Chúa Nhật V Chay A

Trong dịp hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm ngôi mộ Ladarô. Từ Vườn Cây Dầu, nếu đi băng đồi theo đường thẳng chỉ chừng 4 km, nhưng hiện nay nằm trong phần đất thuộc Palestine với bức tường bêtông ngăn lối cũ, nên phải đi vòng bằng xe bus khoảng 20 km mất chừng 30 phút. Bêtania tên hiện nay là El - Eizarya. Thăm căn nhà Bêtania. Viếng nhà thờ dâng kính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matta trước khi Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại. Nhà thờ bằng đá không lớn lắm. Phía ngoài nhà thờ, ngay bên đường lộ, một hầm sâu với bậc thang đi xuống, là mộ Ladarô. Mộ đục sâu vào đá, mấy chục bước tam cấp đi xuống, ánh sáng mờ ảo hắt lên những phiến đá lạnh lẽo nhập nhoà lung linh nơi Ladarô đã an nghĩ bốn ngày.


Đứng trước mộ Ladarô, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 11,1-45.

Ladarô đau nặng, Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúa bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa”.

Cho dù Ladarô đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin”. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.

Ladarô đã chết nhưng Matta tin chắc chắn Chúa có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu mạc khải: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Với lời xác quyết vừa trang trọng vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: “Con có tin điều đó không?”. Matta tuyên xưng: “Thưa Thầy có, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”.

Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa. Một số khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và quyết định kết án tử hình cho Chúa.

“Thầy là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Là Kitô hữu, chúng ta tin có tội lỗi, tin vào Thánh giá, tin có sự đau khổ và sự chết, tin vào ơn tha thứ, tin vào niềm vui, vào sự giải thoát, tin vào sự sống và sự sống lại.

Chính vì thế mà tất cả những lời chứa đựng trong Kinh Thánh Tân Ước được gọi là Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô chính là nội dung Tin Mừng. Thánh Phaolô thường gọi những lời thuyết giáo của Chúa là “Tin mừng Chúa Kitô” (x.1Tx 3,2; 1Cr 2,12; 4,4; 8,13; 10,14; Pl 1,27; Rm 15,19). Trong Tin Mừng bao giờ cũng nêu lên hai điểm chính yếu: Chúa Kitô đã chết và Ngài đã sống lại (x.1Tx 4,14; 2 Cr 13,4; Rm 4,24-25; 8,34; 14,9).

Sống và chết là qui luật tuần hoàn và phát triển của muôn loài muôn vật. Vạn vật tuy biến hóa, thay đổi hình dạng, nhưng nguyên khí vẫn là một. Trong sự biến hóa, thì chết là để phát sinh sự sống mới, vì : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Như vậy: chết là điều kiện nhất thiết để triển nở và thành toàn; chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Dựa theo qui luật tuần hoàn và phát triển đó, chúng ta cảm nhận cách sâu xa khi Chúa Giêsu nói về sự sống con người : “Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25).

Chết và sống lại đó là hai sự kiện căn bản không thể tách rời. Không thể có sống lại nếu không chết. Trái lại, nếu Chúa Kitô chết không sống lại thì nói như Thánh Phaolô “đức tin của chúng ta chỉ là trống rỗng” (1Cr 15,14), nghĩa là vô giá trị, giả dối. Chết và sống lại là hai sự kiện “bất khả phân”. Hai sự kiện của một mầu nhiệm Chúa Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh cách tổng hợp, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là con người yêu thương. Ngài là Thiên Chúa, vì có quyền năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người nhân ái đến thăm gia đình quý mến có người yêu thương đã chết, trái tim Chúa rung động trước những muộn phiền niềm đau chia ly trước sự chết. Chúa “thổn thức trong lòng và xao xuyến”. Chúa đã khóc khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Chúa đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đó đã phải thốt lên: “Kìa xem! ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”.

Chúa đã cho Ladarô sống lại, hứa hẹn niềm hy vọng cho nhân loại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Niềm hy vọng vào sự sống lại của những người đã chết được Thiên Chúa mạc khải dần dần, dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa.Người “không phải Thiên Chúa của những người chết, nhưng của những người sống” (Mc 12,27).

Ladarô đi vào đường hầm của sự chết. Chúa đã gọi Ladarô quay trở lại: “Ladarô, hãy ra đây!... Người chết đi ra, chân tay còn quấn những mãnh vải…”. Ladarô xuất hiện với cùng một thân xác như khi đi vào mồ.

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (x.1V 17,17-24), ngôn sứ Êlisa cũng làm cho đứa con trai của bà Sunêm sống lại (x.2V 4,32-37). Trong Tân Ước, Phêrô đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (x.Cv 9,39-42). Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại ít nhất ba lần: cho con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô. Cũng như những người được hồng ân sống lại từ cõi chết, Ladarô sau này sẽ lại chết, người thân phải mai táng anh lần nữa.

Chúa Giêsu đối đầu với sự chết ngay trong lãnh địa của nó. Ngài vào và ra khỏi đó như một người chủ vì Ngài nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ (Kh 1,18). Ngài đã chịu chết nên Thiên Chúa đã ban triều thiên vinh quang cho Ngài (Dt 2,9); Ngài trở nên “trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,18). “Nhờ sự chết của mình, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,10) “để chúng ta được lãnh gia nghiệp đã hứa cho” (Dt 9,15). Đối với người Kitô hữu, chính cái chết thân xác mang một ý nghĩa mới. Chết không còn là một định luật con người đành phải tuân theo, đành phải chấp nhận hay một hình phạt do tội lỗi gây ra. Người Kitô hữu “chết cho Chúa”, như đã sống cho Chúa (Rm 14,7; Pl 1,20). Nếu họ hy sinh đổ máu để làm chứng cho Chúa, cái chết của họ là một hy lễ tiến dâng lên Thiên Chúa (1Tim 4,6) và đáng được triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11).

Từ chỗ là do định luật thiên nhiên đáng lo sợ, cái chết trở thành cõi phúc “Phúc thay những người chết trong Chúa” (Kh 14,13), để được sống đời sống mới và ở đó “không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Đối với những ai sống lại với Chúa Kitô sẽ không có “cái chết lần thứ hai” (Kh 20,6). Như thế đối với người Kitô hữu, chết là một phúc lợi vì được chính Chúa Kitô là sự sống (Pl 1,21).

Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống của con người. Chúa Giêsu hứa ban sự sống lại vào ngày sau hết cho những ai tin vào Ngài. Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào sự sống lại của con người với niềm tin vào chính sự sống lại của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25; 1Cor 15,16-19). Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

Chúa Giêsu không chỉ yêu thương chúng ta bằng tình yêu thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, quảng đại và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được gột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời, nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi (Rm 8,15).

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống”siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, là mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,26; 1Ga,14). “Không bao giờ chết” là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được sống lại trong niềm tin vào Chúa để chúng con được sống dồi dào trong tình thương của Chúa. Amen.