Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

LỜI CHÚA MỖI NGÀY Lễ Thánh Philip và Giacôbê, TĐ






LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Philip và Giacôbê, TĐ (Ngày 3 tháng 5)
Bài đọc: 1 Cor 15:1-8; Jn 14:6-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhờ Tin Mừng, anh em được cứu thoát.

Philip là người cùng quê quán với Phêrô và Anrê, sinh ra tại Bethsaida(Jn 1:44). Ông cũng là một trong số những người theo John Baptist khi ông này chỉ vào Đức Kitô và giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!” Sau khi gọi Phêrô, Chúa Giêsu gặp Philip và gọi ông theo Ngài làm môn đệ với hai tiếng truyền đơn giản “Hãy theo Ta.” Philip vâng lời đáp trả tiếng gọi, và sau đó ông mang Nathaniel đến giới thiệu với Chúa và cũng trở thành môn đệ của Ngài (Jn 1:43-45). Philip có tên trong danh sách của Nhóm Mười Hai, tên của ông đứng hàng thứ năm trong danh sách, sau Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê (Mt 10:2-4; Mk 3:14-19; Lk 6:13-16). Tin Mừng Thứ Tư tường thuật ba biến cố liên quan tới Philip (Jn 6:5-7; 12:21-23; và trình thuật hôm nay 14:8-9). Ba biến cố này cho chúng ta cái nhìn tổng quát về Philip: ngây thơ, xấu hổ, và hơi bi quan.
Thánh Giacôbê chúng ta mừng hôm nay được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Giacôbê con ông Alpheus để phân biệt với Giacôbê con ông Zebedee (Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13), anh của Gioan; Giacôbê nhỏ để phân biệt với Giacôbê lớn (Mt 27:56); Giacôbê, anh em với Chúa (Mt 13:55; Mk 6:3; Gal 1:19). Không một chút nghi ngờ, ông cũng được nhắc tới trong Thư Galat sau đó (2:2, 9; Acts 12:17, 15:13, 21:18; 1 Cor 15:7). Ông cũng là Giám-mục đầu tiên củaJerusalem (Acts 15 và 21), mặc dù ý kiến này cũng bị nhiều người phản đối.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ.

1.1/ Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết "khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!" Sau đó, ông được sai tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.

1.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn ban cho ông đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: "tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa." Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi."

1.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: "Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy."

2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.

2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông-đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tin Mừng của Đức Kitô cần được học hỏi cẩn thận trước khi rao truyền cho mọi người. Nếu có sự mâu thuẫn, chúng ta cần khiêm nhường tìm hiểu và sửa chữa cho đúng sự thật.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét