Đôi nét về Thứ Tư Lễ Tro
ĐÔI NÉT VỀ THỨ TƯ LỄ TRO
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
WHĐ (28.02.2022) - Theo phụng vụ Giáo hội Công giáo Roma, Mùa Chay bắt đầu với việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro. Đây là ngày các tín hữu được xức tro trên trán và được nhận lời mời gọi để hoán cải và bước đi với Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người. Sau đây là đôi nét về ngày lễ này.
1. Biểu tượng của Tro
Tro là một biểu tượng về sự ăn năn, hoán cải, và cho thấy sự đổi mới bên trong bằng một dấu hiệu bên ngoài.
Trong Kinh thánh Cựu Ước, tro được dùng như một dấu hiệu của sự sám hối, “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6); diễn tả việc dân Chúa ăn năn, cầu xin lòng thương xót, ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trong sách Giuđitha, “Hết mọi người nam trong dân Ít-ra-en cùng với vợ con cư ngụ ở Giêrusalem đều phủ phục trước Ðền Thờ, rắc tro lên đầu, mặc áo vải thô ra trước nhan Ðức Chúa” (4, 11), sau đó, “Ðức Chúa lắng nghe tiếng họ kêu cầu và đoái nhìn cơn khốn quẫn của họ” (Gđt 4, 13). Nổi bật là hình ảnh nhà vua đáp lại lời tiên tri Giôna: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).
Trong phụng vụ, việc xức tro mang ý nghĩa thiêng liêng và là dấu chỉ quan trọng của việc hoán cải và canh tân nội tâm. Giáo hội nhắc nhở tín hữu về sự yếu đuối và cái chết do tội lỗi của phận người “Hãy nhớ mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" (St 3,19); Sâu xa hơn, còn gợi lại sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu “Hãy hối cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 14).
2. Tro được lấy từ đâu?
Tro thường được lấy từ việc đốt các cành dừa, được làm phép vào Chúa Nhật Lễ Lá năm trước.
Quy trình của việc đốt tro, thường được tiến hành vào một ngày trước Thứ Tư Lễ Tro, tất cả những cành dừa cũ được đặt trong một chiếc thùng để bên cạnh các bậc thềm nhà thờ, sau đó, linh mục đọc một lời cầu nguyện ngắn và nhóm lửa. Nếu để lửa cháy âm ỉ, thì sẽ cho ra tro mịn và có màu đen của than.
Theo cha Randy Stice, phó giám đốc Ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, “Những cành dừa của Chúa nhật lễ Lá khi bước vào Tuần Thánh, báo trước cuộc tử nạn đau khổ và sự phục sinh của Chúa Kitô,” nên việc dùng những cành dừa này để làm thành tro cho ngày Thứ Tư lễ tro “kết nối chúng ta với các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt là giúp chúng ta nên một với Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người”.
Sau khi được đốt cháy thành bột mịn, tro thường được để khô và rắc lên đầu tín hữu; nhưng cũng có những nơi, người ta cho thêm một chút nước thánh hoặc dầu thánh vào tro để tạo ra một hỗn hợp sệt để vẽ hình thánh giá trên trán người nhận.
3. Việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro
Theo nghi lễ Rôma, Thứ Tư Lễ Tro được bắt đầu cử hành vào khoảng thế kỷ thứ VIII, và có thể xuất phát từ một truyền thống trước đó là những hối nhân rắc tro lên mình như là một dấu chỉ của việc đền tội.
Là ngày mở đầu cho Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro luôn rơi vào 46 ngày trước Chúa nhật Phục sinh. Theo phụng vụ, Thứ Tư Lễ Tro sớm nhất là vào ngày 04.02, với Lễ Phục sinh là ngày 22.3; và trễ nhất là ngày 10.3, với Lễ Phục sinh rơi vào ngày 25.4.
Ngoài ra, mặc dù Thứ Tư Lễ Tro là một trong những lễ lớn trong năm được nhiều tín hữu tham dự, nhưng Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ trọng bắt buộc.
Theo Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo số 2193, vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu phải “kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc cho việc nghỉ ngơi cần thiết của tinh thần và thể xác”. Trong khi đó, Thứ Tư Lễ Tro là ngày ăn chay, ngày buồn sầu vì tội lỗi, nên trái ngược với tinh thần của ngày Chúa nhật và các ngày lễ vui mừng trọng thể, ví dụ như lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên…, nên Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ buộc.
Khi gợi lại đôi nét về Thứ Tư Lễ Tro như thế, xin cho lời nguyện đầu lễ cũng trở thành quyết tâm của chúng ta cho Mùa Chay Thánh năm nay:
Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.
Tài liệu tham khảo:
1. Philip Kosloski, Why isn’t Ash Wednesday a holy day of obligation?, https://aleteia.org/2022/02/27/why-isnt-ash-wednesday-a-holy-day-of-obligation/, đăng ngày 27.02.2022
2. Philip Kosloski, What is the symbolism of ashes on Ash Wednesday?, https://aleteia.org/2020/02/25/what-is-the-symbolism-of-ashes-on-ash-wednesday/, đăng ngày 25.02.2022
3. Mary Farrow, Where do Ash Wednesday ashes come from?, https://www.catholicnewsagency.com/news/37760/where-do-ash-wednesday-ashes-come-from, đăng ngày 27.02.2022
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-thu-tu-le-tro-44594
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét