LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 7 TN1, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các đức tính cần có của nhà lãnh đạo tinh thần.
Rất nhiều người muốn làm lớn để ra lệnh cho người khác, để được mọi người biết tới, và để mọi người hầu hạ mình. Điều này có thể áp dụng với những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, hay kinh tế; nhưng không được áp dụng cho những nhà lãnh đạo tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã dạy bảo các môn đệ: "Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không được như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lk 22:25-26).
Các Bài Đọc hôm nay liệt kê những đức tính cần có của người lãnh đạo. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đức Huấn Ca liệt kê những đức tính quan trọng mà nhà lãnh đạo tinh thần phải có như: sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, kiên nhẫn trong đau khổ, bền lòng trông đợi kết quả, và nhất là tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các tông đồ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Chúa Giêsu làm gương bằng cách rửa chân cho các ông, và chấp nhận gian khổ của con đường Thập Giá để đưa mọi người về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những đức tính cần có của nhà lãnh đạo tinh thần.
(1) Phục vụ cho một lý tưởng: Nhà lãnh đạo tinh thần có một lý tưởng cao đẹp là đưa con người tới Thiên Chúa. Mục đích này luôn phải là ngọn đèn soi sáng cho mọi việc làm của nhà lãnh đạo. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng.” Không giống như những nhà lãnh đạo thế gian mà phần thưởng của tài năng lãnh đạo được đo lường bằng uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; nhà lãnh đạo tinh thần trông đợi phần thưởng của Thiên Chúa ở đời sau, và niềm vui có được ở đời này khi thấy mọi người tin tưởng vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô so sánh 2 phần thưởng như sau: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.”
(2) Can đảm lãnh nhận và vượt qua mọi thử thách: Lãnh đạo tinh thần đòi phải hướng dẫn con người, mà con người có nhiều tính khí và sở thích khác nhau; vì thế, các nhà lãnh đạo phải đương đầu với rất nhiều thử thách, và phải kiên nhẫn trình bày sự thật và thuyết phục con người theo lý tưởng của mình. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.”
Ngòai ra, thử thách còn được dùng để đào tạo đức tính, như Thánh Phaolô nói: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rom 5:3-4).
(3) Kiên trì chịu đựng gian khổ: Để có thể thành công, nhà lãnh đạo còn phải kiên trì chịu đựng đau khổ cho vinh quang Nước Chúa và lợi ích của tha nhân. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ… Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.”
(4) Vững lòng tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa: Vì niềm tin nơi Thiên Chúa và hy vọng vào những gì Ngài đã hứa là hai rường cột của nhà lãnh đạo tinh thần, nên họ không bao giờ được đánh mất niềm tin và rơi vào thất vọng. Tác giả khuyên: “Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót.”
Thiên Chúa trung thành thực hiện những gì Ngài đã hứa. Để dẫn chứng, tác giả Sách Đức Huấn Ca mời gọi: “Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem: nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ? Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi? Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể? Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.”
2/ Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu phải phục vụ mọi người.
2.1/ Lãnh đạo bằng hy sinh mạng sống cho người khác.
(1) Chúa Giêsu dạy một đường: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây chính là “bí mật của Đấng Thiên Sai” theo Marcô. Khác với hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người Do-Thái thêu dệt lên theo truyền thống: Ngài sẽ làm những phép lạ lớn lao, sẽ dùng uy quyền để tiêu diệt các thế lực ngọai bang, và lên ngôi cai trị khắp bờ cõi trái đất. Chúa Giêsu mặc khải cho các tông đồ kế họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Ngài sẽ chấp nhận con đường đau khổ để cứu độ con người, không phải giải thóat con người khỏi cảnh nô lệ của ngọai bang; nhưng là giải thóat con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
(2) Các ông hiểu một nẻo: Marcô tường thuật phản ứng của các môn đệ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” Các ông không hiểu vì các ông đã quá quen với hình ảnh của Đấng Thiên Sai theo truyền thống. Các ông sợ không dám hỏi Chúa, có thể vì các ông sợ khi phải đối diện với sự thật: Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ và bị giết chết.
Điều này được sáng tỏ hơn qua những gì mà các tông đồ bàn cãi dọc đường. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Vẫn hy vọng vào một Đấng Thiên Sai có thế lực quân sự, nên các ông bàn cãi với nhau xem ai sẽ là nhân vật thứ hai sau Chúa Giêsu khi Ngài lên ngôi cai trị.
2.2/ Lãnh đạo bằng phục vụ: Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nhà lãnh đạo tinh thần khác với nhà lãnh đạo quân sự, và tiêu chuẩn để làm người lớn nhất trong vương quốc của Thiên Chúa cũng khác với tiêu chuẩn của vương quốc trần gian: Họ phải trở nên rốt hết và phục vụ mọi người. Để dẫn chứng, Chúa Giêsu dạy họ phải phục vụ những người nhỏ, những người không có gì để đền trả, và Ngài nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không phải ai cũng có thể lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được huấn luyện để có những đức tính cần thiết trước khi có thể lãnh đạo.
- Không phải chỉ có các cha mới là những người lãnh đạo tinh thần, cha mẹ cũng là những nhà lãnh đạo trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu, cha mẹ cũng phải lãnh đạo bằng hy sinh, chịu đựng gian khổ để phục vụ con cái.
- Phần thưởng của những nhà lãnh đạo tinh thần không phải là những lợi nhuận vật chất, nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui khi thấy mọi người tin vào Thiên Chúa.
LM.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét