Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Năm thánh đi qua, chút gì đọng lại

 

Năm thánh đi qua, chút gì đọng lại

 
  •  
  •  


NĂM THÁNH ĐI QUA, CHÚT GÌ ĐỌNG LẠI

WGPV (10.12.2021) - Vào ngày 8/12/2020, lễ trọng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, được sự ủy quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh về cử hành Năm thánh đặc biệt kính thánh Giuse, kéo dài từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Năm thánh nhằm kỷ niệm 150 năm Chân phước Giáo hoàng Piô IX ban hành Sắc lệnh Quemadmodum Deus[1] công bố thánh Giuse là bổn mạng Hội Thánh Công giáo.

Sắc lệnh nói rõ: “Để cổ vũ toàn thể Hội Thánh luôn tín thác vào sự bảo trợ thần thế của Đấng gìn giữ Hài nhi Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định  từ hôm nay cho đến ngày 8/12/2021, ngày kỷ niệm Sắc lệnh nói trên đồng thời cũng là ngày kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và là bạn thanh sạch của thánh Giuse, Hội Thánh cử hành một năm đặc biệt kính thánh Giuse, để tất cả các tín hữu, nhờ noi gương thánh cả, được kiên vững trong cuộc sống đức tin hằng ngày và luôn biết chu toàn thánh ý Thiên Chúa.”[2]

Thấm thoát, thời gian cử hành đã đi về những ngày cuối cùng. Một năm không phải là thời gian quá dài nhưng cũng đủ để trắc nghiệm lòng mộ mến thánh Giuse nơi các tín hữu cũng như lòng yêu mến đối với Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng lược lại một số điểm liên quan trong Năm thánh đặc biệt này:

Năm thánh với điểm nhấn “Patris Corde – Trái Tim Người Cha”

Cùng thời gian công bố Năm thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến toàn thể con cái Giáo Hội những tâm tình, những ước muốn và trình bày cho tất cả bức chân dung về thánh Giuse qua Tông thư “Patris Corde – Trái Tim Người Cha.”[3] Đây là những nét chính yếu của Trái Tim Người Cha được hiện thực cách sống động nơi thánh Giuse: (1) Người Cha được các tín hữu yêu mến; (2) Người Cha dịu dàng và yêu thương; (3) Người Cha vâng phục; (4) Người Cha chấp nhận; (5) Người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo; (6) Người Cha làm việc; (7) Người Cha trong bóng tối.

Tất cả những khía cạnh này thật gần gũi với kinh nghiệm con người và Đức Thánh Cha mong muốn tất cả Kitô hữu kín múc những điều ấy nơi cuộc đời thánh Giuse để hiện thực trong đời sống của mình, hầu trở nên người công chính như thánh nhân.

Năm thánh trong thời gian đại dịch

Diễn ra trong thời gian đại dịch, ý hướng của những người tổ chức Năm thánh cũng muốn hy vọng nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, Thiên Chúa nhân từ sẽ đẩy lui dịch bệnh, cho thế giới và mọi người sớm hưởng cuộc sống an bình. Chính trong khung cảnh của Năm thánh, với Sắc lệnh ban ân xá của Tòa Ân Giải Tối Cao thì kho tàng ân sủng của Thiên Chúa ban qua Mẹ Giáo Hội không ngừng chảy tràn trên mọi tâm hồn. Đó cũng là nguồn an ủi cho thế giới trong cơn đại dịch với nhiều thử thách phải vượt qua.

Quả thật, đại dịch mang lại vô vàn khó khăn, xáo trộn cuộc sống của bao gia đình. Giáo hội nhìn lên thánh nhân với mẫu gương cần mẫn chăm sóc gia đình Thánh Gia. Chính ngài đã kinh qua những khổ đau vất vả, với cuộc sống lam lũ nơi ngôi làng Nadareth để cùng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria tạo nên bầu khí vui tươi trong cảnh khó nghèo và bước đi trong niềm tín thác. Trong đại dịch, tuy khó khăn trăm bề nhưng với gương sáng của thánh nhân, các gia đình và mỗi cá nhân như được thắp lên niềm hy vọng. Hy vọng rồi đây mọi sự sẽ trở lại “như thuở ban đầu”. Gương của thánh Giuse đích thực đã trở nên động lực cho bao mảnh đời trong cảnh khốn quẫn do đại dịch gây ra. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu ra một cảnh huống rất thực tế: “Tình trạng mất việc làm vốn ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em của chúng ta và đã gia tăng do hậu quả của đại dịch Covid-19, cần được coi như một lời kêu gọi xét lại các ưu tiên của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse Thợ giúp chúng ta tìm ra những cách thể hiện niềm tin vững vàng rằng không một người trẻ nào, không một người nào, không một gia đình nào không có việc làm!” (Patris Corde, số 6).

Bên cạnh đó, hình ảnh của vị thánh hiện diện cách âm thầm cũng giúp cho nhân loại trong đại dịch biết sống chậm lại, biết đi sâu vào cõi thinh lặng của lòng mình để gẫm về sự mỏng manh của phận người. Nhờ đó, con người biết đặt để giá trị và ý nghĩa tối hậu của cuộc đời nơi những thực tại vĩnh cửu, chứ không thả neo trong những gì tạm bợ ở cuộc sống trần gian này.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse

Năm thánh khép lại trong khi thế giới vẫn đang chật vật đối phó với cơn đại dịch Covid 19. Thật khôn lường chừng nào khi cùng với thời gian, đại dịch với những biến thể mới xuất hiện mang đến sự tàn phá thật khủng khiếp. Mỗi quốc gia, mỗi người luôn canh cánh bên lòng nỗi lo sợ. Nỗi lo về sức khỏe và tính mạng đã đành, nhưng cùng với đó là những hệ lụy của đại dịch đưa đến như công ăn việc làm, đời sống bị xáo trộn cách nặng nề…. Tất cả mối bận tâm ấy đều gắn liền với hiện sinh con người.

Ngước nhìn lên Thánh Cả, nhân loại mong ước sớm có cuộc sống bình an. Năm thánh đi qua nhưng dư âm còn đọng lại. Một năm quả là khoảng thời gian ý nghĩa để các tín hữu ý thức hơn về vai trò của thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, trong đời sống Giáo hội và trong cuộc sống riêng tư mỗi người. Dọc dài lịch sử song hành của Giáo hội trong lòng thế giới là lời mời gọi con cái mình “hãy đến cùng thánh Giuse” (Ite Ad Joseph). Lời mời gọi ấy sẽ không thể nào vắng bóng trong thực hành đức tin của các Kitô hữu. Hiện thực điều đó cách sống động và cụ thể, các tín hữu có thể khẩn cầu thánh nhân theo nhiều cách thế: một lời nguyện tắt, đọc Kinh Cầu Thánh Giuse (được bổ sung một số lời cầu)[4] hoặc bất cứ hình thức nào thích hợp.

Được đặt là “Đấng Bảo Trợ của Giáo hội Công giáo”[5] nên trong trong cuộc lữ hành của mình “Giáo hội, – chỉ sau hiền thê của Ngài là Đức Trinh nữ – luôn trọng kính, ca tụng, cách riêng, chạy đến với Ngài trong những lúc gian nan.”[6] Trong bối cảnh hiện nay, khi “tiến bước giữa những bách hại của thế gian và sự ủi an của Thiên Chúa”[7], với lòng cậy trông, Giáo hội xin thánh nhân cho chúng ta được sống trong sự công chính và thánh thiện, được gương mẫu và lời cầu bầu của Ngài nâng đỡ.[8] Một cách tương tự, đối với những khó khăn hiện nay của thế giới, “Giáo hội đã phó thác cho thánh Giuse tất cả mọi lo âu, nhất là vì những đe doạ đang đè nặng trên gia đình nhân loại.”[9]

Năm đặc biệt kính thánh Giuse đi qua nhưng tâm tình của khoảng thời gian thánh ấy không khi nào phai mờ. Đặt trọn niềm tin nơi thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cùng phó thác Giáo hội và thế giới trong những lúc khó khăn cho thánh nhân.

Ghi chú:

[1] Sắc lệnh được Chân phước Giáo hoàng Piô IX ban hành vào ngày 8/12/1870, công bố thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội.

[2] Tòa Ân Giải Tối Cao, Sắc Lệnh Các Ân Xá Đặc Biệt Trong Năm Kính Thánh Giuse Do Đức Thánh Cha Phanxicô Thiết Lập Kỷ Niệm 150 Năm Thánh Giuse Được Tôn Vinh Là Bổn Mạng Hội Thánh Hoàn Vũ, ban hành ngày 8/12/2020.

[3] Cf. Để đọc lại chi tiết hơn, vui lòng tham khảo: ĐGH. Phanxicô, Tông thư “Patris Corde – Trái Tim Người Cha”, ban hành ngày 8/12/2020.

[4] Ngày 1/5/2021, lễ thánh Giuse Thợ, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã gởi thư tới các Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới để loan báo về việc thêm 7 lời cầu mới vào Kinh Cầu Thánh Giuse: Thánh Giuse là Đấng Gìn Giữ Đấng Cứu Thế; Thánh Giuse là Đấng Phụng Sự Chúa Kitô; Thánh Giuse là Thừa Tác Viên Ơn Cứu Độ; Thánh Giuse là Đấng Hướng Dẫn Trong Thời Gian Truân; Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Kẻ Lưu Đày; Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Người Đau Khổ; Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Kẻ Nghèo Khó

[5] Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (08/12/1870): Pii IX P.M. Acta, pars I, vol. V, p. 283.

[6] Ibidem., 282f.

[7] Thánh Augustinô, De civitate Dei, XVIII, 51, 2: PL 41, 614.

[8] Cf. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, Lời nguyện tiến lễ trong Lễ trọng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức trinh nữ Maria; Lời nguyện hiệp lễ trong Lễ nhớ Thánh Giuse.

[9] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, ngày 15/8/1989. số 31.

 Giuse Nguyễn Văn Lâm - ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn: gpvinh.com (10.12.2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét