Trang

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES[2]


 MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ 
CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES
[2]
 





Với ba tác phẩm này, chữ quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền văn học công giáo bằng chữ quốc ngữ chính thức bắt đầu với giáo sĩ Alexandre de Rhodes[27].
 
C- Một nền Vvăn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes”: Địa vị của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong văn học. Chúng tôi xin chia ra 2 tiểu mục chính:
 
I. GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES VÀ CÔNG TRÌNH HOÀN THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ[28]
 
Khi Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đến Việt Nam năm 1625 công việc La Mã hoá chữ Quốc ngữ đã bắt đầu[29] nhờ ảnh hưởng của các công trình La Mã hoá Nhật ngữ và phiên âm Hoa ngữ[30].
 
Hoàn cảnh khách quan thúc đẩy Giáo sĩ Alexandre de Rhodes theo dõi phong trào, và nhờ khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, giáo sĩ đã hoàn thành việc sáng chế chữ quốc ngữ một cách tốt đẹp.
 
1- Khả năng đa ngữ
 
Như đã trình bày trong phần tiểu sử [31], lúc đặt chân lên đất Ấn Độ, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã thông thạo 3 ngôn ngữ cổ và 3 sinh ngữ thông dụng, 3 ngôn ngữ cổ là tiếng Dothái, tiếng Hylạp, tiếng Latinh. Ba sinh ngữ thông dụng là tiếng Pháp, tiếng Ý là tiếng nói trong thủ đô Giáo hội Rôma, tiếng Bồ là tiếng phổ thông trong đế quốc Đồ Đào Nha.
 
Vừa đến Goa, giáo sĩ bắt đầu học tiếng bổn xứ, và chỉ trong 3 tháng giáo sĩ đã có thể giao thiệp và giảng dạy bằng tiếng canarin (Xem Alexandre de Rhodes, Divers voyages et Missions… Lille 1854).
 
Đến Áo Môn, giáo sĩ bắt đầu tiếp xúc với chữ Hán và bắt đầu học chữ Nhật vì giáo sĩ được chỉ định đến truyền giáo ở Nhật Bản. Theo Nguyễn Khắc Xuyên (Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc Lộ với chữ Quốc ngữ, bđd, trang 94) “mặc dù giáo sĩ có lẽ không viết được Hán tự, song ngài có thể tạm nói được tiếng Trung Hoa (và có lẽ cả tiếng Nhật). Tắt một lời, trong cuốn Văn phạm…, ngài đã có lần so sánh các âm vận Nhật ngữ.”
 
Nhưng ý Chúa Quan Phòng lại đưa Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong và giáo sĩ có dịp học hỏi Việt ngữ. Giáo sĩ thú nhận: “Vừa tới miền Nam và nghe người bản xứ nói với nhau, nhất là phụ nữ, thì tôi tưởng như được nghe chim líu lo hót, đồng thời tôi tưởng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó.”[32] Nhưng đó chỉ là cảm tưởng đầu tiên. Sau 6 tháng học hỏi nhờ một thanh niên Việt Nam và nhất là nhờ Giáo sĩ Francesco de Pina, giáo sĩ đã có thể giao thiệp, giảng dạy bằng tiếng Việt.
 
Sai hai năm ở Đàng Trong, giáo sĩ lại được phải ra Đàng Ngoài nên Giáo sĩ có cơ hội so sánh cách phát âm ở hai miền. Từ năm 1630 đến 1640, giáo sĩ làm giáo sư thần học ở Áo Môn. Đây là thời gian thuận tiện cho giáo sĩ nghiên cứu thêm về chữ quốc ngữ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng khi trở lại Đàng Trong năm 1649 để thay thế giáo sĩ Buzomi, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã khởi thảo các tác phẩm chữ Quốc ngữ. Tiếc rằng chúng ta chưa tìm ra tài liệu để hiểu biết về bảo thảo hay tiền thân của các tác phẩm in năm 1651.
 
2) Hệ thống mẫu tự phiên âm
 
Qua ba tác phẩm chữ quốc ngữ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chúng ta một hệ thống mẫu tự, phiên âm gần như là hoàn toàn, không khác hệ thống thông dụng hiện nay bao nhiêu.
 
a) Về nguyên âm, Alexandre de Rhodes dùng nguyên âm đơn, nguyên âm kép và nguyên âm ba.
 
Nguyên âm đơn: a ă â e ê i o ô ơ u ơ.
 
Nguyên âm kép: ai ay ao au âu
 
                          eo êu
 
                          ia iê io iơ iu iư
 
                          oa oe oi ôi ơ
 
                          ua uâ ui uy uô uơ ưa ưi ươ ưu
 
Nguyên âm ba: iai iay iây
 
                        iao iau iây
 
                        ieo iêu
 
                        ioi iôi iơi
 
                        iơũ
 
                       (iua) iưa iơu iuô
 
                       Oai uay uây
 
                       uie uây
 
                       ươi ưởru.
 
Chúng ta nhận thấy trước Alexandre de Rhodes chưa có nguyên âm ba, và với Alexandre de Rhodes chỉ còn thiếu nguyên âm ba iua, nhưng lại thừa nguyên âm ba iơũ còn uyê thì viết uiê (nguiên = nguyên)
 
b) Về phụ âm: giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng những phụ âm đơn như: b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, q, r, s, t, x, và những phụ âm kép như: bl, ch, gh, kh, ml, ng, ngh, nh, ph, th, tl.
 
Chúng ta nhận thấy thiếu phụ âm v và các phụ âm kép bl, ml, tl ngày nay không còn thông dụng nữa.
 
c) Về dấu chữ: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng đủ các dấu trên chữ I dấu mũ (^), dấu râu như các chữ ơ, ư dấu (‿) trên các chữ ă và chủ trương bỏ hẵn dấu hai chấm trên chữ i.
 
d) Về dấu giọng: giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng đủ các dấu sắc hỏi nặng ngã huyền.
 
3. Đối chiếu chữ quốc ngữ theo Giáo sĩ Alexandre de Rhodes với chữ quốc ngữ ngày nay.
 
Đối chiếu với chữ quốc ngữ ngày nay, chữ quốc ngữ theo Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có một số điểm dị biệt
 
a) Theo Phép Giảng Tám Ngày
 
- ă không dùng đúng chỗ, khi không cần lại xuất hiện (như hăọc thay vì học, nhăọc thay vì nhọc) khi đáng dùng ă lại viết là a (như bàng thay vì băng, mạt hay vì mặt).
 
- ǒ (có dấu ngửa như ă) thường dùng trước nguyên âm như a hoặc u (như đoạn thì viết là đǒạn, địa ngục thì viết là địa ngǒục).
 
- ê thường dùng thay cho â (như lấy thì viết là lếy, đất thì bệt là đết).
 
- â thường thay cho ô (như muốn thì viết là muấn, nhường thì viết là nhưăng)
 
- dấu  ͂ (tilde) dùng để thay cho ng cuối một chữ (như cũng thì viết là cũ, ông thì viết là ôũ: tuy nhiên có nhiều chữ vẫn viết với ng như chẳng, chưng).
 
- ao thường thay cho o (trong aõ thay cho ong, lòng thì viết là laõ, đóng thì viết là đảõ, song thì viết là saõ).
 
- ou thường thay cho ô trong oũ thay cho ông (như sống thì viết là sóũ, đồng thì viết lã đòũ, không thì viết là khoũ).
 
- Chữ “Bêta” Hy Lạp (tạm ghi là bv theo Hoàng Xuân Hãn) dùng thay cho v (như vua thì viết là bvua, vào thì viết bvèao, vui vẻ thì viết là bvui bvẻ).
 
- C nhiều khi thay cho q (như quên thì viết là cuên, quyền thì viết là cuyền; tuy nhiên chữ q có lúc vẫn đúng như ngày nay: quan, quỉ).
 
- Bl dùng thay cho tr, gl hay l (như blời thay vì trời, giời, lời; blái thay vì trái, lái).
 
- ml thay vì nh hoặc l (như mle thay vì nhẽ hay lẽ; mlớ thay vì nhớn hay lớn).
 
- tl dùng thay vì tr (như tlước thay vì trước, tlâu thay vì trâu).
 
- i dùng thay vì y (như nguyên thì viết nguiên).
 
- Nhiều tiếng được phiên âm theo thổ âm như nhất, nhứt thì viết là nhít; nhân, nhơn thì viết là nhin; rất thì viết là rứt: gửi, gởi thì viết là gưởi; nhiêu thì viết là nhêu; vâng thì viết là bvưng.
 
b) Theo Tự điển Việt-Bồ-La
 
- ă vẫn thông dụng trong cuốn Tự diện như đọc thì viết là đăọc, móc thì viết là măóc, sách thì viết là sắch. Nhưng một vài nơi, cuốn tự điển đã phiên âm như ngày nay (như chữ ngọc, tự điển ghi: hãy coi chữ ngăọc, về chữ răọc – răọc, hãy coi chữ rọc - rọc).
 
- e không còn dùng nữa (chữ e có chữ ngửa như chữ ă) (như da ghi hãy coi dea, dài ghi hãy coi dàei).
 
- o vẫn còn được duy trì như (chữ o có chữ ngửa như chữ ă) hoa, khoa… Tuy nhiên có một vài sự thay đổi (như về chữ tục thì ghi hãy coi toục, ngục thì ghi hãy coi ngoục).
 
- ê thường được thay thế bằng chữ â trong rất nhiều chữ đầy thay đềy, đấy thay đếy, đây thay đêy…
 
- â đã được thay thế bằng ô như ruồi = ruầi, nuôi = nuâi và trâ cũng đã được thay thế bằng ươ (như phương = phưâng cường = cưầng, cưới = cuấi).
 
- Dấu  ͂ (tilde) vẫn còn thông dụng. Tuy nhiên ng đã thay thế dấu tilde trong nhiều chữ như về chữ rụng thì ghi hãy coi chữ rũ, xũ thì ghi hãy coi chữ xung.
 
- ao thì vẫn dùng tay cho o.
 
- ou vẫn dùng thay cho ô.
 
- Chữ Bêta Hy Lạp (tạm ghi là bv theo Hoàng Xuân Hãn) đã có sự thay đổi (như bvấn = vấn, = bvạt = vạt, bvơ = vơ…) Đó là những chữ có ghi ở mục bêta. Đến mục v hoặc u (trong cuốn tự điển thực ra không chữ v song chữ u vừa là chữ u thay cho v, chúng ta thấy nhiều chữ bắt đầu bằng phụ âm v).
 
- Nhiều chữ c đã thay đế bằng q như quên = cuên, quen = cuen, quiên = cuiên, quơn = cuơn, quăn = cưăn…).
 
- Bl vẫn còn dùng như blá (trá), blả (trả), blúc blắc (lúc lắc), blai (trai, glai, lai), blái (trải, giải).
 
- Ml đã được thay thế trong nhiều trường hợp theo cách phát âm ngày nay, như mlạt = nhạt (lạt), mlỡ = lỡ (nhỡ) mlầm = lầm, mlớn = lớn (nhớn).
 
Tl vẫn được dùng nhưng tr đã xuất hiện. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã chú: “Tla có người đọc là tra, nghĩa là đổi l thành r và trong những chữ tiếp sau đây cũng đều như vậy cả.”[33]
 
c) Theo Văn phạm Việt ngữ
 
- Chữ v như ngày nay chưa có. Tác giả nói người Việt Nam có hai chữ b và giải thích như sau: “Một chữ giống như chữ b của chúng ta (tức người Tây Phương) chẳng hạn như ba, tức con số 3, tuy vậy nó cũng không giống hẳn chữ b của chúng ta. Khi đọc chữ đó không được thở ra phải hít khí vào cũng giống như người muốn đọc chữ m, rồi sau mới phát hơn ra. Chữ b thứ hai đọc hầu giống như đọc chữ bêta Hy Lạp chẳng hạn như khi đọc tiếng bèao (vào). Thực ra nó cũng không giống hẳn chữ v của chúng ta vì khi đọc nó không nên hít mạnh lắm, mà chỉ cần mở môi ra như kiểu đọc của người Do Thái chứ không đọc bằng răng.”[34]
 
- Ngoài chữ l đọc như ngày nay, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ghi nhận ở Đàng Ngoài “còn có chữ l đọc mềm, chen giữa các phục âm khác như blả (lả =  trả); có một miền đọc b ra t, thí dụ như tlả (trả); người ta cũng còn dùng l sau m, thì dụ mlẽ (lẽ), đôi khi dùng l sau p, thí dụ plăn (lăn) nhưng cũng có nơi dùng làn thay vì plàn. Còn việc dùng l sau t thì rất thông dụng, thí dụ tla (tra), tle (tre)”[35].
 
4. Nhận định về lối phiên âm và chữ viết Quốc ngữ của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes
 
Khảo sát chung về công trình ngữ học của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau đây:
 
Nhận định thứ nhất là Giáo sĩ Alexandre de Rhodes hòa hai khuynh hướng bảo tồn và canh tân trong tinh thần tôn trọng đặc tính Việt Ngữ.
 
Là người tiếp tục công trình phiên âm, giáo sĩ tôn trọng và bảo tồn những thói quen hợp lý về cách phiên âm. Trong khi bàn về lý do chọn phụ âm ph thay vì f, giáo sĩ tuyên bố theo thói quen và giải thích ph đúng hơn f: “F hay đúng hơn ph, vì khi đọc nó không cần phải tách biệt hai môi như đọc chữ f của chúng ta. Thực ra khi đọc chữ đó, môi chỉ giề ra rất ít và thở rất nhẹ: ở trong tự điển, chúng tôi không dùng chữ f mà sẽ chỉ dùng chữ ph vì các sách đã chép đều quen dùng như vậy”[36]. Một nơi khác, khi bàn về những vần ghép gia, giu, giơ, giư đọc như tiếng Ý (theo giáo sĩ, chứ thật ra không thể đọc như tiếng Ý được), giáo sĩ viết: “Như thể vừa tiện lợi, vừa hợp với thói quen đã dùng trong các sách”[37].
 
Đành rằng cần phải tôn trọng những thói quen nhưng sự canh tân cũng có những lý do chánh đáng, cho nên giáo sĩ đã bỏ thói quen dùng hai chấm trên chữ y, trên chữ a hay chữ o, trong các vần au, ao để tránh những phiền phức vô lý. Nếu chúng ta so sánh cách phiên âm của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes với cách phiên âm đã có từ đời trước, chúng ta sẽ nhận thấy những cải cách hợp lý như thêm nguyên âm, thêm phụ âm, thêm dấu chữ và dấu giọng.
 
Nhận định thứ hai là Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tôn trọng cách phát âm của thời đại và của địa phương trong khi vẫn ý thức về sự thống nhất của Việt ngữ trong toàn quốc.
 
- Lếy (lấy) đết (đất) là ghi theo giọng đọc đặc biệt của vùng Nam Ngãi thuộc Đàng Trong còn tlâu (trâu) tlộm (trộm) là viết theo lối phiên âm của một đôi miền ở Đàng Ngoài.
 
- Bvua (vua), bvui vẻ (vui vẻ) ghi với bêta Hy Lạp, mlạt (nhạt) mlỡ (lỡ) là viết theo cách đọc thông dụng của thời đại.
 
Về mặt lịch sử địa lý ngôn ngữ học, các sách của giáo sĩ Alexandre de Rhodes là chứng tích giúp ích cho rất nhiều nhà khảo cổ.
 
Nhận định thứ ba là giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã làm việc với tinh thần khách quan cần thiết của một nhà ngôn ngữ học. Nếu trong Phép giảng tám ngày, giáo sĩ phải viết theo một lối phiên âm nhứt định, trong Văn phạm Việt ngữ và Tự điển Việt Bồ La giáo sĩ cẩn thận giải thích các lối phát âm và đối chiếu những lỗi viết khác nhau.
 
Nhận định thứ tư là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, với khả năng đa ngữ, đã biết vận dụng ký hiệu của nhiều ngôn ngữ để phiên âm Việt ngữ một cách tinh tưởng xác đáng.
 
Về dấu giọng. các dấu sắc huyền ngã lấy trong tiếng Hy Lạp dấu nặng lấy ở chữ iota dưới, dấu hỏi lấy trong chấm hỏi La ngữ.
 
Các âm vận cũng được ghi theo ký hiệu thích ứng nhất thí dụ như:
 

Q đọc như tiếng Latinh trong qua, quỉ.
 
A thì đọc như tiếng Bồ hoặc Sc của tiếng Ý.
 
R không đọc như tiếng Bồ song đơc như tiếng Ý.
 
Ph đọc như chữ phi trong tiếng Hylạp.
 
Ng đọc như ngăin của tiếng Do Thái.
 
Nguyễn Khắc Xuyên đã nhận xét rất tinh tường về sự phiên âm Việt ngữ của Alexandre de Rhodes: “Tác giả không trói buộc mình vào một hệ thống nào riêng biệt, một ngôn ngữ nào đọc tôn, trái lại căn cứ vào cách phát âm đặc biệt của Việt ngữ, ngài đã tìm trong hết các ngôn ngữ cùa ngài đã biết ngõ hầu ghi cho xác đàng. Nếu tiếng này, không phù hợp, thì ngài dùng đến tiếng kia, nếu âm vận ngôn ngữ này xem ra phiền toái thì ngài không ngần ngại cầu cứu đến ngôn ngữ khác, mặc dầu ngôn ngữ ấy không phải ngôn ngữ riêng của ngài, tiếng mẹ đẻ của ngài. Quả thật, con người quốc tế, tinh thần quốc tế của ngài đã giúp ngài rất nhiều và vì thế công cuộc đã thành tựu và (…) sẽ thành tựu lâu bền”[38]
 
II. GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES VÀ SỰ HÌNH THÀNH NGÔN NGỮ CÔNG GIÁO VIỆT NAM[39]
 
Qua cuốn Văn phạm Việt ngữ, chúng ta thấy Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã thấu triệt những nguyên tắc căn bản của cú pháp Việt Nam. Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày, giáo sĩ đã ứng dụng những nguyên tắc ấy vào việc sáng tác và nhờ đó, ngôn ngữ công giáo Việt Nam được xây dụng trên căn bản ngữ học và thần học vững chắc.
 
Chúng ta sẽ lần lượt nhận định về giá trị ngữ học, văn học, và thần học của cuốn Phép Giảng Tám Ngày.
 
1) Giá trị ngữ học
 
Ngôn ngữ Công giáo trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày chứng tỏ tác giả vừa tôn trọng vừa cải tiếng những phương thức sáng chế của người đương thời.
 
Đặc điểm thứ nhất là tác giả chú trọng đến sự diễn đạt trọn vẹn và đầy đủ những yếu tính của đạo Công giáo đến độ nhiều khi phải hy sinh tính chất nhã thuần hay để làm nổi bật nội dung sâu sắc. Tác giả đã dùng lối phiên âm và lối trực dụng từ ngữ La tinh vì chưa tìm ra từ ngữ Việt ngữ tương đương. Thập giá còn ghi là cây Crux, bí tích là sacramento, Chúa Thánh Thần là Spirito santo, kính mừng là ave, ơn nghĩa Chúa là gratia… Về những danh từ riêng, phương pháp này có thể chấp nhận, nhưng về những danh từ chung, phương thức nào tạo nên những từ ngữ lai căn khó nghe.
 
Đặc điểm thứ hai là tác giả sáng tạo được một số danh từ mới, vừa có tính cách Việt Nam, vừa diễn tả chính xác nội dung của danh từ La tinh tương đương. Đạo công giáo được mệnh danh là đạo thánh đức Chúa Trời. Về sứ mạng của đức Chúa Con, tác giả dùng các động từ giản dị mà thâm thúy như chuộc tội, ra đời, cứu thế. Về Đức Mẹ, tác giả ca tụng là Đức Chúa Bà, Đức Mẹ đồng thân. Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
 
Đặc điểm thứ ba là tác giả đã rửa tội một số danh từ tôn giáo sẵn có của dân tộc và giải thích theo tin lý Công giáo Thiên đàng là thế nào? Tác giả trả lời: Ai thờ Đức Chúa Trời cho nên, thì được lên Thiên đàng cùng Đức Chúa Trời “(Ngày thứ nhất) Về địa ngục, tác giả cho rằng thế gian gọi là âm phủ thì phải, vì chưng là nơi tối tăm mù mịt. (Ngày thứ nhất) tác giả phân biệt giác hồn, sinh hồn, linh hồn, và dùng linh hồn theo nghĩa Công giáo. Ăn chay, thờ phương, lỗi nghĩa, phạm đạo là những động từ thông dụng nhưng hàm súc ý nghĩa Công giáo nhờ văn mạch.
 
2) Giá trị văn học
 
Xét về phương diện thuần túy văn học, chúng ta nhận thấy nghệ thuật đặc biệt của giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
 
Đầu tiên tác giả dụng ý tạo nên một lối văn phổ thông nhưng không kém phần sâu sắc.
 
Để mọi giới có thể lĩnh hội được chân lý mặc khải, tác giả không dùng những lập luận khó hiểu, những kiểu nói cầu kỳ của  những thiên đại luận. Tự nhiên như lúc đàm đạo, thân mật như nói chuyện tâm tình, tác giả đã nhắm mục địch đánh động người nghe hơn là phô trương sở học. Lần đầu tiên, văn học Việt Nam vang lên những giáo luận thâm trầm nhưng giản dị dễ hiểu và khuyên mời đi sâu vào sự tìm hiểu chân lý.
 
Về kỹ thuật hành văn, tác giả vận dụng những phương tiện bút pháp làm cho tác phẩm mang một sắc thái riêng biệt.
 
Lối giải thích của tác giả hấp dẫn, đi từ những hiểu biết sẵn có của người đọc để dẫn đưa đến những giáo điều. Để các nhà nho hiểu chữ Thiên theo nghĩa giáo lý công giáo, tác giả dùng tối chiết tự: “Chữ thiên là trời, giải ra thì có hai chữ, một là chữ nhất, hai là chữ đại, nghĩa là một cả. Song le ai là một cả, ắt là Đức Chúa trời sinh ra trời đất muôn vật, thật là một cả: cả và loài người ta thì phải thờ kính đấy, ấy là lẽ phải.” (Ngày thứ nhất). Danh ngôn Á Đông thích đáng cũng được viện dẫn đề biện minh cho lập luận, như sinh ký. Tử quy (Ngày thứ nhất).
 
Lối cụ thể hóa làm cho vần nghị luận đỡ phần khô khan “làm cho người đọc không hề cảm thấy mình đang đọc một quyển sách đạo” như lời nhận xét của Trương Bửu Lâm[40]. Những hình ảnh và ví dụ làm cho những ý niệm trừu tượng, khó hiểu được lãnh hội dễ dàng hơn. Mười điều răn, theo tác giả là mười bậc thang lên thiên đàng (ngày thứ tám). Về mối tương quan giữa hồn và xác, tác giả đưa ra tương quan chủ tớ: “Linh hồn như chủ nhà, xác như tôi tớ hay đầy tớ, nó thì phải phục linh hồn như chủ, vì chưng đầy tớ cùng tôi tớ làm chủ nhà, hay chủ nhà làm tôi tớ thì lộn lạo cũng chẳng phải lẽ.” (Ngày thứ nhất).
 
Sử gia viết về văn hóa Việt Nam còn có thể tìm thấy trong cuốn Phép giảng tám ngày những tài liệu lịch sử về ngôn ngữ, văn học, phong tục, tổ chức xã hội Việt Nam. Tác phẩm này, là một di tích lịch sử về trình độ tiến hóa của văn xuôi quốc âm. Đành rằng câu văn đã mang cá tính tác giả và ảnh hưởng tinh thần phân tích Tây phương với một lối phân cú rõ ràng, nhưng tác giả đã tôn trọng những đặc điểm cố hữu của cú pháp Việt Nam. Ngoài ra, tuy không chủ tâm viết sử, nhưng tác giả vẫn có dịp phác họa một đôi nét về xã hội Việt Nam thế kỷ XVII. Về tổ chức chính trị, và tế tự trong nước, tác giả viết: “Đầu năm vua chúa Annam làm phép cả, có đại thần cả và nước và quân quốc đến cùng thiên hạ đi cùng, ra giao mà tế thượng đế. Đến khi vua chúa đã tế thượng đế đoạn, thì đại thần cùng kẻ cả trong nước, cùng cả và thiên hạ thì mới lạy vua chúa trước mặt dân. Thôi đoạn ai nấy về nhà mà lạy vua chúa trước mặt dân. Thôi đoạn ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ cùng kẻ bề trên mình ông bà ông vãi” (Ngày thứ nhất, trang 21, 22). Về tục đốt vàng mã, tác giả nói đến những người “dùng giấy làm nhà, cùng áo, tiền vàng bạc và các kỳ sự vẽ, mà cúng cha mẹ” (Ngày thứ bốn, trang 121). Chúng ta còn có thể sưu tầm trong cuốn Phép giảng tám ngày nhiều nét chấm phá độc đáo về trình độ sinh hoạt ở nước ta.
 
3) Giá trị thần học
 
Nhiều học giả đã phát huy giá trị thần học của cuốn Phép Giảng Tám Ngày[41]. Chúng ta có thể đồng ý với Nguyễn Khắc Xuyên nhận định rằng tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes “không phải là một cuốn giáo lý đại cương, nhưng là sách giáo lý trình bày trong màu sắc minh giáo, thích hợp cho màu dân tộc, một văn hóa riêng biệt là xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVII” (Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd, LVII [42]. Và như André Mariller đã xác nhận, “người ta có thể nhận thấy trong cuốn Phép giảng tám ngày của giáo sĩ Alexandre de Rhodes một chứng tích của phương pháp giảng dạy giáo lý của các Cha Dòng Tên ở Á Đông vào thế kỷ XVI-XVII” (André Mariller, Le Catéchisme du Père, Alexanhdre de Rhodes, bđd, trang XLII).
 
Thật ra, nếu chúng ta so sánh với những tác phẩm đông thời ở Trung Hoa và Nhật Bản, tác phẩm của Alexandre de Rhodes có những đặc điểm rõ rệt.
 
Chính tác giả đã trình bày phương pháp giảng dạy giáo lý của tác giả trong nhiều tác phẩm khác.
 
Từ khía cạnh hữu lý của tôn giáo, tác giả đưa các tân tòng vào các mầu nhiệm của Đạo Công giáo.
 
“Chư tăng rất hài lòng vì thấy tôi làm cho họ nhận biết sự hòa hợp giữa tôn giáo và lý trí, và nhất là họ khen ngợi thập điều của Chúa. Họ nhận rằng không còn có thể nói gì hợp lý hơn nữa, không còn gì đáng cho một Chúa tể ban bố ra hơn nữa.”
 
“Phương pháp tôi đem trình bày với họ là trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, từ đó tôi làm chứng có Thượng Đế, rồi sự quan phòng của ngài, và dần dà tôi đưa họ tới những mầu nhiệm khó hơn.”
 
“Kinh nghiệm cho hay rằng lối trình bày giáo lý cho người ngoài Kitô giáo như thể rất bổ ích. Phương pháp đó tôi đã giải thích suốt trong sách giáo lý mà tôi chia làm tám ngày trong đó tôi cố gắng bản giải các chân lý chính phải dạy cho người ngoại quốc.” (Alexandre de Rhodes, Voyages et Mission trang 96, Nguyễn Khắc Xuyên trích dịch, Đại học số 19, trang 45-46 ).
 
Nguyễn Khắc Xuyên có công giới thiệu một đoạn văn khác của chính Alexandre de Rhodes mà chúng ta có thể xem là bài tựa của cuốn Phép Giảng Tám Ngày.
 
“Mặc dầu vẫn còn có những thầy giảng Phúc Âm cho người ngoài ngoài Kitô giáo chủ trương rằng trước hết hãy hủy diệt những sai lầm của ngoại giáo và làm cho những kẻ tin theo là thuyết phải chối bỏ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và chân lý của đạo Kitô, chiếu theo thứ tự mà Thiên Chúa đã giao cho vị tiên tri rằng: “Ta đã đặt ngươi để phá hủy và chối bỏ, để kiến thiết và vun trồng”. Còn về mầu nhiệm vô cùng cao cả Ba Ngôi Thiên Chúa, thì chỉ bàn giải cho chầu nhưng một khi học đã sẵn sàng chịu phép rửa tội, để họ không bị rối trí bởi hồ nghi về mầu nhiệm rất cao cả và khôn tả đó.”
 
- “Nhưng với kinh nghiệm tôi đã thu lượm được thì phải có một lập trường trung dung, tìm một phương pháp giáo huấn thích hợp cho xứ này.”
 
“Đó là đừng phản đối những sai lạc của các giáo phái miền Bắc, trước khi chưa đặt một vài nguyên tắc mà ánh sáng tự nhiên của lý trí có thể nhận biết được, như việc tạo thành thiên địa, cứu cánh mà đấng Tối cao, nguyên lý của thụ tạo, đã đặt định và quy hướng loài thụ sinh có lý trí, có nghĩa vụ thụ sinh phải công nhận ngài, phụng sự ngài: như vậy là đặt để trong tâm hồn họ một nền tảng vững chải, trên đó các tin tưởng khác sẽ được dựa vào. Như vậy cũng là tránh được sự họ phật ý ngay buổi đầu, khi thoạt kỳ thủy, họ nghe chỉ trích và chế nhạo những sùng kính của họ mặc dầu là sai lạc, cả đến những ý kiến hợp và nông cạn của họ: đó là điều vẫn xảy ra. Cứ theo điều tôi đã có thể quan sát, thì tôi càng thành công nếu tôi ấn vào lòng họ một ít những tâm tình đạo hạnh và tình yêu tự nhiên đối với Đấng Hoá Công và nguyên lý đầu tiên của hiện hữu họ.
 
“Rồi khi nói đến Lụt Hồng Thuỷ và lộn xộn ngôn ngữ thì bấy giờ mới cho họ hiểu vì Chúa mà họ phải kính sợ và tôn thờ, sau đó mới bài bác ngẫu tượng giáo, sai lạc mà chính quỉ ma cũng chưa có thể đem vào thế gian trước nạn Hồng Thuỷ.”
 
“Rồi tôi rất đồng ý với những vị khác rằng không nên trình bày cho lương dân mà ta muốn chinh phục những mầu nhiệm về Ba Ngôi Cực Thánh, về nhập thể và về cuộc Thương Khó Con Thiên Chúa, và gieo hạt giống các chân lý trọng đại trong tâm hồn họ trước khi đã nhổ các sai lầm và dị đoan ngẫu tượng khác.”[43]
 
Theo phương pháp trên đây, tác giả đã lợi dụng những giá trị văn hóa tôn giáo tích cự của dân tộc Việt Nam để trình bày một giáo lý mới. Một mặt khác, tác giả tuân theo lề lối giảng đạo cổ truyền của giáo hội là kêu gọi vận dụng lý trí để suy luận nhưng vẫn đề cao sự phó thác trong nguyện cầu khiêm nhường, trình bày giáo lý nhưng vẫn thúc đẩy giáo hữu tìm hiểu.
 
Sau cùng chúng ta cũng nên xét thái độ của tác giả đối với các tín ngưỡng tôn giáo khác ở Việt Nam. Tác giả phân tích tinh vi việc thờ kính thần linh, công nhận những giá trị tích cực của đạo Khổng, thẳng thắn chỉ trích những phong tục dị đoan. Về Phật giáo và Lão giáo, tác giả tỏ thái độ nghiêm khắc, một đôi khi có nhiều phán đoán cực đoan.
 
Về điểm sau này, Nguyễn Khắc Xuyên nhận xét: “Những phán đoán của Đắc Lộ về các tôn giáo, một phần đã chịu ảnh hưởng của một khoa thần học bưng bít thế kỷ XVI - XVII. Theo giáo lý thiếu sót này, (trái với học thuyết cổ truyền, tỉ như của các giáo phụ Hy Lạp thể kỷ III - IV) thì ngoài Kitô giáo, chỉ có sai lầm về việc của tà ma quỷ quái trong hết các tôn giáo khác. Chúng tôi không bảo phán đoán này sai lầm song không hoàn toàn đúng. Đây là một phán đoán một chiều, đi xa cổ truyền Phúc Âm, các tông đồ và các giáo phụ. Bởi vậy, có thể nói được rằng các nhà truyền giáo thời xưa chưa được sửa soạn đầy đủ để tìm hiểu, cảm thông với các tôn giáo khác.”
 
“Ngày nay, người Kitô giáo có một thái độ khác với thái độ có thể nói được là thiếu sót của các nhà truyền giáo thế kỷ XVI – XVII. Các luận điệu quá gay gắt và “độc đoán” không còn thích hợp và không được công nhận. Đó là điều phải lẽ.”[44]
 
Những người ngoài công giáo có thể chỉ trích một vài phán đoán của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhưng thiết tưởng cần phải đặt cuốn “Phép giảng tám ngày” trong hoàn cảnh lịch sử, trong khuôn khổ của các khoa thần học và truyền giáo thời đại của tác giả để tránh mọi sự hiểu lầm có thể có trong hiện tại.
 
Trong văn học chữ quốc ngữ nói chung và văn học công giáo Việt Nam nói riêng, giáo sĩ Alexandre de Rhodes giữ địa vị của một nhà khai sáng tiền phong. Trong một viễn tượng lịch sử, chúng ta đã nhận thấy giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người đã hoàn tất một sự nghiệp chung của nhiều thế hệ thừa sai. Nhưng trong công việc hoàn tất ấy, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã dự phần đóng góp quan trọng. Lịch sử văn học Việt Nam trân trọng nhắc nhở đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes không chỉ vì các tác phẩm của giáo sĩ được may mắn ấn loát và lưu truyền, mà chính còn là vì đã thể hiện những giá trị hiển nhiên, gây nên một phong trào văn học mới ở nước ta. 
 

CHƯƠNG III

NHẬN ĐỊNH VÀ MỘT SỐ TÁC GIẢ VĂN HỌC KITÔ GIÁO 
QUA DÒNG THỜI GIAN TRÊN 200 NĂM 
 
Chúng tôi rất tâm đắc các nội dung và nhận định vừa trình bày trên, đặc biệt qua tài liệu “Giáo Sĩ Đắc Lộ và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên”, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao lục, chú thích và lập bảng tham chiếu.  Tinh –Việt Văn Đoàn, Ban Sử học: 232/19 Hiền Vương, Saigon `961 (Kỷ Niệm Tam Bách Chu Niên) và của tác giả VÕ LONG TÊ, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 222- 258.
 
A. Nhận định 
 
Vì thời kỳ nghiên cứu của các tác giả trên còn bị hạn chế về tư liệu nghiên cứu, do đó chúng tôi nghĩ cần bổ sung vào phần trình bày của chúng tôi một vài nhận định cá nhân, nhất là ghi thêm một số bài nghiên cứu của các tham luận vừa qua được tổ chức  “Hội Thảo Bình Định Bình Định Với Chữ Quốc Ngữ” tại Tp. Qui-nhơn vào ngày 12-13/01/2016.
 
Một vài nhận định

 
1. Tự điển Việt-Bồ-La được hình thành suốt một quá trình dài lâu. Các vị giáo sĩ Dòng Tên vì hoàn cảnh đặc biệt không thể truyền giáo tại nước Nhật, nên chuyển địa bàn truyền giáo đến xứ Đàng Trong đất Đại Việt (Việt Nam ngày nay) vào năm 1615 và những năm kế tiếp. Các ngài mang sứ mệnh truyền giáo, bằng hội nhập văn hoá bản địa, học tiếng và phiên âm tiếng nói địa phương bằng mẫu tự Latinh. Do đó, bất cứ đi đến đâu, các ngài canh cánh bên lòng về sứ mạng cao cả đó và thực hiện phương thức truyền giáo. Dù cư trú tạm thời hay dài lâu như ở Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn hoặc các nơi khác thuộc Đàng Trong hay Đàng Ngoài, các ngài vẫn thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng tiếng Việt Nam qua lối viết chữ quốc ngữ sao cho mỗi ngày hiệu năng hơn.
 
2. Đối tượng được các thừa sai loan báo Tin Mừng là con người, bất kể họ là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội Việt Nam. Cụ thể người Việt Nam, lớp sĩ phu, sư sãi, đặc biệt là thường dân, những con người nghèo : nghèo về tiền của, nghèo về địa vị xã hội, nghèo về đời sống tâm linh… Do đó, Tự điển Việt-Bồ-La qui nạp rất nhiều từ mà hằng ngày được người dân sử dụng. Ngữ pháp được các thừa sai biên soạn lấy mô thức ngữ pháp của Âu châu thịnh hành lúc bấy giờ bằng phân tích tiếng nói, cách nói của người dân, giữ lại những đặc thù thuộc nền văn hóa bản địa và thêm vào đó những khía cạnh mới cho rõ ràng theo một điển ngữ để việc dạy giáo lý của các thừa sai, các linh mục bản xứ và của các thầy giảng cho chuẩn xác.
 
Nhờ Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp và Phép Giảng Tám Ngày một nền Văn học Tôn giáo Công giáo bắt đầu, được tiếp nối và kiện toàn cho phong phú trong đời sống giảng dạy như trong các Bí tích, Thánh lễ, kinh sách (kinh mục lục), Giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, giới trẻ. Quyển “Kinh sách” (sách mục lục) là quyển văn học nhà đạo lâu đời (sau Phép Giảng Tám Ngày) và tồn tại đến ngày nay đã dùng khá nhiều từ ngữ trong Tự điển Viêt-Bồ-La[45]… Có thể nói trong suốt hơn 200 năm bắt đầu các ấn phẩn đó ra đời (1651), MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO  BẮT ĐẦU VÀ LỚN MẠNH.
 
3. Theo sự nghiên cứu của André Marillier, “bản văn La ngữ của cuốn Phép giảng tám ngày không phải là quá đơn giản sơ lược, cũng không phải là theo cú pháp cổ điển: nhiều lúc chỉ là phiên dịch thẳng từ câu văn Việt ngữ”[46].
 
Nhưng qua việc phân tích ngữ pháp, cụ thể là cấu trúc “câu” (mệnh đề) của quyển sách Phép Giảng Tám Ngày, theo thiển ý chúng tôi thấy rất nhiều đoạn tương xứng song hành giữa câu Latinh và tiếng Việt nam như:
 
(câu a)[47]: Ta cầu cùng đức Chúa trời giúp sức cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là dường nào. (câu a): Suppliciter petamus ab optimo Coeli Domino ut diuvet nos, ad hoc ut intelligamus probe legem Domini.
 
Nếu so sánh nhiều đoạn trong Phép Giảng Tám Ngày, có những cấu trúc  song song giữa 2 bản văn Latinh và Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ bản văn tiếng Latinh là chuẩn mục có trước để bản văn tiếng Việt hiện hành được dịch hoặc sao chép lại hay ít nhất có sự đồng thuận tạo ra hai bản văn La và Việt sau khi trao đổi giữa các thừa sai với nhóm nho sĩ, sư sãi đã tòng giáo, giáo lý viên về nội dung và câu văn cho tương hợp. Điều này cũng đúng cho các bản dịch ra các văn bản tiếng khác nhau, như nhận định sau đây: “Theo hiện tình nghiên cứu, chúng ta không biết ấn bản đầu tiên gồm bao nhiêu cuốn cũng như không rõ sách có được tái bản hay không. Có điều chắc chắn là cuốn phép giảng tám ngày được sao chép rất nhiều hoặc bằng chữ quốc ngữ hoặc bằng chữ nôm, và được phiên dịch ra tiếng Thái Lan và tiếng Pháp.”[48]
 
Nhận xét về mặt thần học trong “Phép Giảng Tám Ngày” đã được ông Võ Long Tê nhận xét trong tài liệu nghiên cứu của ông [49] như chúng tôi vừa trình bày trên. Ở đây chúng tôi thêm một ý dựa trên chứng lý song song giữa 2 văn bản La - Việt và có một cuộc trao đổi về nội dung thì một phần về văn học địa phương cũng như tôn giáo có tham gia tích cực của giới nho sĩ, các tân tòng, cộng đoàn tín hữu nói chung trong ý hướng thích nghi văn hóa thời đại trọng nho, coi nhẹ Phật giáo. Nội dung của “Phép Giảng Tám Ngày” đề cao vai trò của vua là thiên tử, phép nước. Nhưng để giải thích trong nhãn quan nho giáo, “Phép Giảng Tám Ngày”  đã đề cập quan niệm TAM PHỤ và nhiều quan điểm khác nữa. Thật thế, lối sống thế tục trong một xã hội thời đại đều ảnh hưởng đến đời sống tâm linh tôn giáo. Nên, vào những thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật có tinh thần DUNG HỢP các thực hành biểu lộ lòng tin của người dân, đôi khi pha tạp những nghi thức che mù đạo pháp tinh ròng truyền thống Nhà Phật. Điều này cũng cần nghiên cứu cho mọi tôn giáo kể cả Ki-tô giáo khi tiếp nhận yếu tố thế tục trong một thời đại nào đó. 
 
B. Những người Việt Nam đã giúp sức cho các giáo sĩ Dòng Tên biên soạn chữ Quốc ngữ và tiếp tục sự nghiệp hình thành nền văn học Công giáo 
 
1. “Trong một số tác phẩm được xuất bản từ những năm 1960-1970 của mình, các tác giả Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều đã đề cập đến sự đóng góp của người Việt cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Đó là những nho sĩ, những sư sãi, những tân tòng - người mới tòng đạo (Công giáo), mà đặc biệt là những tân tòng trở thành thầy giảng (đạo). Nhưng tiếc rằng đó đều là những đóng góp lặng thầm, chìm khuất, ít được các giáo sĩ thời đó nêu danh tính hay ghi lại cụ thể, ngoại trừ  những ghi chép của các giáo sĩ F.de Pina, Đắc Lộ, C. Borri về công lao của người Việt trong việc bày vẽ cho họ học tiếng bản xứ. “Các thầy giảng Igesico Văn Tín, Bentô Thiện với những tác phẩm Quốc ngữ xuất sắc được lưu lại từ năm 1659, đương nhiên họ đã cùng với các vị giáo sĩ ở cư sở của mình cùng nhau miệt mài luyện tập chữ Quốc ngữ cũng như học hỏi ngôn ngữ của nhau.”[50]
 
2. Ngoài ra, có nhiều tác phẩm công giáo được phổ biến còn lưu lại đến ngày hôm nay, trong suốt mấy trăm năm đó được các nhà nghiên cứu đã trình bày trong cuộc Hội thảo Khoa học tại Qui Nhơn vừa qua, như bài tham luận “Lịch sử Nghiên cứu về Sự ra đời của chữ Quốc ngữ” của  Đặng Thị Phượng, Viện tự điển học và Bách khoa thư Việt Nam, trong phần đề cập “Giai đoạn phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ”, có đoạn viết:
 
“Sự phát triển của chữ quốc ngữ có thể được gắn với các sự kiện sau:
 
Thứ nhất, giai đoạn này có thể tính từ thời điểm thực hiện việc biên soạn và xuất bản hai cuốn sách: Từ điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (năm 1636). Sự kiện xuất bản hai cuốn sách này, là tiếng nói khẳng định bằng văn bản sự có mặt của tiếng Việt ra thế giới.
 
Thứ hai, tám năm sau đã xuất hiện những bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ hai người Việt là Igiesico Văn Tín và Bento Thiện. Đáng chú ý hơn cả là Tập Lịch sử nước Annam của Bento Thiện.
 
Thứ ba, sự phát triển của chữ quốc ngữ gắn liền với những tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ như: Truyện Tiên du la, Sấm truyền ca, Phi năng thi tập của Phillippe Phan Văn Minh, tập thơ bằng chữ quốc ngữ, có một số bài thơ tố cáo người Pháp lợi dụng đạo công giáo vào mục tiêu chính trị xâm chiếm Việt Nam; tác phẩm Đại Nam Việt Quốc triều sử ký của tác giả Tân Định 1879, đây là cuốn sử viết theo lối Tây phương; Văn và Tuồng  gồm nhiều bài tuồng.
 
Truyện Tiên du la - gồm 12 cuốn với gần 500 tích truyện kể về 500 danh nhân Công giáo trên thế giới qua mấy ngàn năm lịch sử, cùng với quá trình hoàn thiện biên soạn cuốn sách thì tiếng Việt cũng đã có một bước phát triển mới.
 
Sấm truyền ca là tác phẩm phỏng dịch 5 tập đầu tiên của bộ Thánh Kinh Cựu ước của Thầy Cả Lữ Y Đoan thế kỷ XVII (viết năm 1670). Sấm truyền ca lưu truyền đến ngày nay đã qua nhiều dị bản, nhưng có thể khẳng định: Tác phẩm Sấm truyền ca đã lĩnh hội nội dung và tinh thần bản Thánh Kinh Cựu Ước và truyền đạt lại bằng ngôn ngữ Việt thế kỷ XVII (chữ Quốc ngữ) cô đọng, sáng tạo. Sấm truyền ca không những giữ được nội dung và tinh thần của tác giả mà còn thể hiện được văn hoá Việt, hồn Việt vào bản dịch.
 
Thứ tư, khi chúng tôi tiến hành tìm hiểu cuốn sách Về sách báo của người công giáo (thế kỷ XVII-XIX) của Nguyễn Văn Trung thấy những vấn đề nổi bật.
 
3/ Bài nghiên cứu của Thanh Lãng về lịch sử tiếng Việt cho rằng Tiếng Việt đã được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày của người dân thường từ cách đây 350 năm (khoảng đầu thế kỷ XVII), tiếng Việt được dùng để ghi trong các sách kinh đọc tại nhà thờ và tiếng Việt là thứ tiếng mà người Việt lưu vong tại các nước Miên, Lào, Thái sử dụng để nói hàng ngày (những người Việt lưu vong sang Thái Lan vẫn dùng các quyển kinh in bằng tiếng Việt để đọc hàng ngày, do linh mục người Việt dạy). Lúc đầu tiếng Việt có số lượng từ rất ít, chỉ là những từ rất đơn giản, nhưng từ những vốn từ có hạn đó người dân đã vận dụng “quy luật phú bẩm tự nhiên để sáng tạo thêm những số lượng từ ngữ mới cần thiết cho sinh hoạt trao đổi, nhất là khi con người phải tiếp cận với các khoa học mới.”[51]
 
Nhiều ý kiến đều cho rằng tờ báo Gia Định sử dụng chữ quốc ngữ đầu tiên.[52]
 
4/ Philíphê Bỉnh tiếp nối nền văn học nhà đạo trong nhiều lĩnh vực.[53]
 
Philíphê Bỉnh sinh năm 1759, quê Hải Dương, thụ phong linh mục năm 1793. Ông viết và sao chép nhiều sách vở được 20 bộ khác nhau, trong đó có những cuốn rất có giá trị về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nhân chủng, văn học, ngôn ngữ, tiêu biểu như:
 
1. Quyển nhật trình kim thư khất kinh Chúa giáo (1817)
 
2. Truyện nhật trình ou Fenad Mendes Pinto (1817)
 
3. Truyện Annam Đàng Ngoài (1822)
 
4. Truyện Annam Đàng Trong (1822)
 
5. Sách sổ sang ghi chép các việc (1822)
 
Ngoài ra trong bộ sách của Philiphê Bỉnh còn có 4 bộ tự vị:
 
- Một bộ có vẻ là biên soạn lại bộ tự đển của giáo sĩ Đờ - Rốt, có bổ sung và sửa chữa.
 
- Một bộ là mô phỏng cuốn từ điển của Đờ - Rốt, nhưng được sắp xếp theo ý riêng của Philíphê Bỉnh, không giống với từ đển của Đờ - Rốt và không có phần Latinh.
 
- Bộ thứ ba và bốn, một cuốn Bồ - Việt, một cuốn Việt - Bồ. Cả hai bộ này cách xếp đặt khác cách xếp đặt của hai cuốn trên. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là hai cuốn từ điển có sớm hơn cả tự điển của Alexandre - Rhodes biên soạn vào năm 1651, của Pigneau de Béhaine và của Taberd”.
 
Vài nét về cuốn “Sách sổ sang ghi chép các việc”
 
“Là một tập Hồi ký, đúng hơn là một tập nhật ký - Sách sổ sang ghi chép các việc đã được viết vào thế kỷ XVIII và năm 1822 là năm hoàn thành chứ không phải là bắt đầu thực hiện. Sách dày 628 trang, viết tay bằng một thứ chữ rất đẹp, sáng sủa, dễ đọc. Tác giả viết liên hồi, không chia thành chương mục. Tuy là dưới cách viết nhật ký, nhưng cách diễn tả là để cho người khác đọc chứ không phải cho riêng mình, cho nên ta thấy có thêm phần mục lục ghi chú từng trang ghi gì. Theo cách diễn đạt thì cuốn sách này chia làm 3 đề tài: đề tài thứ nhất nói về Dòng Tên; đề tài thứ hai nói về mình và bạn bè; đề tài thứ ba là những vấn đề linh tinh. Trong phần mục lục, ông đã viết:
 
“Tôi là thầy cả Bỉnh làm ở Kẻ chợ nước Portugal năm 1822 mà chép nhiều sự, cho nên gọi là Sách sổ sang, sao chẳng có từng đoạn như sách khác, bởi đấy thì tôi chia làm ba đoạn mục lục, cho dễ tìm, mà ai muốn xem mục nào, thì tìm mục lục thuộc về đoạn ấy. Mục lục đoạn thứ nhất nói những việc thuộc về Dòng Tên. Mục lục đoạn thứ hai nói những sự thuộc về tôi cùng các bạn. Mục lục thứ ba chép các việc khác.
 
Cuốn sách này của Philíphê Bỉnh cho ta thấy ông gần như là một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ, bằng bút pháp của lối viết mới cho ta được chứng kiến một xã hội Việt Nam vào những năm của thế kỷ XVIII.
 
Khác với những nhà truyền giáo đương thời chỉ muốn dùng chữ để truyền đạo thuần tuý, trong khi đó Philíphê Bỉnh vừa làm thơ, làm Tự điển, ông viết Hồi ký kể những chuyên không liên quan đến tôn giáo, đến đời sống, cho nên có thể nói Sách sổ sang... của ông là loại sách độc đáo thời kỳ đó chưa ai làm. Hồi ký của ông không phải là thứ ghi chép linh tinh mà theo một phong cách viết của phương tây một cách chép léo và khá thành công, ông quan sát tỉ mỹ những việc xẩy ra quanh mình.
 
Với lối viết văn xuôi, khác hẳn với lối viết văn xuôi kiểu Việt - Hán như Lê Quý Đôn mà giống như lối viết của Trương Vĩnh Ký, ông là nhà văn tả chân đầu tiên.Thực vậy, khi viết văn ông không có ý chép sử một cách khô khan mà nhằm gây cảm xúc cho người đọc. Một con người uyên bác biết chữ Nôm, thông thạo chữ Hán, giỏi tiếng Trung Hoa, Latinh, biết tiếng Bồ Đào Nha để biên soạn tự điển Việt - Bồ trong thời kỳ đó hiếm người đạt được như ông.”
 
“Ông không chỉ là nhà truyền giáo nhà ngôn ngữ, nhà văn hoá, mà còn là một nhà sử học. Trong hai bộ sử “Truyện Annam Đàng Ngoài” và “Truyện An Nam Đàng Trong” cách viết của ông theo phương pháp chép sử của phương Tây, ông không chỉ chép chuyện vua chúa. Mà ngay chép sử tôn giáo, ông cũng không chỉ nói chuyên tôn giáo, ông lồng đời sống tôn giáo vào trong đời sống trần thế và khi chép truyện đời,ông cũng đều gắn bó với đạo. Ông chú trọng nhất đến đời sống nhân dân,của quảng đại quần chúng. Ngay khi chép sử Việt Nam,ông cũng không tách ra khỏi lịch sử chung của nhân loại; lịch sử Philíphê Bỉnh bao giờ cũng là lịch sử Đông Tây đối chiếu.Thực vậy, mỗi khi ông viết về một biến cố nào ở Việt Nam, thì ông so sánh nó với biến cố trong lịch sử Tây phương. Điều quý nhất ở các bộ sử của Philíphê Bỉnh là hầu hết những điều ông đề cập đến đều không có trong chính sử Việt Nam, điều này giúp cho các nhà sử học Việt Nam bổ túc nhiều cho chính sử chưa đề cập đến. Nhiều sự kiện kể trong chính sử, cũng được ông ghi nhận, điều này giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tham khảo, bổ sung cho các công trình của mình.
 
Tóm lại, các tác phẩm của Philíphê Bỉnh sẽ là kho tư liệu quý giúp cho giới sử học khám phá, so sánh đối chiếu rất có giá trị.”
 
C. ĐỨC CHA TABERD VÀ TỰ ĐIỂN “Dictionarium Anamitico-Latinum”
 
Vì tầm quan trọng quyển Tự điển của Đức Cha Taberd (năm 1838) trong văn học nói chung, của nền văn học công giáo nói riêng, nên chúng tôi xin ghi lại sau đây nhận định của một số tác giả đã đã nghiên cứu về tiểu sử tác giả cũng như nội dung của quyển Tự điển.
 
I. Sơ lược tiểu sử Đức Cha Taberd và Tự vị[54]
 

Hoàn cảnh xã hội
 
Mấy năm đầu, vì nể nhiều quan triều, nhứt là ông Tả quan Lê Văn Duyệt, đang làm Thượng công trấn giữ đất Đồng Nai, và vì vua Gia Long xưa đã đặt ông này là đỡ đầu Minh Mạng, nên vua chưa dám cấm đạo. Đến khi ông Thượng công qua đời, không còn ai can gián, vua mới tra tay làm dữ cho thỏa lòng ghen ghét.
 
“Vào những năm 1825, 1827, theo lệnh vua Minh Mạng, các giáo sĩ người Pháp bị đưa về Dinh Cung Quán ở Huế quản thúc, trong số này có linh mục Taberd; nhưng nhờ tổng trấn Lê Văn Duyệt can thiệp, nên linh mục được tự do lui về Sài Gòn. Ngày 30-5-1830, tại Bangkok, Linh mục Taberd được tấn phong làm giám mục, với hiệu toà Isauropolis, và được lãnh trách nhiệm coi sóc địa phận Đàng Trong, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ ở miền nam chứ không ra ngoài Huế được.
 
Giám mục Taberd đang ở Thị Nghè, thì lại bị vua Minh Mạng ra dụ ngày 6-1-1833, triệu về Huế trình diện, nên cùng với ba giáo-sĩ Pháp và mười lăm chủng sinh ở Lái Thiêu trốn ra khỏi Thị Nghè, qua ngả Châu Đốc, Hà Tiên, Campuchia, tới Chanthaburi ngày 21-3, rồi tới Bangkok sau hơn một tháng trời. Hành trình hết sức mệt nhọc.
 
Tại Bangkok nhà vua nước Xiêm (Thái Lan) muốn lợi dụng và lôi cuốn giám mục về phía nước Xiêm để chống lại Việt Nam, nhưng bị từ chối. Để khỏi vướng mắc về chính trị, mùa hè năm 1834, giám mục trốn xuống Penang, Singapore, rồi sang xứ Bengale bên Ấn Độ. Nhận thấy không thể trở lại Việt-Nam được, nên giám mục Taberd đã xin Toà Thánh bổ nhiệm phó giám mục ở Đàng Trong, để làm việc thay cho mình. Vì thế năm 1835, linh mục Étienne Théodore Cuénot (tên Việt là Thể) được cử vào chức vụ này. Năm 1838, giám mục Taberd xin từ chức giám mục Đàng Trong, và được cử làm giám mục ở xứ Bengale. Cũng năm ấy ngài cho xuất bản tại nhà in J. C. Marshman ở Serampore cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Anamitico-Latinum. Ngài mất tại Calcutta ngày 31-7-1840.
 
2/ Cuốn tự vị này được hoàn thành, ít nhất đã có sự cộng tác của chủng sinh Philiphê Phan Văn Minh, vì khi ông này còn đang học tại đại chủng viện Penang, đã được giám mục Taberd mời sang Calcutta để cộng tác vào việc biên soạn. Sau này Phan Văn Minh đã được thụ phong linh mục. Thực ra các soạn giả đã dùng làm căn bản bổ sung khá rộng cuốn tự vị chép tay Dictionarium anamitico-Latinum của giám mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn.
 
Ngoài cuốn tự vị nổi tiếng đó, giám mục Taberd còn cho xuất bản:
 
- Tabula geographica imperii annamitici, Bengale, 1838.
 
- Documenta rectae rationis, Pondichéry, 1838 (Sách này dùng vào việc huấn luyện các chủng sinh Việt Nam và Trung Hoa. Sách được tái bản lần thứ ba tại Hương Cảng năm 1914).
 
- Giáo lý Đàng Trong, 1838. (Theo soạn giả Trương Bá Cần dẫn chiếu cuốn Bibliotheca Missionum. Xin coi: Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết, 1992, trang 40).
 
II. Nội dung cuốn Tự vị
 
1. Phần dẫn nhập và chỉ dẫn
 
Đáng chú ý là phần dẫn nhập và chỉ dẫn, vì nó cho ta biết thêm về nguồn gốc cuốn tự vị, lại cho ta thấy soạn giả đã có hiểu biết nhiều về văn học Việt Nam, đồng thời cũng muốn thông những cái biết ấy cho người khác. Trong phần này số trang được ghi theo kiểu viết số Rôma. Trong số 46 trang thì trừ 8 trang viết bằng chữ Quốc ngữ ra, các trang khác đều viết bằng tiếng Latinh cả.
 
Ngay trong phần dẫn nhập (tr. I-II), soạn giả cho biết cuốn tự vị đã được khởi công do Giám mục Bá Đa Lộc, tức Pierre Pigneaux de Béhaine, là người thạo tiếng Đàng Trong. Ta biết vị này còn thạo cả chữ Hán nữa, và còn soạn một cuốn tự vị Hán-Việt-Latinh, hơn 900 trang, được tàng trữ trong văn khố Hội Truyền giáo Nước Ngoài tại Paris, và cũng mới do Hội này rọi ảnh cho in ra vào cuối năm 2001, và cuốn Thánh giáo Yếu lý Quốc ngữ (bản chữ nôm có bài tựa bằng chữ Hán, đã được in tại Quảng Đông năm 1774, bản chữ quốc ngữ mẫu tự Latinh thì còn trong văn khố nói trên). Qua bao nhiêu cuộc binh-đao, sau vụ nhà trường đào tạo chủng sinh Việt Nam ở Cà Mau bị đốt cháy năm 1778, bản chép tay đã được cứu thoát và đem sang Bengale rồi được tu bổ và ấn hành.
 
Mục đích của người làm tự vị này là để giúp cho những người muốn học tiếng Việt, như các nhà truyền giáo ở Việt Nam, các thương gia, các khách du lịch, các học sinh Việt Nam và các học giả muốn tìm hiểu về văn chương Việt Nam.
 
Nhận xét thứ nhất của soạn giả là ngôn ngữ nước ta do ngôn ngữ Trung-hoa mà ra. Lý do là vì cách viết rất giống chữ Hán: một phần thì lấy lại đúng chữ Hán, một phần thì lấy từ chữ Hán mà chế biến ra. Vì có những cái thay đổi như thế, cho nên người Tàu đọc chữ Việt (chữ Nôm) không ra, mà người Việt nói thì họ không hiểu được. Tuy nhiên, soạn giả viết tiếp, chữ Hán được dùng bên Việt Nam trong các bộ luật và trong các đơn từ, ai muốn được bổ làm quan thì phải học chữ Hán. Vì thế họ có thể bút đàm được với người Tàu. Nói tóm lại là người Việt dùng hai thứ ngôn tự: tiếng nói hằng ngày của người dân và chữ Hán dùng trong giới nhà nho. Soạn giả đưa ra nhiều ví dụ để giải thích người Việt dùng chữ Hán, có lúc đổi hẳn nghĩa, có lúc thì đọc trại đi thành ra dăm ba từ ngữ khác. Như thế quả là soạn giả đã khá hiểu tình trạng tiếng Việt.
 
Sau những nhận xét chung, thì trình bày tiếng Việt. Bắt đầu là giảng về âm học, thanh học và văn phạm Việt Nam. Soạn giả viết thật tỉ mỉ về các chính âm, các phụ âm đầu và phụ âm cuối, và về cả sáu thanh như tiếng Đàng Ngoài (tr. III-IX). Có điều đáng chú ý là soạn giả có kể ra hai phụ âm đầu là bl và ml, trước đây vẫn dùng cho đến đầu thế kỷ XIX, nhưng trong chính tự vị thì không dùng đến nữa, mà thay bằng hai phụ âm tr và l. Còn về văn phạm thì viết vắn tắt (trang IX-XII) và viết các phần đoạn theo như văn phạm Âu châu. Nhưng bù vào đó thì lại có hơn hai chục trang (XIII-XXXIX) về các phụ từ đặc biệt Việt Nam, dùng để viết cho câu văn thêm đẹp, hay nói cho đúng ra là để viết cho ra tiếng Việt.
 
Sau cùng thì có 8 trang (XXXIX-XLVI) dạy rất tỉ mỉ về cách làm thơ: thơ lục bát, thơ Đường thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn, và về cách làm phú và làm văn tế, với các câu đối, biền ngẫu đúng phép. Những trang này thì viết bằng tiếng Việt, vì thực ra nếu không thông thạo tiếng Việt thì khó mà lãnh hội được. Tất cả đều có những bài mẫu được dịch ra tiếng Latinh. Độc giả có thể căn cứ vào đó mà hiểu được những cái đặc sắc tế nhị của tiếng Việt.” 
 
2. Phần chính

 
2.1. Phần chính của cuốn tự vị gồm 620 trang, mỗi trang chia ra làm 2 cột. Các chữ trong tự vị được xếp theo thứ tự A, B, C của mẫu tự Latinh, nhưng mỗi từ ngữ đều được viết bằng chữ Nôm trước, viết theo mẫu tự Latinh sau, rồi dịch nghĩa ra tiếng Latinh. Tiếp sau đó thì chua thêm những kiểu nói bắt đầu bằng chữ đó. Cũng nên chú ý rằng các sách nôm của người Công giáo Việt Nam trong gần 4 thế kỷ, đều gọi chữ nôm là quốc ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu tự Latinh là chữ Quốc ngữ.
 
Cứ theo lý mà xét, thì tự vị này phải nặng về tiếng Đàng Trong, vì cả hai giám mục Pigneau (Bá Đa Lộc) và Taberd đều đã hoạt động ở Đàng Trong, và hơn nữa, cuốn Thánh giáo Yếu lý Quốc ngữ (1774) viết theo mẫu tự Latinh của giám mục Bá Đa Lộc cũng viết theo tiếng Đàng Trong, ví dụ: nhơn, chứ không viết nhân. Tuy vậy, tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá nhiều trong tự vị đó, ví dụ: được thay vì đặng, vào thay vì vô. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.
 
Ai muốn tra tự vị theo kiểu Tàu, nghĩa là theo thứ tự các bộ chữ và theo số nét viết, thì có thể tìm trong những trang 661-712. Đặc biệt nhất là trong những trang 713-719 có một bảng để chỉ cho biết những chữ Hán gồm nhiều bộ phức tạp thì phải tìm theo bộ nào.
 
Ngoài những từ ngữ thông thường trong những trang trên đây, lại có 40 trang (621-660) dành cho những từ ngữ chuyên môn về thực vật học, về cây cối, hoa quả, rau cỏ ở Đàng Trong (Hortus floridus Cocincinae). Như ta biết, phép phân loại, dùng trong thực vật học, và sau này dùng trong động vật học, đã được định hình do Carl von Linné (1707-1778), đặt tiêu chuẩn khoa học để thống nhất cách chia loại trên loại dưới, chia hạng trên hạng dưới, đồng thời dùng tiếng La tinh, chứ không dùng từ ngữ thường nhật của học giả các nước khác nhau, để thống nhất cách gọi tên các loại thảo mộc. Cho nên chỉ có người am tường khoa thực vật học mới biết nhiều tên bằng tiếng Latinh như thế. Đây là một truyện tình cờ: năm 1972 tôi có đưa một cây rau răm cho một giáo sư đồng nghiệp, người Bỉ, dạy thực vật học ở đại học Kinshasa (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa học; sau khi khám nghiệm, ông ta xếp nó vào loại polygonacae, và gọi tên nó là polygonum (verisimile) odoratum Loureiro; bây giờ tra tự vị Taberd, xuất bản năm 1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum. Thế mới biết soạn giả không phải là những người vô học. Thiết tưởng các nhà thực vật học nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo mộc bên ta và tên các vị thuốc bắc trong tự vị đó với các tên dùng trong khoa học ngày nay xem sao.
 
Sau cùng còn một phần phụ lục dành cho những từ ngữ Hán Việt (chữ Hán đọc theo giọng Việt), vừa xếp theo thứ tự của mẫu tự Latinh (trang 1-107), vừa xếp theo bộ chữ Hán (trang 108-126). Các trang, như ta thấy, được ghi lại từ 1 đến 126, như là một cuốn sách mới.
 
Như thế cũng đủ thấy là tự vị Taberd thật là tiện lợi: tra cứu theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ đều được dễ dàng cả. Dĩ nhiên việc biên soạn này là một công trình rất có phương pháp, và tốn nhiều công phu. Nếu không tha thiết với tiếng Việt, với chữ nôm, thì chắc không ai làm. Và hơn nữa, nếu không có nhiều người cùng làm chung thì không ai một mình mà làm nổi.
 
2.2. Tự vị và nền quốc học
 
Vấn đề quốc học
 
Xét cho cùng thì có lẽ nền quốc học của người Việt đã không phát triển theo cùng một nhịp với truyền thống quốc gia và ý thức dân tộc.
 
Vấn đề chữ Nôm
 
Chắc hẳn là vì đã ý thức được cái thiếu sót ấy cho nên trong nước độc lập thời nhà Trần, hay có lẽ còn sớm hơn nữa, đã có những nhà Nho nghĩ đến việc chế biến chữ Hán để viết ra tiếng nói của người dân Việt: chữ nôm bắt đầu thành hình, và ngay thời đó đã có những văn kiện như bài văn tế cá sấu: “Ngạc ngư kia hỡi mày có hay...’’. Theo như sử gia Ngô Sĩ Liên thì người ta bắt đầu làm thơ phú bằng tiếng Việt vào khoảng đầu thế kỷ XIV. Văn chương chữ nôm không phải là không phong phú, nhưng các nhà Nho vẫn tiếp tục làm thơ văn bằng chữ Hán, nhà cầm quyền vẫn ra sắc lệnh cai trị dân bằng chữ Hán, viết quốc sử bằng chữ Hán.
 
Tự vị tiếng Việt
 
Khi các giáo sĩ Âu châu vào Việt Nam truyền giáo, thì họ có đem theo một số sách giáo lý đã soạn bằng Hán văn ở Trung Quốc để cho các nho sĩ đọc. Nhưng họ đã học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt cho dân chúng. Có lẽ vì thế mà giới nho sĩ cho rằng đó là tả đạo, giảng cho “ngu phu ngu phụ’’. Chữ nôm khó học, thì họ chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách qué, như các nho sĩ chỉ biết chịu phục có người Tàu.
 
Làm tự vị tức là làm sổ tất cả các từ ngữ được dùng trong một dân tộc. Người ta thường căn cứ vào sách vở của các nhà văn, căn cứ vào cách ăn nói của người dân, để xác định các ý nghĩa khác nhau của từng từ ngữ. Muốn cho tự vị thành ra hữu dụng, thì sau công việc thu thập tài liệu như thế, phải tìm ra cách thức xếp đặt các từ ngữ cho có thứ tự, để ai nấy biết cách tra cứu. Các tự vị do các giáo sĩ Âu châu biên soạn đều được xếp đặt theo thứ tự của các mẫu tự Latinh, nhưng cũng có bảng xếp đặt theo thứ tự các bộ chữ Hán và theo số các nét chữ. Tự vị Taberd cũng theo qui tắc như thế, cho nên muốn tra cứu chữ quốc ngữ theo thứ tự mẫu tự Latinh, hay là tra cứu chữ nôm theo kiểu Tàu (theo bộ chữ và số nét chữ) cũng được cả.
 
Soạn giả có thể giới hạn tự vị vào những từ ngữ thông dụng mà thôi. Nhưng tự vị cũng còn có thể bị giới hạn, vì soạn giả chưa sao lục ra được hết mọi từ ngữ, hết mọi cách viết chữ nôm đã dùng trong các sách nôm ở Việt Nam, hay là chưa tìm ra được tất cả các ý nghĩa của từ ngữ. Cho nên những người đi sau thường lấy lại của người đi trước, và đôi khi cũng căn cứ được vào các tác phẩm đã có, để khám phá thêm được một ít từ ngữ hay ý nghĩa mới. Từ ngữ được viết vào tự vị tức là được công nhận. Cũng như các tự vị khác, tự vị Taberd đã ghi lấy những từ ngữ và những chữ viết (chữ Nôm) đã dùng trong một thời kỳ, trong một địa phương nhất định. Cái sở trường và cái sở đoản của nó là ở chỗ đó,
 
Xin đan cử ra đây một vài ví dụ, gọi là để đề nghị một vài phương hướng nghiên cứu về chữ nôm Công giáo: a) có một số từ ngữ chuyên môn của Công giáo, như: “dòng’’ (hội những người đi tu), “rỗi’’ (được cứu độ, được sống muôn đời), “kinh’’ (lời cầu khấn, “oratio’’, chứ không phải là “sách’’, như thỉnh thoảng có người hiểu lầm), b) có một số từ ngữ chuyển âm từ tiếng Latinh hay Bồ Đào Nha, như: “vít-vồ’’ (giám mục, chuyển âm từ tiếng Bồ Đào Nha “bispo’’, chữ nôm thì dùng hai chữ Hán “viết vô’’, nhưng phải đọc là ‘’vít-vồ’’), ‘’pha-pha’’ (vị giáo tông ở Roma, cũng gọi là giáo hoàng, Latinh và Bồ Đào Nha là “papa’’). c) có những chữ vẫn thông dụng, nhưng lại không có trong tự vị như “Giê-su’’ là tên vị giáo tổ (Chữ Hán-Việt là “Gia-tô’’, người Tàu đọc là “Giê-xu’’; viết chữ nôm thì dùng hai chữ “Chi-thu’’, nhưng phải đọc trại đi là “Giê-su’’ thì mới là đúng, chứ không đọc là “Chi-thu’’, như đôi khi có người đọc sai. d) có những chữ nôm mà soạn giả chưa tìm ra tất cả các cách viết, như: chữ “rỗi’’ (được cứu độ, “salus’’), thì soạn giả chỉ ghi cách viết chữ “khẩu’’ bên trái chữ “lỗi’’, chứ không ghi cách viết chữ “sinh’’ bên trái chữ “lỗi’’,...
 
2.3. Vấn đề Quốc ngữ
 
Trở lại vấn đề chữ Quốc ngữ

 
Chữ Nôm vì quá tuỳ thuộc vào chữ Hán, lại trước đó cũng chẳng được trọng dụng như chữ Hán, cho nên cũng theo đó mà lu mờ đi, cho nên chỉ còn có lối viết theo mẫu tự Latinh là được gọi là Quốc ngữ mà thôi. Đã thế vào đầu thế kỷ XX lại có một số sĩ phu có tên tuổi đứng ra cổ võ cho chữ Quốc ngữ ấy, vì thấy nó tiện lợi và dễ học hơn chữ Nôm. Và họ đã thành công. Ngày nay là gần một thế kỷ sau đó, chúng ta đã quá quen dùng chữ Quốc ngữ rồi, văn chương của tiền nhân hầu hết cũng đã chuyển sang chữ Quốc ngữ, rồi các sáng tác văn học, khoa học, thư tín và giấy tờ hành chính đều viết bằng chữ quốc ngữ cả. Cho nên có lẽ không còn ai chủ trương phải trở về chữ Nôm nữa: nó thật là thần tình, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm và chưa được ấn định cho chính xác.
 
Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm
 
Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ là hai lối viết tiếng Việt, một lối theo mẫu người Tàu, một lối theo mẫu người Tây. Thực ra cũng không phải người Tây sáng chế ra lối viết theo mẫu tự như thế, nhưng họ cũng là học lại của người miền Trung Đông thời Thượng Cổ. Và hiện nay cũng có nhiều dân tộc trên thế giới dùng lối viết theo mẫu tự.
 
Chữ Nôm đã “vang bóng một thời’’, nó kết tinh nỗ lực của ông cha ta trong mươi thế kỷ để thiết-lập một nền văn hoá Việt Nam có bản sắc riêng, tuy có chịu ảnh hưởng của văn hoá người Hán tộc, lại muốn có vốn để “đi ăn riêng’’, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Chữ quốc ngữ là do ảnh hưởng của người Âu châu, nhưng đã giúp cho người mình thực hiện được cái ý muốn độc lập đó.
 
Ngày nay ta không dùng chữ Nôm trong đời sống thường nhật, và cũng không thấy có dấu nào nói lên rằng dân ta muốn trở lại dùng chữ Nôm, vì thực ra cũng có nhiều cái bất tiện, lại tốn công, tốn của, tốn thì giờ. Tuy vậy đó vẫn là kho tàng văn hoá không thể bỏ qua, mà trái lại cần được bảo tồn. Đó là chương trình của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm và của cơ quan “Vietnamese Nôm Preservation Foundation’’. Trong việc sưu tầm sách vở chữ Nôm thời xưa, xem chừng còn ít người biết và để ý đến số sách Nôm do người Công giáo đã biên soạn trong hơn ba thế kỷ. Điểm quan trọng của số sách này là ở chỗ nó cho ta biết khi bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng người Âu, thì các ý niệm và quan niệm của Tây phương được chuyển sang tiếng Việt như thế nào.
 
Như đã nói trên đây, tự vị Taberd, cũng như tự vị của Pigneaux de Béhaine, có cái sáng kiến hay của nó, là vừa có đối chiếu chữ Quốc ngữ với chữ Nôm, vừa có cách thức thuận tiện để chuyển từ loại chữ này sang loại chữ kia. Vì xếp theo thứ tự các mẫu tự Latinh, nên ta biết đọc thế này thì phải viết làm sao. Ngược lại, muốn biết chữ viết thế này phải đọc làm sao, thì đã có bảng xếp các chữ theo các bộ chữ Hán. Cho nên từ sau đó các tự vị chữ Nôm đều tiếp nhận cái sáng kiến ấy.
 
Tự vị Taberd đã góp phần vào việc định hình cho chữ Quốc ngữ ta dùng bây giờ, và còn giúp ta trong việc nghiên cứu chữ Nôm. Cho nên nó đáng được một chỗ đứng trong lịch sử phát triển văn hoá Việt Nam.”


còn tiếp 3

Kontum ngày 15/02/2016
  
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

http://www.truyen-tin.net/ViewNewsDetail.aspx?tabid=111&NewsPK=18530

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét