Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Từ Do-thái Giáo đến Kitô Giáo
Trong Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chọn dân Do-thái trước để sửa dọn con đường cho Đấng Cứu Thế đến; nhưng khi Đấng Cứu Thế đến, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả các Dân Ngoại. Điều này đã được đề cập tới nhiều lần trong sách các ngôn sứ; nhưng nhiều người Do-thái từ chối không tin Dân Ngoại cũng sẽ được hưởng ơn cứu độ như người Do-thái. Phaolô là một trường hợp điển hình: Vì quá nhiệt thành bảo vệ Lề Luật và truyền thống, ông đã xin giấy có đóng ấn chính thức để đi Damascus truy tố các Kitô hữu tại đó.
Các bài đọc hôm nay dẫn chứng sự liên tục từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Tuy có khó khăn, nhưng nhờ các nhà lãnh đạo biết cư xử khéo léo, nên đã giúp Giáo Hội sơ khai thoát khỏi những đáng tiếc và phát triển nhanh chóng. Trong bài đọc I, khi có sự tranh cãi về việc có nên bắt các tín hữu Dân Ngoại phải cắt bì, các nhà lãnh đạo đã họp Công Đồng đầu tiên tại Jerusalem để giải quyết vấn đề này. Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền mô tả một hình ảnh của Thành Jerusalem đến từ trời, là tập hợp của cả 12 chi tộc Israel của Cựu Ước lẫn tên của 12 tông đồ của Tân Ước. Thành Thánh vẫn có sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng không có Đền Thờ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Kitô trong thành. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu không còn ở với các môn đệ nữa; nhưng Ngài gởi Thánh Thần và bình an của Ngài xuống trên các ông. Thánh Thần sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và hướng dẫn con người tới sự thật toàn vẹn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều gì cần thiết nhất cho việc cứu độ?
1.1/ Phải chăng là việc cắt bì theo luật Moses? Trình thuật cho chúng ta thấy rõ vấn đề được tranh luận: “Có những người từ miền Judahđến dạy anh em rằng: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ." Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lênJerusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.” Phaolô có lẽ là người hiểu biết vấn đề này hơn ai cả, vì ông đã có kinh nghiệm bản thân bị té ngựa trên đường điDamascus. Hậu quả của việc té ngựa và mặc khải của Thiên Chúa dẫn Phaolô tới chỗ xác tín: “con người được trở nên công chính do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ Lề Luật” (Rom 3:28).
Để giải quyết vấn đề, các nhà lãnh đạo quyết định họp Công Đồng của Giáo Hội đầu tiên tại Jerusalem. Các đại biểu của các giáo đoàn địa phương cũng được mời về để cùng với các tông đồ giải quyết vấn đề. Theo trình thuật của Công Vụ Tông Đồ 15, sau khi các đại biểu nghe Phêrô, người lãnh đạo Giáo Hội, và Giacôbê, người lãnh đạo của Jerusalem, tỏ bày ý kiến; tất cả đều đồng ý các tín hữu Dân Ngoại không phải cắt bì như các tín hữu Do-thái.
1.2/ Kết quả của công đồng: Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ôngJudah, biệt danh là Barsabas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh. Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau: “Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."
2/ Bài đọc II:Thành Jerusalem chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.
2.1/ Đền Thánh Jerusalem mới: Khi tác giả Gioan viết Sách Khải Huyền, Đền Thánh Jerusalem cũ đã bị quân đội Rôma phá bình địa vào năm 70 AC. Từ đó đến nay, Đền Thánh Jerusalem vẫn chưa được xây dựng lại. Đền Thánh mà chúng ta thấy hiện nay là của người Hồi Giáo, họ gọi là Golden Dome. Người theo Do-thái Giáo chỉ còn lại bức tường phía Tây của Đền Thờ, gọi là Bức Tường Than Khóc. Sáng chiều họ có thói quen ra để than khóc và cầu xin cho có ngày Đền Thờ được xây dựng lại.
Thành Thánh Jerusalem được mô tả trong trình thuật hôm nay chỉ là kiểu mẫu mà tác giả thấy trong một thị kiến. Điều đặc biệt tác giả mô tả là thành Jerusalem mới vừa có “mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel;” vừa có “tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.”
2.2/ Hai điểm kỳ lạ:
(1) Thành không có Đền Thờ: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.” Thành cũ và thành hiện nay đều có Đền Thờ (của Hồi Giáo); nhưng thành mới trong tương lai không có Đền Thờ vì đã có sự hiện diện của Thiên Chúa, và của Đức Kitô.
(2) Thành không cần ánh sáng: “Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” Vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô là nguồn sáng rạng ngời trong thành; vì thế thành không cần chiếu soi bởi các nguồn sáng khác.
3/ Phúc Âm: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
3.1/ Yêu Chúa là giữ những gì Chúa dạy: Ngôn sứ Jeremiah 31:31-34 nêu bật những khác biệt giữa giao ước cũ và giao ước mới: Giao ước cũ dựa vào Lề Luật và đến từ bên ngoài, nên không đủ sức làm cho con người chu toàn những đòi hỏi của Lề Luật. Giao ước mới đặt căn bản trên tình yêu và đến từ bên trong, nên có sức mạnh giúp con người chu toàn những đòi hỏi của tình yêu. Đó là lý do Chúa Giêsu đòi hỏi: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” Theo Gioan, vâng lời là điều kiện đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu; và ai đã yêu mến là chu toàn mọi Lề Luật.
3.2/ Những điều Chúa Giêsu làm cho các môn đệ:
(1) Gởi Thánh Thần đến cho các ông: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” Hai điều chính yếu Thánh Thần sẽ thực hiện nơi các môn đệ: Thứ nhất, Ngài sẽ lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói khi còn sống trên dương gian. Nói cách khác, Ngài không tuyên bố những gì mới lạ mà Chúa Giêsu chưa tuyên bố cả. Nhiều người nghĩ khi được Thánh Thần soi sáng, họ sẽ nói những điều mới lạ mà con người chưa được nghe bao giờ. Để kiểm chứng những gì một người nói dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, chúng ta chỉ cần đối chiếu với Phúc Âm xem Chúa Giêsu đã nói những điều ấy chưa. Thứ hai, Thánh Thần sẽ hướng dẫn các tín hữu tới sự thật toàn vẹn. Có nhiều khía cạnh của sự thật, sự thật toàn vẹn không thể mâu thuẫn với nhau. Thánh Thần sẽ làm cho các tín hữu hiểu mọi khía cạnh của sự thật nghĩa là làm cho các khía cạnh của sự thật ăn khớp với nhau, không có gì mâu thuẫn cả.
Một điều quan trọng các tín hữu cần nhớ là họ đang sống trong triều đại của Thánh Thần; Ngài đang tiếp tục triều đại của Chúa Giêsu. Các tín hữu cần cầu nguyện với Ngài, nhất là những khi học hỏi Kinh Thánh và tìm hiểu sự thật.
(2) Bình an: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Bình an là một trong những món quà quí giá nhất Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ. Bình an của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với bình an của thế gian. Bình an của thế gian là sự vắng mặt của chiến tranh, lo lắng hay tranh chấp; trong khi bình an của Thiên Chúa hiện diện ngay trong chiến tranh, lo lắng và tranh chấp này. Bình an của Thiên Chúa chỉ có khi con người sống và sẵn sàng làm chứng cho sự thật; chứ không hy sinh sự thật để có sự bình an.
(3) Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha: “Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em." Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Người Do-thái và ngay cả các môn đệ không thể hiểu câu Chúa Giêsu nói: "Thầy ra đi và đến cùng anh em." Làm sao một người đã ra đi (đã chết) lại có thể trở lại với các môn đệ. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài hiện ra với các môn đệ nhiều lần trước khi về với Chúa Cha. Chỉ trong ánh sáng Phục Sinh, các môn đệ mới có thể hiểu điều này. Một điều làm rối tâm trí các môn đệ nữa là mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Là những người Do-Thái, các môn đệ chỉ tin một mình Thiên Chúa. Dù Chúa Giêsu đã mặc khải nhiều lần cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài; nhưng chỉ trong ánh sáng Phục Sinh, mối liên hệ này mới bắt đầu rõ ràng cho các môn đệ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài đã chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Khi Chúa Giêsu đến, Tin Mừng Cứu Độ được mở rộng ra cho mọi người.
- Khi cái mới hoàn hảo hơn đến, cái cũ và bất toàn sẽ phải nhường chỗ cho cái hoàn hảo hơn. Chúng ta đừng ngoan cố giữ lại những gì bất toàn trong Kế hoạch của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa không bao giờ để con người mồ côi, thời đại nào Ngài cũng lo liệu để chúng ta có Đấng Bảo Trợ hướng dẫn và chăm sóc chúng ta biết đường tìm đến sự thật.
- Sống theo sự thật của Thiên Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an thực sự trong tâm hồn; sự bình an mà không có quyền lực nào có thể cướp đi khỏi chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét