Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, NĂM C




 

Sách Tồng Đồ Công Vụ 2,1-11; Thư Thứ I Thánh Phaolô gửi Côrintô 12.3-7,12-13; hoặc Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8. 8-7 và Phúc Âm Thánh Gioan 20.19-23

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Tông đồ được ban ơn bình an, được nhận lãnh chính Chúa Giêsu Phục Sinh.

Tông Đồ được ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn thi hành sứ mệnh truyền đạo.

Tông Đồ được sai đi rao giảng tin mừng cho muôn dân và phát triển Giáo Hội Chúa Kitô ở trần gian.
II.        Vấn nạn P.Â.    
Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt biểu tượng của gió và hình lưỡi lửa trong ngày lễ Hiện Xuống.
            Kinh Thánh dùng nhiều biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần:
           
            Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng nước:
            Nước thanh tẩy có sức tái sinh trong Bí Tích rửa tội được mô tả trong thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 12.13.
            Nước cứu độ chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thủng như trong Phúc Âm Gioan 19. 34.
            Nước, máu và Thánh Thần hoà nhập làm thành nguồn ơn cứu rỗi như trong Thư Thứ I Thánh Gioan Tông Đồ 5.8

            Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng việc xức dầu Thánh:
            Chúa Kitô được gọi là Đấng Messia, tức Đấng được xức dầu, Đấng được nhận lãnh sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Xức dầu đồng nghĩa với Thánh Thần (Thư Thứ I Thánh Gioan 2,20,27 hay Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Côrintô 1,21)
            Xức dấu tấn phong và thánh hiến trong nghi thức truyền chức thánh.
            Xức dầu ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong Bí Tích Thêm Sức.



            Chúa Thánh Thần được trưng bằng hình chim câu:
            Trong các ảnh tượng Kitô giáo, hình chim bồ câu là biểu tượng truyền thống để chỉ Thánh Thần. Ông Nôe, sau lụt hồng thuỷ đã thả chim câu để thăm dò về sự sống trên mặt đất (Sáng Thế Ký 8. 8-12). Chúa Giêsu sau khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Thánh Thần với hình chim bồ câu đã đáp xuống trên Ngài (Matt.3.16)

            Chúa Thánh Thần được trưng bằng lửa:
            Lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi: Gioan Tẩy Giả loan báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3.16) Đức Giêsu cũng nói “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12. 49) Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ nhận Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa (Công Vụ 2.3-4) Hay như  trong Thư I Thánh Phaolô gửi Tessalonica khuyên “Anh chị em đừng dập tắt Thánh Thần”
( I Th.5.19)
     
            Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng gió:
            Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ đang hội họp với nhau thì nghe tiếng gió thổi mạnh, Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa xuống trên các ông và các Ông đầy Chúa Thánh Thần, mở toang cửa ra đi rao giảng tin mừng.
            Thánh Thần dịch từ tiếng Hy Lạp Cỗ Pneuma, có nghĩa là hơi thở, là thần khí là sức sống. Sau khi nắn đúc hình người xong, Chúa thổi hơi vào mũi và hình người bằng đất sét ấy thành vật sinh linh.
            Gió nhẹ nhàng, êm ái, có thể len lỏi vào mọi chỗ, mọi nơi. Nhưng gió cũng có thể thành bão tố phá sập tất cả những gì cản trở. Không quyền lực nào có thể cản trở sự phát triển của Giáo Hội.

            Chúa Thánh Thần còn được trưng bằng:
            Áng mây và ánh sáng như trong việc rợp bóng trên Đức Trinh Nữ làm cho Bà mang thai Chúa Cứu Thế (Lc 1.35) hay Khi Chúa biến hình trên núi Tabor (Lc 9, 34-35).
            Ấn Tín: dấu thuộc về Chúa Kitô cũng như ngày xưa những vua Chúa đóng ấn trên trán binh lính mình để họ muôn đời thưộc về và chiến đấu cho nhà vua của mình.
            Bàn tay: Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt tay như trong nghi thức truyền chức thánh hay ban Bí Tích Thêm Sức. (CV. 89. 17-19)
            Ngón tay:  Thiên Chúa dùng Thánh Thần như ngón tay của Ngài để viết lề luật trong tâm hồn con người (II Corintô 3.3)
Thánh Thần và Giáo Hội.
Đức Kitô thành lập Giáo Hội:
            Qua việc chọn gọi các tông đồ như những chủ chiên như trong Phúc Âm Gioan 21.16.
Qua việc rao giảng tin mừng cho dân chúng và qui tụ họ thành đàn chiên Chúa. Thấy dân chúng Chúa chạnh lòng thương xót vì họ như chiên không người chăn dắt (Matt.9.36)
Qua việc thành lập bí tích, ban sức sống cho đàn chiên như trong Matt.14.13-21; Matcô 6.31-44; Luca 9.10-17 và Gioan 6.5-15 mô tả việc hoá bánh ra nhiều, hình ảnh tiền trưng của bí tích Thánh Thể.
 Qua việc ban quyền tha tội và sai các tông đồ đi truyền đạo như trong Phúc Âm hôm nay.
Tuy nhiên, tông đồ Chúa đã tán loạn khi Chúa bị bắt và bị giết chết.
Các tông đồ Chúa vẫn còn ở trong phòng khoá cửa khi Chúa Phục Sinh.

Rồi Chúa Thánh Thần đến biến đổi toàn bộ:
Các Tông Đồ mở toang cửa và can đảm đi rao giảng tin mừng cho muôn dân.
Các tông đồ đã thực sự bắt đầu truyền giáo ngay từ ngày lễ ngũ tuần. Ba ngàn người đã xin chịu phép rửa tội trong ngày đó. Phêrô và các bạn ông không còn chối thầy, không còn sợ giới cầm quyền Do Thái nhưng hiên ngang làm chứng về Đức Kitô đã chết và đã phục sinh cho muôn dân nước. Tất cả các tông đồ chết vì đạo, khởi đầu là Phêrô và sau Phêrô, 39 Giáo Hoàng tiên khởi đều chết vì đạo. Những tác động đổi mới của Chúa Thánh Thần được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ, là quyển sách ghi lại công việc truyền giáo của các tông đồ.

Trong ý nghĩa nầy, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội. Giáo Hội còn tồn tại và sinh động cho đến ngày nay là công việc của Chúa Thánh Thần. Nên tu đức dạy chúng ta đọc kinh “cầu xin Chúa Thánh Thần” trước mỗi sinh hoạt đạo đức và tông đồ.

Bảy ơn Chúa Thánh Thần và Hoa quả của Chúa Thánh Thần

Thánh Ambrosiô (c. 340-397) , Giám Mục Thành Milan nước Ý cùng với các Thánh Giáo Phụ khác như Augustinô,  Giêrômêô và Grêgôriô cả đã liệt kê những đặc sủng thiêng liêng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta thường gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần như sau:


Ơn khôn ngoan (spirit of wisdom)
Ơn hiểu biết (spirit of understanding)
Ơn hướng dẫn (spirit of counsel)
Ơn sức mạnh (Spirit of strength)
Ơn kiến thức (Spirit of knowledge)
Ơn sốt sáng (Spirit of Godliness)
Ơn kính sợ Chúa (Spirit of Holy fear)

Ngoài ra chúng ta cũng nghe nói đến hoa quả của Chúa Thánh Thần được rút ra từ trong  các Thư  của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Roma 1.29-31, 13;13; Thư Thứ I gửi Giáo đoàn Corintô 6.9-10; Thư Thứ II gửi Côrintô 12.20; Thư gửi Galata 5.19-23 và Philipphê 4,8. Đó là:
Bác ái – Love – Caritas.
Vui mừng – joy – Gaudium.
Bình an – Peace – Pax
Kiên nhẫn – Patience – Longalimitas
Tử tế – Kindness – Benignitas
Lòng tốt – Goodness – Bonitas
Trung thành – Faithfulness – Fides
Dịu dàng – Gentleness – Mansuetudo
Tự chế - self-control – Contienentia

Chúng ta không quan tâm mấy đến ơn Chúa Thánh Thần hay hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Tuy nhiên đây lại là thước đo hay sự đánh giá về sự đạo đức chân thật của một con người. Nếu một linh mục dễ nóng giận, thích lớn tiếng quát tháo người khác thì phải hiểu là vị chủ chăn nầy thiếu bác ái, thiếu kiên nhẫn và thiếu lòng tốt với người khác. Nếu đã thiếu bác ái thì làm sao đáng gọi là kitô hữu.

III.            Thực hành P.Â.:

Tôi tin: Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội
Giáo Hội được gọi là Hội Thánh:
Đấng sáng lập là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, là Đấng Thánh.
Bao gồm những người được rửa tội và hành trình về thiên đàng là nơi thánh.
Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng những thức ăn thánh là lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cũng như các bí tích.
Hội thánh được chăm sóc bởi những chủ chiên là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và linh mục là những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh.

Nhưng Giáo Hội hay Hội Thánh là một tổ chức trần thế. Nên không thiếu những tì vết của tội lỗi. Giáo Hội đã bị bách hại cũng như đã tranh đấu trường kỳ để nên thánh, để độc lập khỏi những thế lực trần gian.

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội có thần quyền và bị thế quyền tức hoàng đế La Mã bách hại. Như trên đã nói về 40 Giáo Hoàng tiên khởi đều bị giết chết vì đạo.

Nhưng đến năm 325, dưới thời hoàng đế Constantine Cả, Ông có thị kiến về hình thánh giá với chữ XP, trong tiếng Hy Lạp là CHI-RHO có nghĩa là Christ, Chúa Kitô. Ông đã cho khắc vào cờ của quân đội và đúng như lời tiên báo IN HOC SIGNO VINCES, cứ dấu nầy, ngươi sẽ chiến thắng. Ông chiến thắng quân thù vẻ vang nhờ hình thánh giá và ông đã cho phép toàn đế quốc theo đạo và ủng hộ việc truyền đạo rất mạnh mẽ.
Bắt đầu thời cực thịnh của Giáo Hội với sự yểm trợ của thế quyền. Nhưng rồi thần quyền bị thế quyền thao túng dần. Các Đức Giáo Hoàng thành vua trên các vua và bị lèo lái bởi thế lực chính trị. Nên có lúc, toà thánh Rôma và các Giáo Hoàng đã bị lưu đày sang Avignon ở Pháp từ 1305-1378 để tránh sự theo túng của các Giáo Hoàng giả.

Ngày 11 tháng 2,1929 giữa đại diện toà thánh Vatican, Hồng y quốc vụ khanh Pietro Gaparri dưới thời Đức Thánh Cha Piô XI và Benito Mussolini đã ký hoà ước Lateran để thoả thuận việc nhìn nhận Vatican, một quốc gia độc lập với các thế lực chính trị.

Càng ngày Giáo Hội Công Giáo và cụ thể là Vaticanluôn củng cố thần quyền của mình và tránh mọi lệ thuộc chính trị. Thí dụ Vatican không là thành viên của Liên Hiệp Quốc mà chỉ là quan sát viên thường trực. Vatican sẵn sàng huỷ bỏ những bổ nhiệm nếu khám phá ra những thủ đoạn chính trị tiềm ẩn bên trong. Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã phải xin từ nhiệm chức tổng Giám Mục Warsaw chỉ một giờ trước thánh lễ nhậm chức ngày 8 tháng 1, 2007. Vì Ngài bị tố giác làm gián điệp cho chế độ cộng sản. Tôi thật sự tin: Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội.

Niềm tin nầy càng vững mạnh hơn qua việc Đức Thánh Cha Phanxicô làm Giáo Hoàng, làm chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Ngài đạo đức, đơn sơ và giàu lòng nhân ái. Chúa Thánh Thần đã canh tân bộ mặt Giáo Hội. Giáo Hội thành dễ thương và gần gũi với nhân loại hơn bao giờ hết. 

            Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét