Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

CHÚA GIÊSU LÀ CHỦ LỊCH SỬ


CHÚA GIÊSU LÀ CHỦ LỊCH SỬ
CN II MÙA CHAY

Bức tranh của cuộc Hiển dung trên núi cao có ba nhân vật chính, đáng để chúng ta chiêm ngắm: Đó là hai nhân vật vĩ đại bước ra từ Cựu Ước, cả hai cùng là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa: ông Môsê và tiên tri Êlia. Và một nhân vật đại diện Tân Ước, mang tầm mức vĩnh cửu, là trung tâm của lịch sử cứu độ: Chúa Giêsu.

1. Vẻ rạng ngời của hai con người Cựu Ước.

Ông MôsêĐược Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành chủ nhân của hành trình vượt qua kỳ diệu, một hành trình thần thánh của dân Chúa. Vì thế, hành trình vượt qua ấy đã làm cho ông nổi bậc, chiếm vị trí quan trọng.

Ông Môsê không chỉ là nhà lãnh đạo, mà còn là nhà giải phóng dân tộc lừng danh. Chính Thiên Chúa ở cùng ông. Người dùng ông như công cụ đặc biệt và riêng biệt của Người để đem dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Aicập.

Ông đã nhận từ chính Thiên Chúa bia đá ghi khắc Mười Giới Răn. Mười Giới Răn ấy vừa là dấu chỉ của Giao Ước, vừa tượng trưng cho Lề Luật mà Thiên Chúa đòi dân của Người phải tuân giữ.

Ông Môsê đóng vai trò tư tế hướng dẫn dân trung thành với giao ước của Chúa. Ông còn là tư tế vì đại diện toàn dân dâng lên Chúa sự tôn thờ rất đẹp lòng Chúa. Ông đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ là trung gian tốt lành giữa Thiên Chúa và dân của Người, chuyển đạt ý Thiên Chúa cho dân, chuyển đạt ước nguyện của dân lên Thiên Chúa.

Chính ông thiết lập hàng tư tế hoạt động muôn đời cho Thiên Chúa, cho dân. Ông là nhà lập luật, khi ông vâng lệnh Chúa đem luật của Chúa đến cho loài người. Ông là đại tiên tri khi trực tiếp lãnh nhận lời Thiên Chúa để nói cho toàn dân.

Ông còn đóng vai trò mục tử dẫn dân tiến về Đất hứa mà Thiên Chúa đã hứa với Tổ phụ Apraham từ xưa. Dù chỉ là thành phần trong đoàn con cháu tổ phụ Abraham, nhưng có thể coi ông Môsê là tổ phụ nối tiếp vai trò các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob vì cưu mang dân Thiên Chúa. Ông là con người của lịch sử, lập trang sử mới cả về đời sống trần thế lẫn đời sống đức tin…

Ông Môsê là nhân vật quan trọng còn vì tất cả những gì ông có, để báo trước kỷ nguyên mới của thời Tân ước. Chính ông là sự chuẩn bị và loan báo Đấng cao trọng tuyệt đối sẽ hoàn tất ơn cứu độ của Tiên Chúa, nhưng không xuất phát từ loài người, mà chính là Con Thiên Chúa.

Vị trí của ông Môsê được Tân ước ghi nhận: “Những người tin vào ông Môsê, thật sự là tin vào Đức Kitô, và gương mặt của họ cũng như gương mặt của Môsê phản ánh vinh quang của Chúa” (2 Cr 3, 18).

Tiên tri Êlia: sứ giả vĩ đại được Thiên Chúa trao sứ mạng củng cố lòng tin của dân Israel vào lời hứa của Giao Ước mà Thiên Chúa đã cam kết với tổ tiên họ là các tổ phụ Apraham, Isaac, Giacob. Ông lànhà tiên tri lớn nhất trong các tiên tri. Qua ông, Chúa trực tiếp phán cách đặc biệt với loài người.

Tiên tri Êlia là con người của sự dũng cảm. Ông bất chấp mọi đau khổ, mọi đe dọa, trung thành và bền bỉ chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng. Đã có lần, một mình ông oai hùng chống trả với 450 tư tế của thần Baan, những kẻ mà hoàng hậu Izabel đưa vào đất nước (1V 18, 1tt).

Qua lòng trung thành với Thiên Chúa, tiên tri Êlia minh chứng cho dân biết rằng, chỉ có một mình Thiên Chúa là Thần. Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ. Chỉ có một mình Thiên Chúa mạnh mẽ không gì bằng. Chỉ có một mình Người quyền năng vô biên.

Tiên tri Êlia cũng bênh vực quyền con người, mạnh mẽ chống áp bức người nghèo. Sách Các Vua quyển I còn ghi nhận câu chuyện tàn độc mà hoàng hậu Izabel và vua Akhab đã thực hiện để chiếm đoạt vườn nho của Nabot (1V 21).

Sự tàn độc ấy đã bị tiên tri Êlia nghiêm khắc lên án: “Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại còn chiếm đoạt nữa ư?... Tại chính nơi chó đã liếm máu nabot, thì cho cũng sẽ liếm máu ngươi… Đức Chúa cũng tuyên phạt Izabel: Chó ăn thịt Izabel trong cánh đồng Gitrơe” (1V 21, 17-23).

Đúng như lời tiên tri Êlia, cái chết thê thảm của Akhab và Izabel được thuật lại sau đó trong 1V 22, 34-38 và 2V 9, 30-37.

Cả ông Môsê và tiên tri Êlia: đều có những giờ phút tiếp xúc với Thiên Chúa trên đỉnh núi. Ông Môsê đã sáng ngời khuôn mặt sau khi đã gặp gỡ Chúa. Tiêng tri Êlia gặp Chúa trên núi Khorep trong tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ.

Cái chết của hai con người cao cả này cũng đặc biệt kỳ lạ. Dù chết đơn độc trên núi Nêbô, nhưng ông Môsê lại được “Đức Chúa chôn người trong thung lũng tại xứ Môáp…” (Đnl 34, 5-6). Còn tiên tri Êlia, được rước đi bằng xe lửa và ngựa lửa trước sự kinh ngạc của tiên tri Êlisa , người học trò thân tín của ông (2V 2, 11).

Cả hai được coi là đỉnh cao của lịch sử và của niềm tin tôn giáo Cựu Ước, là những nhân vật lớn trong dân Israel.

2. Tương quan Cựu Ước với Chúa Kitô và chúng ta.

Cả ông Môsê và tiên tri Êlia đều có mặt bên Chúa Kitô trong cuộc hiển dung của Người. Cả hai con người đại diện một cách thâu tóm toàn bộ Cựu Ước, đang có mặt bên Chúa Kitô ngay trước hành trình khổ nạn và cứu độ của Người.

Bên Chúa Kitô, họ làm cho muôn thế hệ từ tạo thiên lập đến tận cùng của thế giới chú ý vào Người. Bên Người, họ đã làm cho dòng lịch sử từ muôn đời cho đến muôn đời phải nhìn nhận Chúa Kitô là đỉnh điểm của lịch sử.

Sự xuất hiện của hai nhân vật đỉnh điểm trong Cựu Ước, cho ta thấy, Chúa Kitô là chính Đấng phải đến mà họ đã tiên báo. Sự xuất hiện của họ trong giờ này là hiệu lệnh buộc chúng ta đừng hướng về họ như là thành phần cốt cáng của Cựu Ước, mà hãy quay nhìn về Chúa Kitô, trung tâm và là sự hiện diện mới của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ.

Vì thế, họ đã xuất sắc trong giai trò chuyển giao lịch sử sang Chúa Kitô. Bởi nếu họ là đỉnh cao của Cựu Ước, thì Chúa Kitô mới chính là nhân vật của cả dòng lịch sử.

Như vậy, trong Tân Ước, không cần phải là hai nhân vật như Cựu Ước, mà chỉ một mình Chúa Kitô, Môsê mới và Êlia mới của thời đại mới, Thời Đại Cứu Độ.

Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ, từ nay chỉ cần một mình Chúa Kitô là đủ. Người vừa là Giao Ước mới, vừa là Lề Luật mới.

Nhưng không chỉ là sự xác nhận của hai nhân cách lớn lao bước ra từ Cựu Ước, lời Thiên Chúa phán:“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 35b) như minh chứng, như xác nhận vai trò tối quan trọng của Chúa Kitô.

Lời Thiên Chúa giới thiệu Chúa Kitô, mới chính là mấu chốt để toàn thể nhân loại giờ đây không chỉ quay nhìn về Chúa Kitô như một con người thay thế, mà là bước theo Chúa Kitô tiến về vinh quang và ánh sáng mà cuộc “Hiển Dung” vĩnh cửu đang chờ đợi ở cuối hành trình dương thế của mỗi người.

Chúng ta tiếp nhận vinh quang hiển dung của Chúa Kitô và “vâng nghe lời Người”. Vì sự giới thiệu và chuyển giao của toàn bộ lịch sử Cựu Ước, nhất là vị thế vô song của lời giới thiệu mà Thiên Chúa dành cho Chúa Kitô, đã làm cho lời của Chúa Kitô là Lời đặc biệt quan trọng đối với mỗi người chúng ta.

Từ đây, lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho ta. Lời ấy chính là Lời Giao Ước vĩnh cửu, đưa ta vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa, để ta sống trong Chúa, sống bằng chính sự sống của Chúa.

Bởi lời Chúa Kitô có tầm mức quan trọng và cần thiết cho ta đến thế, cho nên Thiên Chúa không ngừng mời gọi: “Hãy vâng nghe lời Người!”.

Như vậy, với phán quyết long trọng và công khai ấy, Thiên Chúa cho chúng ta biết, từ nay trở đi, vâng nghe Lời Chúa Kitô là hội nhập vào vinh quang hiển dung của Chúa Kitô, là tiếp nhận vinh quang ấy để sống Giao Ước mới, để chu toàn trách nhiệm của Lề Luật mới.

Vậy, sống Lời Chúa Kitô là điều kiện tối cần thiết, không thể bỏ qua của cả cuộc đời người Kitô hữu. Bởi chỉ bằng cách sống lời Chúa Kitô, chúng ta mới chứng tỏ mình tiếp nhận vinh quang hiển dung của Người, để cùng được chia sẻ vinh quang hiển dung ấy trong ngày Người ban ơn phục sinh cho ta.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con, để chúng con trở nên con người mới, con người của Giao Ước mới và Lề Luật mới trong và nhờ Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe và sống Lời Chúa, để chúng con được mãi mãi sống trong Chúa và đạt tới ơn cứu độ muôn đời.

Lm VŨ XUÂN HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét