Trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Hỏi về Tước hiệu của Đức Mẹ

Hỏi về Tước hiệu của Đức Mẹ


 
Tác giả: 
 Lm Khất Tuệ
Tước hiệu của Đức Mẹ
 
Hỏi: Tước hiệu "Đức Mẹ Nữ Vương các Thiên Thần" có phải là  tước hiệu do Giáo Hội chánh thức ban cho Đức Mẹ không? Nếu có thì Lễ  ngày nào? Xin cám ơn. Kính chúc quí vị bình an.
 
Trần văn Việt
 
Trả lời:
Bạn Việt thân mến,
 
Bạn cần phân biệt về ngôn từ dành cho Đức Mẹ, đó là danh xưng và tước hiệu. Không ai được đặt nhiều danh xưng cũng như tước hiệu cho Đức Mẹ. Vì Đức Mẹ được gọi bằng nhiều danh xưng và tước hiệu, và cũng là nguy cơ gây sự hiểu lầm cho những người ngoài Công Giáo. Họ sẽ cho rằng chúng ta sống đạo chỉ là thờ ngẫu tượng (idolatry). Thật thế, nhiều Kitô hữu chỉ biết đến Đức Mẹ hơn là Chúa Giêsu, nhưng chúng ta quên một điều là Đức Mẹ, các thánh, cũng như mọi lời kinh cầu nguyện chủ yếu hướng đến Ngôi Lời Nhập Thể, là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chính vì vậy, anh em Tin Lành cũng có lý của họ khi không chấp nhận và thường chỉ trích người theo đạo Công Giáo!
Các tước hiệu của Đức Mẹ đều có nền tảng từ Thánh Kinh. Có BỐN tín điều mà Kitô hữu phải tin, đó là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), Mẹ trọn đời đồng trinh (Semper virgo), Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculata), và Hồn Xác Lên Trời. Tín Ðiều (dogma) là những học thuyết Công Giáo được Hội Thánh khẳng định là chân lý được mạc khải. Vì thế, mọi Kitô hữu phải tin những tín điều này:
 
- Mẹ Thiên Chúa: Thánh Cyrillô thành Alexandria đại diện Đức Giáo Hoàng chủ toạ Công đồng Êphêsô, công bố tín điều này vào năm 431, mừng vào ngày 1.1.
 
- Mẹ trọn đời đồng trinh: Công đồng Lateran xác nhận tín điều này vào năm 649, mừng vào ngày 15.8 (Theo lịch sử Giáo Hội Công Giáo, trước năm 500 các thầy Dòng tại Palestine đã mừng trọng thể Lễ Đức Mẹ Lên Trời cả hồn và xác vào ngày 15 tháng 8 hàng năm. Sau khi được tuyên bố thành tín điều vào 1950, thì ngày 15.8 trở thành ngày mừng trọng thể kính Đức Mẹ khắp hoàn vũ).
 
- Mẹ hồn xác lên trời: Đức giáo hoàng Piô XII đã công bố vào năm 1950, mừng vào ngày 15.8.
 
- Mẹ vô nhiễm nguyên tội: Giáo hoàng Piô IX đã công bố vào năm 1854, mừng vào ngày 8.12. 
 
Đức Mẹ được mọi người mọi thế hệ tôn kính nên dùng nhiều danh xưng như (vẫn dựa trên nền tảng Thánh Kinh) Mẹ Hòm Bia Giao Ước, Mẹ Đền Vàng, Mẹ Ngôi Sao Sáng, Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, Mẹ là Nữ Vương như Nữ Vương các Thánh Thiên Thần, Nữ Vương các Thánh Tổ Tông, Nữ Vương các Thánh Tiên Tri, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo,... ngoài ra, Đức Mẹ còn được gọi tên theo sự tôn kính cũng như địa danh như Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Cửa Bình Minh, Đức Mẹ Good Counsel, Đức Mẹ Graces, Đức Mẹ Guadalupe, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Laus, Đức Mẹ Lebanon, Đức Mẹ Loreto, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Manaoag, Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm, Đức Mẹ núi Camêlô... 
 
Vậy, trở lại câu hỏi của bạn, Đức Mẹ Nữ Vương các Thiên Thần chỉ là danh xưng được tôn kính và ngợi khen Mẹ trong kinh Cầu Đức Bà (Litany of the Blessed Virgin Mary), và những danh xưng trong Kinh Cầu này (trong đó có những tước hiệu được công bố như tín điều) được Hội Thánh dựa trên nền tảng Thánh Kinh. Các danh xưng trong Kinh này, ngoại trừ những tước hiệu mà được công bố như tín điều, được xem như việc tỏ lòng kính mến Mẹ mà thôi, không buộc Kitô hữu phải tin như tín điều, chẳng hạn như Mẹ là Nữ Vương các Thánh Thiên Thần, Mẹ là Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ, Mẹ là Nữ Vương các Thánh hiển tu... Nhưng suy nghĩ cho tận cùng, thì trong bốn tín điều về Mẹ Maria, thì chúng ta thấy tất cả các danh xưng khác dành cho Mẹ đều gói gọn trong bốn tín điều ấy. 
 
Hội Thánh không thể chia chi tiết các ngày mừng Mẹ Maria trong năm theo các danh xưng trong Kinh Cầu Đức Bà. Có những ngày mừng kính đặc biệt về Mẹ như 1.1, như 15.8, như 8.12, thì hết thảy Kitô hữu đều hướng về Mẹ, với tất cả sự tôn kính các phẩm tính nơi Mẹ. Hơn nữa, Hội Thánh cũng dành trọn tháng 5 và tháng 10 để hướng đặc biệt hơn về Mẹ nữa, hầu xin Mẹ nâng đỡ và cầu bầu cho chúng ta trước Tòa Chúa. 
 
Một lần nữa, khi nói về những đức tính và danh xưng của Mẹ, Hội Thánh mong muốn tất cả chúng ta hãy hướng đến một điều duy nhất và chính yếu, đó là Chúa Giêsu Nhập Thể (qua một trinh nữ phàm nhân là Maria, mà được bao gồm mọi đức tính cao đẹp nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ).
 
 
Lm. Khất Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét