Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Tìm Hiểu Thư Phao-lô: Thư Cô-lô-xê

Tìm Hiểu Thư Phao-lô: Thư Cô-lô-xê

BỐI CẢNH LỊCH SỬ
 Người ta vẫn còn tranh cãi về tác giả của thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Nhiều học giả hiện đại xếp nó vào loại giả-thánh Phao-lô, cho rằng tác giả là một người nào khác nhưng đã viết lá thư dưới bút danh thánh Phao-lô. Đây không phải vấn đề mà các nhà giảng thuyết, vốn sẽ làm hết sức để cho thấy chính thánh Phao-lô là tác giả, cần quan tâm. Bởi vì, thậm chí nếu thư gửi tín hữu Cô-lô-xê do một người khác viết dưới bút danh thánh Phao-lô, giáo huấn của nó về Đức Ki-tô gần như hoàn toàn mang tinh thần của thánh Phao-lô.
Thánh Phao-lô viết khi đang ngồi tù (4:3). Tuy nhiên, địa điểm bị cầm tù lại không được xác định bởi vì có lẽ không cần cho các tín hữu Cô-lô-xê biết điều mà họ đã biết rồi. Ty-khi-cô và Ô-nê-xi-mô chắc hẳn là người đưa thư (4:7-8). Có lẽ một trong các cộng sự của thánh Phao-lô, Ê-páp-ra (1:7), chứ không phải chính thánh Phao-lô đã thành lập cộng đoàn này.
Thánh Phao-lô có một mục đích kép. Một mặt, ngài viết để cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê về những thầy dạy nào đó vốn đã đang khuyến khích họ chấp nhận những thực hành khổ hạnh, hoặc để làm nguôi ngoai những quyền lực thần thiêng hoặc để hoan hưởng một thị kiến của họ (2:4-23). Để hồi đáp cho giáo huấn này, thánh Phao-lô dạy rằng sự tròn đầy của thần thánh hiện hữu một cách hữu hình nơi Đức Ki-tô đấng đã chiến thắng mọi vương quốc và mọi quyền lực. Bởi thế, không cần phải làm hòa hoặc tìm các thị kiến của các quyền lực thần thiêng qua các thực hành khổ hạnh. Điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Ki-tô đã đủ cho ơn cứu độ.
Ngoài việc cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê về sự sai lạc của các giáo huấn như thế, thánh Phao-lô tận dụng dịp viết thư để cung cấp cho họ một lời mời gọi luân lý sâu rộng. Lời kêu gọi này phụ thuộc vào, và bắt nguồn từ, Ki-tô học của thánh Phao-lô: các tín hữu phải tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới bởi vì họ đã được trỗi dậy với Đức Ki-tô. Vì đã chết với người, họ phải chết đi đối với mọi thứ gian từ. Sau đó, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê đưa ra một tấm gương phi thường về cách thức mà đời sống luân lý Ki-tô giáo cắm rễ trong ơn cứu độ mà họ đã kinh nghiệm trong Đức Ki-tô.
BỐI CẢNH VĂN CHƯƠNG
Cấu trúc văn chương của thư gửi tín hữu Cô-lô-xê tương ứng với mối quan tâm kép của thánh Phao-lô. Trong các chương mở đầu, ngài tập trung vào sự trổi vượt của Đức Ki-tô và sự nguy hiểm mà các thầy dạy (giả hiệu) đem đến cho các tín hữu Cô-lô-xê: bị lôi kéo theo lối sống khổ hạnh. Trong hai chương cuối của lá thư, thánh Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê tiếp nhận một đời sống luân lý ứng với đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô. Lá thư có thể được tóm tắt theo cách này.
  1. Thánh Phao-lô chào thăm các tín hữu Cô-lô-xê và tạ ơn Chúa vì những điều Ngài đã thực hiện cho họ trong Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã cứu họ khỏi quyền lực tối tăm và đưa họ vào vương quốc của Người Con yêu dấu của ngài (1:1-14).
  2. Thánh Phao-lô ca tụng sự trổi vượt của Đức Ki-tô (1:15-2:23).
    1. Đức Ki-tô là tác nhân của công trình tạo dựng và hòa giải của Thiên Chúa (1:15-20).
    2. Những đau khổ của thánh Phao-lô đúng một vai trò trong kế hoạch của Thiên Chúa (1:21-2:3).
    3. Các tín hữu Cô-lô-xê phải cảnh giá trước các thầy dạy mà những thực hành khổ hạnh của họ làm cho điều Thiên Chúa đã thực hiện hiện nơi Đức Ki-tô mất giá trị (2:4-23).
  3. Những ai đã được trỗi dậy trong Đức Ki-tô phải sống một đời sống luân lý (3:1-4:6).
    1. Đời sống luân lý dựa trên cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô (3:1-4).
    2. Vì thế, các tín hữu Cô-lô-xê phải chết đi đối với mọi sự đồi bại và sống đạo đức (3:5-17).
    3. Các tôi tớ phải tùy thuộc cấp trên của họ (3:18-4:1).
    4. Các tín hữu Cô-lô-xê phải kiên trì trong cầu nguyện (4:2-6).
  4. Thánh Phao-lô và các cộng sự của ngài chào thăm các tín hữu Cô-lô-xê (4:17-18).

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 141 – 142.

Tìm hiểu thư Phaolô – ĐƯỢC CHÔN CẤT VÀ TRỖI DẬY CÙNG ĐỨC KITÔ (Cl 2,12-14)


Bản văn này diễn ra trong phần thánh Phao-lô cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê không được để mình bị lạc lối bởi các giáo huấn vốn khuyến khích họ tiếp nhận một lối sống khổ hạnh nhằm thỏa hiệp, hoặc để có thị kiến về những hữu thể thần thiêng (2:4-23). Mặc dù cộng đoàn phụng vụ sẽ không để ý bối cảnh này, nhưng những ai chọn bản văn này để giảng thì nên lưu ý.
Thánh Phao-lô khởi sự bằng việc cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê đừng để mình đi lạc lối bởi các giáo huấn vốn đặt nền tảng nơi “các quyền lực của vũ trụ” (2:8) chứ không phải nơi Đức Ki-tô (1:4-8). Với cụm từ bí ẩn này, thánh Phao-lô có lẽ nói đến các hữu thể thần thiêng như các quyền lực thần thiêng được đề cập ở c. 15. Một giáo thuyết như thế sẽ đặt Đức Ki-tô vào vai phụ trước các quyền lực của vũ trụ.
Sau khi đã cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê đừng để bị dụ dỗ bởi giáo huấn như thế, thánh Phao-lô nhắc họ về con người và công trình của Đức Ki-tô (2:9-15). Ngài ghi chú rằng sự viên mãn của thần tính ngự trị nơi Đức Ki-tô, và người có quyền trên mọi hữu thể thần thiêng. Các tín hữu Cô-lô-xê đã được cắt bì với “phép cắt bì của Đức Ki-tô” (2:11) khi mà họ đã được chôn cất và trỗi dậy với người qua phép rửa. Trong phép rửa đó, họ đã chia sẻ chiến thắng của Đức Ki-tô trên thập giá nơi người đã chiến thắng “các quyền lực thần thiêng” (2:15), các hữu thể mà tín hữu Cô-lê-xê có lẽ đã đang bị cám dỗ thỏa hiệp.
Sau khi đã nhắc nhở các tín hữu Cô-lô-xê về công trình của Đức Ki-tô, thánh Phao-lô cảnh báo họ đừng tiếp nhận các thực hành khổ hạnh mà một số người đang khuyến khích (2:16-23). Không rõ thánh Phao-lô muốn nói đến thực hành nào. Có người cho rằng một số người đã thúc đẩy những thực hành như thế như một cách làm hài lòng các thế lực thần thiêng. Dù là thực hành nào đi nữa, cảnh báo của thánh Phao-lô rất rõ. Những thực hành ấy không cần thiết bởi vì các tín hữu Cô-lô-xê đã chết với Đức Ki-tô “và đã được giải thoát khỏi các thế lực thần thiêng” (2:20).
Tự giới hạn ở cc. 12-14, bài đọc muốn lôi kéo sự chú ý của độc giả vào chủ đề rửa tội như một tiến trình của việc được chôn cất và trỗi dậy với Đức Ki-tô. Tuy nhiên, bối cảnh của bài đọc này cho thấy quan niệm của thánh Phao-lô về phép rửa trong ánh sáng của công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô. Phép rửa là một sự thông dự vào cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá, một chiến thắng hoàn vũ trên mọi quyền lực, thiên đàng cũng như thiên nhiên. Những ai được dìm vào trong Đức Ki-tô sẽ thông dự vào chiến thắng hoàn vũ của sự hòa giải ấy.
     Bản văn này tạo cơ hội cho các nhà giảng thuyết trình bày phép rửa tội từ quan điểm hơi khác lạ: chiến thắng hoàn vũ của Đức Ki-tô. Nhìn từ quan điểm này, phép rửa không còn chỉ là nghi thức của sự khởi đầu. Nó là sự thông dự vào một chiến thắng trên mọi quyền lực chống lại Thiên Chúa. Nhờ phép rửa, các tín hữu được liên đới một cách hết sức gần gũi với chiến thắng của Đức Ki-tô khi họ được chôn cất và trỗi dậy với người. Kết cục, nếu họ neo chắc vào Đức Ki-tô, họ không cần phải làm những điều ở trên và vượt quá điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Ki-tô.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 146 – 147.

Tìm hiểu thư Phaolô – VAI TRÒ CỦA ĐỨC KITÔ TRONG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG và CỨU CHUỘC (Cl 1,15-20)


Bản văn này cũng được sử dụng trong Lễ Ki-tô Vua. Tuy nhiên, vào dịp ấy, Bài Đọc bắt đầu ở 1:12 thay vì ở 1:15. Mục đích là làm nổi bật đặc tính của ngày Lễ Ki-tô Vua bởi vì các câu 13-14 nói đến vương quốc của Người Con, điểm chính của ngày lễ này: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” Ai chọn giảng từ 1:15-20 nên lưu tâm đến các câu 13-14 bởi vì chúng là đoạn giới thiệu trực tiếp cho bài đọc tuần này vốn ca tụng vai trò của Đức Ki-tô trong công trình tạo dựng và cứu độ. Các nhà giảng thuyết cũng phải để ý đến các câu kế sau đoạn văn này (1:21-23) bởi vì chúng gợi nhắc một câu chuyện về mối bất hòa quá khứ và sự giao hòa hiện tại mà đoạn văn này ám chỉ.
       Nhiều người đã cho rằng Col 1:15-20 là một bài thánh ca phụng vụ và được thánh Phao-lô ghép vào lá thư của ngài để nhắc các tín hữu Cô-lô-xê về phẩm giá siêu việt của Đức Ki-tô. Dù đúng hay sai, rõ ràng nó là một vầng thơ mà có thể được chia thành hai phần. Trong phần đầu (1:15-18a), thánh Phao-lô ca tụng vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự của tạo dựng, và trong phần sau ngài nhắc nhớ lại về công trình của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ (1:18b-20).
       Liên quan đến vai trò của Đức Ki-tô trong công trình tạo dựng, thánh Phao-lô cho rằng mọi sự đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho Đức Ki-tô – Đấng là hình ảnh chân thật của Thiên Chúa vô hình và được sinh ra trước mọi loại thụ tạo. Mọi sự ở đây bao gồm những thứ ở trên trời cũng như ở dưới đất, có thể thấy cũng như không thể thấy. Mọi sự, thậm chí những hữu thể thiên thần mà các tín hữu Cô-lô-xê có lẽ đã bị cám dỗ thờ phượng, đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho Đức Ki-tô. Lý do cho điều này liên quan đến căn tính của Đức Ki-tô: ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình; ngài được sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Bằng cách xác định ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, thánh Phao-lô nói rằng Đức Ki-tô là sự mô tả hoàn hảo của Thiên Chúa. Ngài viết trong 2:9, “thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể.” Bằng cách gọi Đức Ki-tô là “đấng có trước mọi loài thụ tạo,” thánh Phao-lô xác định sự siêu việt của Đức Ki-tô bởi vì mọi sự đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho người. Nghĩa là, thánh Phao-lô nói đến sự tiền hữu của Đức Ki-tô.
         Thánh Phao-lô kết phần đầu của đoạn văn này bằng cách xác định Đức Ki-tô là “đầu của thân thể, tức Giáo Hội.” Bằng cách xác định rằng Đức Ki-tô là đầu của thân thể và rằng thân thể là Giáo Hội, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô phát triển ý niệm về Giáo Hội như thân thể của Đức Ki-tô với một chút khác biệt so với ý niệm trong Rm 12:3-8 và 1 Cr 12:12-31. Trong khi thư Rô-ma và 1 Cô-rin-tô sử dụng hình ảnh này theo một lối hiểu mang tính chức năng (thân thể có nhiều phần và mỗi phần đóng một vai trò), thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô lại sử dụng hình ảnh ấy theo một cách thức bóng bảy hơn: Đức Ki-tô là đầu của thân thể, tức Giáo Hội. Theo đó, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô xem Giáo Hội như Giáo Hội hoàn vũ hơn là như cộng đoàn địa phương, giống như thư Rô-ma và 1 Cô-rin-tô quan niệm. Làm như thế, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô mở ra cánh cửa  cho một nền ki-tô học mang tính hoàn vũ.
        Sau khi đã thiết lập tính siêu việt của Đức Ki-tô trong trật tự sáng tạo và tuyên bố rằng ngài là đầu của Giáo Hội, trong phần sau của đoạn văn này, thánh Phao-lô chuyển sang vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ. Làm vang vọng lại ngôn ngữ của phần đầu của bài thánh ca, nơi ngài xác định Đức Ki-tô là “đấng sinh trước mọi loài thụ tạo”, ngài gọi Đức Ki-tô là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại.” Ở đây, ngài rõ ràng nói đến sự phục sinh vốn thiết định nên sự ưu việt của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ. Sau đó, khẳng định rằng “sự viên mãn” hiện diện trong Đức Ki-tô, thánh Phao-lô nói rằng mọi sự đã được giao hòa nhờ người và cho người. Hệ quả, mọi sự, dẫu là thiên đàng hay hạ giới đã được giao hòa bằng máu của thập giá Đức Ki-tô.
        Như các chữ được in nghiêng cho thấy, có một sự song đối giữa vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự sáng tạo và trong trật tự cứu độ. Giống như mọi sự trên trời dưới đất đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho người, thì mọi sự trên trời và dưới đất đã được hòa giải nhờ và cho người để trong người “sự viên mãn đã vui lòng hiện diện.” Sự viên mãn này chính là hữu thể Thiên Chúa (xem 2:9).
        Đã có lúc khi tin tức truyền thông bị lấp đầy bởi những câu chuyện về ông Giê-su lịch sử, một vài trong chúng có tính chất rất giật gân, bản văn này thách thức các nhà giảng thuyết phải nói điều gì đó về Đức Ki-tô và công trình của người. Ai là đấng mà nhân danh đấng ấy chúng ta quy tụ nhau mỗi tuần để cử hành Lễ Tạ Ơn? Người đã làm gì để chúng ta vẫn còn nhớ đến người sau hơn 2000 năm? Chắc chắn, ngài là một vị ngôn sứ và một vị tôn sư phi thường. Tuy nhiên, còn hơn cả một nhân vật ngôn sứ và tôn giáo, người là đấng tiền hữu để trong người, nhờ người, và cho người Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự. Cái chết của người đã mang lại sự hòa giải mang tính hoàn vũ và cái chết ấy không thể được thực hiện mà không có sự đổ máu của người. Giáo Hội không quy tụ nhau tuần này sang tuần khác để tưởng nhớ một nhân vật của quá khứ nhưng để cử hành sự tạo thành và cứu độ của nó trong, nhờ, và bởi đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, đấng mà trong người sự viên mãn thần thánh hiện diện.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 142 – 144

Tìm hiểu thư Phaolô – ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ CỦA CÁC TÍN HỮU (Cl 3, 1-5;9-11)


        Trong khi ba bài đọc trước đây được rút từ phần mà thư Cô-lô-xê tập trung vào con người và công trình của Đức Ki-tô, bài đọc này lại đến từ phần kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê sống một đời sống phù hợp với điều Đức Ki-tô đã thực hiện cho họ (3:1-4:6). Về điểm này, thư Cô-lô-xê là một ví dụ tuyệt hảo về cách thức mà lời kêu gọi luân lý của thánh Phao-lô phụ thuộc vào sự trình bày học thuyết của ngài: các tín hữu phải sống một lối sống cụ thể bởi vì Đức Ki-tô đã hòa giải họ với Thiên Chúa thông qua cái chết cứu độ của người.
        Ở hai câu đầu, thánh Phao-lô trình bày nguyên tắc căn bản của đời sống luân lý cho những ai tin vào Đức Ki-tô: nếu họ đã được trỗi dậy với người, họ phải tìm kiếm những điều cao thượng. Họ không còn nghĩ về những sự thế gian bởi vì, trong phép rửa, họ đã chết với Đức Ki-tô. Vào thời điểm hiện tại cuộc sống của họ được ẩn giấu trong Đức Ki-tô, nhưng khi Đức Ki-tô đến trong vinh quang, vinh quang của họ sẽ được tỏ bày. Nguyên tắc căn bản là phải sống am hợp với hiện hữu mới của mình.
        Sau khi đã thiết lập nguyên tắc này, thánh Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê hãy chết đi đối với các hành vi không phù hợp, tức hành vi vô luân, để họ có thể mặc lấy con người mới vốn đang được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhớ rằng Đức Ki-tô là hình ảnh của Thiên Chúa (1:15), họ phải sống như những người đang được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa. Những ai đang được đổi mới theo hình ảnh này thuộc về một nhân loại mới trong đó những cản trở về chủng tộc hay tầng lớp xã hội đã bị bẻ gãy bởi vì “Đức Ki-tô là tất cả và trong tất cả” (3:11).
         Bản văn này là cơ hội để nói về đời sống luân lý. Tại sao chúng ta sống lối sống chúng ta đang sống? Đâu là mục đích và mục tiêu của đời sống chúng ta? Câu trả lời của thánh Phao-lô rất rõ: Các tín hữu sống một lối sống tương ứng với đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô. Sau khi đã được trỗi dậy với Đức Ki-tô, họ tìm kiếm và nâng niu con người mới mà người đã đoạt lấy cho họ nhờ cái chết cứu độ và sự phục sinh của người. Thế nên, cấu trúc của đời sống luân lý bắt đầu với sự trình bày về ơn cứu độ trước khi đi vào mệnh lệnh luân lý. Thay vì bảo người ta phải làm gì, thánh Phao-lô nhắc họ về đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô và kêu gọi họ cứ theo đó mà sống. Đây là kiểu mẫu thích hợp đối với chỉ dẫn luân lý.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 148

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét