Trang

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Đức Phanxicô nói với Bộ Giáo Lý Đức Tin: nối kết lý thuyết với thực hành

Đức Phanxicô nói với Bộ Giáo Lý Đức Tin: nối kết lý thuyết với thực hành


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Trong bài “Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Gia Đình sẽ được công bố vào tháng Ba này”, chúng tôi có nhắc đến việc Bộ Giáo Lý Đức Tin được hỏi ý kiến về bản dự thảo Tông Huấn và nhận định của nhiều người cho rằng dù góp rất nhiều ý kiến, nhưng rất có thể Đức Phanxicô sẽ không lấy ý kiến nào của Bộ này.

Nhận định trên dường như đã được củng cố vào ngày 29 tháng 1, khi ngài tiếp kiến Bộ này tại Vatican. Thực vậy, trong buổi tiếp kiến này, Đức Phanxicô đã tập chú vào chủ đề Năm Thương Xót, và cho hay: “Lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội: vì sự thật đầu tiên của Giáo Hội quả thực là tình yêu của Chúa Kitô”.

Ngài cho biết thêm: khi bảo vệ sự toàn vẹn của tín lý Kitô Giáo, Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ yếu liên hệ với việc thương người về phần hồn (như lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội). Các việc này tự nhiên có liên hệ với việc giúp đỡ người nghèo và người túng thiếu về vật chất, qua các nối kết với cơ quan bác ái Kitô Giáo.

Ngài nhấn mạnh: “Quả thực, đức tin Kitô Giáo không phải chỉ là các nhận thức để học thuộc lòng, mà còn là sự thật để sống trong yêu thương”.

Để bảo toàn sự toàn vẹn ủa Đức Tin, Bộ Giáo Lý Đức Tin phải cố gắng bảo đảm sự tinh tuyền của tín lý nhưng cũng phải “bảo toàn cả sự toàn vẹn của phong hóa nữa”. Đức Tin vào Chúa Kitô bao gồm cả việc nhất trí về nhận thức mà còn phải đáp ứng về luân lý nữa.

Trong bài nói chuyện của ngài, Đức Phanxicô đề cập tới ba điểm: mối tương quan qua lại giữa các việc thương người về phần xác và về phần hồn; tầm quan trọng của tính hợp đoàn trong đời sống và việc cai quản Giáo Hội; mối tương quan bổ túc cho nhau giữa các ơn đặc sủng và các ơn phẩm trật trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Tôi gặp anh chị em lúc anh chị em kết thúc các việc làm trong buổi họp toàn thể. Tôi xin thân ái chào mừng anh chị em và cám ơn Đức Hồng Y Bộ Trưởng về những lời lẽ lịch sự của ngài.

Chúng ta đang trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tôi hy vọng trong Năm Thánh này, mọi chi thể Giáo Hội sẽ canh tân đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là gương mặt của lòng Chúa Cha thương xót, là đường nối kết Thiên Chúa vói con người. Do đó, lòng thương xót tạo nên đầu cột (architrave) nâng đỡ đời sống Giáo Hội: sự thật đầu tiên của Giáo Hội, quả thực, là tình yêu của Chúa Kitô. Như thế, làm sao ta có thể không muốn toàn thể tín hữu Kitô Giáo, cả các mục tử lẫn các giáo dân, tái khám phá và đặt ở tâm điểm, suốt trong Năm Thánh này, các việc thương người về phần xác lẫn phần hồn? Và, khi hoàng hôn cuộc đời diễn ra, chúng ta sẽ bị chất vấn xem liệu ta có cho người đói ăn và cho người khát uống không, chúng ta cũng sẽ bị chất vấn xem liệu chúng ta có giúp đỡ người ta hết hoài nghi, chúng ta có cam kết tiếp nhận người tội lỗi, khuyên bảo và sửa trị họ hay không, chúng ta có khả năng chống u mê, nhất là liên quan tới đức tin Kitô Giáo và cuộc sống tốt. Lưu ý tới các việc thương người là điều quan trọng:  chúng không phải là việc sùng kính. Đây là tính cụ thể của việc các Kitô hữu phải thăng tiến tinh thần thương xót ra sao. Trong các năm này, có lần tôi tiếp đón một Phong Trào quan trọng tại Đại Sảnh Phaolô VI; phòng đầy người. Và tôi đề cập tới chủ đề các việc thương người. Tôi dừng lại và đặt câu hỏi: “Có ai trong anh chị em nhớ rõ các việc thương người về phần xác và về phần hồn là những việc gì không? Ai biết xin giơ tay”. Chỉ có khoảng 20 người trong số 7,000 người trong Đại Sảnh (giơ tay). Ta phải dạy lại các tín hữu về điều này, nó rất quan trọng.

Trong đức tin và đức mến, ta thấy có một mối tương quan có tính nhận thức và kết hợp với mầu nhiệm tình yêu, là chính Thiên Chúa. Và, dù Thiên Chúa vẫn luôn là một mầu nhiệm trong chính Người, lòng thương xót hữu hiệu của Người đã trở thành lòng thương xót đầy cảm xúc trong Chúa Giêsu, sau khi làm Người thành người để cứu chuộc loài người. Ở đây, trách vụ được ủy thác cho thánh bộ của anh chị em tìm được nền tảng tối hậu và sự biện minh riêng của nó. Thực vậy, đức tin Kitô Giáo không phải chỉ là nhận thức để lưu giữ trong ký ức, mà còn là sự thật để sống trong yêu thương. Do đó, cùng với Giáo Lý Đức Tin, điều cũng cần thiết là bảo vệ tính toàn vẹn của các phong hóa, nhất là trong các lãnh vực tế nhị nhất của đời sống. Sự gắn bó của Đức Tin vào con người Chúa Kitô bao hàm cả hành vi lý trí lẫn đáp ứng luân lý đối với các ơn phúc của Người. Về phương diện này, tôi cám ơn anh chị em về mọi cam kết và trách nhiệm mà anh chị em đang thừa hành trong việc xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên.

Săn sóc sự toàn vẹn của đức tin và phong hóa là một trách vụ tế nhị. Muốn thi hành sứ mệnh này cách tốt đẹp, điều quan trọng là phải có sự cam kết có tính hợp đoàn. Thánh bộ của anh chị em biết đánh giá rất cao sự đóng góp của các tham vấn viên và ủy nhiệm viên, những người tôi muốn cám ơn về việc làm qúy gía và khiêm nhường của họ; và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục thói quen xử lý các vấn đề trong các buổi họp hàng tuần của anh chị em và các vấn đề quan trọng hơn ở buổi họp thường lệ hay toàn thể. Tính hợp đoàn đúng đắn phải được phát huy ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội. Về phương diện này, năm ngoái, anh chị em đã tổ chức một hội nghị hợp thời, với các đại diện của Các Ủy Ban Tín Lý của Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, để cùng hợp đoàn bàn luận một số thách đố về tín lý và mục vụ. Nhờ thế, anh chị em đã góp phần vào việc làm sống dậy nơi tín hữu một thúc đẩy truyền giáo mới và mở tâm hồn rộng hơn đón nhận chiều kích siêu việt của sự sống, mà nếu không có nó, Âu Châu sẽ liều mình đánh mất tinh thần nhân bản mà nó vốn yêu thích và bảo vệ. Tôi mời gọi anh chị em tăng cường hơn nữa sự cộng tác với các cơ quan cố vấn này, những cơ quan đang giúp các hội đồng giám mục và các giam mục cá thể trong mối lo âu của các ngài đối với tín lý thánh thiện, vào lúc có những thay đổi nhanh chóng và sự phức tạp mỗi ngày mỗi gia tăng trong các vấn đề.

Một đóng góp quan trọng khác nữa của anh chị em vào việc canh tân đời sống Giáo Hội là việc nghiên cứu tính bổ túc cho nhau giữa các ơn phúc phẩm trật và đặc sủng. Theo luận lý học hợp nhất trong dị biệt hợp pháp, một luận lý học từng định tính cho mọi hình thức hiệp thông chân chính trong Dân Chúa, các ơn phúc phẩm trật và đặc sủng được kêu gọi đồng công hiệp lực vì lợi ích của Giáo Hội và thế giới. Ngày nay, chứng từ của tính bổ túc cho nhau này càng khẩn thiết hơn bao giờ hết và nó nói lên một biểu thức hùng hồn của tính đa dạng có trật tự vốn bao hàm mọi cơ cấu Giáo Hội, như là phản ảnh sự hiệp thông hoà điệu nó vẫn sống trong trái tim Thiên Chúa, Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Mối tương quan giữa các ơn phúc phẩm trật và đặc sủng quả nhắc ta nhớ tới cội rễ Ba Ngôi của nó, trong mối dây nối kết giữa Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần, Đấng luôn là ơn phúc của Chúa Cha và Chúa Con. Quả thực, nếu cội rễ này được nhìn nhận và tiếp nhận với lòng khiêm nhường, nó sẽ giúp Giáo Hội có khả năng để mình được canh tân mọi thời mọi lúc như “một dân dẫn khởi được sự hợp nhất của mình từ sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” theo kiểu nói của Thánh Cyprianô (De Oratione Dominica, 23). Tính hợp nhất và tính đa dạng là dấu ấn của một Giáo Hội, nhờ được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã có thể lên đường bằng những bước chân chắc chắn và trung thành hướng tới các mục tiêu mà Chúa Sống Lại đã chỉ cho mình xuyên suốt lịch sử. Ở đây, ta thấy rõ: một khi được hiểu chính xác, năng động tính hợp đoàn sẽ phát sinh ra từ việc hiệp thông và sẽ dẫn tới một việc hiệp thông còn được thể hiện, thâm hậu hóa và mở rộng hơn nữa để phục vụ đời sống và sứ mệnh của Dân Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, Tôi cam đoan sẽ tưởng nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện và tin tưởng anh chị em sẽ cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ che chở anh chị em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét