Trang

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi dối trá với chính mình

 Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi dối trá với chính mình

americamagazine.org, linh mục Dòng Tên Terrance Klein, 2021-10-20



Chúa Kitô làm phép lạ cho ông Batimê được thấy, William Blake (1757-1827). Wikimedia.

Bài đọc: Gr: 31, 7-9; Dt: 5, 1-6; Mc: 10, 46-52

Ông Primo Levi, người sống sót sau thảm họa lò thiêu Do Thái lưu ý, chúng ta không cách nào tránh được hai câu hỏi chúng ta đặt ra cho những kẻ phạm tội ác: Thứ nhất, tại sao ngươi lại phạm tội ác? Thứ hai, ngươi có nhận ra ngươi đang phạm tội ác không? Ngày nay, có rất nhiều lời thú tội trực tiếp ở trong tầm tay. Về những chuyện này, ông Levi viết:

Câu trả lời cho hai câu hỏi này, và những câu hỏi khác trong nghĩa này rất giống nhau, bất kể cá tính của cá nhân của người bị hỏi… Dùng các công thức khác nhau, với mức độ lố bịch ít nhiều, tùy thuộc vào trình độ đầu óc và giáo dục, cuối cùng, cơ bản cũng cùng một chuyện: tôi làm vì tôi được lệnh làm; những người khác, cấp trên của tôi còn làm những chuyện độc ác hơn tôi; xét về giáo dục tôi nhận và môi trường tôi sống, tôi không thể làm khác hơn; nếu tôi không làm những điều này, người khác sẽ làm và còn làm tàn bạo hơn. Phản ứng đầu tiên của những ai đọc những biện minh này là phẫn nộ: họ đang nói dối, họ không thể nghĩ rằng có người tin họ. Họ không thể thấy sự bất tương xứng giữa lời bào chữa của họ và nỗi đau khổ vô cùng và cái chết họ đã gây ra. Họ nói dối và biết họ đang nói dối; họ làm vậy với ý xấu.

Chúa thì cao cả hơn những gì chúng ta có thể hiểu, và tội giới hạn những gì chúng ta có thể hiểu.

Ông Levi nghĩ nó còn sâu hơn thế. Những tên tội phạm ma quỷ này không chỉ đơn giản là đang nói dối chúng ta. Chúng đã học cách tự lừa dối mình. Những gì chúng nói với chúng ta, chúng không nói theo niềm tin về thiện ác.

Sự khác biệt giả định một sự trong sáng mà ít người có, và điều mà ngay cả những người này cũng mất ngay lập tức khi, vì bất kỳ lý do nào, thực tế trong quá khứ hay trong hiện tại làm cho họ cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái. Trong những điều kiện này, thực tế, có những người nói dối một cách ý thức, lạnh lùng làm sai chính thực tế, nhưng họ đông hơn những người cân nhắc, xa rời ký ức chân thực, tạm thời hoặc vĩnh viễn, và ngụy tạo một thực tế tiện lợi. Đối với họ, quá khứ là một gánh nặng; họ cảm thấy ghê tởm những gì họ đã làm hoặc những gì họ đã bị làm và họ có xu hướng thay thế nó bằng một cái gì đó khác. Việc thay thế có thể bắt đầu một cách có ý thức, với một kịch bản được dựng lên, nói dối và tái tạo lại, nhưng ít đau đớn hơn là kỷ niệm thật. Dần dần khi câu chuyện được lặp lại cho những người khác nhưng cũng với chính mình, sự phân biệt giữa đúng và sai dần mất đi đường nét, và cuối cùng người đó hoàn toàn tin vào câu chuyện mà họ đã thường xuyên kể và tiếp tục kể, đôi khi họ đánh bóng và sửa ít nhiều chi tiết để hợp lý hơn, hoặc những chi tiết ít nhất quán nhau hoặc không thích ứng với hình ảnh về các sự kiện “đã được thiết lập”: điều bắt đầu bằng ý xấu thì chuyển thành ý tốt. Sự chuyển đổi im lặng từ dối trá sang tự lừa dối bản thân tốt hơn: ai nói dối ý tốt sẽ nói dối tốt hơn, đóng vai trò của mình tốt hơn và được thẩm phán, nhà sử học, độc giả, vợ và các con tin tưởng hơn (Người chết đuối và Người được cứu, The Drowned và the Saved, Primo Levi, 1986).

Sách Thánh của chúng ta sống trọn vẹn trong phụng vụ. Trong đó có những ý nghĩa mới trong bối cảnh mới, đặc biệt khi phối hợp với các Sách Thánh khác. Tin Mừng chúa nhật 30 mùa thường niên xin chúng ta ngừng nói dối với chính mình.

Tiên tri Giê-rê-mi-a nhấn mạnh Chúa phải và sẽ chủ động vì chúng ta không thể tự mình tìm cho mình con đường đến với Chúa. Chúng ta bất lực.

“Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.

Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.

Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,

Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã” (Gr 31: 8-9).

Chúng ta không thể đơn giản tìm kiếm Chúa như chúng ta tìm những đối tượng khác mà chúng ta có thể biết được, vì, giống như ông Batimê trong Phúc âm của Thánh Máccô, chúng ta mù quáng trước thực tế là Chúa. Chúa thì cao cả hơn những gì chúng ta có thể hiểu, và tội giới hạn những gì chúng ta có thể hiểu.

Thật vậy, ông Batimê có lợi thế hơn chúng ta. Ông biết ông bị mù. Còn chúng ta thì không. Khi ông nói Chúa Giêsu là người Na-da-rét, là ông bắt đầu kêu lên và nói “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 47).

Chính bản chất của tội làm chúng ta rối ren, lừa dối chúng ta, làm chúng ta mù quáng.

Chỉ hành vi ác độc thôi, không tạo ra sự tự lừa dối. Mọi tội lỗi mới gây ra chuyện đó. Chính bản chất của tội làm chúng ta rối ren, lừa dối chúng ta, làm chúng ta mù quáng. Sự lừa dối đưa chúng ta vào tội lỗi, và ở đó nó tiếp tục làm chúng ta nhầm lẫn về sự tốt lành của Chúa, sự tốt lành của sự sáng tạo của Chúa và sự tốt lành của chính chúng ta.

Còn cách nào khác để có thể giải thích bản chất mâu thuẫn của việc tự đánh giá của chúng ta sau khi phạm tội: “Chúng ta không thực sự có tội; tất cả đều có thể giải thích được. Vậy mà chúng ta lại thầm ghét bản thân vì những gì chúng ta đã làm. Sao mà những người vô tội lại đi đến chỗ tự ghét mình chứ?” Và trong tiến trình đó, sự thật dần bị đánh mất.

Sự thấu suốt thực sự luôn là một ơn. Đó là ơn của Chúa, Đấng đơn thuần là sự thật và tình yêu. Đôi khi nó đến một cách khắc nghiệt. Đôi khi nó ló ra một cách nhẹ nhàng. Dù bằng cách nào, chính Chúa là người dẫn chúng ta đến sự thật. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là không tin tưởng vào những đánh giá của chính mình và kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương con.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2021/10/27/lay-chua-xin-cuu-chung-con-khoi-doi-tra-voi-chinh-minh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét