Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Matthias Tông Đồ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa là Đấng chọn, yêu thương, dạy dỗ, và sai các Tông-đồ đi.
Lễ Thánh Matthias nằm giữa hai biến cố quan trọng trong Sách CVTĐ: Thăng Thiên và Hiện Xuống. Cần phải có trọn vẹn 12 Tông-đồ trong Tân Ước, như 12 chi tộc Israel của Cựu Ước, trước khi lãnh nhận Thánh Thần.
Lịch sử không cho chúng ta nhiều dữ kiện liên quan đến cuộc đời Thánh Matthias, ngoài trình thuật hôm nay trong Bài Đọc I. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đức tính quan trọng nhất của người môn đệ là phải giữ các giới răn của Chúa, nhất là giới luật yêu thương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chọn một Tông-đồ thay thế cho Judah Iscarioth, kẻ phản bội.
1.1/ Sự phản bội của Judah nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa:Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói: "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Judah, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: "Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ (Psa 69:25, RSV); và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó (Psa 109:8)."
(1) Tại sao Judah phản bội Chúa Giêsu?
+ Vì ham tiền: Đa số con người chấp nhận ý kiến này, vì theo Tin Mừng Gioan, Judah được trao nhiệm vụ giữ tiền; và ông thường tiêu vào của công. Ông bán Thầy mình với giá 30 đồng, khoảng 30 ngày làm công thời đó, một món tiền không lớn lắm. Gioan cũng làm nổi bật sự tham tiền của Judah bằng cách làm nổi bật sự đập vỡ một bình dầu thơm thượng hạng của một phụ nữ muốn liệm xác Chúa trước Cuộc Thương Khó (Jn 12:1-8).
+ Vì ham danh: Khi Judah thấy mình không được trọng dụng như ba môn đệ thân tín của Chúa: Phêrô, Giacôbê, và Gioan; ông tức giận và tìm cách làm hại Ngài.
+ Vì bị kỳ thị: Judah, người thuộc làng Kerioth, thuộc lãnh thổ Judea. Như vậy, chỉ có ông là người thuộc miền Nam, trong khi 11 môn đệ khác là người miền Bắc. Kinh nghiệm giữa những người thuộc miền Bắc và thuộc miền Nam của Việt-nam cho chúng ta hiểu được mối liên hệ này.
+ Vì Judah muốn lợi dụng Chúa: Ông biết Chúa là người có uy quyền rất mạnh, nên ông muốn đặt Chúa vào tình trạng Chúa phải ra tay uy quyền để cứu Israel như một Đấng Thiên Sai mà người Do-thái mong mỏi. Khi không thấy Chúa phản ứng như ông nghĩ, ông hối hận và quyên sinh như Matthew tường thuật (Mt 27:3-10).
+ Vì muốn thử Chúa: Judah là người ma lanh, ông có thể qua mặt bất cứ ai; nhưng không qua mặt được Chúa. Ông muốn bí mật nộp Chúa để xem Chúa có biết cách đối phó không.
(2) Số phận của Judah: được tường thuật cách khác nhau bởi các thánh ký.
+ Theo Lucas: Trình thuật hôm nay bỏ hai câu nói về số phận củaJudah: "Ông này đã mua một thửa ruộng với phần thưởng của việc làm độc ác của ông; và bị té xấp mặt xuống, ông xé roạc bụng và ruột của ông lòi hết ra ngoài. Và việc này được tất cả dân thành Jerusalembiết tới; vì thế, thửa ruộng đó trong tiếng của họ được gọi là Akeldama, nghĩa là ruộng máu" (Acts 1:18-19).
+ Theo Matthew: Khi Judah thấy mình đã làm đổ máu người vô tội, ông mang 30 đồng bạc trả lại cho Thượng Hội Đồng. Họ không chịu nhận. Judah quăng túi tiền vào Đền Thờ và ra đi tự vẫn. Họ lấy tiền đó để mua một thửa ruộng gọi là "ruộng máu;" và dùng để chôn cất những người nghèo.
+ Theo tác giả hiện đại: Một số quả quyết: dựa theo bằng chứng Kinh Thánh, Judah chắc chắn bị sa hỏa ngục. Một số khác cho: vì Kinh Thánh cho biết sự phản bội của Judah đã được phác họa sẵn trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và ông có hối hận về việc ông đã làm, nên Judah có thể được Thiên Chúa cứu. Kinh Thánh không cho chúng ta biết chắc chắn về số phận của Judah, chỉ cho những bằng chứng về hành động ông đã làm. Tốt hơn, chúng ta nên để Thiên Chúa phán xét và phó dâng ông cho lòng từ bi của Ngài.
+ Theo những người tin vào chủ thuyết Tiền Định: Trường hợp củaJudah là một điển hình cho việc tiền định: Nếu Thiên Chúa đã định cho ai phải hư mất, kẻ ấy hư mất như Judah; ngược lại, nếu Chúa đã định cho ai được cứu độ, kẻ ấy được cứu độ như Phêrô. Những người này quên mất hành động của cả hai đã làm sau khi phản bội; hay họ cho rằng ơn thánh thúc đẩy cho Phêrô trở lại mạnh hơn là cho Judah! Hơn nữa, những người tin vào thuyết Tiền Định đã giả sử Judah phải hư mất.
1.2/ Thủ tục chọn lựa: Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ việc chọn người thay thế Judah từ trình thuật hôm nay:
1.2.1/ Phêrô đưa ra 2 điều kiện để được chọn:
(1) Chọn Tông-đồ từ giữa các môn đệ: "Phải chọn những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời."
(2) Phải có kinh nghiệm "Chúa sống lại": Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh."
Hai tiêu chuẩn để chọn này hợp lý, vì người Tông-đồ được chọn phải biết Chúa Giêsu và đạo lý của Ngài; đồng thời người đó phải có kinh nghiệm Chúa Phục Sinh, trước khi có thể làm chứng cho Ngài. Kết quả: Họ đề cử hai người: ông Joseph, biệt danh là Barsabbas, cũng gọi là Justo, và ông Matthias.
1.2.2/ Rút thăm từ 2 môn đệ được đề cử: Các Tông-đồ tin sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các ông, chính Ngài sẽ hướng dẫn sự lựa chọn, qua lời cầu nguyện của các ông: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Judah đã bỏ để đi về nơi dành cho y." Kết quả khi họ rút thăm: thăm trúng ông Matthias: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Cách rút thăm của người Do-thái: họ viết tên các ứng viên vào viên đá nhỏ, bỏ vào ly rồi lắc cho đến khi viên đá văng ra ngoài. Viên đá mang tên ai, người đó thắng.
2/ Phúc Âm: Điều quan trọng nhất cho các môn đệ là giữ giới luật yêu thương.
Con người có thể suy diễn rất nhiều lý do đưa đến sự phản bội củaJudah; nhưng lý do chính yếu của sự phản bội là không có tình yêu. Tất cả những tật xấu trong con người của Judah đều có thể sửa chữa, nếu ông để cho tình yêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào.
2.1/ Tình yêu Thiên Chúa: Có ít nhất 3 loại tình yêu tương xứng với 3 danh từ trong tiếng Hy-lạp: (1) tình dục (eros), như tình yêu giữa nam nữ, khi họ tìm thấy nét quyến dũ của người khác; (2) tình cảm tự nhiên như những người trong gia đình (philê) hay tình anh em (philadelphia); và (3) tình bác ái ('agapê), tình yêu này chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo.
Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tình bác ái, khi Ngài nói: "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Các môn đệ của Chúa phải ở lại hay phải được nuôi dưỡng trong tình yêu này trước khi có thể làm những điều Thiên Chúa truyền.
Cách để ở lại trong tình yêu Thiên Chúa là thi hành các điều răn của Ngài: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Tình yêu không được tách khỏi sự vâng lời: Như Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và vâng lời tất cả những gì Chúa Cha muốn; con người cũng phải tỏ tình yêu của mình cho Chúa Giêsu bằng cách vâng lời tất cả các giới răn Chúa đã dạy.
Một điều con người thường quan niệm sai: giữ các giới răn của người khác làm cho họ ra yếu nhược và giới hạn tự do của họ; nhưng họ quên đi một điều là họ không biết hết tất cả như Thiên Chúa. Ngài biết những gì tốt hay xấu cho con người mà chính con người không biết. Khi Ngài truyền cho con người giữ các giới răn như khi Ngài ban hành Thập Giới cho con người qua Moses, người Do-thái rất hãnh diện vì Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành dạy dỗ như Thiên Chúa. Họ biết những điều mà các dân tộc khác không biết; và do đó tránh được các tội lỗi và hậu quả xấu xa mà các dân tộc khác mắc phải. Vì thế, giữ các giới răn Chúa truyền phải là một niềm vui và hãnh diện, như Chúa Giêsu quả quyết: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
Điều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ (và tất cả các môn đệ của Ngài) phải giữ là: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Chỉ khi nào người môn đệ thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, họ mới có thể đáp ứng lại nguyện vọng của Chúa Giêsu: "sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em," như Ngài đã hy sinh mạng sống cho con người.
2.2/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ làm bạn hữu: Đây là điều mà trong giấc mơ, các môn đệ cũng không dám mơ tới. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà lại muốn trở nên bạn hữu ngang hàng với con người. Chúa Giêsu là Thầy mà lại coi học trò như bạn hữu của mình. Chúa Giêsu chỉ đòi các ông một điều kiện: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Như vậy, khi con người giữ các giới răn Chúa dạy, con người yêu mến Chúa và trở nên bạn hữu của Ngài. Chúa chứng tỏ Ngài coi các ông là bạn hữu trước khi các ông giữ các giới răn: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Các ông đã biết tất cả những gì Ngài làm, vì Ngài đã mặc khải và dạy dỗ các ông mọi điều.
2.3/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ, không phải các ông chọn Ngài trước: Con người cần nhớ rõ điều này: Thiên Chúa luôn là người khởi sự trong tình yêu, trong sự tạo dựng, trong sự dạy dỗ và ban ơn Cứu Độ, trong sự chọn lựa và sai đi như Chúa Giêsu xác nhận: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, chọn và sai đi.
- Chúng ta phải đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời giữ tất cả các điều răn Ngài truyền. Vâng lời các điều Chúa truyền dạy sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả các tật xấu và hậu quả của nó, để không bao giờ phải lâm vào tình trạng như của Judah.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét