Trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT NGƯỜI “DI DÂN”, Xh 3,7-8

THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT NGƯỜI “DI DÂN”, Xh 3,7-8 
Tác giả: Sr Agnes Cảnh Tuyết -

 
THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT NGƯỜI “DI DÂN”, Xh 3,7-8
Di dân là một trong những vấn nạn mà các nhà chức trách khối Âu Châu đang phải đương đầu. Người ta cảm thấy bất ổn, bất an khi phải tiếp nhận người di dân. Trong khi đó, những người tị nạn sống trong nỗi thấp thỏm đợi chờ được tiếp nhận. Họ dễ bị tổn thương và thất vọng khi bị chối từ. Di dân là vấn nạn của muôn thuở và Kinh Thánh cũng kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm di dân của cả một dân tộc : biến cố Xuất Hành. Phận ngoại kiều bị rẻ rúng khinh khi, với bao tủi nhục và bế tắc về tương lai... những điều đó Ít-ra-en đã trải qua, đã nếm mùi đắng cay, khổ đau nghiệt ngã của thân phận “di dân”. Kinh nghiệm này hằn in trong ký ức của cả dân tộc thuở họ trú ngụ bên Ai-cập, một thời mà cả dân tộc Ít-ra-en trở thành nô lệ nơi đất khách quê người – một thời không quên. Thế nhưng đó cũng là giai đoạn mà Ít-ra-en có một kinh nghiệm còn vĩ đại hơn kinh nghiệm về nỗi nhục của kiếp nô lệ : kinh nghiệm về một Thiên Chúa giải phóng, một Thiên Chúa yêu thương qua biến cố Xuất Hành. Chẳng vậy mà, thánh vịnh gia, qua Thánh vịnh 136, đã cất lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa với điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Trong giới hạn cho phép, chúng ta cùng nhìn lại giai đoạn khởi đầu của biến cố Xuất hành, được ghi lại trong những trang đầu của sách Xuất hành, Xh 1-3, để hiểu phần nào tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người, những người tha phương bị áp bức.
1. Xuất hành, biến cố in dấu trên cả dân tộc
Hằng năm, con cái Ít-ra-en hành hương lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào ba dịp lễ lớn theo luật định. Một trong ba lễ đó là lễ Vượt Qua, kỉ niệm biến cố Xuất Hành, một biến cố nằm trên một bình diện riêng, khác hẳn với các biến cố khác : biến cố thành lập dân Chúa. Lễ này được cử hành long trọng với nghi thức giết Chiên Vượt Qua để mừng kính Đức Chúa, Đấng đã đưa họ ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập (Xh 23,17 ; Đnl 16,16). Với biến cố trọng đại này, Ít-ra-en có kinh nghiệm về Thiên Chúa mà cha ông họ thờ, Thiên Chúa của các tổ phụ, là Đấng giải phóng, đã can thiệp vào lịch sử Ít-ra-en, và cũng chính là Đấng tạo dựng nên đất trời (x. Tv 136).
Thế mà, xét về mặt sử tính, các nhà phê bình lịch sử đã có lý khi đặt vần đề : Xuất hành thực sự đã xảy ra thế nào ? Vì rằng một số đoạn trong sách Xuất hành mô tả cuộc ra khỏi Ai-cập như một cuộc trục xuất, một số đoạn khác lại coi đó là một cuộc trốn chạy. Và các nhà chuyên môn nghĩ có lẽ có hai cuộc Xuất Hành mà sau đó Ít-ra-en đã hoà lẫn làm một trong ký ức của dân tộc. Việc qua Biển Đỏ cũng có hai truyền thống khác nhau, một truyền thống nói về việc “chẻ đôi” lòng biển, trong khi đó truyền thồng khác lại nói là gió làm cạn khô nước biển. Cũng vậy, núi thánh được nói đến trong sách Xuất hành được coi là núi Xi-nai, cũng được gọi là Khô-rếp. Còn việc xác định núi này ở đâu thì lại có nhiều giả thiết khác nhau... Những ghi nhận trên của các nhà chuyên môn có thể làm chúng ta bối rối vì quá ít điều chắc chắn...
Tuy nhiên một điều rất thật, đó là Xuất Hành đã in dấu đậm nét trong ký ức con cái Ít-ra-en và được thể hiện một cách cụ thể qua đời sống đức tin của cả dân tộc. Không những không mặc cảm cũng chẳng che giấu quá khứ đầy tủi nhục với thân phận nô lệ của mình, Ít-ra-en còn truyền lại cho nhau, thế hệ này đến thế kia, về xuất thân của dân tộc mình là một ngoại kiều cư ngụ bên Ai-cập, bị ngược đãi ức hiếp. Chẳng hạn Đnl 26,1-11 là một bằng chứng. Đây là một đoạn nói về nghi thức dâng của lễ đầu mùa với lời nguyện rất hay, thường được gọi là lời tuyên tín của Ít-ra-en, theo đó con cái Ít-ra-en được dạy để thưa với Thiên Chúa như sau : “Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó ... Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu cầu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ; Người đã nghe tiếng chúng tôi...”. Sở dĩ con cái Ít-ra-en không mặc cảm về quá khứ tủi nhục của thời nô lệ của mình là vì kinh nghiệm nô lệ của họ gắn liền với kinh nghiệm về một Thiên Chúa tình yêu đầy quyền năng đã ra tay giải thoát dân Người.
2. Từ tha phương đến vong thân (Xh 1)
Vì một nạn đói lớn hoành hành, con cái Ít-ra-en bỏ đất Ca-na-an đến định cư tại Ai-cập. Dưới bóng của Giu-se, đang làm tể tướng triều đình Pha-ra-ô lúc bấy giờ, con cái Ít-ra-en mãn nguyện với cuộc di dân này, họ có cuộc sống sung túc, bình an. Nhưng tình thế thay đổi khôn lường sau khi Giu-se, người bảo trợ của họ, qua đời ; lại nữa, một vua mới lên ngôi trị vì Ai-cập. Vua này không “biết” đến Giu-se, nghĩa là không nhớ gì đến công lao cũng chẳng biết ơn về những gì mà ông Giu-se đã làm cho Ai-cập (Xh 1,6-8). Từ đây Ít-ra-en nếm chịu sự cay đắng của thân phận nô lệ tôi đòi. Sách Xuất hành ghi lại như sau : “Người Ai-cập cưỡng bức con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc : phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng ; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm” (Xh 1,13-14). Nguyên do mà Pha-ra-ô tìm cách hành hạ con cái Ít-ra-en là vì ông cảm thấy bị de doạ trước sự hùng mạnh đông đúc của con cái Ít-ra-en. Bản văn lặp lại nhiều lần các từ như “đông đúc”, “hùng mạnh”, “lan tràn” nhằm nhấn mạnh đến sự lớn mạnh của con cái Ít-ra-en. Thật nghịch lí, Pha-ra-ô càng tìm cách hành hạ, thì Ít-ra-en càng trở nên đông đúc.
Sự lớn mạnh này của Ít-ra-en gợi nhớ lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Áp-ra-ham là làm cho dòng dõi ông nên đông đúc như sao trời cát biển (St 15,5). Tuy nhiên lời hứa của Thiên Chúa mới thành tựu một phần. Vì rằng Thiên Chúa không chỉ hứa ban cho Áp-ra-ham có dòng dõi đông đúc mà còn hứa ban đất Ca-na-an làm sản nghiệp riêng (St 15,18-20). Nay lời hứa về dân đã thành tựu, nhưng mảnh đất bao khát khao mong chờ thì vẫn còn trong lời hứa. Đây là vấn đề : vì phải sống trên xứ sở của người khác chứ không phải trên đất của mình, Ít-ra-en chỉ là kẻ ngoại kiều, sống phận “di dân”. Họ bị ức hiếp, ngược đãi, chịu làm thân tôi mọi. Từ di dân, họ trở thành nô lệ, từ tha phương trở thành vong thân.
3. Xuất hành, kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương, trung tín : (Xh 2,23-25)
Sau nhưng năm dài ấy...” (Xh 2,23) câu dạo đầu này đưa người đọc vào sự cảm thông với cái dài dằng dặc của những năm tháng triền miên trong tủi nhục, khổ đau của con cái Ít-ra-en. Tác giả có vẻ không bận tâm nhiều đến số năm mà Ít-ra-en làm nô lệ Ai-cập cho bằng nhấn mạnh tâm trạng của người chịu đựng : thời gian chịu đau khổ dường như vô tận, không đểm nổi, chỉ biết nó dài, dài lắm, dài đến ê chề thất vọng. Người ta có thể nghĩ là Thiên Chúa đã quên dân Người thật rồi. Tuy nhiên câu dạo đầu này cũng mở ra một thông tin hết sức quan trọng liên quan đến sự sống còn của con cái Ít-ra-en, Sách Thánh ghi : “Sau những năm dài ấy.... Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa đã nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp...” (Xh 2,23-25). “Thiên Chúa đã nghe...” và “Thiên Chúa nhớ lại giao ước...” nghĩa là Thiên Chúa đã sẵn sàng để ra tay hành động vì dân Người và không trì hoãn nữa. Thời đã điểm.
Trong Tv 136, thuật ngữ HeseD (ds,x,ñ) được dùng suốt thánh vịnh qua điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. HeseD là một thuật ngữ khá quan trọng thường được dùng để nói về tình yêu của Thiên Chúa. Khó tìm được từ tương đương để dịch từ này. Vì nó vừa mang nghĩa lòng tốt, ân huệ, yêu thương đồng thời lại bao hàm nghĩa trung thành, trung tín. Từ này nói lên mối liên kết giữa hai cá nhân, và khi hai cá nhân liên kết với nhau, họ không chỉ muốn điều tốt cho nhau mà còn tin tưởng và trung tín với nhau. Trong khi Tv 136, với từ HeseD, nhìn thấy trong mỗi hành động của Thiên Chúa trong biến cố Xuất hành là hành động yêu thương (x. Tv 136,10-22), thì Xh 1–3 mà chúng ta đang bàn đến không hề có thuật ngữ HeseD. Thế nhưng, nếu tìm hiểu bản văn thì sẽ thấy ý nghĩa của HeseD nổi bật trong Xh 2,23-25 qua kiểu nói : “Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp”. Thật vậy, khi nói Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu van, cho thấy Thiên Chúa xót thương dân Người, Người chạnh lòng vì họ khốn khổ, đó là HeseD. Riêng về cụm từ “và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp” chính là lời tuyên xưng về lòng trung tín của Thiên Chúa, mà trung tín là HeseD. Vậy khi nói Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Người nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ, đó chính là lời ca khen về lòng thương xót và sự trung tín của Thiên Chúa đối với con cái Ít-ra-en. Nó đồng nghĩa với lời tạ ơn trong Tv 136 : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương với con cái Ít-ra-en vì Người đã nghe, đã thấy và đã biết đến nỗi thống khổ của dân Người đang làm tôi người Ai-cập.
4. Xuất Hành, kinh nghiệm về một Thiên Chúa giải phóng (Xh 3,7-10)
Để giải thoát Ít-ra-en ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập, Thiên Chúa tìm chọn một người và Mô-sê đã để mình bị “dụ” bởi quang cảnh ngoạn mục và hùng vĩ của bụi gai bốc cháy. Người nói với ông Mô-sê là Người đã thấy, đã nghe và đã biết các nỗi khổ của con cái Ít-ra-en (Xh 3,7. 9). “Thấy”, “nghe” và “biết” liên quan đến thị giác, thính giác và trí thức – theo kiểu nói nhân hình hoá – là cả con người của Thiên Chúa từ giác quan đến tri thức đều hướng về con cái Ít-ra-en. Người thấu suốt nỗi cơ cực tủi nhục của họ. Trong đoạn Xh 3,7-10, từ Ai-cập, được nhắc lại nhiều lần, xuất hiện như một nơi làm chết nghẹt sự sống của con cái Ít-ra-en, là mảnh đất nô lệ đối với dân Người. Nhất quyết là họ sẽ phải được đưa ra khỏi mảnh đất chết chóc này. Thiên Chúa là Người giải thoát họ chứ không ai khác, Người sẽ “xuống” để đưa họ ra khỏi Ai-cập. Những người khác, Mô-sê hoặc Giô-suê – người sẽ dẫn dân qua sông Gio-đan và vào Đất Hứa, chỉ là những người thừa hành lệnh của Thiên Chúa. Niềm tin Ít-ra-en là thế, không ai ngoài Thiên Chúa và chỉ mình Người là Đấng cứu độ duy nhất. Cũng vậy, thời lưu đày Ba-by-lon, khi Ky-rô vua Ba-tư, người đã chấm dứt năm mươi năm lưu đày của người Do-thái và cho dân này hồi hương, thì đối với Ít-ra-en, đó là sự can thiệp của Thiên Chúa (Tv 126 ; Is 43,1-7), còn Ky-rô là khí cụ của Thiên Chúa, là người Thiên Chúa xức dầu (Is 45,1-7). Chính Thiên Chúa là Đấng giải phóng Ít-ra-en khỏi tay người Ai-cập. Thế nhưng đưa khỏi Ai-cập chưa phải là đích điểm của công cuộc giải phóng mà Thiên Chúa thực hiện cho con cái Ít-ra-en. Mục đích của Xuất Hành là để đưa Dân vào Đất Hứa, đất chảy tràn sữa, là xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri... (Xh 3,8).
Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc, làm sao Thiên Chúa lại có thể lấy đất của các dân nước khác để ban cho dân Người làm sản nghiệp riêng ! Nó cùng một dạng với câu hỏi làm sao vì tội của Pha-ra-ô mà Thiên Chúa nhân lành lại có thể giết các con đầu lòng Ai-cập, và cùng với những câu hỏi tương tự khác. Thú thật khó có thể tìm thấy cách giải thích làm thoả mãn não trạng của chúng ta thời nay, nhưng đó là đề tài hấp dẫn. Chúng ta sẽ bàn đến vào một dịp khác. Bây giờ chúng ta cùng suy nghĩ về tiếng than van của con cái Ít-ra-en thấu đến Thiên Chúa. Trong khi Đnl 26,1-11 nói rõ là họ kêu cầu với Thiên Chúa : “Người Ai-cập đã ngược đã, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa...” (Đnl 26,6-7), thì Xh 2,23-24 cũng như Xh 3,7-10 không nói rõ là con cái Ít-ra-en kêu lên cùng Thiên Chúa mà chỉ nói là tiếng ta thán và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van. Như vậy tiếng kêu than của người đau khổ, dù không kêu lên Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn coi như là lời cầu xin chăng ? Thật ra điều này không lạ lẫm gì trong Kinh Thánh, sách Sáng thế đã ghi lại vài sự kiện tương tự, chẳng hạn tiếng khóc trong sa mạc của bé Ít-ma-ên khát sữa khi Xa-ra mẹ nó tuyệt vọng nhìn bầu da cạn nước. Thiên sứ đã hiện ra nói với Xa-ra : “Đừng sợ, Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm” (St 21,17). Cũng vậy, St 4, 1-16 thuật lại cái chết đầu tiên của nhân loại chính là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trong đó A-ben bị anh mình là Ca-in sát hại. Bản văn không hề nói gì về tiếng kêu cầu của A-ben, nhưng máu của A-ben lại là tiếng kêu báo oán. Thiên Chúa nói với Ca-in : “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta”. Tiếng máu đang kêu, nghĩa là tiếng máu của A-ben cứ kêu cho đến khi Thiên Chúa đoái nghe và đi tìm Ca-in để tính sổ với ông về chuyện này.
Có thể nói, mọi tiếng kêu than của những kẻ khốn cùng tuyệt vọng, những giọt nước mắt vì bạo lực, vì bất công của mọi thời và từ mọi nơi, đều trở thành lời cầu nguyện vọng lên Thiên Chúa. Cho dù họ có ý thức đó là lời cầu xin cùng Thiên Chúa hay không, thì Thiên Chúa vẫn lưu tâm đến tiếng kêu than của họ. Vì rằng Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, mà người Cha thì nhạy bén với tiếng thét thống khổ của con mình ngay cả khi đó chưa phải là lời ngỏ trực tiếp với Người. Tiếng kêu than của con cái Ít-ra-en ngụ cư bên Ai-cập cũng như tiếng thở dài của những người di dân cùng khổ hiện nay, tất cả đều trở thành tiếng kêu cầu cùng Thiên Chúa, và Người đang nghe họ và sẽ đích thân ra tay giải thoát họ.
Kết : Xuất hành và hiện tại
Kinh ngiệm của Ít-ra-en về thân phận ngoại kiều trên đất Ai-cập là kinh nghiệm của kẻ từ di dân trở thành nô lệ, từ tha phương thành vong thân và đã được Thiên Chúa giải cứu. Di dân cũng đang là vấn nạn của Việt Nam hôm nay. Chúng ta đang chứng kiến những dòng người từ các tỉnh lẻ, từ những nơi xa, tận ở miền Trung, miền Bắc kéo vào Nam kiếm việc làm. Sống giữa những người xa lạ, sống với “tứ phương thiên hạ” mà họ chẳng biết ai và không ai biết họ. Chính họ cũng quên luôn mình là ai và chỉ còn mối bận tâm duy nhất là kiếm sống. Họ không bị ai bắt làm nô lệ, không có Pha-ra-ô nào đặt lên cổ họ ách nô lệ như con cái Ít-ra-en thuở xưa phải chịu, chính nhu cầu kiếm sống đã khống chế họ. Một khi kiếm sống trở thành mục đích tối hậu của cuộc đời, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa. Chính lúc đó con người cũng đánh mất phẩm giá làm người của mình.
Trong khi con cái Ít-ra-en kêu than về kiếp nô lệ của mình, thì những người di dân trên đất nước chúng ta lại có nguy cơ để cho sự lo toan vật lộn với cuộc sống bóp nghẹt cả ý thức về sự vong thân của mình. Họ đánh mất ý thức về sự nô lệ cuộc sống của mình mà không hay. Có lẽ Thiên Chúa đang cần một Mô-sê, những Mô-sê, để nói cho họ rằng họ có một người Cha trên trời yêu thương họ và chạnh lòng khi thấy họ sống xa Người, bơ vơ như chiên không người chăn. Người đang muốn giải phóng họ khỏi sự vong thân và đưa họ đến núi thánh của Người để phụng sự Người trong sự thật. Việc phụng sự đó không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho họ ơn cứu độ đích thực.
Không hẳn chỉ những di dân mới bị nô lệ cuộc sống, cả chúng ta, mỗi người đều là nạn nhân của các Pha-ra-ô dưới nhiều hình thức khác nhau. Áp lực của công việc, của thời gian, của dư luận đè nặng trên chúng ta. Thế giới thông tin đang lên ngôi và người ta tự nguyện làm tù binh của nó. Những mối tương quan gia đình cũng như những cuộc gặp gỡ bằng hữu trở nên tẻ nhạt vì điện thoại, máy tính... Rồi những nô lệ cho những nhu cầu tự tạo ngày càng cao và con người càng tìm càng thấy trống rỗng hụt hẫng, thì lại càng lao mình tìm thoả mãn. Việt Nam còn phải kể đến nô lệ thành tích, nô lệ hình thức, nô lệ sự hoành tráng vĩ đại đến nỗi điều chính điều phụ dẫm lẫn lên nhau. Người ta không ngại nhân danh Chúa để tìm vinh danh cho mình và cho nhau. Lịch sử còn ghi lại câu nói thời danh của Hiller, toàn thể dân chúng đón tiếp ông trong buổi mít tinh hôm đó tâm phục khẩu phục bởi câu nói của ông : “Đối với Ki-tô giáo, mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa, tôi đang nắm quyền bính, vậy thì tôi đến từ Thiên Chúa !” Từ muôn thuở, Pha-ra-ô của Danh Lợi Thú vẫn đầy ma lực lại rất ma mãnh, con người không dễ gì thoát khỏi quyền lực của nó. Người coi khinh danh lợi thì rơi vào vòng lạc thú, kẻ khinh chê của cải lại bám chặt lấy hư danh. Siêu thoát được mặt này, người ta lại tìm bù trừ ở thứ khác. Thế đó, con người cứ mãi quay quắt đi tìm phù hoa hư ảo, dẫu đã quen với câu : phù vân nối tiếp phù vân, chi chi chăng nữa cũng là phù vân ! Về điều này, thánh Phao-lô đã thú nhận : “Điều thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều ác tôi không muốn, thì tôi cứ làm” (Rm 7,19). Một khi chúng ta nhận ra điều đó như thánh Phao-lô, chúng ta cũng thốt lên như ngài : “Tôi thật khốn nạn ! Ai sẽ giải phóng tôi...” và chúng ta cùng reo trong hạnh phúc với thánh Phao-lô : “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta !” (Rm 7,24-25). Chúng ta có thể viết tiếp Tv 136 :
Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, đã giải thoát chúng ta,


muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét