Trang

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Mười quyển sách hàng đầu của tôi năm 2021

 Mười quyển sách hàng đầu của tôi năm 2021


Ronald Rolheiser, 2021-12-27

Tôi không phải là nhà phê bình văn học và cũng không giả vờ mình ở tầm mức này. Đơn giản vì tôi không đọc đủ nhiều. Cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực chỉ cho tôi chút thì giờ eo hẹp để đọc những gì không liên quan trực tiếp đến việc mục vụ của mình. Dù vậy, tôi cố trung thành với nguyên tắc tự đặt ra cho mình từ nhiều năm, cụ thể là đọc tám đến mười trang sách mỗi ngày, không tính tạp chí và báo. Như thế, một năm trung bình tôi có thể đọc được hơn ba ngàn trang.

Trong số những quyển sách tôi đọc năm nay, quyển nào tôi muốn giới thiệu đến quý độc giả nhất?  Danh sách năm 2021 của tôi là gì?

Trong số sách phi hư cấu, sách về tâm linh, phát triển nhân bản và biến đổi con người, tôi xin giới thiệu những quyển sau:

  1. Dorothy Day, Về Hành hương, Thập kỷ 1960 – Một niên sử về đức tin và hành động thông qua một thập kỷ phản kháng, chủ nghĩa lý tưởng và thay đổi [Dorothy Day, On Pilgrimage, The Sixties – A Chronicle of faith and action through a decade of protest, idealism, and change] của Robert Ellsberg. Trong những thế hệ gần đây, chúng ta không có mấy người như Dorothy Day, cụ thể là một ngòi bút nổi bật vì tấm lòng tận tụy với công bằng xã hội và lòng mộ đạo cá nhân Các vị thánh không phải lúc nào cũng là nhà hoạt động xã hội và các nhà hoạt động xã hội không phải lúc nào cũng là vị thánh. Nhưng Dorothy Day là cả hai. Robert Ellsberg đã sống với bà trong những năm tháng cuối đời bà, là người phụ trách các bản thảo và đã làm được bộ sưu tập tuyệt vời các bài bà Dorothy viết trong thập kỷ 1960 hỗn loạn, một thập kỷ đầy những cuộc cách mạng xã hội và tôn giáo lớn hơn bao giờ hết.
  2. Nhân loại – Cách sự tái khẳng định giá trị con người và thực hiện sự nhân ái triệt để sẽ đưa chúng ta về lại với nhau [Human(Kind) – How Reclaiming Human Worth and Embracing Radical Kindness Will Bring Us Back Together] của Ashlee Eiland. Tôi mua quyển sách này để làm quà và nghĩ nên đọc nó trước để xem nó có đúng với những lời phê bình đầy khen ngợi không. Và nó đúng như thế, thậm chí còn hơn nữa. Đây là một loạt những bài tự thuật của một phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ tuổi đã giúp giải nghĩa cách để sống Bài giảng trên núi trong thời nay. Một quyển sách ngoại hạng! Nỗ lực sống tử tế trong một thế giới không tử tế.
  3. Tuổi già, Tái định nghĩa sự lão hóa, biến đổi y dược, tái hình dung sự sống [Elderhood, Redefining Aging, Transforming Medicine, Reimagining Life] của Louise Aronson. Tựa đề đã là tóm tắt chuẩn về quyển sách này. Là bác sĩ làm việc với người già, Aronson thách thức hệ thống y tế của chúng ta hướng đến lòng cảm thương sâu sắc hơn và thách thức để chúng ta thông hiểu hơn về lão hóa.
  4. Vẫn là Kitô hữu, Theo Chúa Giêsu ngoài tinh thần phái Phúc âm Mỹ [Still Christian, Following Jesus out of American Evangelicalism,] của David Gushee. Đây là tự thuật về hành trình tôn giáo và học thuật của Gushee, từ khi cải đạo (lúc còn trẻ, sâu sắc và chân thành) sang phái Phúc âm cho đến cách mà tiếng gọi lương tâm dần xóa bỏ mối quan hệ của ông với sự diễn đạt Kitô giáo này nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ của ông với Chúa Giêsu. Bất kỳ ai, ở bất kỳ giáo phái nào, đang thấy khó ở trong giáo hội của mình, sẽ thu hoạch được nhiều điều từ quyển sách này.
  5. Sống giữa các thế giới – Tìm sức bật bản thân trong những lúc biến động [Living Between Worlds – Finding Personal Resilience in Changing Times] của James Hollis. Tâm lý học dành cho linh hồn. Không một bác sĩ tâm lý nào giải quyết được vấn đề của chúng ta, nhưng họ có thể giúp chúng ta tìm được một câu chuyện rộng lớn hơn, cho nỗi đau khổ của chúng ta có ý nghĩa và chân giá trị hơn. Quyển sách này làm việc đó.

Trong số sách hư cấu, đây là những quyển sách đánh động tôi nhất trong năm 2021.

  1. Oscar và bà áo hồng [Oscar et la dame rose] của Éric-Emmanuel Schmitt. Đây là một quyển sách đã xuất bản từ lâu, bản gốc tiếng Pháp (và đã có bản tiếng Việt). Nó là tuyển tập những lá thư hư cấu của một cậu bé viết cho Chúa khi đang đi đến những ngày cuối đời. Đơn giản mà sâu sắc. Một quyển sách đáng đọc.
  2. Trả đũa [Payback] của Mary Gordon. Tôi đọc bất kỳ tác phẩm nào của Mary Gordon. Bà luôn có điều quan trọng để chia sẻ. Quyển sách này thật sự đáng giá, trong đó bà viết về khối ung thư của báo thù và những hậu quả chúng ta gánh chịu khi nhầm lẫn sự giải khuây với khép lại vấn đề.
  3. Dù ở nơi đâu [Whereabouts] của Jhumpa Lahire. Vì những tác phẩm trước đây của Lahire, tôi cũng chọn đọc hết mọi tác phẩm của cô. Quyển này hơi khác với những tác phẩm trước, nhưng không làm tôi thất vọng. Có người từng nói rằng khôn ngoan khác biệt với hiểu biết vì khôn ngoan là trí tuệ kết hợp với sự thông hiểu. Đấy chính là nét đặc trưng của Lahire, và quyển sách này cũng thế.
  4. Thiên thần của cô Garnet [Miss Garnet’s Angel] của Salley Vickers. Có người gửi tặng tôi quyển sách này trong thời gian tôi phục hồi sau cuộc phẫu thuật lớn. Đây là quyển sách viết về “phép lạ”, không phải kiểu phép lạ đi trên mặt nước, mà là kiểu phép lạ có thực, ý nghĩa và ẩn giấu trong cuộc đời bình thường của chúng ta.
  5. Khu rừng của những tinh tú lụi tàn [The Forest of Vanishing Stars] của Kristen Harmel. Một câu chuyện hư cấu về những gia đình Do Thái cố thoát khỏi tay quân Phát xít bằng cách trốn trong rừng sâu. Câu chuyện này ban đầu có vẻ hơi ảo, nhưng dù là hư cấu, thật ra nó là tổng hợp câu chuyện chạy trốn quân Phát xít trong một cánh rừng cụ thể của một số gia đình có thật trong lịch sử.

Những quyển sách chúng ta cần đọc luôn tìm đến chúng ta, và tìm đến đúng vào lúc chúng ta cần đọc nó. Đời tôi đúng là thế. Tôi không chắc tại sao những quyển sách cụ thể này lại tìm đến tôi trong năm nay, nhưng chúng là những quyển tôi cần vào thời điểm này trong đời. Tôi phải thừa nhận, có thể các bạn sẽ không cảm nhận như thế!

Nhưng dù gì tôi cũng xin chúc các bạn đọc sách vui vẻ, đọc những quyển này, hay những quyển khác!

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/12/29/muoi-quyen-sach-hang-dau-cua-toi-nam-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét