Đức Maria, Người mang Chúa đến
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
ĐỨC MARIA, NGƯỜI MANG CHÚA ĐẾN
Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
Với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần biến cố Con Chúa giáng trần. Không khí giáng sinh đã bắt đầu lan tỏa khắp mọi nơi trong các xứ đạo, từ miền quê đến thành thị. Mọi người đang háo hức chuẩn bị trang trí hang đá, cây thông, đèn điện… để mừng Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị giáng sinh không được dừng lại ở những hình thức bên ngoài hay “trần tục hóa” lễ Giáng Sinh, nghĩa là chỉ lo lắng mua sắm, tiệc tùng, quà cáp… nhưng chúng ta phải hướng về tâm điểm của lễ Giáng Sinh là tôn thờ Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Để giúp mừng lễ Giáng Sinh ý nghĩa, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm câu chuyện Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét.
1- Đức Maria, người mang Chúa đến cho nhân loại
Thánh Luca cho biết sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, tới một thành thuộc chị tộc Giuđa, để thăm bà Êlisabét, người chị họ mình. Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. Khi bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng, và bà được đầy Thánh Thần (x. Lc 1,39-44). Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và hai người con, là cuộc gặp gỡ giữa giao ước cũ và giao ước mới. Cuộc gặp gỡ này xảy ra rất âm thầm, bình thường và dường như ít người biết, nhưng lại chứa đựng những điều vĩ đại. Bởi lẽ, qua hai nhân vật người mẹ này, Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho lịch sử cứu độ của nhân loại.
Quả thế, hai người phụ nữ đang mang thai hai người con. Bà Êlisabét là biểu tượng cho dân Ítraen, dân riêng đang chờ Đấng Mêsia, còn Đức Maria là biểu tượng của dân Ítraen mới, người cưu mang Đấng Cứu Thế. Bà Êlisabét sinh hạ Gioan Tẩy Giả, còn Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô. Người con của bà Êlisabét sẽ là người dọn đường cho Đấng Mêsia, còn Người Con của Đức Maria sẽ thực hiện những lời hứa cứu độ. Vì thế, trong cuộc gặp gỡ này hai người mẹ và hai người con tràn đầy niềm vui. Bởi vì, họ là những người được đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Qua cuộc viếng thăm này, chúng ta nhìn thấy Đức Maria chính là “nhà tạm di động và sống động” của Con Thiên Chúa. Việc Mẹ viếng thăm và mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria, có nghĩa là Mẹ mang Chúa đến cho gia đình nhân loại. Mẹ là “nhà truyền giáo” đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.
2- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Để nói về Chúa Kitô, chúng ta phải tìm hiểu về Đức Maria. Cũng thế, hiểu biết Đức Maria sẽ giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Kitô và ngược lại.
Quả vậy, khi đón tiếp Đức Maria, bà Êlisabét nhận ra rằng lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Maria và bà ca ngợi Đức Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).
Thành ngữ “Em được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ” được dùng trong Cựu Ước thuộc thời Gioel (Tl 5,24) và sách Giuđitha (Gđt 13,18), để nói về hai người phụ nữ chiến binh đã cố gắng giải cứu Ítraen khỏi tay quân thù ngoại bang. Nhưng bây giờ, những lời này được áp dụng cho Đức Maria, một trinh nữ sẽ sinh Đấng Cứu Độ cho thế giới. Như thế, việc Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ vì niềm vui (x. Lc 1,44) làm chúng ta nhớ lại việc Đavít nhảy mừng trước cửa Hòm Bia Giao Ước tiến vào Giêrusalem (x. 1 V 15,29). Hòm Bia có để Lề Luật (Torah), Mana và cái gậy của Aaron (x. Dt 9,4). Gioan nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia giao ước mới.
Mẹ là người phụ nữ được chúc phúc bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Độ. Mẹ Maria là người tinh tuyền, thánh thiện, toàn mỹ và toàn thánh, xứng đáng là “nhà tạm thánh thiện” cho Con Thiên Chúa ngự. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, bà Êlisabét nhận ra Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm,” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Con Đức Chúa Trời, và Mẹ sẽ sinh cho thế giới “nguồn ơn cứu độ.” Đây cũng là nền tảng cho niềm tin của Giáo Hội tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa - Theotokos, một tước vị cao cả, mà Giáo Hội định tín tại Công Đồng Êphêsô (431). Bởi đó, qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã dành cho Đức Maria một sự biệt kính sau Ba Ngôi Thiên Chúa trong phụng vụ Kitô giáo.
3- Chứng nhân nền văn hóa gặp gỡ
Cuối cùng, cảnh thăm viếng này cũng diễn tả vẽ đẹp của lòng hiếu khách và nền văn hóa gặp gỡ: Đây có sự đón tiếp lẫn nhau, lắng nghe nhau, dành chỗ cho nhau, chia sẻ với nhau niềm vui có Chúa, cũng như phục vụ lẫn nhau.
Sống trong một xã hội con người ngày hôm nay đang trở nên xa lạ với nhau, bởi vì con người đang sống cách vô cảm, loại trừ và thù địch nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là hiện tượng “vô cảm toàn cầu hóa” trong đời sống con người. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và thăm viếng nhau. Bởi vì, điều quan trọng trong cuộc sống không phải chúng ta có cái gì mà là có Ai (ai) đó để sống với.
Khi có Chúa Kitô, Đức Maria đã vội vã tới thăm bà Êlisabét (Lc 1,39). Bắt chước Đức Maria, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường để thăm viếng những người nghèo khổ, người bệnh tật, kẻ tù đày, người cô đơn trong mùa Giáng Sinh này, bởi lẽ, họ là “hiện thân” của Con Thiên Chúa giáng trần.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng chính Chúa là Người đến viếng thăm chúng con trước. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa đến. Đặc biệt, xin cho chúng con biết noi gương Đức Trinh Nữ Maria mang Chúa đến cho những người xung quang bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét