Bài Giáo Lý 4 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Ý Nghĩa việc Trở Lại của Đức Kitô
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 24 tháng 4 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin.
“Cuộc sống không được ban cho chúng ta để chúng ta có thể khư khư giữ nó cho mình, nhưng được ban cho chúng ta để chúng ta cho lại.”
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu “sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Lịch sử nhân loại bắt đầu với việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và kết thúc với cuộc phán xét cuối cùng của Đức Kitô. Chúng ta thường quên hai thái cực này của lịch sử và hơn hết, đôi khi đức tin vào việc trở lại của Đức Kitô và cuộc phán xét cuối cùng không được rõ ràng và vững chắc trong con tim của các Kitô hữu. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu thường chú tâm vào thực trạng của việc trở lại lần sau hết của Người. Hôm nay tôi muốn suy niệm về ba đoạn văn trong Tin Mừng có thể giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm này: đó là đoạn về mười trinh nữ, nén bạc và cuộc phán xét cuối cùng. Tất cả ba đoạn này đều là một phần của bài giảng về ngày tận thế của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu.
Trước hết, chúng ta hãy nhớ rằng với biến cố Thăng Thiên, Con Thiên Chúa mang nhân tính của chúng ta mà Người đã mặc lấy lên cùng Cha Người, và Người muốn kéo mọi người đến với Mình, mời gọi toàn thể thế giới đến để được chào đón nơi vòng tay rộng mở của Thiên Chúa, ngõ hầu, ở cuối lịch sử, toàn bộ thực tại sẽ được dâng lại cho Chúa Cha.
Nhưng có “thời gian chuyển tiếp” này ở giữa cuộc cuộc xuống thế lần thứ nhất và cuộc trở lại lần sau hết của Đức Kitô, đó chính là thời gian mà chúng ta đang sống. Dụ ngôn mười trinh nữ (x. Mt 25:1-13) nằm trong chính bối cảnh “chuyển tiếp” này. Mười thiếu nữ đang chờ đợi sự xuất hiện của chàng rể, nhưng chàng đến chậm và các cô ngủ thiếp đi. Khi được bất ngờ thông báo rằng chàng rể đến, tất cả các cô đều sẵn sàng để đón chàng, nhưng trong lúc năm cô trong họ, các trinh nữ khôn ngoan, có dầu để đốt đèn của mình thì những cô khác, các trinh nữ khờ dại, bị bỏ lại vì đèn không đốt được, bởi các cô không có dầu; và trong khi các cô đi kiếm dầu thì chàng rể đến, và các trinh nữ khờ dại nhận ra rằng cửa dẫn vào tiệc cưới đã bị đóng. Các cô kiên trì gõ cửa, nhưng đã quá muộn, chàng rể trả lời: Tôi không biết các cô. Chàng rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người đến là thời gian Người ban cho chúng ta, cho tất cả chúng ta với lòng thương xót và kiên nhẫn của Người trước ngày trở lại sau hết của Người, đây là thời gian canh thức; thời gian trong đó chúng ta phải tiếp tục đèn đức tin, cậy, mến được thắp sáng, thời gian mà chúng ta cần phải giữ cho tâm hồn rộng mở với chân thiện mỹ; một thời gian để sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, vì chúng ta làm không biết ngày, cũng như không biết giờ trở lại của Đức Kitô. Điều được đòi hỏi nơi chúng ta là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này - chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp, cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu – điều ấy có nghĩa là có khả năng nhìn thấy những dấu chỉ của sự hiện diện của Người, giữ cho đức tin của mình được sống bằng cách cầu nguyện, các bí tích, phải cảnh giác để đừng ngủ quên, đừng quên Thiên Chúa. Đời sống ngái ngủ của Kitô hữu là một cuộc sống buồn tẻ, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Kitô hữu phải hạnh phúc, phải có niềm vui của Chúa Giêsu. Đừng thiếp ngủ!
Dụ ngôn thứ nhì là dụ ngôn những nén bạc, làm cho chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ giữa cách chúng ta sử dụng những hồng ân nhận được từ Thiên Chúa và ngày trở lại của Người, khi Người hỏi chúng ta hỏi sử dụng chúng thế nào (x. Mt 25:14-30). Chúng ta biết rõ ngụ ngôn này: trước khi khởi hành, chủ trao cho mỗi đầy tớ một ít nén bạc, để sử dụng tốt trong lúc ông vắng mặt. Ông cho người thứ nhất năm nén, người thứ nhì hai nén và người thứ ba một nén. Trong thời gian ông vắng mặt, hai người đầy tớ trước làm cho những nén bạc của họ - những đồng tiền cổ - sinh lời, trong khi người thứ ba muốn chôn nén bạc của mình và trả lại nguyên vẹn cho chủ. Khi trở về, ông chủ xét đoán việc làm của họ: ông khen hai người trước, trong khi người thứ ba thì bị ném vào nơi tối tăm, bởi anh giấu nén bạc của mình, khép kín chính mình, vì sợ hãi. Một Kitô hữu khép kín chính mình, giấu đi tất cả những gì Chúa đã ban cho người ấy như một Kitô hữu thì người ấy... không phải là một Kitô hữu! Người ấy là một Kitô hữu không biết tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho mình! Dụ ngôn này cho chúng ta biết thời gian mong đợi Chúa trở lại là thời gian để hành động - chúng ta đang trong thời gian hoạt động - thời gian để làm cho các hồng ân của Thiên Chúa được sinh hoa kết quả không phải cho mình nhưng cho Chúa cho Hội Thánh, cho những người khác, thời gian không ngừng tìm cách gia tăng sự tốt lành trên thế gian. Và đặc biệt là bây giờ, trong thời điểm khủng hoảng này, điều quan trọng là không khép kín nơi mình, chôn vùi tài năng của mình, những tài sản tinh thần, trí tuệ, vật chất, tất cả mọi sự mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng mở lòng ra, đoàn kết với và chú tâm đến tha nhân. Ở quảng trường hôm nay, tôi thấy có rất nhiều người trẻ, có đúng không? Có phải có rất nhiều người trẻ không? Họ ở đâu? Với các con, những người đang bắt đầu cuộc hành của cuộc đời các con, cha hỏi các con: Các con có nghĩ về những tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho các con không? Các con có nghĩ về cách các con dùng chúng để phục vụ người khác không? Đừng chôn vùi tài năng của các con! Hãy đầu tư chúng vào những lý tưởng cao cả, những lý tưởng mở rộng tâm hồn, những lý tưởng phục vụ, là những lý tưởng sẽ làm cho tài năng của các con sinh nhiều hoa trái. Cuộc sống không được ban cho chúng ta để chúng ta có thể khư khư giữ nó cho mình, nhưng được ban cho chúng ta để chúng ta cho lại. Các người trẻ thân mến, các con hãy có một tâm hồn quảng đại! Đừng sợ ước mơ những điều cả thể!
Sau cùng, một lời về đoạn phán xét chung, trong đó mô tả việc trở lại của Chúa, khi Người sẽ phán xét tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết (x. Mt 25:31-46). Hình ảnh được Thánh Ký sử dụng là hình ảnh của người mục tử tách biệt chiên ra khỏi dê. Bên phải là những người đã hành động theo Thánh Ý của Thiên Chúa, qua việc giúp đỡ những người lân cận đói khát, xa lạ, trần truồng, đau ốm, tù đày, tôi đã nói “người xa lạ”: Tôi nghĩ đến tất cả những người nước ngoài đang ở đây trong Giáo Phận Rôma; chúng ta đang làm gì cho họ? Còn bên trái là những kẻ đã không giúp đỡ những người lân cận. Dụ ngôn này nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được Thiên Chúa phán xét dựa trên đức ái, dựa trên việc chúng ta yêu Chúa trong anh em mình như thế nào, đặc biệt là những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Tất nhiên, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta được công chính hóa, chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng, một hành động của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa là điều luôn luôn đi trước chúng ta; một mình chúng ta không thể làm được gì. Đức tin trước hết là một hồng ân chúng ta đã nhận được. Nhưng để sinh hoa kết quả, ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi sự mở lòng, sự đáp trả tự do và cụ thể của chúng ta. Đức Kitô đến để mang lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ. Điều đòi hỏi nơi chúng ta là phải tín thác vào Người, để làm cho hồng ân của tình yêu của Người phù hợp với một cuộc sống tốt lành, với hành động được sinh động hóa bởi đức tin và tình yêu.
Anh chị em thân mến, chớ gì chúng ta không bao giờ sợ nhìn vào cuộc phán xét cuối cùng; thay vào đó nó phải thúc đẩy chúng ta sống trong hiện tại một cách tốt hơn. Trong lòng thương xót và kiên nhẫn của Ngài, Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian này để chúng ta có thể học mỗi ngày ngõ hầu nhận ra Ngài trong những người nghèo khổ và bé nhỏ, chớ gì chúng ta cố gắng làm điều tốt và chúng ta tỉnh thức trong cầu nguyện và trong tình yêu. Chớ gì Chúa, ở cuối cuộc đời và lịch sử của chúng ta, có thể nhận ra chúng ta là những đầy tớ tốt và trung thành. Cảm ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét