Đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa
Một khi ta biết, ta là con yêu dấu, một khi ta bắt đầu khám phá ra điều ấy nơi ta, thì khi ấy Chúa Thánh Thần có thể hoạt động trong ta và trong những người khác.
“Lắm lúc chúng ta nhầm lẫn và đi tìm những chứng cứ của tình yêu Thiên Chúa trong hạnh phúc. Thay vào đó, chúng ta cần đi tìm những chứng cứ ấy trong sự trung thành và kiên trì hầu giúp chúng ta được trở nên giống Đức Kitô” -- Nhà văn Jerry Bridges
Nếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này. Nếu Thiên Chúa đã được sinh hạ như một trẻ thơ, thì Thiên Chúa không có thể biết đi hoặc biết nói trừ phi có một ai đó dạy cho Ngài. Đó là cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng cần đến con người để lớn lên. Thiên Chúa nói: “Ta muốn trở nên yếu đuối để các con có thể yêu mến Ta. Còn con đường nào khác tốt hơn để giúp các con đáp trả lại tình yêu mến của Ta, bằng con đường trở nên yếu đuối để các con săn sóc Ta?” Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu nhân loại. Thiên Chúa đã là như thế để ta có thể gần gũi với Ngài. Thiên Chúa Đấng yêu thương ta là một vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá, một vị Thiên Chúa đã nói: “Các con có ở đó vì Ta không?”
Bạn có thể nói, Thiên Chúa đang chờ đợi câu trả lời của ta. Cách mầu nhiệm, Thiên Chúa lệ thuộc vào ta. Thiên Chúa nói: “Ta muốn trở nên mỏng dòn, ta cần đến tình yêu của con. Ta ước mong con nhận biết tình yêu của Ta”. Thiên Chúa là một Thiên Chúa ghen tương (jealous God) vì Ngài mong muốn tình yêu của ta và muốn ta thưa vâng với Ngài. Đó là lý do tại sao vào cuối Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” Thiên Chúa đang chờ đợi ta trả lời. Sự sống cho ta vô vàn cơ hội để ta đáp lại câu trả lời ấy (The Road to Peace).
Chúa Giêsu có thể bước đi cách trung thành suốt đời. Ngài được ca ngợi và cũng bị chỉ trích, được ngưỡng mộ và cũng bị khinh khi, Ngài được người ta xin làm vua và cũng bị người ta đóng đinh vào thập giá. Nhưng Ngài vẫn trung thành với Tiếng nói hôm xưa. Đó là ý nghĩa của việc cầu nguyện.
Chúa Giêsu đi thẳng tới việc cầu nguyện, lắng nghe Tiếng nói ấy, công nhận mình là Con Yêu dấu. Ngay sau đó, Ngài lại nghe một tiếng khác. Ma quỷ nói: “Ông phải chứng minh ông là Con Yêu dấu. Biến đá thành bánh hoặc nhảy xuống khỏi đền thờ và thiên thần sẽ đỡ lấy ông – hãy chiếm lấy một ít quyền lực và ảnh hưởng”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi không cần phải chứng minh tôi là Con yêu dấu, tôi đã là Con Yêu dấu rồi.”
Đối với chúng ta, làm việc cho công lý và hòa bình, và trở nên những người hoạt động đích thực theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu. Nhưng chính vì ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý và hòa bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công.
Tôi cảm thấy rằng một khi ta đụng chạm được với tư cách người con yêu dấu, ta sẽ thấy rõ hơn những ơn ta có nhờ những người đã phát hiện ra chúng nơi ta. Vì thế mà trở ngại lớn nhất cho hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ta chính là việc chối bỏ mình. Trở ngại lớn nhất cho hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ta chính là việc ta nói với mình rằng ta vô dụng, ta chỉ là không.
Một khi ta biết, ta là con yêu dấu, một khi ta bắt đầu khám phá ra điều ấy nơi ta, thì khi ấy Chúa Thánh Thần có thể hoạt động trong ta và trong những người khác; khi ấy ta có thể làm được những việc kỳ diệu. Nay, vì ta bảo rằng: “Không, Thiên Chúa không thương tôi, tôi không tốt như những người khác” nên một cách nào đó ta không nhìn nhận sự thật Chúa Giêsu đã đến công bố.
Henry M. Nouwen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét