Mười hai ngày đánh dấu năm 2021 tại Vatican
cath.ch, I.Media, 2021-12-21
Năm nay, quốc gia nhỏ nhất thế giới đã mở cửa trở lại rộng rãi hơn, khách hành hương về Rôma dự các buổi tiếp kiến chung, khách du lịch đến thăm Bảo tàng Vatican, nhưng chưa có được những ngày đông đảo khách như những ngày lễ hội trước.
Năm 2021 là năm trở lại với sinh hoạt… và cảnh báo. Năm 2020 bị “kẹt” ở Vatican vì đại dịch, cuối cùng năm 2021 Đức Phanxicô đã có thể rời Vatican để có ba chuyến tông du nước ngoài.
Bên cạnh những bổ nhiệm chưa từng có, việc mở phiên tòa lịch sử ở Vatican hay ra mắt Thượng hội đồng về tính đồng nghị, năm 2021 sắp kết thúc cũng được đánh dấu bằng cuộc phẫu thuật nặng của Đức Phanxicô vào tháng 7. Nếu người vừa mừng tuổi 85 dường như bình phục tốt, nhưng báo động này đã làm dấy lên những tin đồn dai dẳng liên quan đến tình trạng sức khỏe của giáo hoàng.
1. Ngày 14 tháng 1: Đức Phanxicô tiêm mũi vắc-xin đầu tiên
Các chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu vừa mới bắt đầu, giữa tháng 1, Vatican loan báo Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã nhận liều vắc xin Pfizer đầu tiên. Một ngày trước đó, Nhà nước Thành phố Vatican đã khánh thành trung tâm tiêm chủng ở một phòng tại Hội trường Phaolô VI. Tổng cộng trong 12 tháng, Vatican đã chích hơn 25.000 liều.
Gần đây Đức Phanxicô đã nhận liều thứ ba, ngài đã làm rất nhiều để cổ động cho việc chích ngừa và phân phối vắc-xin trên thế giới, bắt đầu từ những khu vực nghèo nhất. Tháng 8 năm ngoái, ngài tuyên bố: “Chích ngừa vắc-xin là hành động của tình yêu”.
2. Ngày 6 tháng 2: Nữ tu Nathalie Becquart, người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ phó tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục
Vài ngày sau thông báo lịch sử, hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục tuyên bố, với việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart vào chức vụ phó tổng thư ký, “một cánh cửa đã được mở ra”. Nữ tu người Pháp đã thực sự trở thành người phụ nữ đầu tiên có thể bỏ phiếu trong Hội đồng Giám mục, cơ quan tập hợp các đại biểu giám mục từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết những vấn đề quan trọng.
Trong năm 2021, giáo hoàng cũng đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm rất cao, tháng 8, nữ tu Alessandra Smerilli được bổ nhiệm quyền thư ký của bộ Phục vụ phát triển toàn diện con người, một trong những bộ “mục vụ” lớn nhất la-mã. Vì thế nữ tu người Ý đã trở thành nữ thư ký đầu tiên của một bộ – dù sơ chỉ được bổ nhiệm tạm thời.
3. Ngày 5 tháng 3: Đức Phanxicô lên đường đi Iraq
Lần đầu tiên, một giáo hoàng đến đất Iraq. Sau hơn một năm không đi tông du vì đại dịch, Đức Phanxicô bay đến Iraq và thực hiện giấc mơ của Đức Gioan-Phaolô II. Hai mươi năm trước, Đức Gioan-Phaolô II muốn đến cầu nguyện ở quê hương tổ phụ Áp-ra-ham đã lớn lên; nhưng không được.
Trong bối cảnh an ninh và y tế căng thẳng, Đức Phanxicô đã đi khắp đất nước bị tàn phá qua hai mươi năm chiến tranh. Mọi người sẽ nhớ đến cuộc gặp lịch sử giữa ngài và thượng phụ Ayatollah Al-Sistani – một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thế giới hồi giáo Shiite – lời động viên của ngài dành cho thiểu số tín hữu kitô giáo đau khổ vì đã chịu đựng sự tàn phá của nhóm hồi giáo khủng bố Daesh và sự hiện diện của ngài ở Mosul. Từ đống đổ nát của thủ đô cũ của ISIS ở Iraq, ngài kêu gọi hòa bình.
4. Ngày 1 tháng 6: Cải cách mạnh mẽ giáo luật để chống lạm dụng và tham nhũng
Được Đức Bênêđíctô XVI bắt đầu năm 2007, cuộc cải cách vĩ đại của Sách VI Bộ Giáo luật đã mất mười bốn năm để hoàn thành. 63 trong số 89 điều luật của quyển sách về các hình phạt trong Giáo hội đã được sửa đổi. Sự thay đổi lớn này nhằm mục đích điều chỉnh luật của Giáo hội cho phù hợp với thế giới ngày nay và cân bằng lại mối quan hệ giữa công lý và lòng thương xót “đôi khi đã chú giải sai” dẫn đến một “bầu khí lỏng lẻo”, đặc biệt trong một số trường hợp lạm dụng tình dục của các giáo sĩ trên trẻ vị thành niên.
Một bài giải thích rõ, tội ác tình dục của các linh mục đối với trẻ vị thành niên được viết – vì cho đến lúc này các tội này chỉ được xem là tội chống các “nghĩa vụ đặc biệt” (Tiêu đề V) dành riêng cho chức tư tế giống như việc vi phạm lời khấn khiết tịnh.
6. Ngày 10 tháng 6: Đức Phanxicô từ chối việc hồng y Marx từ chức
Ngày 21 tháng 5, hồng y Reinhard Marx, một trong những nhân vật nặng ký của Giáo hội công giáo, gởi đơn từ chức lên giáo hoàng, đảm nhận trách nhiệm của mình khi đứng trước sự thất bại của Giáo hội trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Đức. Nhưng Đức Phanxicô từ chối, ngài giải thích trong một bức thư được công bố ngày 10 tháng 6. Ngài xác nhận: “Toàn thể Giáo hội đang khủng hoảng vì vấn đề của các vụ lạm dụng.
Ngoài trường hợp cá nhân của tổng giám mục Munich-Freising, Đức Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội nhận ra những sai sót và tội lỗi của mình: “Là Giáo hội, chúng ta phải xin ơn biết xấu hổ, mỗi giám mục phải đối diện với khủng hoảng và tự hỏi: ‘Tôi phải làm gì khi đối diện với thảm họa này’?”.
6. Ngày 1 tháng 7: Đức Phanxicô tổ chức hội nghị thượng đỉnh đại kết rộng lớn về Liban
Gần một năm sau vụ nổ kép ở cảng Beirut, đất nước của những cây tùng tiếp tục chìm trong khung cảnh của một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của đất nước. Đức Phanxicô thường xuyên cầu nguyện cho Liban, ngài quyết định tập hợp các nhà lãnh đạo chính của các cộng đồng kitô giáo Liban để có một ngày “suy ngẫm về tình hình đáng lo ngại của Liban.”
Tiến trình này trước hết là một tiến trình thiêng liêng. Điểm nổi bật, 9 thượng phụ chính thống giáo đã đến nghiêng mình trước mộ Thánh Phêrô và cùng cầu nguyện với giáo hoàng “để được ơn hòa bình và ổn định”. Ngài khuyến khích: “Cùng các bạn, các công dân thân mến: xin các bạn đừng nản lòng! Các bạn đừng nản lòng, xin can đảm!” Trong một bài phát biểu, ngài xin cộng đồng quốc tế hỗ trợ Liban để đất nước này không sụp đổ để bắt đầu con đường phục hồi”.
7. Ngày 4 tháng 7: Đức Phanxicô trải qua một cuộc phẫu thuật nặng
Ở tuổi 84, Đức Phanxicô vào bệnh viện Gemelli ở Rôma vì “chứng hẹp túi thừa có triệu chứng của đại tràng”. Một ca phẫu thuật nặng vì ngài phải nằm bệnh viện mười ngày. Đây là lần đầu tiên ngài vào bệnh viện kể từ ngày ngài kế vị Thánh Phêrô năm 2013.
Gần hai tháng sau khi rời bệnh viện Gemelli, trong một bài phỏng vấn trên đài truyền thanh Tây Ban Nha, ngài cho biết “mình vẫn còn sống” để gạt tin đồn ngài từ chức sang một bên. Ngài trấn an: “Tôi có thể ăn mọi thứ. Tôi vẫn còn dùng thuốc sau phẫu thuật, vì bộ óc cần nhớ ruột của nó đã ngắn hơn 33cm. Ngoài ra, tôi có cuộc sống bình thường, tôi sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường.”
8. Ngày 16 tháng 7: Đức Phanxicô hạn chế mạnh mẽ việc cử hành Thánh lễ bằng tiếng la-tinh theo truyền thống
Đây là tên tự sắc Summorum Pontificum được Đức Bênêđíctô XVI công bố năm 2007. Đức Bênêđíctô XVI đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cử hành Thánh lễ theo hình thức bất thường của nghi thức Rôma có trước Công đồng Vatican II.
Đức Phanxicô giải thích, ngài lo ngại “công cụ hóa” Sách lễ Rôma năm 1962 sẽ đưa đến việc từ chối không chỉ cải cách phụng vụ mà còn cả Công đồng Vatican II. Hiện nay việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ sẽ cực kỳ hạn chế và tùy thuộc vào sự phân định của giám mục, và trong một số trường hợp là của Rôma.
Nhân danh sự hợp nhất Giáo hội, Đức Phanxicô trách nhiệm trong quyết định này của ngài; một quyết định không được các giáo dân quen với các nghi thức này đón nhận.
9. Ngày 27 tháng 7: Khai mạc phiên tòa xét xử Vụ án khổng lồ ở London
Đối với một số người, đó là phiên tòa thế kỷ khai mạc tại Vatican vào giữa mùa hè. Bị cáo gồm 10 người, trong đó có hồng y người Ý Angelo Becciu, từng giữ các chức vụ cao nhất trong guồng máy Vatican.
Các bị cáo liên quan đến vụ tai tiếng của tòa nhà ở London, liên quan đến việc Vatican mua tòa nhà này năm 2013. Một vụ mua bán thất bại làm thiệt hại hàng chục triệu âu kim cho Tòa thánh.
Thông qua phiên tòa phức tạp này – hiện nay vẫn còn tiếp tục – Tòa thánh mong muốn chứng tỏ cho thấy họ có khả năng giải quyết tham nhũng. Vì vấn đề này mà uy tín công lý Vatican và những cải cách của Đức Phanxicô trong lĩnh vực này bị đe dọa.
10. Ngày 4 tháng 10: Tại Vatican, lời kêu gọi chưa từng có của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với khí hậu
Một tháng trước cuộc họp COP26 ở Glasgow, Đức Phanxicô đã tập hợp khoảng 30 nhà lãnh đạo tôn giáo và 10 khoa học gia để ký một văn bản bất thường nhằm tôn trọng môi trường.
Bên cạnh các giáo phái kitô giáo, hồi giáo sunni và shia, do thái giáo hoặc ấn độ giáo còn có các đại diện của đạo Sikh, phật giáo, nho giáo, đạo thờ dô-rô-át và kỳ na giáo.
Trong một tuyên bố, các vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi hạn chế gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ C, để chuyển đổi sinh thái của các quốc gia giàu có hơn hoặc sự tham gia tích cực của chính các nhà lãnh đạo tôn giáo để hành động có lợi hơn cho khí hậu.
11. Ngày 10 tháng 10: Đức Phanxicô khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị
Đây là một tiến trình có quy mô rộng lớn được Đức Phanxicô phát động trong thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 10 tháng 10. Trong hai năm, giáo dân được mời gọi để suy tư về việc biến Giáo hội trở nên một thực tại đồng nghị hơn. Một ngày trước ngày khai mạc, Đức Phanxicô đề xuất định nghĩa về Giáo hội này: “Một nơi mở, nơi mọi người cảm thấy như ở nhà mình và có thể tham gia”. Trong số các mục đích được nêu lên, có mục đích là đưa Giáo hội ra khỏi văn hóa giáo quyền.
Hình thức của thượng hội đồng này là chưa từng có vì sau giai đoạn đầu tiên được suy tư trong tất cả các giáo phận trên thế giới, giai đoạn thứ hai là ở cấp châu lục và giai đoạn cuối cùng ở Rôma năm 2023. Thượng hội đồng “thế hệ mới” này cũng là một phần trong cuộc cải cách lớn do Đức Phanxicô khởi xướng ừ năm 2013 để giải tập trung quyền quản trị của Giáo hội công giáo.
15. Ngày 5 tháng 12: Đức Phanxicô trở lại đảo Lesbos
Năm năm sau chuyến đi đầu tiên đến đảo Lesbos, Đức Phanxicô đã trở lại Lesbos, một trong những hòn đảo của Hy Lạp bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng di cư. Ngài muốn nhấn mạnh đây là trọng tâm chuyến đi của ngài đến Sýp và Hy Lạp – từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Từ một trại tị nạn, sau khi gặp những người di cư, ngài đã tố cáo một “loại văn minh đắm tàu” và sợ hãi khi chứng kiến biển của chúng ta thành biển chết.
Trong chuyến đi tới biên giới Đông Âu, Đức Phanxicô nhắc nhở ngài không thể tiếp tục bỏ qua “một vùng biển chứng kiến việc loan báo Phúc âm và sự phát triển của những nền văn minh vĩ đại”.
Sau chuyến đi này, khoảng năm mươi người di cư được định cư ở Ý.
Bài đọc thêm: Ở Hy Lạp, chuyến đi rất chính trị của Đức Phanxicô
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét