Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12/12/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
Chúa Nhật 12/12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta lời khuyên của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với các thành phần khác nhau trong xã hội.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng, giới thiệu cho chúng ta nhiều nhóm người khác nhau – dân chúng, những người thu thuế và binh lính - là những người cảm động trước lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, hỏi ngài: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng tôi nên làm gì? Đây là câu hỏi mà họ đã đặt ra. Hãy suy ngẫm một chút về câu hỏi này.
Nó không xuất phát từ ý thức trách nhiệm. Đúng hơn, từ trái tim được Chúa cảm động. Chính lòng nhiệt thành đối với sự quang lâm của Ngài khiến họ đặt câu hỏi: chúng tôi phải làm gì? Sau đó, Thánh Gioan nói: “Chúa đã đến gần. Chúng ta nên làm gì?” Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ: hãy nghĩ về một người thân yêu đang đến thăm chúng ta. Chúng ta vui mừng và thậm chí nóng lòng chờ đợi người đó. Để chào đón người ấy, chúng ta sẽ làm những việc cần làm: dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa tối ngon nhất có thể, có lẽ là một món quà… Tóm lại, có những việc chúng ta sẽ làm. Với Chúa cũng vậy. Niềm vui về sự quang lâm của Ngài khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì? Nhưng Thiên Chúa nâng câu hỏi này lên một tầm cao hơn: tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Tôi được mời gọi để làm gì? Tôi sẽ trở thành gì?
Khi đưa ra câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống có một nhiệm vụ cho chúng ta. Cuộc sống không vô nghĩa; nó không được phó mặc cho tình cờ. Không! Đó là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta, và Người nói với chúng ta rằng: hãy khám phá con là ai, và làm việc chăm chỉ để biến ước mơ của cuộc đời con thành hiện thực! Anh chị em đừng quên điều này: Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh phải hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng ngại hỏi Chúa: Lạy Chúa con phải làm gì? Chúng ta hãy hỏi Chúa câu hỏi này nhiều lần. Điều này cũng được kể lại trong Kinh thánh: trong sách Tông Đồ Công Vụ, một số người khi nghe Thánh Phêrô công bố sự sống lại của Chúa Giêsu, “đã xúc động và nói với Phêrô và các môn đệ khác rằng: anh em ơi, chúng tôi phải làm gì?”(2:37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: điều gì sẽ tốt cho tôi nếu tôi thực hiện điều ấy cho chính tôi và cho anh chị em của tôi? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào việc này? Làm thế nào tôi có thể đóng góp cho thiện ích của Giáo Hội, cho lợi ích của xã hội? Mùa Vọng có ý nghĩa như thế này: dừng lại và tự hỏi mình làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta rất bận rộn với tất cả các công việc chuẩn bị, với những món quà và những thứ phù du. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta nên làm gì cho Chúa Giêsu và cho những người khác! Chúng ta nên làm gì?
Sau câu hỏi, “chúng tôi phải làm gì?”, Phúc âm liệt kê các câu trả lời khác nhau của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với mỗi nhóm. Thánh Gioan khuyên rằng những ai có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, thánh nhân nói: “Đừng thu thuế quá mức quy định” (Lc 3:13); với những người lính: “Đừng ngược đãi hoặc moi tiền của bất kỳ ai (xem câu 14). Ngài hướng dẫn bằng những chỉ dẫn cụ thể cho mỗi người để đáp ứng với tình hình thực tế trong cuộc sống của họ. Điều này cung cấp cho chúng ta một lời dạy quý giá: đức tin được nhập thể trong cuộc sống cụ thể. Nó không phải là một lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết tổng quát hóa - không! Đức tin chạm vào cá nhân chúng ta và biến đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về tính cụ thể trong đức tin của chúng ta. Đức tin của tôi là trừu tượng, một cái gì đó mơ hồ hay cụ thể? Nó có dẫn tôi đến việc phục vụ người khác, giúp đỡ người khác không?
Và vì thế, để kết luận, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nên làm gì cụ thể trong những ngày này khi chúng ta gần đến lễ Giáng sinh? Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Hãy chọn một điều gì đó cụ thể, cho dù nhỏ bé, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, và hãy tiếp tục làm việc đó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi cho một người đang cô đơn, thăm người già hoặc người bị bệnh, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Cả những điều này nữa: tôi cần cầu xin sự tha thứ, trao ban sự tha thứ, làm rõ một tình huống, trả một món nợ. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và sau rất nhiều thời gian đã trôi qua, đã đến lúc cầu xin Chúa tha thứ. Anh chị em hãy tìm những việc cụ thể và thực hiện nhé! Cầu xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Chúa trong lòng, giúp chúng ta.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho Ukraine thân yêu, cho tất cả các Giáo Hội và cộng đồng tôn giáo của quốc gia này, và cho tất cả người dân ở đó để những căng thẳng mà nước này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí. Một thống kê tôi đọc gần đây khiến tôi rất buồn: năm nay nhiều vũ khí được sản xuất hơn năm ngoái. Vũ khí không phải là con đường đúng đắn. Cầu mong mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa mang lại hòa bình cho Ukraine.
Tôi cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn lốc xoáy đã tấn công Kentucky và các khu vực khác của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Và bây giờ, cho phép tôi đổi sang tiếng Tây Ban Nha để tôi có thể nhiệt liệt chào các cộng đồng của toàn bộ lục địa Mỹ Latinh và Phi Luật Tân- có biết bao lá cờ từ các nước Mỹ Latinh - những người đã tụ tập ở đây tại quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Mân Côi để vinh danh Đức Trinh nữ Guadalupe và để dâng mình cho Mẹ, xin chúc mừng! Tôi chúc mừng các bạn, những người, bằng cách này, đã liên kết mình với những người từ Alaska đến Patagonia đang kỷ niệm Đức Mẹ Guadalupe, Mẹ của Thiên Chúa thật mà chúng ta đang sống, vào ngày 12 tháng 12 hàng năm. Xin Đức Trinh Nữ Guadalupe và Thánh Juan Diego dạy chúng ta cách luôn cùng nhau bước đi từ vùng ngoại vi hướng về trung tâm trong sự hiệp thông với đấng Kế vị các Tông đồ, và các Giám mục, để báo tin vui cho mọi người. Trải nghiệm này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo cách này, Thiên Chúa, Đấng hiệp thông, sẽ thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hoán cải và canh tân Giáo Hội và xã hội, là điều mà chúng ta cần rất nhiều ở Mỹ Châu - tình hình ở nhiều nước Mỹ Châu Latinh rất đáng buồn - trên khắp thế giới cũng vậy. Tôi rất vui vì thông qua các hành động đức tin, và chứng tá công khai như những gì anh chị em đang làm hôm nay, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh Guadalupe vào năm 2031, và Năm Thánh Cứu chuộc vào năm 2033, chúng ta luôn phải tiếp tục mong đợi, phải không? Mọi người hãy cùng nhau hô vang - Viva la Virgen de Guadalupe!
Tôi cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Caritas Quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Đó là một cô gái bé nhỏ! Caritas cần phải lớn lên và trở nên mạnh mẽ hơn! Trên khắp thế giới, Caritas là cánh tay yêu thương của Giáo Hội dang rộng ra với những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, những người mà Chúa Kitô đang hiện diện. Tôi mời anh chị em thực hiện dịch vụ của mình với sự khiêm tốn và sáng tạo để tiếp cận những người bị thiệt thòi nhất và thúc đẩy sự phát triển toàn diện như liều thuốc giải độc cho một nền văn hóa “vứt bỏ” và sự thờ ơ. Đặc biệt, tôi khuyến khích “Chiến dịch Chúng Ta Cùng Nhau” trên phạm vi quốc tế của anh chị em, được thành lập dựa trên sức mạnh của cộng đồng trong việc thúc đẩy việc chăm sóc sáng tạo và người nghèo. Những vết thương gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta cũng có tác động tàn phá đối với những người yếu thế. Nhưng các cộng đồng có thể đóng góp vào việc chuyển đổi sinh thái cần thiết. Vì lý do này, tôi mời anh chị em tham gia vào chiến dịch của Caritas Quốc tế. Và đối với anh chị em, những người bạn thân yêu của Caritas Quốc tế, hãy tiếp tục công việc của mình trong việc sắp xếp hợp lý tổ chức để tiền không đến tay tổ chức mà đến tay người nghèo. Hãy sắp xếp hợp lý tổ chức.
Và tôi chào tất cả anh chị em, những người dân thành phố Rôma và những người hành hương; đặc biệt là các con, những chàng trai và cô gái đã đến với các bức tượng nhỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng để được ban phép lành. Cuối cùng, tôi sẽ chúc phúc cho tất cả các hình tượng của Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi cảm ơn Nhà Nguyện Trung Tâm Rôma, và tôi xin anh chị em mang những lời chúc Giáng sinh của tôi đến ông bà và tất cả những người thân yêu của anh chị em.
Tôi chào các tín hữu đến từ Leiria (Bồ Đào Nha) và những người từ giáo xứ Thánh Aloysius Gonzaga ở Rôma. Tôi chào các trẻ em từ Civitavecchia đang chuẩn bị được Rước lễ lần đầu, và các trẻ em từ Ngôi sao Truyền giáo của Đức Mẹ ở Rôma, những người đang chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức. Tôi chào các Hướng đạo sinh trưởng thành từ Rimini và từ San Marino-Montefeltro và nhóm công nhân từ trường học ở Sondrio, cũng như những người từ các làng vùng Ardea mà tôi khuyến khích việc dấn thân đối thoại để chăm sóc lãnh thổ của họ. Tôi cũng chào nhóm đến từ Senigallia (Marche).
Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Một lần nữa, chúng ta hãy kính chào Đức Mẹ Guadalupe. Viva la Virgen de Guadalupe ! Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét