Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Thánh Lễ Là Gì?

Thánh Lễ Là Gì?

Thánh Lễ (Mass) là từ được dùng để chỉ phụng vụ (Chủ Nhật) hàng tuần tại các nhà thờ Công Giáo cũng như phụng vụ trong các ngày lễ buộc, bắt nguồn từ ý nghĩa của từ Missa trong tiếng Latinh. Missa được nhắc đến trong phần kết lễ khi linh mục xướng, “Ite missa est,” có nghĩa là, “hãy ra đi, [anh chị em] được sai đi”. Đó là một lời sai đi. Ngày nay, việc sai đi cũng tương tự như vậy: “Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bình an”. Kết lễ, với tâm trí tràn đầy Lời Chúa và linh hồn thấm nhuần Mình, và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu khi rước lễ, người tín hữu được ủy thác để ra đi và đem Chúa Kitô vào thế giới đầy những đổ vỡ của chúng ta. Nói cách khác, cộng tác với các ân sủng nhận được từ bí tích, cộng đoàn tín hữu, một khi được sai đi, phải là đôi mắt, đôi tai và bàn tay của Chúa Giêsu cho thế giới chúng ta.
Phụng vụ Thánh, hay Thánh Lễ, được chia thành hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Phần đầu tiên tập trung vào Lời được nói và viết ra của Chúa, một cách đặc biệt và cụ thể là các bài đọc từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, trước đó, có một Nghi Thức Sám Hối, thú tội công khai rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân và đều cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nghi thức này được tiếp tục với vinh tụng ca, ca ngợi Thiên Chúa. Tiếp theo là lời nguyện nhập lễ, và sau đó là các bài đọc thánh thư. Chỉ các linh mục, phó tế hoặc giám mục được phép và có bổn phận phải giảng khi Tin Mừng được một giáo sĩ (giám mục, linh mục hoặc phó tế) công bố.
Nửa sau của Thánh Lễ tập trung vào Lời đã trở nên xác phàm –  thánh hiến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Bánh miến và rượu nho được đặt trên bàn thờ và vị linh mục nói cách rõ ràng và chính xác những lời mà Chúa Giêsu đã nói trong Bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thầy” (trên bánh miến) và “Này là chén máu Thầy” (trên chén rượu nho). Việc thánh hiến tách biệt bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô một cách mầu nhiệm tượng trưng cho sự tách biệt giữa Mình và Máu diễn ra trên đồi Can-vê khi Chúa Giêsu chịu chết ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là lý do tại sao Công Giáo gọi nghi thức này là Hiến Lễ Thánh Lễ. Nó không phải là hy lễ lần thứ hai hay một hy lễ nào khác, nhưng là một và cùng một hy lễ trên Thập Giá được tái hiện trong một nghi lễ không đổ máu. Khi phần linh thiêng nhất của Thánh Lễ này được hoàn tất, lời kinh của Chúa Kitô (kinh Lạy Cha) được cất lên và Thánh Thể sẽ được trao cho những người hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo. Sau đó, Thánh Lễ khép lại với lời nguyện kết lễ và mọi người ra về.
Theo Kinh Thánh, các tông đồ đã được sai phái trước khi Chúa Giêsu thăng thiên. Ngài đã phán, “Anh em hãy đi và giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” Lệnh truyền này là một phần quan trọng trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta có bổn phận thánh thiêng như là những môn đệ của Chúa Kitô, ra đi và mang Tin mừng cứu độ đến cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ, từ nhà đến công sở, từ công sở ra phố chợ. Bí tích Thánh Thể biến chúng ta thành những tông đồ của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay.
Ngoài ra, Thánh Lễ được coi là cội nguồn và là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Phần đầu tiên trong tuần lễ sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa nhật được coi là lời tạ ơn cho những ân huệ thiêng liêng chúng ta nhận được. Phần thứ hai trong tuần chuẩn bị cho việc cử hành Thánh Thể cao trọng tiếp theo. Khi tuần lễ của chúng ta được nhìn theo cách này, thời gian trở nên linh thánh và ngày Chủ Nhật trở thành tâm điểm.
Thánh Lễ còn có các tên gọi khác là Bí Tích Thánh Thể, Phụng Vụ Thánh, Lễ Bẻ Bánh, Bữa Tiệc Ly và Hy Lễ. Bí tích Thánh Thể (Eucharist) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tạ ơn. Điều này liên hệ đến việc Chúa Giêsu đã tạ ơn trước khi Ngài bẻ bánh trong Bữa Tiệc Ly. Như một hy lễ, Thánh Lễ là sự tái hiện một cách không đổ máu hy lễ của Chúa Giêsu trên đồi Can-vê (Calvary). Bữa tiệc ly liên hệ đến đêm Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, đó là đêm trước khi Ngài chịu chết. Thật vậy, Thứ Năm Tuần Thánh (ngày của Bữa Tiệc Ly), Thứ Sáu Tuần Thánh (ngày Chúa chịu chết trên thập giá) và Chúa Nhật Phục Sinh (ngày Chúa phục sinh) đều hòa quyện trong Thánh Lễ. “Phụng vụ thánh” (“Divine Liturgy”) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là công việc. Công việc đang được thực hiện trong Thánh Lễ là công cuộc cứu chuộc của Chúa Cứu Thế và chúng ta chia sẻ hoa trái của công cuộc này bằng việc hiệp lễ. “Lễ Bẻ bánh” là một thuật ngữ mà Giáo Hội sơ khai dùng cho Phụng vụ Thánh Thể bắt nguồn từ Tin Mừng khi Chúa [Phục Sinh] gặp hai môn đệ trên Đường đi Emmaus vào buổi chiều Phục sinh đầu tiên. Họ đã không nhận ra Người cho đến khi Người tỏ mình ra cho họ trong việc bẻ bánh (xem Lu-ca 24:35). Tin Mừng Lu-ca 24: 30 – 31 thuật lại: “30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.”
Những gì chúng ta học được từ những tên gọi khác nhau này là Thánh lễ là một hy lễ và một bữa tiệc. Là một hy lễ thánh vì đó là cùng một hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá, là một bữa tiệc thánh vì chúng ta nhận được Mình, và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu hằng sống và được tôn vinh. Chúa Giêsu vừa là tư tế vừa là của lễ trong mỗi Thánh Lễ (Ngài là Người dâng và cũng là Người được dâng), và Ngài dùng chức tư tế thừa tác để duy trì hiến lễ thánh thiện của mình. Qua lời của vị linh mục khi thánh hiến bánh và rượu, “Này là Mình Thầy… này là Máu Thầy,” Chúa Kitô hiện diện nơi bí tích Thánh Thể. Bánh và rượu không còn tồn tại, nhưng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô; học thuyết này được gọi là thuyết biến đổi bản thể (tran-substantiation). Thánh Thể thực sự là bản thể của Mình và Máu của Đấng Cứu Độ đã Phục Sinh và được tôn vinh dưới hình bánh và rượu để chúng ta có thể tiếp nhận Ngài.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 146-48.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét