Ronald Rolheiser, 2021-12-06
Tôi không bao giờ có thể làm nhà phê bình văn học, không phải vì tôi không thể phân biệt được tác phẩm hay và dở, nhưng vì tôi thiếu sự phê bình mạnh bạo. Nếu không thích quyển nào đó, tôi ngại không dám nói ra. Ngược lại, nếu thích quyển nào đó, tôi có khuynh hướng cổ vũ hơn là đánh giá phê bình quyển sách đó. Dù là thế, tôi muốn khẳng định giá trị quyển sách Nhân loại – Phục hồi giá trị nhân văn và thực thi lòng nhân triệt để sẽ đưa chúng ta đến lại với nhau như thế nào (Human(Kind) – How Reclaiming Human Worth and Embracing Radical Kindness Will Bring Us Back Together), một quyển sách mới của tác giả Ashlee Eiland,
Đây không phải là quyển sách đa cảm hay ho về việc chúng ta cần tử tế với nhau như thế nào. Đúng hơn, quyển sách này là Bài giảng Trên núi cho thời đại chúng ta, hay ít nhất là cách chúng ta phải sống Bài giảng Trên núi như thế nào. Làm sao để chúng ta giữ vững tình cảm, nồng hậu và nhân tính trong mọi sự có khuynh hướng khuếch đại không lành mạnh hoặc làm tâm hồn chúng ta chua cay đây? Tác giả Ashlee diễn tả thế này.
“Đây là câu chuyện của tôi, câu chuyện của một phụ nữ da đen lớn lên ở miền Nam và đã khám phá được sự toàn vẹn cũng như những hố sâu trên đường đời. Khi nhìn lại cuộc đời của tôi, tôi thấy có những khoảnh khắc mà tôi nhớ như in. Ngẫm lại, chúng rõ như in vì chúng quan trọng. Chúng là những dấu mốc cho tôi theo những cách vừa đẹp vừa đau đớn. Nhưng khi tôi nhìn lại những khoảnh khắc và ký ức này, tôi nhận ra chúng quan trọng bởi vì chúng dạy cho tôi phải tử tế với nhân cách đáng giá của chính tôi. Nhớ lại chúng giúp tôi công nhận những tặng vật tốt lành tôi đã nhận, những tặng vật mà giờ tôi mong trao cho người khác, và nó còn cho tôi thấy những khoảnh khắc đau đớn và khổ sở là những cơ hội để trở nên con người trọn vẹn hơn, để nhắc nhở tôi đón nhận ân sủng ngay giữa sầu khổ”.
Quyển sách là một loạt truyện về cuộc đời của tác giả, tất cả được kể ra một cách tài tình và được viết ra bởi một nghệ sĩ không hề bị rơi vào kiểu sướt mướt hay thương thân trách phận. Và chúng là những câu chuyện kể về ân sủng cũng như tổn thương. Cuộc đời của tác giả Eiland là một cuộc đời đầy những chuyện tương phản.
Một mặt, cuộc đời cô đầy hồng ân, có cha mẹ yêu thương, có cơ hội học tập hàng đầu, chưa hề kiệt quệ tài chính, và luôn có gia đình cũng như cộng đồng ủng hộ. Mặt khác, cô sống cuộc đời của một phụ nữ da đen trong một thế giới bất công và bất bình đẳng. Cô đã phải sống như một người luôn phải ý thức về màu da của mình, mỗi lần đến đâu là phải nhìn quanh để xem ở đó có bao nhiêu người như mình. Cô còn phải chịu đựng những câu kỳ thị chủng tộc cay nghiệt nhất. Và như cô nói, cô đã mang lấy những vết sẹo hằn sâu, vừa đau đớn vừa đẹp đẽ.
Ví dụ câu chuyện cô kể về một lần cô đến nhà hàng với vài người bạn gốc Á để ăn món bánh bao đặc sản Hàn Quốc. Tối đó ổn cả, và khi từ nhà hàng ra về, cười đùa với các bạn trong xe, cô cảm thấy như một gánh nặng cả đời đã được trút khỏi lòng cô. “Lần đầu tiên, tôi không cảm thấy như thể mình phải định giá cuộc nói chuyện bằng một lời nhắc nhở với bạn tôi – hoặc với chính tôi – về chủng tộc của tôi. … Trước hôm đó, tôi cảm thấy mình phải rón rén bước qua bước về giữa hai thế giới. Nhưng tôi nhận ra kiểu này đi kèm với sự hổ thẹn. Nó tạo điều kiện cho tuyến chuyện “không trọn vẹn” bùng lên, đe dọa cái thường là phần tốt đẹp nhất trong việc chia sẻ cuộc sống với nhau”.
Chúng ta cần lời kể của tác giả. Chúng ta sống trong một thời đại của cay đắng và chia rẽ, nơi thảo luận dân sự và sự tôn trọng đã bị vùi dập, nơi chúng ta quỷ hóa người khác, nơi bất công, bất bình đẳng và kỳ thị chủng tộc vẫn là những thứ định hình chúng ta, và nơi sự tử tế thường bị xem là yếu đuối. Hơn nữa, có một kiểu siêu nhạy cảm đang bị kích động hơn bao giờ hết làm cho một lời có ý tốt cũng có thể là mầm họa khủng khiếp. Hoang tưởng đã thay thế cho sám hối, và nó khơi ra những gì xấu xa nhất nơi chúng ta.
Tác giả Ashlee Eiland cho chúng ta một công thức khơi lên những gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Chúng ta phản ứng thế nào trước bất công, xúc phạm, và sự quỷ hóa người khác? Ví dụ như, đây là cách cô ấy phản ứng sau khi cô cố gắng tử tế với người khác và bị đáp lại bằng một câu chửi kỳ thị chủng tộc nặng nề nhất thẳng vào mặt: “Bị sỉ nhục, tôi đã dốc sức, làm hết sức có thể trong một buổi chiều… nhưng tôi biết rằng đôi khi làm việc tốt là không đủ. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận những sự khó khăn và sỉ nhục trong nỗ lực khó khăn tạo tình hiệp nhất và cố hết sức đừng để mình gục ngã vì nó. Thay vào đó, chúng ta cần để nó định hình chúng ta theo một cách khác, giúp chúng ta tỉnh táo và thúc đẩy chúng ta phải bỏ đi lăng kính hồng, thừa nhận rằng đôi khi nỗ lực xích lại gần, làm việc tốt và hàn gắn khoảng cách giữa người với người lại không đem lại kết quả như chúng ta mong muốn. Nhưng có lẽ nó cũng đáng để chúng ta xuất đầu lộ diện”.
Không có tính phê bình mạnh bạo, tôi không chắc lắm cái gì tạo nên “linh hồn âm nhạc”, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra “linh hồn văn học”.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Được phép buồn
http://phanxico.vn/2021/12/09/nhan-loai-ashlee-eiland/
Human(Kind) – Ashlee Eiland
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét