn vào sâu và đổ đầy ‘tận đáy trái tim con người’. Nhờ một hồi hướng như thế trong Chúa Thánh Thần, mà người ta mở lòng ra để tha thứ” (DeV, 45).

"Dòng sông vĩ đại của lòng thương xót"

106. (45) Sự cần thiết của việc phải đưa ra các lựa chọn can đảm về mục vụ được thấy rất rõ tại Thượng Hội Đồng. Bằng cách mạnh mẽ tái xác định lòng trung thành của mình đối với Tin Mừng Gia Đình và thừa nhận rằng ly thân và ly dị luôn là những vết thương gây nên đau khổ sâu xa cho các cặp vợ chồng và con cái họ, các nghị phụ thượng hội đồng cảm thấy cần phải khẩn cấp khởi diễn một tiến trình mục vụ mới đặt căn bản trên thực tại yếu đuối hiện nay bên trong gia đình, vì biết rằng người ta thường phải "chịu đựng" các yếu đuối này hơn là tự do chọn lựa chúng. Đây là các tình huống thay đổi theo các nhân tố bản thân, văn hóa, và kinh tế xã hội. Lối xem xét dị biệt hóa, vì thế, là điều cần thiết, như đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gợi ý (xem Familiaris Consortio, 84).

107. Gần như ai cũng đồng ý rằng việc chăm sóc các gia đình bị thương tổn và giúp họ cảm nghiệm được lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa là điều nền tảng. Tuy nhiên, người ta rất khác nhau về phương thức phải dùng. Một đàng, một số người nghĩ cần phải khuyến khích những người đang sống trong các liên hệ không phải là vợ chồng dấn thân vào con đường trở về. Đàng khác, nhiều người lại ủng hộ việc mời gọi những người này nhìn về phía trước, bỏ lại cái nhà tù giận dữ, thất vọng, đau đớn và cô đơn của họ và tiếp tục con đường phía trước. Dù sao, người khác bảo, nghệ thuật đồng hành đòi phải có diễn trình biện phân khôn ngoan và thương xót, cũng như khả năng nắm bắt một cách cụ thể tính đa dạng của các tình huống.

108. Mọi người cần nhớ rằng sự thất bại của hôn nhân luôn là sự thất bại đối với mọi người. Thành thử, sau khi ý thức được trách nhiệm riêng của mình, mỗi người cần lấy lại được lòng tin và lòng hy vọng. Mọi người cần phải cho đi và nhận lãnh lòng thương xót. Dù sao, công lý phải được phát huy cho mọi phía có liên hệ tới cuộc hôn nhân thất bại (các người phối ngẫu và con cái).

Giáo Hội có bổn phận yêu cầu các người phối ngẫu ly thân và ly dị phải hành xử một cách tôn trọng và thương xót, nhất là vì thiện ích của con cái; không nên bắt chúng phải chịu đau khổ thêm nữa. Một số người kêu gọi Giáo Hội bày tỏ cùng một thái độ như thế đối với những người thất bại trong hôn nhân. “Từ trái tim Chúa Ba Ngôi, từ thẳm sâu lòng thương xót của Thiên Chúa, dòng sông vĩ đại của lòng thương xót đã vọt lên và chẩy tràn không thôi. Nó là mạch suối không bao giờ cạn, bất kể số người đến đó múc nước. Mỗi lần ai đó cần đến, họ đều có thể tiến lại gần, vì lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chấm dứt” (MV, 25).

Nghệ thuật đồng hành

109. (46) Nhưng trên hết, mọi gia đình phải được đối xử một cách kính trọng và thương yêu, và được đồng hành trong cuộc hành trình của họ như Chúa Kitô từng đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau. Đối với các tình huống này, lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có giá trị hết sức đặc biệt: “Giáo Hội phải khai tâm mọi chi thể của mình, cả linh mục, tu sĩ lẫn giáo dân, về ‘nghệ thuật đồng hành’ này, một nghệ thuật dạy ta phải biết bỏ giầy dép của mình ra trước mảnh đất thánh thiêng là người khác (xem Xh 3:5). Phải dành cho con đường đồng hành của ta một nhịp độ gần gũi có tính cứu vớt, với một thái độ kính trọng và đầy cảm thương, nhưng đồng thời chữa lành, giải thoát và khuyến khích việc chín mùi trong đời sống Kitô hữu” (Evangelii Gaudium, 169).

110. Nhiều người hài lòng với việc Thượng Hội Đồng nhắc tới hình ảnh Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau. Đối với Giáo Hội, xích lại gần gia đình như người cùng đi trên đường đồng hành là tiếp nhận não trạng khôn ngoan và dị biệt hóa. Có lúc, điều này có nghĩa ở bên cạnh người ta và lắng nghe họ trong im lặng; có lúc, đứng ở đàng trước để chỉ đường tiến lên; và có lúc, đứng ở phía sau để nâng đỡ và khuyến khích. Giáo Hội biến lối hành động này thành của riêng mình bằng cách chia sẻ các niềm vui và hy vọng, các niềm u sầu và lo lắng của từng gia đình.

111. Trong việc chăm sóc mục vụ gia đình, có nhiều dấu chỉ cho thấy: các phong trào và hiệp hội trong Giáo Hội đang cung hiến sự giúp đỡ lớn lao; trong các tổ chức này, khía cạnh cộng đồng vốn được nhấn mạnh và được đem ra sống. Đồng thời, điều cũng không kém quan trọng là phải chuẩn bị các linh mục một cách chuyên biệt cho thừa tác vụ an ủi và chăm sóc này. Nhiều người bầy tỏ ý muốn thấy các trung tâm chuyên biệt được thiết lập, trong đó, các linh mục và/hoặc các tu sĩ có thể học cách chăm sóc các gia đình, nhất là những gia đình đang chịu thử thách gay go, và có thể dấn thân vào việc đồng hành với họ trong cộng đồng Kitô hữu, là cộng đồng không phải lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ nhiệm vụ này cách thỏa đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét