Trang

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES[3]


MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES[3]





III. Tự vị “Dictionarium Latino-Anamiticum” của Đức cha Taberd[55]
 
Chúng tôi xin ghi lại một số phần chính trong tự điển quyển thứ hai của Đức cha Taberd. Sau đó chúng tôi chuyển một số ghi chú về các tự vị của Đức cha Taberd xuất bản ở Bengale năm 1838 của Louis Malleret. 





 
“Khi mô tả về quyển thứ hai, Đức Cha Taberd cho thấy Ngài đã nhớ đến những nguyện vọng của Viên thơ ký phủ Toàn quyền Ấn Độ, ở hội nghị “Société Asiatique du Bengale” ngày 3 tháng 8 năm 1836, nhằm làm cho sách dễ hiểu đối với các thuỷ thủ và các thương nhân”, bằng cách đưa vào đấy những chú thích bằng tiếng anh, cũng như bằng tiếng Latinh, và ngoài ra, một tự vựng tiếng Anh thông dụng, bằng tiếng Nam Kỳ.


 
Tác giả đã chấp nhận lời yêu cầu bằng cách thêm vào “một bản tóm lược đầy đủ về ngôn ngữ các danh từ, các động từ, đối thoại, văn phạm… bằng tiếng Anh, Pháp, Latinh và Annam”.

 
Chính là phần phụ đính dài 135 trang của quyển thứ hai mà Abel des Michels đã cho tái bản vào năm 1871, kèm theo chú giải sát theo nghĩa chữ của những bài đối thoại bằng tiếng Annam, Pháp, Anh và Latinh và duyệt lại các khái niệm về cân lường, đo đếm và phân chia thời gian, được ghép vào cuối tác phẩm của Đức Giám mục Isauropolis.
 
Ở phần phụ đính của quyển Tự điển của mình, Đức cha Taberd đã gắn thêm một bản đồ in theo mẫu của thư viện của chúng ta, nhưng vẫn được nhiều người biết đến. Đó là bản đồ Vương quốc Annam, bằng tiếng Latinh và tiếng Annam, mang tựa đề “Annam đất quốc địa đồ” hay là “Tabula geographica imper anamitici, ab auctore Dictionarium latino-anamitici disposita 1838. Nó được in ở Paris, năm 1863 theo lệnh của Hầu tước Chasseloup Laubat, Bộ trưởng Bộ Hải quân, trên giấy rộng khổ 1,06 x 0,75 mét. Bản đồ này là một tiến bộ quan trọng đối với các bản đồ đã có trước, và do đó là một tư liệu cơ bản đã được các sĩ quan Đạo quân Viễn chinh sử dụng từ năm 1859, và trước khi có bản đồ tạm thời của kỷ sư Manen, năm 1862, rồi sau đó Bản đồ tổng quát của Nam Kỳ thuộc Pháp, do Trung tá Hải quân Bigrel, 14 tờ, năm 1872-1873.
 
Ngoài những công trình của tác giả Tự vị, cũng nên thêm vào hai bài viết bằng tiếng Anh, đăng trên tờ báo “Journal” của Hội Á châu ở Bengale. Đó là hai tiểu dẫn địa lý, in trong các quyển VI và VII, năm 1837 và 1838, mà chúng tôi sẽ tái bản sau này. Ở Serampore, ngài cho xuất bản hai tác phẩm khác bằng tiếng Latinh. Sau hết, theo A. Brébion, người mà thông thường có cung cấp thông tin gì thì chúng ta không nên tin vội mà cần phải kiểm tra lại, vị giám mục có thể cho xuất bản thêm, năm 1833 do nhà in J. Marshman, một quyển văn phạm bằng tiếng Latinh và Annam.”
 
Ngoài khía cạnh văn từ, Tự điển thứ hai này của Đức Giám mục Taberd  nói lên những mặt tích cực như sau:
 
1- Khả năng diễn đạt tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ đã thể hiện rõ nét trong Tự vị của A. D. Rhodes. Xin xem phần Appendix trong cuốn Tự điển thứ nhất thì rõ.
 
2- Ngoài khả năng diễn đạt tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ, quyển thứ hai này có “Khả năng diễn đạt của tiếng Việt Nam”: nghĩa là tiếng Việt có thể diễn đạt tiếng Latinh, tiếng pháp, tiếng Anh…, mà không cần vay mượn những tiếng ngoại quốc đó.
 
3- Tự điển thứ hai này có nhiều tiếng phổ thông, thông dụng đến đời sống hằng ngày và rất ít tiếng Nôm.
 
4- Nhiều từ ngữ có khả năng diễn tả nội dung giáo lý Công giáo.
 
5- Có nhiều từ trong Tự điển của ngài diễn tả những phạm trù tích cực về các lương dân. Ví dụ: từ “lương”, nghĩa là những “người tốt”.
 
6- Tự điển thứ hai này cũng đã sánh vai được với thế giới, nơi gặp gỡ thế giới trong nhiều lĩnh vực: văn hoá, khoa học, địa lý, chính trị, tôn giáo…, nói cách khác là bao gồm tinh hoa của nước Việt và khởi đầu sản sinh ra nhiều nhân vật văn học làm rạng danh đất nước như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Paulus Của…
 
7- Trong tự điển A. D, Rhodes[56], cũng như của Taberd chứa đựng nhiều chữ quốc ngữ diễn đạt được nội dung tôn giáo và tạo nên văn học Công giáo Việt nam. Chữ Quốc ngữ đã được ứng dụng vào đời sống tôn giáo như các kinh trong “sách mục lục” dùng mấy trăm năm qua. Các lời kinh trong sách mục lục mang tính cách văn hoá Việt Nam, với tiếng Việt thật gần gũi với người dân bình dị và có nội dung Kinh Thánh, luân lý gia đình, thôn làng, luỹ tre, có sức nuôi dưỡng đời sống đức tin, lối sống đạo tuyệt vời của tín hữu Việt Nam, dù sống trong mọi thế cuộc thuận lợi hay nghịch cảnh.
 
B. Philipphê Phan Văn Minh tham dự cách tích cực trong việc hình thành Tự vị của Đức cha Taberd (năm 1838). Chúng tôi xin ghi phần sơ lược tiểu sử và sự nghiệp của người sau đây. 



 
I. Sơ lược tiểu sử và sự nghiêp của Philipphê Phan Văn Minh[57]
 
1. Hoàn cảnh gia đình
 
Philipphê sinh ra tại họ đạo Cái Mơn lối năm Ất Hợi (1815). Cha người là Đôminicô Phan Văn Đức (cũng gọi là ông trại Phương, theo tên con đầu lòng), việc đạo thì làm câu họ. Mẹ người là Anna Tiếu. Cả hai là đạo dòng và đức đức. Chúa đã ban phúc lộc cho hai ông bà sinh được nhiều con, hết thảy là 14 người, 5 trai, 9 gái. Nhưng Chúa đã gọi hai ông bà về với Người sớm, khi Philipphê hãy còn nhỏ. Dầu phải mồ côi, nhưng chẳng có bơ vơ, vì người chị khôn ngoan biết tính toán lo liệu cho các em và cũng được cô bác giúp đỡ, bàn bạc chỉ bảo. Trong nhà tương đó có cái ăn cái mặc, nên Philipphê khỏi lao lực cực khổ, rảnh việc nặng nề. Người Chị đảm đang mọi việc trang nhà, lo cho em Minh đi theo anh là Phêrô Tú, để học hành chữ nghĩa. Bỡi vì sáng dạ nên học mau và thuộc hết chữ nho khá khá.
 
Người chăm chỉ đèn sách, kinh nghĩa. Lên 13 tuổi, người dọn mình rước lễ lần đầu. Khi Đức cha Từ (Taberd) xuống ban phép thêm sức tại Cái Mơn, cậu Philipphe tới chào Đức cha và xin theo Người. Đức cha bằng lòng, nhưng chưa cho đi theo ngay.
 
Ít lâu sau, anh Phêrô Tú được thư của Đức cha, và chở em lên tại họ Ba Giồng gặp Đức cha. Thấy con trẻ có trí thông minh, Đức cha thương đem về nuôi làm học trò cùng dạy dỗ tại nhà trường Lái Thiêu, cho tới khi cơn bắt đạo làm cho người phải ra khỏi đất Nam Kỳ.
 
2. Tình thế thời cuộc
 
2.1. Sau khi ông Lê Văn Duyệt qua đời, nhà Vua Minh Mạng bắt đạo tàn bạo. Chính cha Jean Louis Taberd (Đức cha Từ) đã phải bị bắt giam tại Nhà trường Lái Thiêu (năm 1834). Quan tỉnh chờ dịp giải người về kinh, theo lịnh vua. Trong tình thế nguy hiểm như vậy, chú Philipphê Minh cùng một ít chú khác không nỡ bỏ mặc Đức cha, nên quyết sống chết với ngài, cho trọn nghĩa thầy trò tìm cách cứu nguy ngài. Quan tính chưa kịp, người thoát khỏi tay quan quân. Người đã cùng thế, vì quan quân tầm nã khắp xứ, nhưng không bắt được người. Thoát thân sang Cao Miên, đến Xiêm và năm 1834, ngài cùng với các chú đến trú tại Pinăng (Mã Lai). Tháng 5 năm 1836, Đức cha Taberd sang tới thành Calcuta bên Ấn Độ đem hai người học trò lý đoán (Thìn và Hiền) theo, để giúp việc in Tự Điển. Sau đó, khi hai thầy ấy phải về Bình Định để giúp Đức cha Thể, Đức cha Từ đã xin nhà trường gởi thầy Philipphê Minh qua giúp người hoàn thành quyển Tự điển Dictionarium LATINO-ANAMITICUM Tự vị của ngài.
 
2.2. Tận dụng thời gian này, ngài xếp đặt tư liệu quyển Tự điển Latinh-Bồ-Việt của cha A. de Rhodes, đã được Đức cha Pigneau Béhaine duyệt xét lại ( bị cháy vào năm 1778). Ngài cho in và xuất bản một phiên bản mới “Dictionarium Anamitico-latinum & Latino-anamiticum” năm 1838 với sự giúp đỡ 2 đại chủng sinh Việt Nam là Hiền và Thìn, sau đó được bổ sung của Philliphê Minh. Để hoàn thành công việc này, ngài phải ở tại Serampore ròng rã 2 năm trời, và cho xuất bản ở nhà in của J. C. Marshman tại Serampore năm 1838.
 
2.3. Ngày 31 tháng 7 năm 1840, Đức cha Taberd qua đời tại Bơbaza (Calcuta), thầy Philipphê Minh trở lại Đại Chủng viện Penang, học cho hết các môn chú giải Kinh Thánh cần thiết. Sau đó, thầy trở về quê nhà của thầy vùng Tam giác sông Mê Kông.
 
Đức cha Thể gởi thầy Philipphê Minh về địa phận nguyên quán người, là Đàng Trong phía tây, để giúp việc phía này. Năm 1844, Toà Thánh chia địa phận Đàng Trong thành 2 địa phận tông toà: Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong. Đức cha Ngãi (Dominique LEFÈBVRE) cai quản Tây Đàng Trong.
 
Thầy Philipphê Minh chưa kịp giáp mặt Đức cha Ngãi, thì đã nhận tin Đức cha Ngãi bị bắt lần thứ hai (vào ngày 03/10/1844). Đang khi Đức cha phải giam giữ ngoài kinh, cố chính Mịch (Miche) sai thầy phó tế Minh ra tìm thăm người, coi người liệu như thế nào cho mình được lãnh chức linh mục, vì địa phận Nam kỳ có ít linh mục lắm. Thầy phó tế Philipphê Minh không ngại đường xa nguy hiểm đã lên đường đến thăm Đức cha đang bị giam giữ tại công quán, và lãnh mọi điều Đức Cha ký thác cho, và sẵn lòng vâng phục. Cầm bức thơ người gởi, đi tìm Đức cha Thể đang ẩn lánh tại họ Gia Hựu, Đức cha Thể xem thơ, và phong chức linh mục cho Thầy. Khi ấy người được 31 tuổi (1846).
 
Sau khi được can thiệp giải cứu, Đức cha Ngãi mặc dù về miền tông toà của ngài, nhưng phải trốn lánh rất vất vả. Cha Philipphê Minh được Đức cha trao trách nhiệm đi ban bí tích thêm sức thay cho Ngài. Cha Minh khiêm nhường, khôn ngoan, tận tụy trong trách vụ mục tử.
 
Theo lệnh của vua Tự Đức bắt đạo, Cha Philipphê Minh bị bắt ngày 26 tháng 2 năm 1853, và hành xử tại Đình Khao, tỉnh Vĩnh Long ngày 3 tháng 7 cùng năm, lúc đó ngài 38 tuổi. 

3 - Sự nghiệp về Văn học chữ Quốc ngữ
 
Ngoài công việc giúp Đức cha Taberd chỉnh sửa Từ điển của Đức cha Taberd (năm 1838), cha Philipphê Phan Văn Minh còn để lại những bài viết có nhiều nội dung văn học tôn giáo đủ thứ loại, đặc biệt văn thơ được Phi-Năng thi tập, 1842, Recueil de Penang  trình bày  trong “Văn Quốc ngữ” Philipphê Phan Văn Minh 1815-1853, Phi Năng thi tập, 1842, Recueil de Penang, Traduction, commentaires et notes de Marie Colombe BACH PHAN, S3Bael. In tại Paris, mai 2015”.
 

A. Phi-Năng thi tập, 1842
 
Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853)
 
“Nước Trời” Họ hỏi : ở đâu?
 
Chẳng như đôi tượng làm sao mà nhìn?
 
Nói rằng ở đó chớ tin,
 
Ở đây, chớ vội đinh ninh mà lầm.
 
Nước trời ở tại chân tâm,
 
Luôn luôn thức tỉnh mà tầm đạo ngay.
 
Đời trước Thiên cơ bất khả lậu,
 
Đời nay Con Chúa đã ra đời.
 
Nho gia không còn chi ẩn giấu,
 
Mà khắp bốn phương thấy rạng ngời.
 
                                      Phil. Phan Văn Minh
 
Thầy Philipphê Phan Văn Minh về Ba Giồng, xướng hoạ cùng ông Đồ Ốc: dạy học, bốc thuốc ở Giồng Găng Lâm Vồ, tỉnh Ba Tri (hiện nay là Bến Tre).
 

B. Đề tài xướng hoạ
 
Da-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời,
 
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
 
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
 
Không dùng vương bá để xây đời. 
 
Vâng lời thiên mệnh đàng thân diệt,
 
Gánh tội nhân gian chị máu rơi.
 
Dĩ nhược thắng cương, mệnh chứng tỏ,
 
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.
 
                                            Phil. Phan Văn Minh
 
Hoạ
 
Thế gian vạn sự nói do Trời,
 
Nhưng sao vạn sự khổ khắp nơi ?
 
Cứ khổ đã nêu bên đạo Chúa,
 
Giải nguy chưa thấy phía người đời 
 
Triều đình Nam Quốc xô không ngã,
 
Đạo Trưởng Tây phương bám chẳng rơi,
 
Đã đẩy giao nhơn vào thế khổ,
 
Vậy ai phải chịu bất tri thời.
 
                                              Ông Đồ Ốc
 
 
Đáp HoaVận
 
Cai trị thế gian luật của Trời,
 
Có yên có khổ cũng tùy nơi.
 
Tranh danh oán hận do người thế,
 
Giàng lợi chiến tranh tại thới đời. 
 
Thuốc bổ vào người sinh thuận nghịch,
 
Đạo ngay nhập thế có xuôi rơi.
 
Xưa nay đau khổ do tham vọng,
 
Lịch sử chứng minh kẻ thức thời.
 
                                                Phil. Phan Văn Minh 
 
Hoạ
 
Đau khổ xưa nay vốn tại Trời,
 
Thất mùa ôn dịch khắp nơi nơi.
 
Thủy tai chôn lấp bao nhiêu mạng,
 
Địa chấn nát tan mấy cuộc đời.
 
 
Khổ đó con người làm chẳng được,
 
 Nạn này, Tạo Hóa trút đầy nơi.
 
Thiên tai, đại nạn, Trời làm cả,
 
Nhân loại chỉ gây giặc nhất thời.
 
                                              Ông Đồ Ốc
 
 
Đáp Hoạ Vận
 

 
Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời,
 
Khác nào loài cá khắp nơi nơi.
 
Sông sâu khỏe xác tha hồ lội,
 
Sông cạn, phơi thây há trách đời.
 
 
 
Cá có oán sông lên hoặc xuống,
 
Mình không biết nước lớn hay vơi.
 
Dĩ nhiên phải chịu vì không biết,
 
Thượng bất oán Thiên, lẽ tức thời.
 
                                           Phil. Phan Văn Minh 
 
 

C/  Khai hội thơ Vịnh Ê-vang 
 
Gia cang, đất nước với thân danh
 
Tô điểm Ê-vang tận gốc nhành
 
Cơ cấu nhân sinh theo Đạo Thánh
 
Đốc hành thế sự vơi tâm thành
 
Con đường bác ái khi chung sống
 
Đức độ công bằng lúc đấu tranh
 
Chúa đã hoằng khai nguồn cứu rỗi
 
Trời cao không bỏ kẻ ngay lành. 
 
Phil. Phan Văn Minh (1815-1853) 
Phi Năng thi tập – bài IV.
 
 
Philipphê Phan Văn Minh còn làm nhiều bài thơ theo nguồn cảm hứng Tin Mừng, như : Sự xét mình (Mt 3-3; Lc 4,41-42); Xem trái biết cây (Mt 7,16-20)… Tập Văn “Quốc ngữ” của ông có ghi 25 bài thơ theo chủ đề Bài Thơ vịnh Ê-vang. 
 

----- ***  ------ 
 
Chúng tôi vừa trình bày khái quát NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO trong giai đoạn đầu, qua một số Tự điển, sách tôn giáo bằng chữ Quốc ngữ và một vài tác giả tiêu biểu người Công giáo. Chúng tôi chưa đi chuyên sâu vào những loại hình văn học công giáo khác như thơ phú, nhạc, kịch tuồng, sách báo... Kỷ niệm 400 năm Đạo Thánh Chúa có mặt trên quê hương đất Việt Nam, chắc hẳn cần phải đào sâu hơn nữa những kho tàng văn học Công giáo phong phú và đa dạng, hầu góp phần vào kho tàng Văn học Việt Nam.
 
Chúng tôi xin một lần nữa cùng với nhà nghiên cứu: Hoàng Xuân Việt và Võ Long Tê để kết luận bài tìm hiểu của chúng tôi với nội dung:  
 

“MỘT NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ 
CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU VỚI GIÁO SĨ ALEXANDRE DE RHODES”
 
“Chẳng hạn rất ít ai biết được rằng sự hoàn chỉnh của chữ Quốc ngữ ngày nay là nhờ đã trải qua đến ba giai đoạn chỉnh lý. Giai đoạn đầu tiên được công bố qua công trình của Alexandre de Rhodes vào năm 1651, giai đoạn thứ hai được biết đến với Pigneau de Béhaine và Hồ Văn Nghi vào năm 1772, và giai đoạn thứ ba đánh dấu bởi công trình Từ điển của Taberd và Phan Văn Minh vào năm 1838. Chính trong giai đoạn cuối này, chữ Quốc ngữ đã được chuẩn hoá đến mức như hoàn thiện và được sử dụng thống nhất trên toàn quốc cho đến ngày nay (...).”
 
“Qua việc chuyên khảo về lịch sử chữ quốc ngữ này, chúng tôi hy vọng có thể góp phần đính chính một số ngộ nhận đáng tiếc về lai lịch chế tác chữ Quốc ngữ, xác định một cách công bình vai trò và công sức của Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp hình thành chữ Quốc ngữ, cũng như làm rõ công nghiệp lớn lao của những người như Pigneau de Béhaine, Hồ Văn Nghi, Taberd và Phan Văn Minh, trong việc hoàn chỉnh thứ chữ viết mà ngày hôm nay dân tộc ta có thể xem là niềm hảnh diện khi so với các dân tộc văn minh khác trên thế giới (…)”[58].
 
“Với ba tác phẩm này (Tự điển Viêt-Bồ-La, Ngữ Pháp và Phép Giảng Tám Ngày của A.D. Rhodes), chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền văn học Công giáo bằng chữ quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.”[59]
 


--------------------------
 
[1] Võ Long Tê, “ Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam" , cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
 
[2] Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
 
Có trích đoạn trong Dictionarium Anamitico Latinum, NXB Văn học, trong tiểu mục: “Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam” trang il và những trang kế tiếp.
 
[3] Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
 
[4] Xin xem Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”.
 
[5] Xin đọc Phần Tựa của “Hán Tự Qui Giảng” của Đ. Hồ Ngọc Cẩn, in lần thứ hai, Hồng Kong, Imprimerie de la Société des Missions Étrangères 1927.
 
[6] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
 
[7] + Xin xem bài tham luận của ThS. Nguyễn Văn Biểu, “ĐẤT BÌNH ĐỊNH TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ” (Hội thảo Khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13/01/2016)
 
Trong phần trích dẫn, chúng tôi in chữ đậm câu: “Một nền Văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes” như điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu của chúng tôi.
 
  + Xin xem thêm bài tham luận của 2 tác giả Ths. Nguyễn Ngọc Oanh và PGS. TS. Nguyễn Công Đức:
 
“MỘT VÀI CHỈ DẤU CỦA PHƯƠNG NGỮ BÌNH ĐỊNH - NAM TRUNG BỘ TRONG TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA CỦA ALEXANDRE DE RHODES”.
 
(Xin trích đoạn):                                                                           
 
“Để tiện cho người Âu châu học tiếng Việt, Đắc Lộ đã dụng công viết riêng phần ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Latinh đặt ở đầu sách. Đây là phần dẫn giải về chữ và vần, trọng âm và các thanh điệu, về danh từ, đại danh từ, động từ, đến cú pháp. Đây cũng là phần đã tốn nhiều công sức của vị giáo sĩ này. “Với Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt và Phép giảng tám ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền Văn học Công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes” - nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận định.”
 
[8] Dựa trên tài liệu “Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên”, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao lục, chú thích và lập bảng tham chiếu.  Tinh Việt Văn Đoàn, Ban Sử học: 232/19 Hiền Vương, Sài Gòn 961 (Kỷ niệm Tam Bách Chu Niên).
 
[9] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965.
 
[10] Xin xem Petrus Paulus Thống, “Chữ Quốc ngữ và Môi trường Bình Định”.
 
Xin trích đoạn: “Thật vậy, chữ Quốc ngữ (CQN) ở Việt Nam cũng do các vị Thừa sai thuộc Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản (lúc ấy tập trung ở Macao) nghĩ ra, theo cùng một mô thức, nhắm cùng một mục đích, đã trường tồn tốt đẹp mãi đến ngày nay do những yếu tố khách quan nhưng chủ yếu do những yếu tố chủ quan. Chủ quan ở đây chúng tôi muốn hiểu theo chiều hướng chủ động tích cực. Phải khẳng định CQN là một công trình tập thể. Nói Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) là cha đẻ, là ông tổ của CQN, đó chỉ là một cách nói thông dụng, phổ thông, tiện dụng. Đắc Lộ là người “tập đại thành” CQN. Tuy nhiên cách thức này cũng khẳng định vai trò của Đắc Lộ. Gần đây có ý kiến cho rằng Đắc Lộ chỉ có công “chép” lại những cuốn tự vị, từ điển của hai vị thừa sai Dòng Tên khác là Gaspar d’Amaral (1592-1645/1646), với cuốn “Diccionario da Lingua Annamitica” và cuốn “Diccionario amanita-portugues-latim” và Antonio Barbosa (1594-1647), với cuốn “Diccionario portugues-anamita”. Thực tế thì những cuốn trên đã bị thất lạc mất rồi. Ngày nay chúng ta chỉ nghe nói thế hoặc biết qua một tài liệu nào đó. Thật ra công việc soạn từ điển là một công việc tập thể, thường người đi sau dựa theo công trình của người đi trước hoặc người khác, hoặc là công việc của nhiều người cộng tác, người đứng tên tác giả chẳng qua là người chủ biên mà thôi. Ngoài ra nếu đem so sánh các cuốn trên, nếu có thể so sánh được, với cuốn “Dictionarium Annamiticum Lusitanum Latinum” (năm 1651) của Đắc Lộ thì sẽ thấy cuốn từ điển của Đắc Lộ đồ sộ hơn nhiều, hoàn chỉnh hơn. Đó là chưa nói đến công sức của một người khi làm cuốn từ điển không ở Việt Nam, không có sự góp công góp sức của các cộng tác viên người Việt. Phải công nhận công sức và tài năng của Đắc Lộ thôi. Không gì bằng thực tế trước mắt! Trước đó chưa ai làm được một cuốn từ điển CQN như vây. Và mãi 187 năm sau mới có một cuốn từ điển khác vượt qua được. Đó là cuốn “Dictionarium Anamitico-Latinum” (năm 1838) của J.L. Taberd.
 
[11] Trích dẫn theo tài liệu tham luận của Đặng Thị Phượng (Viện Từ điển học và Bách khoa thư), “LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ”, trang 38-39, trong tài liệu “Hội thảo Khoa học BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ”, Bình Định, ngày 12-13/01/2016.
 
“Alexandre de Rhodes sinh năm 1593 tại Avignon, vào dòng Tên tại Roma năm 1612. Ông được cử đi truyền giáo tại Đàng Trong năm 1624, được cử đến thành lập vùng truyền giáo Đàng Ngoài năm 1627 và ở đây cho đến khi bị trục xuất năm 1630. Đến năm 1640, ông lại được cử phụ trách vùng truyền giáo Đàng Trong (1640-1645), 1645 bị vĩnh viễn trục xuất tại Việt Nam. Có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò khai sinh các công trình có tính chất quyết định sự hình thành chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes. Nhưng vai trò của Alexandre de Rhodes về sự hình thành chữ quốc ngữ được ghi nhận chính thức vào năm 1993. Ngày nay có nhiều tài liệu coi ông được tôn vinh như “người khai sinh” ra chữ viết Việt Nam.”
 
[12] Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm, tái bản trọn cuốn “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY”, của ALEXANDRE DE RHODES, NXB Tinh Việt Văn Đoàn (năm 1961), từ trang XIV.
 
Theo một tài liệu riêng chúng tôi hiện có, thì tên ông nội Giáo sĩ Đắc Lộ là Barthélémy de Rhodes. Điều ấy đúng hay là do sự sao chép lẫn chính tả Bernadinus ra Bartholomeus?
 
[13]  Sđd., Trong cuốn Người chứng thứ nhất, chúng tôi dự theo GAIDE, quelques renseignements sur la famille de Rhodes (Bulletin des Amis du Vieux Huế, B.A.V.H., 1927, từ tr. 225) nói gia đình Đắc Lộ đến ở Avignon từ cuối thế kỷ 15, xét ra không đúng. Giáo sĩ sinh vào những năm chót thế kỷ 16, mà gia đình đến ở Avignon mới từ đời Ông nội mà thôi, vậy thì chỉ độ 5,6 chục năm trước.
 
[14] Sđd của Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm: Căn cứ theo bức thư dẫn ở chú thích (1) trang XIV, Giáo sĩ Đức Lộ, hồi mùa thu năm 1617, đã “bước vào năm thứ 25”. Căn cứ  theo Voyages et Missions (1854) trang  5 thì giáo sĩ rời quê hương vào nhà Tập Dòng Tên (năm 18 tuổi). Bút tích của nhà Tập Dòng Tên “năm 18 tuổi”. Bút tích của Nhà Tập này (tài liệu văn khố) ghi rõ thanh niên Đắc Lộ được gia nhập năm 1612 và “phỏng 19 tuổi”. Vậy nếu giáo sĩ Đắc Lộ sinh năm 1591, thì năm 1612 Ông đã 21 tuổi, và năm 1617: 26 tuổi, là sai. Căn cứ theo các điều chỉ dẫn trên đây về số tuổi, thì năm sanh của giáo sĩ đúng hơn hết phải là năm 1593: sinh năm này thì đến năm 1612, Ông được 18-19 tuổi, và năm 1617: chẵn 24 tuổi hay là “bước sang năm 25 tuổi”. Do sự tra cứu hồ sơ gia đình Đắc Lộ tại Avignon (tài liệu riêng của tác giả).
 
[15] Sđd., Chi tiết nầy do sự điều tra cứ hồ sơ gia đình Đắc Lộ tại Avignon (tài liệu riêng của tác giả).
 
[16] Sđd., Gaide: Sách dẫn thượng.
 
[17] Sđd., Căn cứ theo một bức thư của Ông Hugues Jean de Dianoux, viên chức cao cấp ngành ngoại giao Pháp. Ông này là dòng dõi gia tộc Đắc Lộ về phía ngoại. (Tài liệu riêng do giáo sư Gustave Meillon gửi cho). Lại theo tin tức từ Avignon, thì hiện nay không còn ai mang tên de Rhodes, song có tộc danh du Roddr, có lẽ cùng một nguyên ủy. (Tài liệu riêng nhận được do Cha Franchet, Viện trưởng học viện Dòng Tên ở Avignon).
 
[18] Xem H. Bernard-Maitre: Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, tr. 123-125.
 
[19]  Sđd của Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm, từ trang XIV-XVII. 
 
[20] (Thư này có đăng bằng tiếng Pháp trong Mission de la Cochinchine et du Tonkin (1858), trang 381-382. Cha Mutius Vitelleschi Bề trên Cả Dòng Tên đã đệ nạp thư này lên Đức Giáo hoàng.
 
[21] Xin xem Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm, tái bản trọn cuốn “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY”, của  ALEXANDRE DE RHODES, Tinh Việt Văn Đoàn (năm 1961), từ trang XIV-XXVI.
 
[22] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 222-258.
 
[23] Theo bản dịch của Thanh Lãng, Biểu nhất làm văn học cận đại, tập sđd, trang. Cau Bang = Cao Bằng, bây giờ thuộc về nhà Mạc, Ciampa = Chiêm Thành, Laorum = Lào, Siam = Thái Lan.
 
[24] Xem chương VI, tiểu mục Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa.
 
[25] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 24. Về các điểm này, xin xem thêm chương VIII, tiểu mục 1 sau đây.
 
[26] André Marillier viết là xiêu nhiệm.
 
[27] Là công dân Đức Giáo hoàng như đã nói ở phần tiểu sử Giáo sĩ Alexandre de Rhodes hoạt động vì sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Công trình văn học của giáo sĩ dù to tát đến đâu cũng là phụ thuộc sánh với sự nghiệp thành lập Giáo hội Việt Nam mà giáo sĩ đã tích cực góp phần xây dựng. Trong nhận định này, tôi xin đồng ý với Phạm Đình Khiêm khi tác giả này chỉ trích luận điệu sai lầm của sử gia Iaboulet: Le père Alexandre de Rhodes Introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam (Giáo sĩ Đắc Lộ đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam), La geste française en Indochine, Tome I, trang 9. Xem chú thích 3, trang 204 – 205 trong sách Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt xuất bản, Sài gòn, 1959.
 
[28] Võ Long Tê, “Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam”, cuốn 1, của NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 238-249.
 
[29] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần thứ nhất, chương VI.
 
[30] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần thứ nhất, chương IV.
 
[31] Võ Long Tê, “Lịch sử Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, xin xem phần Tiểu sử, chương VII.
 
[32] Alexandre de Rhodes, Tự điển Việt-La-Bồ, cột 801. Nguyễn Khắc Xuyên trích dịch trong Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, trang  LI.
 
[33] Alexandre de Rhodes Tự điển Việt-Bồ-La, cột 801. Nguyễn Khắc Xuyên trích dịch trong Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, trong LI.
 
[34] Alexandre de Rhodes, Văn phạm Việt ngữ. Thanh Lãng trích dịch, Biếu nhất làm văn học cận đại tập 9, trang 25. Theo Thái Văn Kiểm, “trong cuộc Nam tiến, giọng nói của người đã thay đổi rất nhiều theo với thời gian và không gian. Trong khi tiếp xúc với dân Chàm, dân Miên, người Việt là bị ảnh hưởng trong cách phát âm, ví dụ như ngoài Bắc nói đi về thì trong Nam nói đi dề hoặc đi bvề hoặc đi bvìa, đi bgià, đi jyà, chính là chúng ta đã bị ảnh hưởng cách phát âm của người Chiêm Thành, vì trong ngôn ngữ của họ có rất nhiều chữ phát âm tương đương, ví dụ như chữ bia hoặc bja có nghĩa là công chúa, cung phi, hoàng hậu. như Bia Tan Chan tức là Bà Chúa Ngọc vợ của vua Po Romé, hiện còn thờ trong tháp Hậu sanh (Ninh Thuận) (Dẫn theo Gérard Gagnon, Hồn Việt, Cần Thơ ẩn quân, 1959, tr. 315).
 
[35] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 29 – 30.
 
[36] Thanh Lãng trích dịch, sđd., trang 27.
 
[37] Như trên, trang 27.

[38] Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ A-lich-sơn Đắc Lộ với chữ Quốc ngữ, bđd., trang 105.
 
[39] Võ Long Tê, “ Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam" , cuốn 1, của, nxb Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang 249-258.
 
[40] Trương Bửu Lâm, Việt Nam khảo cổ, tập san số 2, trang 220.
 
[41] Xem André Marillier, Le catéchisme du père Alexandre de Rhodes, bđd, trang XXXIII –LI; Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong “Phép giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc Lộ, bđd., trang 37-57, và Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd., trang XXXVIX-LXVI; Le catéchisme en langue vietnamiene romanisée du Père Alexandre de Rhodes, S 1, luận án tại Đại học đường Rôma, 1958.
 
[42] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd., LVII.
 
[43] Alexandre de Rhodes, Histoire de Tunquin, trang 175-178 (…).
 
[44] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên: Phép Giảng Tám Ngày, bđd, trang XLIV.
 
[45] Soeur Têrêsa Bùi Thị Minh Thuỳ, O.P., đã nhận định: Từ điển Việt-Bồ-La giúp hiểu rõ một số kinh đọc các dịp đặc biệt.
 
Xin trích: “VRNs (19.06.2014) - Sài Gòn - Trong những ngày qua, tôi đã dùng Từ điển Việt - Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh đọc thường ngày, Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh cầu. Nhiều độc giả khát khao được tôi giải thích thêm các Kinh nguyện giỗ (cầu cho linh hồn nào đó mới qua đời, hoặc là trong những ngày giỗ), các Kinh phép ngắm Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ (buồn - vui), Bảy Sự Ông Thánh Giuse… Trong giới hạn của mình, với khát mong đáp lại lòng yêu mến Chúa của giáo dân Việt Nam, tôi sẽ gởi đến quý vị dần dần để quý vị kịp nguyện gẫm thật sâu, những tài sản quý giá các nhà truyền giáo cũng như ông cha ta để lại. Nguyện Chúa chúc lành cho quý vị.”
 
Xin xem tài liệu của soeur theo đường dẫn:  http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.chuacuuthe.com/2014/06/tu-dien-viet-bo-la-giup-hieu-ro-mot-so-kinh-doc-cac-dip-dac-biet/
 
[46] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 230. (Xem tái bản của Tinh Việt xuất bản, Sài Gòn, 1961.
 
[47] Xin xem tài liệu “Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ Đầu tiên”, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm. Tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes, do André Marillier sao lục, chú thích và lập bảng tham chiếu.  Tinh Việt Văn Đoàn, Ban Sử học: 232/19 Hiền Vương, Sài Gòn, 961 (Kỷ niệm Tam Bách Chu Niên). (Về Phép Giảng Tám Ngày, ngày thứ nhất”, trang 3-4 và những trang kế tiếp).
 
[48] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 229.
 
[49] Xin xem Võ Long Tê, sđd., trang 255-258.
 
[50]  Huỳnh Văn Mỹ, “Khởi nguyên của chữ Quốc ngữ”, Hội thảo Khoa học, tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13/2016
 
[51] Nguyễn Văn Trung, Về sách báo của người Công giáo thế kỷ XVII-XIX, tr. 8.
 
[52] Xin xem “Hội thảo Khoa học, Bình Định với chữ Quốc ngữ” tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13, 2016 trang 39-40.
 
[53] Xin xem tham luận của: TS. Đinh Bá Hoà, Hội Sử học Bình Định, “PHILIPPHÊ BỈNH NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN GHI NHẬT KÝ VỀ VĂN HOÁ, LỊCH SỬ VIỆT NAM VÀ BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ BẰNG CHỮ LA TINH”, trong “Hội thảo Khoa học, Bình Định với chữ Quốc ngữ” tại TP. Qui Nhơn, ngày 12-13, 2016, trang 481tt.
 
[54] J.L. Taberd, “Dictionarium ANNAMITICO-LATINUM, NXB VĂN HỌC, TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC, trong phần Lời nói đầu của Mai Quốc Liên, GSTS Văn Học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (6-2004), có đề cập các tự điển “có giá trị nhiều mặt.  Từ điển A. de. Rhodes (Rome 16510, Từ điển J.S. Theurel (Ninh Phú, 1877), Từ điển J.F.M. Génibrel (Tân Định, 1898), Dictionarium Annamitico - Latinum của J.L. Taberd (Serampore, 1838)… chính là những công trình như thế. (…) Các vị ấy đã cung cấp tư liệu, ý kiến, tham gia làm sách (như trường hợp chủng sinh Philiphê Phan Văn Vinh (*) (về sau được phong làm linh mục) đối với Từ điển Taberd) (…).
 
Quí vị nào muốn đào sâu về Từ điển này J.L. Taberd của ,và những bài viết của các tác giả công giáo khác như P. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, cuốn tự điển Paulus Của (…),  xin đọc trang LXII-LXVI.
 
(*) Theo Hoàng Xuân Việt, trong  tác phẩm “Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ” ghi “Phan Văn Minh”.
 
+ Xin đọc: Giáo sư Trần Văn Toàn, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm Tự vị Taberd và Di sản Văn hoá Việt Nam”, Lambersart, ngày 03/06/2004 (về tiểu mục: thân thế sự nghiệp, nội dung cuốn tự điển tt).
 
[55] Xin xem J.L. Taberd “Dictionarium ANAMITICO LATINUM”, NXB Văn Học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (1 9/04/2004). Phần Ghi chú về các Tự vị của Đứcc ha Taberd xuất bản ở Bengale năm 1838, 1trang LXIII – LXIV, bài của Louis Malleret.
 
[56] Soeur Têrêsa Bùi Thị Minh Thuỳ, O.P., đã nhận định: Từ điển Việt - Bồ - La giúp hiểu rõ một số kinh đọc các dịp đặc biệt.
 
Xin trích: “VRNs (19.06.2014) – Sài Gòn - Trong những ngày qua, tôi đã dùng Từ điển Việt - Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh đọc thường ngày, Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh cầu. Nhiều độc giả khát khao được tôi giải thích thêm các Kinh nguyện giỗ (cầu cho linh hồn nào đó mới qua đời, hoặc là trong những ngày giỗ), các Kinh phép ngắm Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ (buồn - vui), Bảy Sự Ông Thánh Giuse… Trong giới hạn của mình, với khát mong đáp lại lòng yêu mến Chúa của giáo dân Việt Nam, tôi sẽ gởi đến quý vị dần dần để quý vị kịp nguyện gẫm thật sâu, những tài sản quý giá các nhà truyền giáo cũng như ông cha ta để lại. Nguyện Chúa chúc lành cho quý vị.”
 
Xin xem tài liệu của soeur theo đường dẫn:  http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://www.chuacuuthe.com/2014/06/tu-dien-viet-bo-la-giup-hieu-ro-mot-so-kinh-doc-cac-dip-dac-biet/
 
[57] Lm Mátthêu Đức, “Văn Quốc ngữ” về cuộc đời Cha Minh và ông lái Gẫm, 1840-1900, Imprimerie de la Mission à Sài Gòn,Tân Định, 1902.
 
[58] “Văn Quốc ngữ” của Philiphȇ PHAN Văn Minh 1815-1853, Phi Năng thi tập, 1842, Recueil de Penang, Traduction, commentaires et notes de Marie Colombe BACH PHAN, S3Bael. In tại Paris, mai 2015”, đã trích đoạn của Hoàng Xuân Việt, trong “Tìm hiểu chữ Quốc ngữ”.
 
[59] Võ Long Tê, “Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”, cuốn 1, của, NXB Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 236.
 
Là công dân Đức Giáo hoàng như đã nói ở phần tiểu sử giáo sĩ Alexandre de Rhodes hoạt động vì sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Công trình văn học của giáo sĩ dù to tát đến đâu cũng là phụ thuộc sánh với sự nghiệp thành lập Giáo hội Việt Nam mà giáo sĩ đã tích cực góp phần xây dựng. Trong nhận định này, tôi xin đồng ý với Phạm Đình Khiêm khi tác giả này chỉ trích luận điệu sai lầm của sử gia Iaboulet: Le père Alexandre de Rhodes Introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam (Giáo sĩ Đắc Lộ đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam), La geste française en Indochine, Tome I, trang 9. Xem chú thích 3, trang 204 - 205 trong sách Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt, NXB Sài Gòn, 1959.



Kontum ngày 15/02/2016
  
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

http://www.truyen-tin.net/ViewNewsDetail.aspx?tabid=111&NewsPK=1853

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét