Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Đức Trinh nữ Maria, trở thành người nữ uy quyền nhất thế giới như thế nào

Đức Trinh nữ Maria, trở thành người nữ uy quyền nhất thế giới như thế nào

bởi  - 

Hiếm khi lên tiếng trong Kinh thánh, nhưng hình ảnh và di sản của Mẹ, thể hiện và được cung nghênh khắp thế giới.
National Geographic –
Bài viết: Maureen Orth
Hình ảnh: Diana Markosian
Picture of pilgrims visiting Virgin Mary statue at Medjugorje in Bosnia and Herzegovina

Người hành hương viếng tượng Đức Trinh nữ Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina

Khi hoàng hôn buông xuống Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, một nơi tương truyền Đức Trinh nữ Maria hiện ra, nhiều người sốt mến thuộc nhiều đức tin và quốc tịch khác nhau cùng quy tụ trong lời cầu nguyện.

Vào giờ chập choạng, 5:40 chiều. Trong một nhà nguyện Công giáo La Mã nhỏ ở Bosnia-Herzegovina, ở làng Medjugorje, Ivan Dragicevic bước xuống lối giữa nhà nguyện, quỳ gối trước bàn thờ, cúi đầu một lúc, rồi mỉm cười, hướng mắt lên trời. Anh bắt đầu thì thầm, lắng nghe, lại thì thầm, và không chớp mắt suốt 10 phút. Đó là buổi đối thoại hằng ngày của anh với Đức Trinh nữ Maria.
Dragicevic là một trong sáu mục đồng được Đức Trinh nữ Maria hiện ra vào năm 1981. Mẹ đã hiện ra với 4 cô bé và 2 cậu bé, nhận mình là ‘Nữ vương Hòa bình’ và truyền cho các thiếu niên này, thông điệp đầu tiên trong hàng ngàn thông điệp khuyên bảo các tín hữu hãy cầu nguyện thường xuyên và sám hối tội lỗi. Lúc đó, Dragicevic 16 tuổi, và Medjugorje, rồi cả nước Yugoslavia đang dưới chế độ cộng sản, nổi bùng một cơn bão những việc chữa lành phép lạ và hoán cải thiêng liêng, lôi cuốn 30 triệu người hành hương đến đây trong vòng 3 thập kỷ qua.
Tôi đang ở Medjugorje với một nhóm người Mỹ, hầu hết là những ông bố thể thao từ Boston, và thêm 2 đàn ông, 2 phụ nữ đang bị ung thư giai đoạn cuối. Trưởng đoàn của chúng tôi là Arthur Boyle, 59 tuổi, cha của 13 người con, lần đầu đến nơi này vào ngày Lao động Quốc tế năm 2000, mang trong mình khối ung thư và chỉ còn vài tháng để sống. Ông sụp đổ và chán nản, hẳn đã không đi chuyến hành hương này nếu như hai người bạn không thúc ép ông. Nhưng đêm đầu tiên ở đây, sau khi đi xưng tội ở nhà thờ thánh Giacôbê Tông đồ, tâm lý của ông được xoa dịu tức thời.
Ông cho tôi biết, ‘Những lo âu và trầm cảm biến mất. Bạn biết cảm giác khi vác một ai đó chơi trò đấu nhau dưới nước, rồi họ nhảy xuống, bạn thấy nhẹ nhõm và tự do. Tôi cũng như thế. Chờ một chút, chuyện gì vừa xảy đến với tôi? Tại sao?’
Sáng hôm sau, cùng với hai người bạn Rob và Kevin, trong một cửa hàng trang sức, ông gặp một ‘thị nhân’ khác, Vicka Ivankovic-Mijatovic, và xin cô giúp đỡ. Một tay đặt bên đầu ông, cô cầu Đức Trinh nữ Maria xin Chúa chữa lành cho ông. Boyle nói rằng, ngay lúc đó, ông cảm nghiệm một cảm thức bất thường. ‘Cô bắt đầu cầu nguyện cho tôi. Rob và Kevin đặt tay trên tôi, và lời cầu nguyện của cô làm nhiệt lượng lan khắp cơ thể tôi đến nổi đổ mồ hôi.’
Một tuần sau, về lại Boston, khi kiểm tra với máy chụp CT ở Bệnh viện Trung ương Massachusetts, các khối u của ông đã thu nhỏ đến mức gần như không còn.
Từ thời điểm đó, ông Boyle đã trở lại Medjugorje 13 lần. ‘Tôi là một người đều độ. Tôi thích chơi hockey và uống bia. Tôi chơi golf nữa.’ Nhưng tôi phải thay đổi mọi sự trong đời.’ Ông cho biết, ngày hôm nay, ông trở thành kiểu như ‘người phát ngôn cho quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu Kitô, và tất nhiên là uy thế của Đức Mẹ và sức mạnh trong lời chuyển cầu của Mẹ.’
Picture of Roman Catholic youths guarding a life-size figure of Mary

Các thanh niên Công giáo cung nghênh bức tượng Đức Mẹ, trong lễ Đức Mẹ Mông triệu Thăng thiên ở Kalwaria Paclawska, Ba Lan

Đức Mẹ đầy sức hút với người trẻ cũng như người già. Ngày 12-8, trong thánh lễ kính Đức Mẹ về trời, các thanh niên Công giáo La Mã cung nghênh tượng Đức Mẹ ở Kalwaria Pacławska, Ba Lan. Ở nơi đây, lễ Đức Mẹ Mông triệu Thăng thiên là một lễ hội kéo dài cả tuần.

CẦU NGUYỆN XIN ĐỨC TRINH NỮ MARIA CHUYỂN CẦU và lòng sùng kính Đức Mẹ là một hiện tượng toàn cầu. Khái niệm Đức Mẹ chuyển cầu với Chúa Giêsu, bắt đầu từ phép lạ tiệc cưới Cana. Theo Tin mừng theo thánh Gioan, Mẹ bảo Chúa Giêsu, ‘Họ hết rượu rồi,’ và từ đó mở ra phép đầu tiên của Ngài. Năm 431 sau Chúa Giáng Sinh, Hội đồng Đại kết III, ở Ephesus, chính thức tôn dương Đức Mẹ tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, không một người nữ nào cao quý bằng Mẹ Maria. Là một biểu tượng chung về tình mẫu tử, cũng như về đau khổ và hi sinh, Đức Mẹ thường là tiêu chuẩn cho khát khao của chúng ta về ý nghĩa cuộc đời, một mối liên kết với siêu nhiên dễ tiếp cận hơn so với các giáo lý chính thức của giáo hội. Tà áo của Mẹ vừa là che chở vừa là bảo đảm. Khi được hỏi Đức Mẹ có ý nghĩa thế nào với ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời rằng, “Mẹ là mẹ tôi.’ [mamá, tiếng gọi mẹ thân thương]
Các tường thuật về việc Đức Mẹ hiện ra, các thị kiến thường đến với các trẻ nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, hay những vùng chiến loạn, đã tăng thêm mạnh mẽ sự huyền bí và hương thơm của Mẹ. Và khi các trẻ không chệch khỏi câu chuyện mình đã kể, đặc biệt là trong những chuyện đi kèm những ‘dấu chỉ’ không giải thích được, như mặt trời nhảy múa hay suối nước tuôn trào, thì hình tượng Đức Mẹ càng lớn lao hơn nữa.
Đức Mẹ ở mọi nơi. Hoa cúc vạn thọ (marigold) được đặt theo tên Mẹ. Cú chuyền bóng Kính Mừng [Hail Mary pass] cứu rỗi cho môn bóng bầu dục. Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe ở Mễ Tây Cơ, là một trong những hình ảnh người nữ được lan truyền nhất mọi thời đại. Đức Trinh Nữ Maria lôi cuốn hàng triệu người đến các đền thánh như Fatima ở Bồ Đào Nha, và Knock ở Ireland, nâng đỡ cho ngành du lịch hành hương ước tính giá trị hàng tỷ đô một năm và đem lại hàng công ăn việc làm. Mẹ là nguồn cảm hứng cho các tuyệt phẩm nghệ thuật và kiến trúc, (như tượng ‘Pietà’ của Michelangelo, và Nhà thờ Đức Bà) cũng như các vầng thơ, phụng vụ và âm nhạc (như Kinh chiều kính Đức Trinh nữ Diễm phúc của Monteverdi). Và Mẹ là bạn thiêng liêng của hàng tỷ người, dù cho họ có bị cô lập và quên lãng đến đâu đi nữa.
Không chỉ Kitô hữu, mà cả người Hồi giáo cũng xem Mẹ là thánh thiện hơn mọi người nữ, và tên của Mẹ, ‘Maryam’ xuất hiện trong kinh Koran còn thường xuyên hơn cả ‘Maria’ trong Kinh thánh nữa. Trong Tân Ước, Đức Mẹ chỉ lên tiếng 4 lần, mở đầu là lúc truyền tin, khi thiên thần Gabriel hiện ra và nói Mẹ sẽ mang ‘Con của Đấng Tối Cao.’ Mẹ trả lời, ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa’ Những lời nói dài duy nhất của Mẹ, cũng trong tin mừng theo thánh Luca, là trong tán ca Magnificat: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi,  Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.’
Chắc chắn là thế.
Nhưng các manh mối về cuộc đời Đức Mẹ có rất ít. Các học giả về Thánh Mẫu, phải rút lấy tất cả những thông tin có thể từ Kinh thánh Do Thái, các bản văn ở Địa Trung hải hồi thế kỷ I, Tân Ước, và các công trình khảo cổ học.
Picture of Anna Pidlisna of Ukraine who came to Medjugorje after receiving a vision of Mary

Anna Pidlisna, người Ukraine, đã đến Medjugorje sau khi được thị kiến thấy Đức Mẹ.

Anna Pidlisna, 32 tuổi, người Ukraine, nói rằng cô đến Medjugorje, sau khi được thị kiến thấy Đức Mẹ. Những lần hiện ra, không phải là dấu chỉ duy nhất của Đức Mẹ, nhiều người cho biết họ từng thấy mặt trời nhảy múa. Nhà vật lý Artur Wirowski có một giải thích duy vật rằng: Hiện tượng này có thể xảy ra khi ánh nắng mặt trời phản chiếu và khúc xạ các tinh thể nước đá rung động trong các đám mây.

Kinh thánh cho biết, Mẹ Maria sống ở Nazareth, thời Roma cai trị toàn lãnh địa Do Thái. Sau khi Mẹ có thai, hôn phu Giuse, người thợ mộc, định lẳng lặng bỏ đi, nhưng sau khi thiên thần hiện đến trong giấc mộng, ông đã đổi ý. Việc sinh hạ Chúa Giêsu được nhắc đến trong tin mừng theo thánh Luca và Matthêu. Còn Tin mừng theo thánh Máccô và Gioan nhắc đến Đức Mẹ một vài lần.
Cha Bertrand Buby, tác giả của bộ sách nghiên cứu 3 tập, Maria thành Galilee, và là một nhân vật xuất chúng trong Viện Nghiên cứu Thánh Mẫu Quốc tế tại Đại học Dayton, Ohio, thì các tác giả phúc âm viết khoảng 40 đến 50 năm sau khi Chúa Kitô tử nạn, và đây không phải là các tiểu sử. ‘Vậy nên đừng kỳ vọng các vị cho chúng ta đủ mọi chi tiết về Đức Mẹ. Chúng ta biết về cuộc đời của Mẹ qua nhiều giai thoại.’
Một vài học giả Thánh Mẫu mới đây tập trung vào hình ảnh một người mẹ Do Thái. María Enriqueta García, trong phân viện thần học thiêng liêng ở Viện Thánh Mẫu, giải thích rằng Đức Mẹ đem lại cho chúng ta Chúa Giêsu, ánh sáng thế gian, như một người mẹ Do Thái thắp lên những cây nến trong ngày Shabbat. ‘Chúng ta thấy mối liên hệ giữa Đức Mẹ với chúng ta, không như bất kỳ liên hệ nào khác, bởi đây là một mối liên hệ thiêng liêng.’
Trong thiên niên kỷ thứ nhất, khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, và bắt đầu lan khắp châu Âu, Đức Mẹ thường được họa hình như một nhân vật uy nghi, như những hoàng đế, vận hoàng bào thiếp vàng. Trong thiên niên kỷ thứ hai, kể từ thế kỷ XII, theo sử gia trung cổ Miri Rubin của Đại học Nữ vương Maria ở Luân Đôn, thì ‘Đức Mẹ có một sự đảo chiều lớn về hình tượng,’ trở nên một nhân vật dễ gần hơn, ân cần hơn, ghi đậm sự dịu dàng của một người mẹ hơn. Mẹ Maria như một người mẹ thứ hai trong các tu viện, nơi các tập sinh thường đang ở lứa tuổi nhỏ và cần sự âu yếm. Cô Rubin nói rằng, ‘Một tình yêu của người mẹ, đến để bày tỏ cốt lõi của trình thuật tôn giáo.’
Amy-Jill Levine, giáo sư về nghiên cứu Tân Ước và Do Thái, tại Đại học Vanderbilt, thì do trong Kinh thánh có quá ít chi tiết về Đức Mẹ, ‘nên bạn có thể phóng chiếu Mẹ theo bất kỳ giá trị tôn giáo nào bạn có.’ Theo Rubin, thì đây là ‘sự pha trộn văn hóa.’ Levnine thì thêm rằng, ‘Mẹ có thể là một người mẹ đau đớn, một trinh nữ trẻ, một nữ thần. Như Chúa Giêsu là người nam lý tưởng, thì Đức Mẹ là người nữ lý tưởng.’
Trong cuộc Kháng cách (1517-1648), khái niệm về Đức Mẹ chuyển cầu bị những người Tin Lành bác bỏ, họ muốn đi thẳng đến với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Nhưng Đức Mẹ lại được thêm hàng triệu người Công giáo tân tòng trong cuộc chinh phục Tân Thế giới hồi đầu thế kỷ XVI, và mới đây là ở châu Phi.
Picture of a nun pausing to pray in a field

Xơ Marzena Michalczyck, 31 tuổi một nữ tu từ Krakow, Ba Lan, dừng lại để cầu nguyện trong chuyến đi bộ nhiều tuần đến Częstochowa. Hàng triệu người hành hương tìm đến đây để cầu nguyện với tượng Đức Mẹ Đen, thường hay làm phép lạ.

Kibeho, một thành phố nhỏ ở Rwanda, được biết đến như là nơi Đức Trinh nữ Maria hiện ra với 3 cô gái nhỏ, và cho các bé biết trước về cuộc diệt chủng đẫm máu kinh hoàng sẽ chấn động đất nước vào năm 1994, khi người Hutu chiếm đa số tấn công người Tusti thiểu số, và trong vòng chỉ 3 tháng, hơn 800.000 người bị tàn sát.
Tháng 3, 1982, giám mục địa phương đã nhờ bác sỹ Venant Ntabomvura, đến gặp các cô bé ở ngôi trường trên đồi tại Kibeho. Ông đã điều tra 3 học sinh này, những người cho biết là họ đã có những thị kiến và nói chuyện với Đức Trinh nữ Maria. Ntabomvura, chuyên khoa tai mũi họng, bây giờ 89 tuổi, và vẫn đang hành nghề thầy thuốc, kể lại rằng, Alphonsine Mumureke, trước hết kể về những lần hiện ra từ tháng 11-1981. Trong những lần thị kiến này, cô nói chuyện với một người nào đó rõ ràng như nói chuyện qua điện thoại vậy.
Đức Mẹ trước hết hiện ra với Alphonsine, rồi đến Anathalie Mukamazimpaka, tiếp theo là cho Marie Claire Mukangango. Các cô gái nói rằng họ đã có vô số giờ nói chuyện với Đức Mẹ, và Mẹ xưng mình là Nyina wa Jambo, Mẹ Thế giới. Đức Maria nói chuyện với các em quá thường xuyên đến mức các em gọi Đức Mẹ là má.
Tôi gặp được Anathalie vào buổi hoàng hôn, trong căn nhà giản dị của cô gần trường học cũ, ngôi nhà đầy những tràng hạt và tượng Đức Mẹ.
Picture of a boy receiving Communion at Jasna Góra Monastery in Częstochowa, Poland

Một cậu bé rước lễ ở Tu viện Jasna Góra, ở Częstochowa, Ba Lan Tượng ảnh Đức Mẹ Đen, một tấm hình Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu với màu da đen, tương truyền là tác phẩm của thánh Luca, được giữ trong tu viện này.

Anathalie kể rằng, ‘Lần đầu tiên Mẹ hiện ra, là lúc tôi đang lần hạt, và Mẹ gọi tên tôi. Tôi nghe Mẹ nói, ‘Nathalie, con ta.’ Mẹ thực sự rất đẹp, khoảng 20 đến 30 tuổi. Mẹ nói bằng tiếng Kinyarwanda với một giọng nhẹ nhàng điềm đạm. Mẹ mang áo trắng và áo choàng màu xanh dương. Mẹ không bao giờ nói vì sao Mẹ chọn tôi. Mẹ nói rằng Mẹ hiện ra với bất kỳ ai Mẹ muốn, bất kỳ lúc nào Mẹ muốn, bất kỳ nơi đâu Mẹ muốn.’ Anathalie nói rằng, Mẹ không bao giờ đề cập đến bất kỳ tôn giáo cụ thể nào. ‘Mẹ chỉ muốn chúng ta yêu mến Mẹ nhiều như Mẹ yêu mến chúng ta vậy.’
Lời tiên tri khủng khiếp của Đức Mẹ đến vào một ngày vào năm 1982, ngày mà mọi người xem là đặc biệt hạnh phúc, 15-8, lễ Đức Mẹ Lên trời. Ntabomvura cũng có ở đó, và Gaspard Garuka sống gần đó. Các cô gái đầy nước mắt, vì Đức Mẹ cũng đang khóc. Bác sỹ Garuka kể lại, ‘Alphonsine gục ngã nhiều lần, bởi đã thấy những điều khủng khiếp. Có lần cô đã xin Đức Mẹ, ‘Xin đừng để con thấy những điều này.’
Anathalie nói rằng những gì Đức Mẹ báo trước, ‘chính xác những gì tôi đã thấy’ trong cuộc diệt chủng cách đây 12 năm. ‘Người ta giết người bằng giáo, bằng thiêu sống, chặt đầu. Tôi thấy những hố chôn tập thể, chung quanh đầy bóng tối, máu chảy thành sông. Tất cả những điều này đã được báo trước.’ Anathalie trốn được khỏi Rwanda, đến Congo, rồi Kenya. Alphonsine trở thành một nữ tu ở Ý. Marie Claire thì bị giết trong cuộc diệt chủng đó. Ngày 29-6-2001, gần 20 năm sau khi Alphonsine lần đầu cho biết về việc Đức Mẹ hiện ra, giám mục Augustin Misago của Rwanda và Vatican tuyên bố rằng, Đức Trinh nữ Maria đã hiện ra ở Kibeho.
Picture of a Polish woman who claims a direct connection to Mary that allows her to heal people

Ở Rutka, Ba Lan, Anna Bondaruk, 84 tuổi, cầu nguyện với Marek Włodzimirow, 38 tuổi, đến tìm bà để được chữa lành về tinh thần. Bà Bondaruk nói rằng bà có liên hệ trực tiếp với Đức Mẹ, cho bà có khả năng chữa bệnh.

Michael O’Neill, 39 tuổi, tốt nghiệp Đại học Stanford, ngành cơ khí và thiết kế sản xuất, là một nguồn dữ liệu vô cùng lớn về Đức Trinh nữ Maria. Trên trang web của mình, miraclehunter.com ông đã hệ thống hóa tất cả mọi lần Đức Mẹ hiện ra kể từ năm 40 sau Chúa Giáng Sinh. Việc điều tra có hệ thống và lưu trữ tài liệu về các sự kiện siêu nhiên, kể từ thời Công đồng Trent, phản ứng chung của Giáo hội Công giáo với cuộc Kháng cách cách đây hơn 450 năm. Trong số hơn 2000 lần được cho là Đức Mẹ hiện ra, thì chỉ có 28 lần được xác nhận bởi giám mục địa phương, người đầu tiên quyết định xem ‘những thị nhân’ có đáng tin hay không. Và chỉ có 16 trong số này được Vatican xác nhận.
O’Neill, trong quyển sách mới xuất bản của mình, Khám phá sự Phi thường [Exploring the Miraculous], ông kể ra chi tiết quá trình tỉ mỉ của Vatican để quyết định xem có chuẩn cho việc hiện ra này là phép lạ, thực sự phi thường.  Sự ‘xác thực’ và sự ổn định về tâm thần của các thị nhân là yếu tố hàng đầu, và bất kỳ ai bị nghi ngờ là cố gắng tìm danh tiếng hay tiền bạc từ việc nhận mình có liên hệ với Đức Trinh nữ Maria, thì đều bị loại và bị lên án.
Medjugorje là một trong khoảng hơn 20 điểm đang trong tình trạng chờ-và-xem để được Vatican phê chuẩn. Các giám mục địa phương ở Medjugorje, chưa bao giờ thực sự tin vào các lần hiện ra này, đối lập với các cha dòng Phanxicô đang điều hành giáo xứ này và là những người tin chắc chắn về những lần Đức Mẹ hiện ra. Để giải quyết tình thế bế tắc này, Vatican đã lập một ủy ban. Ủy ban đã báo cáo kết quả vào cuối năm 2014.
Vatican chưa từng xác nhận cho bất kỳ lần được cho là Đức Mẹ hiện ra nào mà thông điệp trong đó lại đi ngược với huấn giáo của giáo hội, và các tín hữu không bị buộc phải tin vào các việc hiện ra này. Nhưng nhiều người, kể cả các linh mục, lại không như vậy. Cha Johann Roten, giám đốc của các dự án nghiên cứu đặc biệt ở Thư viện Thánh Mẫu tại Đại học Dayton, với hơn hàng trăm ngàn bộ sách về Đức Mẹ. Cha cho biết, ‘Khó để phân biệt được những gì từ Đức Mẹ, và những gì được diễn giải theo lời các thị nhân.’ Quyết định cuối cùng là tùy theo đức tin.
 Mapping Virgin Mary Sightings

Bản đồ về các lần Đức Trinh nữ Maria hiện ra, bắt đầu từ thế kỷ XVI. Giáo hội Công giáo La Mã lập một tiến trình điều tra nghiêm ngặt về các phép lạ, cũng như với hơn 2000 lần được cho là Đức Mẹ hiện ra từ năm 40 sau Chúa Giáng Sinh. Để đáng tin và được giáo hội ủng hộ, thì các việc hiện ra phải phi thường, có mức độ chắc chắn cao, và phù hợp với giáo lý, và phải có tác động tích cực

Ghi chú: Một vài thị kiến có thể không được ghi lại, bởi các chi tiết về thời điểm, địa điểm và người làm chứng, đã bị mất đi trong lịch sử.

 Robert Spitzer, một linh mục dòng Tên, trưởng Trung Tâm Magis ở California, làm việc để giải thích đức tin, vật lý, và triết học, cho biết, ‘Các phép lạ biến đổi bản chất và các luật tự nhiên. Khoa học nhìn vào các luật vật lý trong tự nhiên, vì vậy bạn đang đối mặt với một nghịch lý. Liệu có thể có kiểm nghiệm khoa học cho các phép lạ? Không. Khoa học chỉ kiểm nghiệm cho các luật vật lý hay các kết quả vật lý mà thôi.’
Dù thế, trong nhiều năm, như một phần của tiến trình điều tra của giáo hội, các thị nhân là đối tượng của nhiều cuộc kiểm nghiệm. Có các nỗ lực để khiến các thị nhân ở Medjugorje, nháy mắt hay phản ứng với tiếng động lớn, khi họ đang trong thị kiến. Năm 2001, nhật báo Khám phá Khoa học viết về các thị nhân rằng ‘phần nào và có biến thiên, tách khỏi thế giới bên ngoài trong thời gian thị kiến.’ Các cảm thức về tiếng động và ánh sáng mạnh vẫn đi vào não bộ họ bình thường, nhưng vỏ não không nhận sự truyền dẫn của các phản ứng dây thần kinh thính giác và thị giác.’ Cho đến bây giờ, khoa học vẫn chưa có lời giải thích.
Trong chuyên ngành y khoa, thì những gì mà bạn và tôi gọi là phép lạ, thường được xem là một ‘an thần tự phát’ hay ‘hồi quy về khoảng giữa.’ Frank McGovern, bác sỹ phẫu thuật tiết niệu, người đã làm hết sức có thể cho ông Athur Boyle, kể rằng việc biến mất các khối ung thư là chuyện ‘hiếm’ theo thống kê, thì có thể xảy ra. Nhưng ông thêm rằng, ‘Tôi cũng tin rằng có những lúc trong đời người, chúng ta vượt ngoài những gì mình dự kiến.’
Liệu luồng khi nóng mà ông Boyle cảm nghiệm khi Vicka Ivankovic-Mijatovic chạm tay vào đầu ông, có phải là một phần của việc chữa lành không? Theo quyển sách xuất bản năm 2006, Chứng thân nhiệt cao trong Điều trị Ung thư: Một Kích nổ [Hyperthermia in Cancer Treatment: A Primer], thì ‘sự hồi quy tự phát của một vài khối ung thư đã được mô tả có quan hệ với việc mở đầu một cơn sốt và kích hoạt mạnh mẽ hệ miễn dịch.’
Ông Boyle nói rằng dù ông tiếp tục đi thử nghiệm sau khi trở về từ Medjugorje, nhưng ‘chính đức tin cho tôi được bình an, để hệ miễn dịch của tôi tái kích hoạt và giết chết khối ung thư, đây là chuyện hoàn toàn do tay Chúa làm.’
Picture of Haitian dancers honoring the Black Madonna

Hình các vũ công Haiti tôn vinh Đức Mẹ Đen.

Đức Mẹ mang nhiều khuôn mặt. Ở Haiti, Mẹ là Ezili Dantò – Đức Mẹ Đen. Một nhân vật mẫu tử tha thiết cũng như một nữ thần, Ezili là một thần được tôn kính trong tôn giáo Vodou, kể từ sau cuộc Cách mạng Haiti. Các vũ công này đang chuẩn bị cho nghi lễ canh thức nửa đêm vinh danh Đức Maria.

Các hình ảnh và câu chuyện cụ thể về Đức Trinh nữ Maria quá mạnh mẽ, đến độ góp phần định hình một quốc gia. Đây là trường hợp ở Mễ Tây Cơ, của Đức Mẹ Guadalupe, với hình ảnh Mẹ trên tấm áo choàng tilma của một người thổ dân da đỏ vào năm 1951. Bất kỳ ai chứng kiến lòng mến và sự sùng kính tuôn tràn của những người hành hương với Madre yêu dấu của mình, trong ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, vốn được truyền hình trực tiếp toàn quốc vào ngày 12-12 hàng năm, thì đều thấy được Đức Trinh nữ Maria đã ghi sâu vào những trái tim và linh hồn người dân Mễ Tây Cơ đến thế nào.
Người Mễ mang hình ảnh Mẹ theo mình trong chiến trận chống lại Tây Ban Nha để giành độc lập vào năm 1810, và trong cuộc cách mạng nội bộ năm 1910. César Chávez tuần hành với lá cờ mang hình Đức Mẹ trong cuộc chiến đấu để thống nhất các nông dân ở California vào thập niên 1960. Đức Mẹ Guadalupe ban phúc lành ngay lập tức cho những đứa con lai Tây Ban Nha và thổ dân da đỏ, từng một thời bị miệt thị. Mẹ là biểu tượng cho la raza, định nghĩa về giá trị của người Mễ, và do bởi Đức Mẹ Guadalupe, mà người Mễ luôn tin rằng mình đặc biệt.
Bình minh ngày 11-12, một ngày trước lễ Đức Mẹ Guadalupe, tôi lái xe từ Mexico City về Puebla ở phía đông nam. Những người hành hương đi theo chiều ngược lại, họ hướng đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Guadalupe, đền thánh lớn nằm ngay giữa lòng thủ đô. Dọc đường cao tốc xe cộ dập dìu, tôi thấy mọi người đi bộ, một mình hay với nhóm, những đội lái xe đạp mang áo quần như đồng phục, và vô số người khác với đủ phương tiện, mang theo mình những đèn màu chớp nháy, hoa vải, và những tượng Đức Mẹ đeo trên vai.
Tôi ghé vào một trại trong rừng, nơi những người hành hương ngủ đêm trên đất. Nhạc về Đức Mẹ vang lên từ các loa di động gần ánh lửa. Bữa sáng đã sẵn sàng, với trà, cà phê và bánh miễn phí. Một tình nguyện viên cho tôi biết, đến lễ Đức Mẹ Guadalupe, họ phục vụ cho 5000 người hành hương ở đây.
Vừa đưa cho tôi tách cà phê, anh tình nguyện viên Treno Garay nói, ‘Mễ Tây Cơ là của Đức Mẹ, và Đức Mẹ là của Mễ Tây Cơ.’ Bốn thế hệ phụ nữ trong cùng một gia đình cho biết, họ đi bộ 10 tiếng một ngày từ thành phố Papalotla, bang Tlaxcala, nhưng nghỉ đêm trong một chiếc xe tải của gia đình, được một người bà con lái theo. Một bà 77 tuổi, đang đi từ Santa Maria, ở bang Puebla, cùng với cháu trai 19 tuổi. Một tài xế xe tải từ California, đến đây hàng năm, cho tôi biết, ‘Ai ai cũng phải thăm mẹ của mình mà.’
Pictures of pilgrims on their way to visit the shrine of Our Lady of Guadalupe in Mexico City 3Pictures of pilgrims on their way to visit the shrine of Our Lady of Guadalupe in Mexico CityPictures of pilgrims on their way to visit the shrine of Our Lady of Guadalupe in Mexico City 2

Hình ảnh các người hành hương đang trên đường đến viếng đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City.

Trong nhiều thế kỷ, Mẹ Maria, Đức Mẹ Guadalupe, là thánh bảo trợ của Mễ Tây Cơ, với lễ kính vào ngày 12-12. Hàng năm, hàng ngàn người hành hương như Felipe Méndez, 24 tuổi (bên trái)  và Esther Silva, 16 tuổi, lên đường đến đền thánh ở Mexico City. Sau nhiều ngày hay nhiều tuần đi bộ, những người hành hương tạ ơn và cầu nguyện xin Mẹ giúp đỡ hay chúc lành.

Sáng hôm sau, khi tôi đến quảng trường trước vương cung thánh đường, một dòng người chật cứng đủ mọi lứa tuổi, trong đó có cả Alejandra Anai Hernán de Romero, bà mẹ 18 tuổi mang theo đứa con 7 tuần tuổi đang ốm, bé Dieguito, sinh ra bị biến chứng thận. Khắp quảng trường, mọi người đang đi bằng đầu gối, và chỉ đứng dậy khi vào trong vương cung thánh đường. Nhiều người nước mắt lưng tròng. Hầu hết những người tôi trò chuyện đều nói họ đến đây để tạ ơn. Họ đã có lời hứa với Đức Mẹ, và Mẹ đã đáp lại lời họ cầu xin.
Trong vương cung thánh đường, sau bàn thờ chính, là tấm hình bằng vải của Đức Mẹ Guadalupe, đặt trong khung kính, nơi mà mọi tín hữu chăm chăm nhìn vào khi lần lượt xếp hàng đi ngang qua theo thứ tự. Theo giai thoại được giáo hội xác nhận, thì vào năm 1531, Đức Mẹ Giáo hội đã hiện ra với Juan Diego, một người thổ dân da đỏ đã được rửa tội, được phong thánh vào năm 2002. Mẹ nói bằng tiếng thổ dân Nahuatl, thúc dục anh hãy bảo với giám mục là Mẹ muốn một nhà thờ được xây trên nơi này, đồi Tepeyac, từng là nơi thờ nữ thần đất của Aztec.
Thánh Juan Diego không được giám mục đồng ý, ông muốn có một dấu chỉ mới được. Vậy nên Đức Mẹ bảo Juan trèo lên ngọn đồi, lấy vài bông hoa, và đem chúng đến với Giám mục. Hoa ở đây không nở vào tháng 12, nhưng Juan đã tìm được một bó hồng tuyệt đẹp, bọc trong áo choàng tilma của mình, được thêu bằng sợi cây thùa. Khi Juan đến gặp giám mục và mở áo choàng ra, thì các đóa hồng tràn ra, và cho thấy hình Đức Mẹ Guadalupe trên tấm tilma. Đây là lần duy nhất Đức Maria để lại một hình ảnh vẽ của mình.
Nhiều sử gia nghệ thuật xem đây là một bức họa tiêu chuẩn của châu Âu về Đức Mẹ, điển hình của thế kỷ XVI. Nhưng, trong nhiều thập niên qua, nhiều học giả giáo hội đã bắt đầu diễn giải hình tượng này là một sự kết hợp giữa hội họa chân dung của Công giáo và văn hóa Aztec. Theo các diễn giải mới đây, thì ngay cả một người thổ dân mù chữ sẽ ngay lập tức đọc được các ký hiệu như là một giáo lý không lời.
Our Lady of GuadalupeMái tóc đen rẽ ngôi giữa, có thể là biểu trưng cho người trinh nữ, nhưng trong hình, Mẹ lại mang một thắt lưng màu đen, dấu chỉ là đang có thai. Quanh cổ Mẹ là một chiếc vòng, không phải với viên đá thần màu xanh lá của Aztec, mà là một thánh giá. Đôi mắt nhìn xuống đượm buồn, cho thấy Mẹ không phải là một nữ thần. Cũng như thế, đôi bàn tay, chắp lại cầu nguyện, cũng cho biết là mẹ không phải thần thánh. Một chân Mẹ nhấc lên, cho thấy có thể Mẹ đang nhảy mừng khi cầu nguyện. Màu ngọc lam của áo choàng Mẹ mang, đối với người Aztec, là biểu trưng cho sự thiêng liêng và bầu trời. Họa tiết bông hoa bốn cánh ở chính giữa áo màu hồng của Mẹ, mang ý nghĩa Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Khoảng giữa năm 1531 đến 1570, hình ảnh gốc trên tấm tilma của thánh Juan Diego đã được vẽ thêm. Theo một nghiên cứu hồi năm 1983, thì các ngôi sao hoàng kim được thêm vào tà áo choàng của Đức Mẹ, theo bố cục của buổi bình minh ngày 12-12-1531, ngày mà hình Đức Mẹ in lên áo choàng tilma của Joan Diego. Người Aztec rất tôn sùng thần mặt trời, và những ánh hào quang được thêm phía sau Đức Mẹ, ngụ ý rằng Mẹ đến từ thiên đàng và Thần Linh của Mẹ có quyền năng thần thiêng. Một giả thuyết nữa cho rằng, trong tiếng Nahuatl, từ “Mexico’ là kết hợp của 3 từ, nghĩa là ‘giữa trung tâm mặt trăng’ và trong hình, Đức Mẹ đang đứng giữa một mặt trăng lưỡi liềm màu đen. Mặt trăng này đội trên vai một thiên thần mang những nét thổ dân, có ý là Mẹ thống trị cả ánh sáng lẫn bóng tối.
Một điều đáng kinh ngạc, là tấm hình này không bị hư hại gì, dù cho tấm hình vải được treo trong vương cung thánh đường hơn một thế kỷ mà không có sự bảo vệ nào, dễ bị bụi bẩn và khói ám vào. ‘Mẹ in hình như trong một tấm ảnh chụp vậy,’ theo lời Nydia Mirna Rodríguez Alatorre, giám đốc bảo tàng vương cung thánh đường, cho biết hồi năm 1785, một công nhân làm việc tẩy khung bạc bên ngoài, đã lỡ tay làm đổ axit nitric lên tấm hình. Nhưng tấm hình vẫn không hề hấn gì. Một văn bản sau đó vài chục năm, cho biết axit đổ lên tấm hình, chỉ để lại một vết mờ như vệt nước mà thôi. Hồi năm 1921, Luciano Pérez Carpio, nhân viên trong văn phòng tổng thống Mễ Tây Cơ, chịu trách nhiệm làm suy yếu các tôn giáo, đã cho đặt một quả bom trong bình hoa dưới chân tượng. Vụ nổ phá tan bàn thờ, và làm cong thánh giá bằng đồng cũng như các chân đèn gần đó. Nhưng tấm hình Đức Trinh Nữ Maria vẫn không hề hấn gì.
Rodríguez Alatorre nói rằng, ‘Khi lòng sùng kính Đức Mẹ Guadalupe biến mất, thì bản chất của Mễ Tây Cơ cũng biến mất.’
Picture of a mother and daughter bathing in Saut d'Eau falls, Haiti

Hình ảnh một người mẹ và con gái đang tắm ở Saut d’Eau, Haiti

Một người mẹ và con gái ở Ville Bonheur, Haiti, tắm trong thác thiêng Saut d’Eau. Tương truyền, Đức Mẹ Đen [Ezili Dantò] đã hiện ra trên một cây cọ ở đây vào năm 1849. Cha Johann Roten, học giả về Đức Mẹ, nói rằng sự hiện diện của Đức Mẹ ở Caribbe, có thể xuất phát từ sự kết hợp giữa hai nền văn hóa, của người Công giáo từ Tây Ban Nha, và người gốc Phi trước khi trở lại Kitô giáo, nền văn hóa này bắt đầu từ đầu thế kỷ XVI.

Là người nữ duy nhất có riêng một sura, một chương của mình trong kinh Koran, Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn ‘trên mọi phụ nữ khác trên thế giới’ vì sự tinh tuyền và vâng phục của Mẹ. Cũng như trong Kinh thánh, thì trong kinh Koran của Hồi giáo, một thiên thần đến báo tin Mẹ sẽ mang thai. Nhưng không như trong Kinh thánh, ở đây, Đức Mẹ, Maryam, sinh hạ một mình. Không có thánh Giuse.
Bakr Zaki Awad, trưởng khoa thần học tại Đại học Al Azhar, đại học thần học hàng đầu ở Cairo, cho biết, ‘Mẹ Maria là người tinh tuyền và nhân đức nhất trong tất cả mọi phụ nữ trên vũ trụ.’
Ở Ai Cập, tôi đã từng nói chuyện với những người Hồi giáo sùng đạo, những người vì lòng tôn kính Đức Trinh nữ Maria, mà không thấy có gì ngại ngùng khi viếng các nhà thờ Kitô giáo và cầu nguyện với Mẹ trong các nhà thờ hệt như trong đền thờ của mình. Một ngày nọ ở Cairo, tôi gặp hai phụ nữ Hồi giáo trẻ mang khăn choàng, đang đứng trước nhà thờ Abu Serga của giáo hội Coptic, được xây dựng trong một hang động từng là nơi ở của Thánh Gia. Lúc đó đang là đêm trước lễ Phục Sinh của người Coptic, và bên trong, các giáo dân đang hát thánh ca và cầu nguyện nhiều giờ. Bên ngoài, hai phụ nữ này nói rằng họ yêu mến Đức Mẹ, khi được biết về Mẹ qua kinh Koran.
Youra, 21 tuổi, nói rằng, ‘Câu chuyện đời của Mẹ nói cho chúng tôi rất nhiều điều. Mẹ có thể đối diện với rất nhiều khó khăn trong đời, đó là nhờ đức tin của Mẹ, niềm tin vào Thượng đế.’ Bạn của Youra, cô Aya thêm rằng, ‘Có một chương mang tên Mẹ trong kinh Koran, vậy nên chúng tôi tò mò muốn biết trong nhà thờ thì như thế nào.’
Tôi đã gặp Nabila Badr, 53 tuổi, tại một nhà thờ Coptic bên dòng sông Nile, ở một góc Cairo, tên là Al Adaweya, một trong nhiều nơi ở Ai Cập mà Thánh gia từng dừng chân. Badr là một bà mẹ của 3 người con, và là một nhà tổ chức sự kiện cho thống đốc một bang gần Cairo. Cùng với kinh Koran, trong túi, cô còn mang theo các huy hiệu Kitô giáo với hình Đức Trinh nữ Maria. Trong một căn phòng nhỏ phía sau nhà thờ, Badr hòa vào những người Kitô hữu Coptic đang cầu nguyện ở đây, thắp nến, cúi đầu, và cầu nguyện với tượng Đức Mẹ trên tường, tương truyền từng đổ nước mắt. Badr nói rằng cô nói chuyện với Đức Mẹ về cuộc sống mình, và cho biết nhiều lần Đức Mẹ đã trả lời cô bằng những thị kiến trong mơ và về sau thành sự thật.
Picture of volunteers pushing the wheelchairs of pilgrims in Lourdes

Hình các tình nguyện viên đẩy xe lăn cho khách hành hương ở Lộ Đức.

Ở Lộ Đức, một thành phố nhỏ ở Pháp, với danh tiếng về các phép lạ và dấu chỉ của Đức Mẹ, các tình nguyện viên giúp đỡ đẩy xe lăn cho những khách hành hương mắc bệnh kinh niên hay nan y. Mỗi năm, khoảng 80.000 người bệnh hay khuyết tật, tìm đến đền thánh Đức Mẹ này để xin ơn lành bệnh.

Như nhiều người Ai Cập khác, Bard cũng tin vào jinn, hay các linh thần tác động lên những chuyện tốt xấu trong đời, dù cho cô nhận là mình có thiên thần riêng của mình.’ Cô nói, ‘Và thiên thần cũng tin vào Đức Trinh nữ Maria.’ Cô Badr thường xin Đức Mẹ chuyển cầu, và cô còn viết một bài thơ cho Mẹ Maria. Cô cho biết, ‘Khi thấy chán nản, tôi cầu nguyện với Thượng đế rất nhiều, nhưng tôi cũng xin Mẹ Maria chỉ bảo nữa, và sau một hồi, mọi sự an bình trở lại.’
Tại nhà thờ Đức Mẹ ở Zaytun, phụ cận Cairo Cũ, tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra trong thinh lặng với ánh sáng trắng bao quanh, trên mái vòm nhà thờ vào ban đêm, trong khoảng 3 năm từ 1968 đến 1971. Có lúc Đức Mẹ hiện ra với các chú bồ câu trắng lấp lánh. Yohanna Yassa, một linh mục Coptic đã mục vụ ở nhà thờ Đức Mẹ từ năm 1964, cho tôi biết các phụ nữ Hồi giáo muốn có thai thường đến nhà thờ này cầu nguyện. ‘Hôm nay, có một bà đến xin ơn. Đức Mẹ đang gọi mời chúng ta, và vì thế cả Kitô hữu lẫn người Hồi giáo đều yêu mến và tôn kính Mẹ.’
 Picture of a man bathing in the Massabielle Grotto at Lourdes

Hình một người đàn ông tắm trong Massabielle Grotto ở Lộ Đức. Các tình nguyện viên giúp một người đàn ông tắm dòng nước lạnh chảy ra từ suối ở Lộ Đức.

Massabielle Grotto là nguồn gốc danh tiếng của Lộ Đức kể từ năm 1858, khi Đức Mẹ hiện ra với một cô gái và bảo cô hãy đào một dòng suối nơi vùng đất đá rắn. Một vũng nước sớm thành một hồ, và cuối cùng là nguồn nước thiêng, hàng năm có đến 6 triệu người hành hương đến đây.

Theo nhiều con đường khác nhau của Mẹ Maria, tôi học biết được rằng, Mẹ thường hiện ra với những người ở các vùng khủng hoảng, như Kibeho và Bosnia-Herzegovina, tìm cách để cảnh báo hiểm nguy hay trở nên một biểu tượng chữa lành. Và đã có nhiều hiện tượng chữa lành được cho là phép lạ, như ở Medjugorje, còn việc chữa lành phần hồn thì không kể hết. Lộ Đức, điểm hành hương Đức Mẹ nổi tiếng nhất, nằm ở dưới chân dãy Pyrenees, miền tây nam nước Pháp, như một nhà máy phép lạ, với hơn 7000 lần chữa lành phi thường kể từ giữa thập niên 1800. Chỉ có 69 trường hợp được giới chức giáo hội chính thức công nhận.
Ở Lộ Đức, với hơn trăm mét vuông, 6 triệu người viếng thăm mỗi năm, đủ không gian cho 25.000 người thờ phượng trong vương cung thánh đường ngầm rộng lớn. Vương cung thánh đường này được xây cất vào năm 1958, để kỷ niệm 100 năm Đức Trinh nữ Maria lần đầu hiện ra vào năm 1858, với Bernadette, một cô bé nông dân 14 tuổi. (Thánh Bernadette được phong thánh vào ngày 08-12-1933) Hang động Đức Mẹ Lộ Đức gần đó, với các tảng đá ghi dấu hàng triệu dấu chân, là nơi Đức Mẹ bảo Bernadette dùng tay không múc bùn để khơi thông một dòng suối. Dòng nước kỳ diệu này là nguồn nước tắm, mà mỗi ngày hàng ngàn người bệnh tật đến đây xin được chữa lành. Các tình nguyện viên đẩy những người bệnh trên những xe nhỏ màu xanh, sắp hàng nối đuôi nhau trên những con đường nhỏ của Lộ Đức.
Hôm tôi đến suối, trời đổ mưa và lạnh. Có một nguyên tắc nghiêm ngặt về cách thức thay đồ và mang một tấm vải màu sáng quanh mình, để được một mình ngụp nhanh chóng trong bồn nước, với sự hỗ trợ của hai tình nguyện viên đỡ hai tay. Một bà người Ireland bảo tôi, ‘Nói ý nguyện xin, làm dấu thánh giá, rồi chúng tôi sẽ trầm bạn xuống.’ Và thế là bạn trải qua thời gian nhấn chìm trong làn nước lạnh buốt, nhưng là một thời khắc an bình thâm sâu.
Không lâu sau Thế chiến II, các quân nhân của Đức và Pháp gặp nhau tại Lộ Đức, để hòa giải và hàn gắn các vết thương do chiến tranh, và bây giờ cứ mỗi độ xuân về, các nhóm cựu quân nhân lại hòa vào làn người hành hương. Ngày 14-5-2015, tôi đến Lộ Đức cùng 184 thương binh, các quân nhân Hoa Kỳ phục vụ ở Irắc và Afghanistan, cùng với gia đình họ. Chuyến đi được tài trợ bởi Tổng giáo phận và Các Hiệp sỹ Columbus. Họ đến để dự cuộc hành hương thường niên của các quân nhân (năm nay là từ 35 nước khác nhau) để mừng hòa bình. Trong suốt phần đời còn lại, tất cả những con người can trường âm thầm này, và những ai nâng đỡ họ, phải chiến đấu với các tổn thương từ những lần ra trận.
Trong số đó, có một trong người phụ nữ phi thường nhất mà tôi từng gặp. Đại tá Dorothy A. Perkins, 60 tuổi, một vận động viên 3 môn phối hợp và là mẹ của hai người con, chỉ huy tiểu đoàn 480 lính ở Fort Hood, Texas, vào thời điểm Hoa Kỳ bị tấn công vụ 11-9-2001. Bởi tiểu đoàn của bà là tiểu đoàn duy nhất mà quân binh thành thạo về phản gián và thẩm vấn, nên bà giám sát việc triển khai quân đến 5 quốc gia, và bà gởi một nhóm đến Vịnh Guantánamo để triển khai cơ sở cho POWs. Cho đến vụ 11-9, bà Perkins đã đến Irắc hai lần cùng với Ủy ban Đặc biệt của Liên hiệp quốc, trên tư cách trưởng nhóm thanh tra vũ khí, và đã có hơn chục năm trong các đơn vị đặc biệt của quân đội. Năm 2006 đến 2007, bà là cố vấn chính cho đại sứ Hoa Kỳ về các vụ bắt cóc con tin ở Irắc.
Bà Perkins lớn lên từ một cô bé da trắng nghèo sống giữa vùng nội thành hầu hết là người da đen ở Tacoma, Washington, với sự hỗ trợ có cũng như không từ mẹ mình và bố dượng nghiện rượu. Mười tuổi, cô bé đã đi hái berry ngoài cánh đồng. Cô học tiếng Đức trong thời gian giữa trung học và cao đẳng, thời gian cô làm việc như một ‘nô tỳ bắt buộc,’ dọn dẹp phòng trong một khách sạn của gia đình ở dãy Alps thuộc Đức. Thú vui duy nhất của cô lúc đó là đi bộ trên các đường mòn núi non, nơi cô gặp một đền thánh nhỏ kính Đức Mẹ.
Picture of pilgrims lighting candles in Deir al Adra monastery in Egypt

Hình ảnh các người hành hương thắp nến ở tu viện Deir al Adra, Ai Cập.

Ở tu viện Deir al Adra, Minya, Ai Cập, người Hồi giáo và Kitô giáo, đều thắp nến để kính nhớ nơi mà Thánh Gia đã ngụ lại trong thời gian trốn chạy đến Ai Cập. Một lễ hội kính Đức Mẹ ở vùng này, thu hút 2 triệu tín hữu hàng năm.

Bà Perkins cho biết, ‘Đức tin của tôi luôn luôn là cốt lõi con người tôi. Đây là một lựa chọn tôi đã thực hiện từ thời trẻ.’ Bà cho biết, khi không thể nương tựa nơi gia đình, Đức Trinh nữ Maria trở thành nơi cho bà nương tựa. ‘Mẹ yêu thương bạn như bạn muốn. Qua Mẹ đến với Chúa, Mẹ tập trung tôi vào việc kết thân gần gũi hơn nữa với Chúa Giêsu.’
Bà Perkins gia nhập Đại học San Francisco, một trường dòng Tên, trong suốt 12 năm, nhưng sau đó bà tốt nghiệp trường Suny, Albania. Khi ở San Francisco, bà nhận việc ở Macy, và dần trở thành điều hành cấp cao. Hồi ở trường, bà đã gia nhập quân lực dự bị. Sau khi kết hôn với Green Beret, bà đăng ký gia nhập quân đội toàn thời gian, và làm việc trong ngành phản gián.
Với bà Perkins, ‘Lộ Đức thực sự thúc đẩy mỗi một người nhìn vào phần hồn của mình. Mọi sự luôn luôn ập đến quá nhanh. Chúng ta bị chôn vùi trong truyền thông và kẹt cứng trong cái ngày qua ngày. Người ta không thúc mình nhìn vào những gì quan trọng nhất, là sự chính trực của linh hồn.’
Trong nghi thức kết lễ ở vương cung thánh đường, một trong các giám mục Âu châu, nói bằng tiếng Pháp, ‘Chiến tranh thế giới III đang diễn ra ở Trung Đông và châu Phi.’ Ngài tôn vinh quân đội vì biết tập trung vào ‘hòa bình, công lý, và nhân quyền. Mong sao cảm nghiệm này khiến các bạn làm chứng cho hi vọng.’
Tôi nghĩ về cảnh tượng không thể nào quên của buổi rước kiệu nến trong đêm trước đó, khi hàng ngàn người hành hương, từ mọi nơi, Argentina cho đến Zambia, đang lặng lẽ thắp lên cây nến của mình với lời cầu nguyện. Cuối cùng là vài chục cựu chiến binh trên xe lăn tiến tới phía trước, gần Hang Đức Mẹ Lộ Đức, hát ca và cầu nguyện. Quá nhiều linh hồn mong mỏi làm chứng cho hi vọng, quá nhiều linh hồn thấm đẫm một niềm tin rằng Đức Trinh nữ Maria đang thắp sáng dẫn đường cho họ.
Picture of a young boy reaching to touch a painting of Mary

Hình ảnh một cậu bé vươn lên để chạm vào bức họa Đức Mẹ

Một cậu bé ở tu viện Deir al Adra, vươn lên để chạm vào hình Đức Mẹ. Trong kinh Koran, Maryam hay Mẹ Maria, là người nữ thánh thiện nhất. ‘Vậy nên Đức Trinh nữ Maria hoàn toàn không xa lạ với người Hồi giáo. Thật vậy, bất kỳ nơi đâu có mối liên kết giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, hay bất kỳ nhóm nào biết và yêu mến Mẹ, thì có một giá trị chung giữa họ, nơi người mẹ chung này.’


 Mary - The most powerful woman
Maureen Orth, nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng, là cộng tác viên của Vanity Fair, đã đi khắp thế giới và kể lại những câu chuyện thật không ngờ của mình, kể từ thời cô còn là tình nguyện viên cho Peace Corps hồi thập niên 1960.
Ngày chúa nhật, 13-12, Kênh National Geographic sẽ bắt đầu loạt phim về Tôn kính Đức Mẹ.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét