Trang

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

SỰ DỮ, MỘT VẤN ĐỀ NAN GIẢI (Phần III)

SỰ DỮ, MỘT VẤN ĐỀ NAN GIẢI (Phần III)

Phần 3: HÓA GIẢI SỰ DỮ THEO THÁNH ÂU TINH, THÁNH I-RÊ-NÊ VÀ THÁNH THOMAS.

Bài này trình bày cách hóa giải sự Dữ của 3 vị thánh thuộc các thời đại khác nhau: Thánh Âu-Tinh thuộc thế kỷ thứ 4-5, Thánh I-rê-nê thế kỷ 2-3 và thánh Thomas Aquino, thế kỷ 13.

1. Hóa giải sự dữ theo thánh Âu Tinh và quan điểm loại suy thẩm mỹ (aesthetic analogy)

Cách hóa giải này được truyền thống Kitô giáo như các giáo phụ phương Tây, những nhà thần học Trung cổ và nhiều học giả ngày nay cùng chia sẻ.

Thiên Chúa là Đấng toàn thiện. Thiện tính của Ngài được bộc lộ trong hành vi sáng tạo, do đó mà mọi tạo vật đều có tính bản thiện. Tuy nhiên, sự dữ cũng thực sự hiện hữu, nhưng chúng chỉ hiện hữu khi khiếm khuyết sự thiện, như bóng tối xuất hiện khi thiếu ánh sáng. Người ta tự hỏi tại sao Đấng Tạo Hóa không sáng tạo mọi sự ở cấp hoàn hảo nhất, không còn chỗ cho những khiếm khuyết xen vào? Thánh nhân trả lời: Cần có nhiều loại hữu thể được sáng tạo ở những cấp độ hoàn hảo khác nhau, nhờ đó sự phong phú và vẻ huy hoàng càng nổi bật.

Trong tương quan với sự thiện mà sự dữ có ý nghĩa: Quan điểm loại suy thẩm mỹ. Kinh nghiệm thực tế về thẩm mỹ cho hay sự tương phản thường làm cho thực tại tăng thêm vẻ đẹp. Như trong một bản nhạc, đôi khi có những nét nhạc không hoà điệu, một cách nào đó lại có thể làm cho toàn bộ bản nhạc thêm tuyệt vời. Hoặc như những bức tranh của Rembrant, chúng nổi tiếng là nhờ sử dụng kỹ thuật tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Vậy nếu ta bị “sốc” bởi sự bất hoà của vũ trụ, đó là chúng ta không hiểu được bản giao hưởng của vũ trụ trong tổng thể của nó. Sở dĩ một chi tiết của một bức tranh làm chúng ta khó chịu, là vì chúng ta thiếu cái nhìn tổng quan vốn đem lại ý nghĩa cho từng chi tiết. Tương tự, sự dữ làm phát ra vẻ rực rỡ của điều thiện. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hoà tuyệt mức của thế giới.

Chúng ta nên biết, sau này Leibniz cũng đã khai triển ý tưởng này để biện minh cho Thiên Chúa: “Sự dữ không còn là sự dữ nữa, nếu nó là một khoảnh khắc cần thiết trong tiến bộ của cả lịch sử nhân loại”.

Những khó khăn của cách hóa giải này:

Thật khó chấp nhận quan điểm sự dữ là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Trước biến cố sát hại hàng triệu người Do thái trong trại tập trung của Đức quốc xã, người ta tự hỏi làm thế nào những kẻ như Hitler lại có thể dự phần vào sự hoàn hảo của thế giới? Và làm sao có thể chấp nhận quan điểm chủ trương hy sinh các thế hệ hiện tại, nếu cần, để giúp đạt tới những ngày mai tươi sáng? Đối với chúng ta, con người là một giá trị tuyệt đối, không bao giờ là một phương tiện, nên không bao giờ được phép coi con người như một bánh xe trong một cỗ máy để có thể thay thế, hy sinh cho một tương lai mơ hồ. Mỗi một thời điểm đều được Thiên Chúa coi trọng và không thể biện minh cho những tiến bộ trong tương lai bằng cách lập luận rằng Thiên Chúa chủ ý muốn sự đau khổ cho bất kỳ một người vô tội nào của ngày hôm nay. Do đó, Dostoievski đã có lý khi nói qua miệng của một trong những người anh em của Karamazov những lời này: “Ngay cả khi cái xưởng mênh mông này sẽ mang lại những điều kỳ diệu tuyệt vời nhất, và điều đó chỉ phải trả bằng một giọt lệ duy nhất của một đứa trẻ thì tôi cũng phản đối”.

Hơn nữa, người ta cũng khó chấp nhận lối nhìn của kẻ bàng quan, đứng ngoài xem tranh. Thái độ đó không làm cho sự dữ mất đi, mà còn là cơ hội cho sự dữ tăng gấp bội. Trong tác phẩm: “Hai nguồn tôn giáo và luân lý”, Bergson đã nhận định: “Các triết gia vẫn hài lòng với những lập luận kiểu đó một mình trong bàn giấy, nhưng họ sẽ nghĩ sao trước cảnh một bà mẹ vừa mới chứng kiến con mình chết thảm khốc? Không, đau khổ là một thực tại, có thể làm lu mờ khía cạnh Thiên Chúa quan tâm tới con người cách cá vị hoặc tệ hại hơn có thể gây hiểu lầm: con người chỉ là thành phần hay đơn vị có thể bị hy sinh vì lợi ích của tập thể một cách tuỳ tiện.

2. Hóa giải sự dữ theo thánh Irênê

Cách hóa giải sự dữ theo thánh nhân sau này được các nhà thần học Đức, Friedrich, Schleiermarcher và học giả người Anh, John Hick khai triển. Lập trường cơ bản của ông là theo kế hoạch của Thiên Chúa, thế giới này phải là môi trường phát triển của con người, ngõ hầu đạt tới tầm vóc sung mãn ơn gọi làm con Thiên Chúa. Sự phát triển này đòi hỏi một tiến trình lâu dài trong một môi trường thích hợp. Đó là môi trường hỗn hợp giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, nhờ đó con người có thể vận dụng tự do của mình để thực hiện ơn gọi.

Sự hiện hữu của sự dữ luân lý

Nếu chỉ nhằm mục tiêu: sự thiện phải hiện hữu bằng bất cứ giá nào, Thiên Chúa có thể trang bị cho thế giới này tràn đầy những người máy, được lập trình hoàn hảo, chỉ biết làm điều thiện. Nhưng những rôbốt như thế không bao giờ có thể phát triển tới tầm mức con cái tự do của Thiên Chúa. Đạt tới ơn gọi làm con Thiên Chúa, tuỳ thuộc con người vận dụng khả năng lựa chọn, đáp trả hay khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Chỉ trong tự do, con người mới có thể đi vào mối tương quan tình yêu với Ngài. Đó là lý do biện minh tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý có mặt trong thế giới này. Do đó, có thể nói, chính tự do phải chịu trách nhiệm về sự dữ luân lý.

Nhưng với tư cách một Thiên Chúa toàn năng, Ngài vẫn có thể loại trừ mọi sự dữ hay đau khổ chứ? Dĩ nhiên rồi. Vậy tại sao Ngài không làm thế?

Giả sử chúng ta sống trong một thế giới mà Thiên Chúa không ngừng can thiệp để loại trừ bất cứ sự dữ hay đau khổ nào khỏi cuộc sống con người thì, một sự can thiệp như thế sẽ đồng nghĩa với việc phải loại bỏ mọi luật lệ thiên nhiên. Chẳng hạn, Thiên Chúa luôn phải làm cho sức nóng của ngọn lửa đang có nguy cơ đốt cháy người hay vật trở thành vô hiệu, hay phải thay đổi bản chất của nước đang có nguy cơ nhận chìm con người và thiên nhiên. Một sự can thiệp như thế khiến cho thế giới này không còn khả năng tiên liệu, do đó khoa học và kỹ thuật cũng không còn cơ may phát triển. Đàng khác, một sự can thiệp như thế khiến thế giới này không còn những thách đố phải vượt qua, không còn những vấn đề phải giải quyết, như vậy cũng làm tiêu tan ý nghĩa cuộc sống: Tính cách luân lý không còn cơ hội phát triển, tình thương không còn môi trường để bộc lộ. Không còn chỗ cho sự tự hiến. Ơn gọi làm con Thiên Chúa thể hiện trong mối tương quan tình yêu không thể thành hiện thực. Nhìn dưới những góc độ này, những thử thách và đau khổ có thể có những giá trị tích cực.

Những khó khăn của cách hoá giải này

Tính hấp dẫn của khảo hướng này không có thể phủ nhận. Thực vậy, những thử thách và đau khổ về thể lý lẫn tinh thần có thể là trường đào luyện ý chí của những tâm hồn cao cả. Nó có thể là cơ hội hay điều kiện để đạt tới một sự thiện hảo lớn hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, sự bất hạnh thường làm cho con người đi chệch hướng hơn là làm cho nó chỗi dậy. Trong nỗi bất hạnh, nếu họa chăng có được những cuộc chinh phục thì luôn luôn chỉ là một phần nhỏ so với cái nền của sự thất bại. Nếu sự dữ có mang lại lợi ích nào thì cũng phải trả giá bằng biết bao sự huỷ hoại. Vì thế người ta tự hỏi: để trưởng thành, con người không còn phương pháp nào khác hơn là đau khổ sao? Vì thế Maxscheler nói: rất có thể có thầy dạy khác ngoài sự đau khổ giúp con người trưởng thành thật sự.

Đàng khác, quan điểm trên có thể mặc nhiên cho rằng Thiên Chúa trực tiếp dính líu vào sự ác và đau khổ, làm cớ cho con người phủi tay trước những sự ác mà nó gây ra.

3. Hóa giải sự dữ theo thánh Thomas

Cách hóa giải của thánh nhân nhằm biện minh rằng Thiên Chúa không phải là tác giả sự dữ. Thánh nhân đã sử dụng những ý niệm siêu hình về hữu thể để xây dựng lý thuyết của mình và trình bày vấn đề trong Tổng luận thần học, phần I chương 48-49.

Theo ngài, sự dữ không phải là một tạo vật, mà sự thiếu sót hay khiếm khuyết sự thiện trong bất cứ tạo vật nào. Như thế trên bình diện hiện hữu đều tốt lành hay thiện hảo. Sự thiện là điều mọi người mong và không có gì đáng ước mong nếu nó không hiện hữu. Có hiện hữu mới làm cho vật khác yêu thích được. Vì thế, người ta chỉ nhận ra sự dữ trên bình diện cách thế hiện hữu của nó mà thôi. Sự dữ được biết đến là do một hữu thể nào đó thiếu hay khiếm khuyết một sự thiện nào đó, như bóng tối được nhận biết là do thiếu ánh sáng. Tự nó, sự dữ không thể hiện hữu được. Thánh Thomas định nghĩa sự dữ là thiếu hay khiếm khuyết một sự thiện hảo nào đó đáng lẽ một vật phải có. Đôi mắt là sự thiện hảo phải có của con người, nên người khiếm thị được coi là người bất hạnh. Thiếu điều thiện hảo không thuộc về bản chất của mình thì không thể coi đó là sự dữ. Thiếu đôi cánh không thể được coi là bất hạnh đối với con người. Khi định nghĩa sự dữ là một thiếu sót hay khiếm khuyết trong tạo vật, thánh nhân không hề muốn làm giảm nhẹ hiệu quả và tính bi đát của sự dữ. Hậu quả của sự dữ vật lý cũng như luân lý thật tồi tệ, cần phải khuất phục hay lên án.

Khi thánh nhân đề nghị lối phân tích có tính kỹ thuật như thế, ngài chỉ muốn khẳng định: sự dữ không có bề dày hữu thể nào hết. Nên Thiên Chúa không phải là tác giả sự dữ vì Ngài chỉ là nguyên nhân mọi hữu thể.

Tuy nhiên thánh nhân cho rằng sự dữ đôi khi cần cho sự hoà điệu của vũ trụ. Về phương diện này Thiên Chúa có thể là nguyên nhân gián tiếp sinh ra sự dữ vật lý. Muốn sinh tồn, các vật trong vũ trụ phải nương vào nhau. Con người nuôi sống mình bằng những vật hạ cấp. Các vật khác cũng vậy. Sự tác động qua lại này tạo nên sự quân bình sinh thái, được coi như một thứ thiện hảo của vũ trụ. Song sự dữ vật lý không đúng nghĩa là sự dữ.

Dẫu sao cách hóa giải sự dữ theo thánh Thomas nếu tránh được cho Thiên Chúa trách nhiệm tạo ra sự dữ thì vẫn còn nguyên vấn đề đối với một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện. Thế nên trong tập dẫn nhập bình giải về sách Gióp, ngài đã phải thú nhận: không gì khó hóa giải cho bằng những đau khổ của người vô tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét