Thư gửi Satan
Kẻ
Thù Số Một Của Lòng Thương Xót
Anh Satan,
Thú thật tôi cũng cảm thấy bối rối không
biết xưng hô thế nào khi viết cho anh lá thư này. Gọi là “mày-tao” thì khó nghe
quá; gọi là “ta-mi” thì trịch thượng quá. Tôi chẳng biết anh thuộc giới nào,
chỉ biết dân gian gọi những người gian ác là “đồ quỷ sứ”; những người chuyên
làm khổ người khác là “đồ quỷ ám”; những người đàn bà dữ dằn làm chuyện suy đồi
bị gán là “quỷ cái”; những đứa con ngỗ nghịch bị mắng là “thằng quỷ”; rồi thì
“đen như quỷ”; “xấu như quỷ”; có khi còn... “đông như quỷ” nữa! Tóm lại những
gì xấu xí nhất, tồi tệ nhất, gian ác nhất thì đó thuộc về Satan. Như thế làm
sao tôi dám xưng “tôi-anh”, làm bạn với anh được? Mà tôi cũng không bao giờ
“thoả hiệp” trong cái gọi là “liên minh ma quỷ” để được anh “nương tay” hay dễ
dãi với tôi đâu. Bóng tối và ánh sáng không thể đứng chung trong một chiến
tuyến phải không anh? Thế nhưng từ giờ cho đến khi Chúa đặt mọi kẻ thù dưới
chân, Chúa vẫn cho phép anh hoạt động để thử luyện con người, cho nên bây giờ
vẫn còn “tranh tối tranh sáng”, anh vẫn còn tìm mọi cách len lỏi vào giữa con
cái ánh sáng để lôi kéo họ về phía anh. Trong lá thư này tôi muốn “vạch mặt chỉ
tên” cho mọi người thấy “bộ mặt thật” của anh khi đối chiếu bóng tối trong anh
với ánh sáng thật nơi Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng Satan,
kẻ thù của lòng thương xót.
·
“Người
ta sống không nguyên bởi bánh…”
Tôi
biết anh rất tinh ranh khi đưa ra chiêu bài “có
thực mới vực được đạo” và người ta đã lọt lưới của anh nên thường dựa vào
câu này để chạy theo chủ nghĩa duy thực. Phải lo cho cái bụng trước rồi mới
nghĩ đến chuyện kinh kệ lễ lạy. Không có tiền thì làm được cái gì? Thế là người
ta lao vào kiếm tiền, mua sắm. Làm bao nhiêu sắm sửa hết bấy nhiêu. Làm ngày
không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ. Đi làm về mệt lăn ra ngủ, còn
giờ đâu mà đi lễ Chúa Nhật, giờ đâu mà đọc kinh cầu nguyện, sức đâu mà tham gia
hoạt động Công giáo tiến hành... Người ta cứ khất lần, khi nào đời sống vật
chất đầy đủ sẽ lo đời sống tâm linh. Nhưng thực tế có thực rồi có vực được đạo
không? Bằng chứng là ở những nước văn minh tiến bộ, đầy đủ của cải vật chất
nhưng các nhà thờ càng ngày càng vắng, có nơi phải đóng cửa. Số giáo dân không
tăng. Ơn gọi cũng không còn nữa. Đời sống vật chất càng cao thì đời sống đạo
càng đi xuống. Chiêu này của anh thành công rồi đó!
Anh còn tinh ranh hơn khi cho xây thật
nhiều tụ điểm vui chơi giải trí, ca nhạc, cửa hàng ăn uống, nhảy nhót, có tiền
mặc sức tiêu pha, đủ món ăn chơi, kiểu nào cũng có... Người ta chỉ lo hưởng
thụ, tìm thoả mãn nhu cầu vật chất, không còn chăm chút đời sống tâm linh nữa.
Anh chẳng cần cấm đạo, người ta cũng tự động bỏ đạo rồi.
Chúa nói: “Không ai có thể làm tôi hai
chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà yêu
chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt
6,24). Thế mà người ta đâu có nghe. Anh dụ người ta rằng “có tiền mua tiên cũng
được”. Anh cứ cho người ta ảo tưởng “tiền là Tiên là Phật” rồi người ta chạy
theo tiền mà bỏ Phật bỏ Tiên. Thậm chí ngày nay họ ví von: “ông Tiền, ông Bụt,
ông Tiên. Ba ông chụm lại ông Tiền cao hơn”!
Satan, tôi không bị hoả mù bởi chiêu này
của anh đâu. Này nhé, chỉ những người bị đồng tiền của anh làm mờ mắt cho nên
mới không nhận ra rằng:
Tiền mua được thuốc men, đâu có mua được
sức khoẻ.
Tiền mua được bằng cấp, đâu có mua được
kiến thức.
Tiền mua được tình dục, đâu có mua được
tình yêu.
Tiền làm được việc đạo đức, đâu có làm nên
lòng đạo đức.
Tiền xây được đền thờ
vật chất, đâu có xây được đền thờ tâm hồn.
Tiền mua được chiếc áo
dòng, đâu có làm nên thầy tu chân chính.
Tiền mua được sách kinh, đâu có làm nên
kinh nguyện.
Tiền mua được chức
tước địa vị, đâu có mua được nước Thiên Đàng.
Tiền mua được bức tượng
Chúa Thương Xót, đâu làm cho người ta có lòng thương xót!
Cũng may mà Chúa chưa cho anh thấy rằng cây
đinh đóng vào gỗ, càng bị đóng mạnh bao nhiêu thì càng chắc bấy nhiêu. Đạo cũng
thế, càng cấm đoán càng chắc niềm tin. Máu tử đạo sinh Đạo mà, anh không biết
sao?
Anh sợ Đạo phát triển nên tìm mọi cách để
cấm đoán, ngăn cản. Anh lầm rồi, không có đền thờ vật chất nguy nga thì chúng
tôi lo trau dồi đền thờ tâm hồn. Chúng tôi họp nhau trong những láng tranh nhà
bạt để cầu nguyện âm thầm mà sốt sắng. Không cho phép tổ chức hình thức bên
ngoài thì chúng tôi càng đi sâu vào đời sống nội tâm. Anh không thấy khi người
ta mạnh khoẻ ăn nên làm ra, cuộc sống tự do dư đầy có mấy người nghĩ đến Chúa,
chợt khi đổ bệnh nằm liệt, làm ăn thất bại thua lỗ, bị mọi người bỏ rơi, không
còn bấu víu vào ai được nữa, lúc đó họ mới tỉnh ngộ mà quay về với Chúa đó sao?
Đạo không phát triển bề nổi sẽ đi vào chiều
sâu, sẽ trở về nguồn với Lời Chúa như ngôi nhà xây trên đá chắc vững vàng, anh
có làm cách nào cũng chẳng phá nổi, đúng như Chúa nói “quỷ địa ngục cũng
không phá được” (Lc 16,18).
Anh cám dỗ tôi bằng
cách tạo mọi điều kiện dễ dàng cho tôi xây cất. Thế là tôi lao vào kiếm tiền
làm nhà thờ, làm nhà dòng. Cả năm trời không có thì giờ chăm sóc con chiên. Đến
khi tôi làm được cái “chuồng chiên” khang trang thì trong chuồng không còn con
chiên nào nữa. Đàn chiên bơ vơ không người chăn đã tản mát đi các nơi khác hết
rồi. Họ như “rắn mất đầu”, hoặc có đầu cũng như không! Đền thờ tâm hồn của các
con chiên bị tôi bỏ rơi đã trở thành hoang phế. Anh đứng vỗ tay cười hả hê.
Anh cám dỗ tôi bằng cách cho tổ chức lễ hội
liên hoan tưng bừng, rước sách kèn trống cờ quạt ngập trời, đi nghênh ngang
ngoài đường phố mà chẳng cần phép tắc gì cả. Riết rồi đạo chúng tôi chỉ còn
hình thức, lễ hội tốn kém, dân phải đóng góp nặng nề sẽ chán chường bỏ cuộc.
Người ngoại đạo thấy chúng tôi rước sách kèn trống rầm rộ ồn ào, lấn chiếm lòng
lề đường, cản trở giao thông sẽ có ác cảm không muốn theo đạo chúng tôi nữa.
Anh cám dỗ cho người trẻ đi tu càng nhiều
càng tốt, không hạn chế số người, cũng chẳng cần điều kiện gì cả, vì đó là con
đường tiến thân đổi đời. Họ sa chước cám dỗ khi anh dụ họ cố gắng chịu đựng
trong thời gian thử luyện, đợi đến khi ra trường, khấn trọn, chịu chức rồi tính
sau. Lúc đó họ sẽ tranh hơn tranh thua với nhau, tranh giành ngôi thứ. Kết quả
là những người gọi là “dâng mình cho Chúa” chỉ có số lượng mà không có chất
lượng, chỉ là những kẻ chăn thuê chứ không phải là người chăn chiên đích thực.
Những người lãnh đạo tinh thần mà như thế thì anh chẳng cần cấm, đạo cũng tan.
Anh không đánh mà thắng, bất chiến tự nhiên
thành. Satan ạ! Anh quỷ quyệt thật! Nhưng anh đừng mừng vội.
Anh cám dỗ tôi thì được chứ anh đâu thắng
nổi Chúa của tôi. “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu
ma quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy
đói. Khi ấy tên cám dỗ đến gần Người và nói: ‘Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì
truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!’. Nhưng Người đáp: ‘Đã có lời chép
rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên
Chúa phán ra” (Mt 4,1-4).
Anh cám dỗ người ta rằng nhiều tiền lắm của
là có phúc. Chúa của tôi nói “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước
Trời là của anh em” (Lc 6,20). Anh thúc giục người ta làm giàu bằng bất cứ
cách nào vì người nghèo luôn bị mọi người rẻ rúng coi thường, người giàu đi đâu
cũng được ưu tiên, trọng vọng. Chúa Giêsu cảnh báo chúng tôi: “Những người
có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao... Con lạc đà chui qua lỗ kim còn
dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,23.25).
Đức Giáo hoàng Phanxicô của chúng tôi bây
giờ cũng theo sát chân Thầy Giêsu khi bày tỏ khao khát ấy với giới báo chí ngày
16.3.2013 tại hội trường Phaolô VI: “Tôi mong muốn biết bao một Giáo Hội
nghèo...”. Giáo Hội không chỉ là Giáo Hội của người nghèo mà người nghèo
chính là Giáo Hội, và người đứng đầu trong Giáo Hội đã thực sự sống nghèo ngay
trước khi làm Giáo hoàng.
Không tin anh cứ đọc cuốn tiểu sử đầu tiên
của Đức Giáo hoàng Phanxicô với tựa đề: “Phanxicô, vị Giáo Hoàng của người
nghèo” dày 200 trang, của nhà báo Andrea Tornielli, đã phát hành tại Pháp ngày
12.4.2013. Tác giả viết về sự đơn sơ khó nghèo của Đức Phanxicô: “Đức
Bergoglio tiếp tục trú ngụ tại giáo xứ, đích thân thăm viếng các linh mục đau
yếu, ở lại nhiều giờ với các ngài bên giường bệnh trong bệnh viện. Lúc đầu,
ngài từ chối sống trong toà tổng giám mục sang trọng ở Olivos mà ngụ trong một
căn hộ nhỏ hơn. Sau đó ngài chịu đến ở trong một phòng ngủ khiêm tốn trong toà
nhà. Ngài vẫn thích nấu ăn cho khách của mình và không thấy ngại ngùng khi rửa
chén bát. Ngài tiếp tục di chuyển bằng xe buýt hay bằng tàu điện ngầm. Các cư
dân của thủ đô quen thấy và quen gặp ngài như thế. Ngài ăn mặc đơn sơ...”
Và tác giả kết luận: “Tất cả rồi sẽ phải làm quen với phong cách của một vị
Giáo hoàng thích đi xe buýt chung với các hồng y hơn là sử dụng chiếc xe công
cụ bề thế. Phong cách của một Giám mục Rôma, mặc cho nhiệm vụ mới của mình, vẫn
muốn thay đổi càng ít cách sống và cách làm chứng cho Tin Mừng của mình. Vì thế
mà một số tráng lệ và một số nghi thức bỗng chốc xem ra như thuộc về một thời
đại đã qua...”
Diễn từ của ĐGH Phanxicô
tại đại sảnh ĐGH Phaolô VI ngày 16/05/2013 đã nhắc các giám mục và
linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ, để có thể trở nên mục tử
hữu hiệu, “Nếu chúng ta đi với
người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô. Chúng ta sẽ trở thành
chó sói, chứ không phải người chăn chiên.”
Trong bài giảng ngày 15/5
tại nguyện đường thánh Marta, ĐGH Phanxicô lập đi lập lại lời nguyện
dành cho các giám mục và linh mục, “chúng
ta chỉ là con người và chúng ta là kẻ có tội. Chúng ta đang chịu cơn
cám dỗ.” ĐGH trích dẫn chú giải của thánh Augustin về tiên tri
Êzêkien, cảnh báo cám dỗ về sự giàu có đối với các giám mục và
linh mục rời xa dân, lo kinh doanh và dính bén tiền bạc.
ĐGH nhấn mạnh “khi một linh mục, giám mục tìm kiếm
tiền tài, dân sẽ không còn yêu mến ngài, và đó là dấu hiệu ngài sẽ
kết thúc trong đau buồn.” Một giám mục hay linh mục “đi trên con đường phù vân” là người
đang dấn bước vào con đường tham vọng, và điều này làm tổn thương
giáo hội rất nhiều. Những người như thế biểu hiện tính lố lăng, ngạo
mạn, thích phô trương, ham quyền lực…Và dân không ưa gì điều đó!”
Satan ơi, với Đức Giáo hoàng này thì anh
thua chắc rồi. Chiêu bài “có thực mới vực
được đạo” của anh bị phá sản rồi nhé. Người đứng đầu Giáo Hội mà mong muốn
một Giáo Hội nghèo, không chỉ mong muốn mà thực sự sống nghèo như vậy thì những
người trong Giáo Hội, đàn chiên do ngài chăm sóc làm sao mà dám sống giàu có xa
hoa ngược với Tin Mừng, ngược với người chủ chăn của mình được, đúng không anh?
·
“Ngươi
phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi...”
Satan, anh lì thật đấy. Thua keo này anh
bày keo khác. “Sau đó, quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ
cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và
bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’.
Đức Giêsu liền nói: ‘Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái
lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”
(Mt 4,8-10).
Đây thật là một “lời đề nghị khiếm nhã” và
anh bị Chúa của tôi tống cổ đi như đã nói với Phêrô: “Satan, lui lại đàng
sau Thầy! Anh cản lối Thầy” (Mt 16,19). Ai đời anh dám đề nghị Chúa cả trời
đất sấp mình thờ lạy anh chỉ để đổi lấy vinh hoa lợi lộc các nước thế gian. Anh
không biết tất cả thế gian này đều thuộc về Chúa, và cả vũ trụ này là do Chúa
tạo thành hay sao mà dám đề nghị như thế?
Nói thật với anh, tuy lời đề nghị ấy có vẻ
khiếm nhã nhưng nó hấp dẫn thật đấy, phải nhận là rất hấp dẫn. Anh đã đánh
trúng tim đen của chúng tôi. Danh-lợi-thú là những bửu bối anh đem đi đánh đâu
thắng đó. Ai mà không hám danh. Ai mà không ham lợi. Ai mà không có cái “tôi”
to đùng! Người ta sẵn sàng tìm mọi cách, dùng mọi phương tiện để đạt được cái
“bả” vinh hoa phú quý danh vọng do trần gian ban tặng. Người ta bán rẻ lương
tâm, bán đứng anh em để đạt được nấc thang danh vọng, và bán cả lời thề hứa của
mình để thoả mãn thú tính khi không còn làm chủ được mình nữa. Họ quên mất lời
Thánh Phaolô căn dặn “phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ...”
(Gl 6,1) và “những kẻ muốn làm giàu thì sa chước cám dỗ và nhiều ước muốn
độc hại; đó chính là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt
tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì
buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi
đớn đau xâu xé” (1Tm 6,9-10).
“Lời đề nghị khiếm nhã” của anh đánh trúng
vào máu háo danh nơi con người. Chúa nói “Khi làm việc lành phúc đức, anh em
phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ
chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng
có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường
và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần
thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm để
việc anh bố thí được kín đáo...” (Mt 6,1-4).
Tôi cũng nghe lời Chúa “không cho tay trái biết”, nhưng muốn cho cả làng nước biết, vì anh
cám dỗ tôi rằng “Tội gì mà mặc áo gấm đi
đêm? Nếu không rao tên lên, không khắc tên vào bia đá, không có bằng khen...
thì ai biết mình là ân nhân, ai mời mình đi dự lễ hội, ai đón tiếp mình, ai
dành chỗ ưu tiên cho mình... Hoặc giả không rao tên, không có chế độ ưu đãi thì
đâu có ai chịu đóng góp. Mình phải đánh vào thị hiếu của người dân chứ, nếu cứ
như anh thì có vào rừng mà ở !”
Của đáng tội, cái gì xấu xa người ta cũng
đổ cho anh. Vẫn biết việc của anh là cám dỗ lôi kéo người ta phạm tội, nhưng
người ta không chịu tỉnh thức, như lời Thánh Phêrô căn dặn: “Anh em hãy sống
tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo
quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr
5,8-9a), họ cứ vô tư phạm tội rồi đổ vấy lên cho anh, đổ lỗi do “cơ chế”, do
“hoàn cảnh”, do “thời thế”, do “ma đưa lối quỷ dẫn đường”!
·
“Satan,
kẻ thù của lòng thương xót…”
Anh hù doạ người ta rằng Thiên Chúa là Đấng
Chí Công sẽ trừng phạt những kẻ có tội, sẽ ném vào hoả ngục tất cả những ai lỗi
nghĩa cùng Chúa. Ai không tuân giữ giới răn sẽ bị ném vào nơi khóc lóc nghiến
răng, bị lửa hoả ngục thiêu đốt đời đời. Tội nhân không có hy vọng được tha
thứ, có quay đầu trở lại cũng vô ích. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga
4,4.14) được anh giới thiệu như một “ông kẹ” không hề mảy may xúc động
khi hối nhân kêu cầu xin tha thứ. Một Thiên Chúa không làm gì khác hơn là như
công an chỉ rình chờ con người sai lỗi để làm biên bản phạt vạ và trừng trị
đích đáng. Rốt cuộc người “tay lỡ nhúng chàm” chẳng sao mà tẩy rửa được. Anh
không cho kẻ phạm tội bất cứ cơ hội nào để chuộc lại lỗi lầm của mình. Anh
thẳng tay loại trừ họ. Tội nghiệp Thiên Chúa của chúng tôi bị anh bóp méo cách
trắng trợn và thê thảm.
Trong khi Chúa của tôi là Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv
135,1), vẫn luôn “hiền lành và khiêm
nhường” (Mt 11,29), là “bạn bè với
những quân thu thuế và tội lỗi” (Lc 15,1) và đến “để tìm và cứu chữa những gì đã mất” (Lc 19,10).
Chúa không bao giờ loại trừ ai, cho dù
người đó có tội lỗi đến thế nào chăng nữa. Anh thấy hai tên trộm cùng chịu đóng
đinh với Chúa trên thập giá không. Đã là trộm thì có tên nào lành? Vì là người
lành thì chẳng ai đi ăn trộm để bị kết án tử hình như thế. Anh đã tóm được tên
trộm bên trái vì hắn nghe lời dụ dỗ của anh mà nhục mạ và thách đố Chúa: “Ông không phải là Đấng Kitô sao?
Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23,39b). Thế nhưng anh bị
sổng mất người bên phải khi anh ta nhìn nhận tội lỗi của mình “chúng ta chịu
như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm...”. Rồi anh ta van xin
lòng thương xót của Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ
đến tôi!”. Rõ ràng lòng thương xót thắng hận thù, anh bị thua vào phút cuối
khi Chúa nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi
trên Thiên Đàng” (Lc 23,41-43).
Anh cám dỗ tôi khi nói rằng: Tội gì mà xót
thương ai? Mình xót thương người khác rồi ai xót thương mình? Lòng xót thương
là một thứ hàng xa xỉ hiếm có trên trần gian này rồi. Trong một xã hội mà trái
tim người ta đã bị xơ cứng, thái độ sống “vô
cảm” trở thành bình thường, thì những người xót thương người khác chỉ thiệt
vào thân, và anh dẫn chứng trong thực tế những người “thật thà thì thua thiệt. Lươn lẹo lại lên lương”.
Tôi đã sa chước cám dỗ của anh khi về hùa
với anh mà kết án và loại trừ anh em mình, khi không chịu tha thứ cho anh em,
khi không cho anh em một con đường sống, khi không thực thi lời Thánh Phaolô: “Anh
em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền lành và nhẫn nại. Hãy chịu
đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều phải trách móc
người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ
cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em
phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
Tôi cũng sẽ “sập bẫy” của anh khi không
chịu nổi những khó khăn thử thách, rồi nghe anh xúi bậy làm càn chỉ để thoả mãn
chút tự ái cá nhân. “Tội gì mà nhịn? Nhịn
là nhục”, “làm cho họ biết mặt” “cóc cần”, rồi vội vàng quyết định chia
tay, li dị, xuất tu, bỏ Dòng, nổi loạn... những việc làm do anh xúi bẩy chẳng
có chút xót thương nào trong đó.
Satan ơi, anh là “kẻ thù số một của lòng Chúa thương xót” như
Chúa đã nói cho Faustina biết: “Con hãy biết rằng Satan căm ghét con; nó căm
hờn mọi linh hồn, nhưng đặc biệt căm thù con, bởi vì con đã giật khỏi quyền
thống trị của nó quá nhiều linh hồn” (NK, 412). Anh rất ghét những ai đi
rao giảng về đề tài này, Faustina biết thâm ý đó : “Giờ đây tôi đã biết Satan căm ghét Lòng Thương Xót hơn bất cứ điều gì
khác. Đó là cực hình đáng sợ nhất của nó. Tuy nhiên những khó khăn sẽ không thể
đè bẹp những công cuộc của Thiên Chúa, mà chỉ làm sáng tỏ đó là những công việc
của Người mà thôi.” (NK,764). Faustina đã chiến đấu với các thần dữ tăm
tối, chị nói : “Satan căm hờn với Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa khủng khiếp biết bao! Tôi thấy hắn chống đối toàn bộ
công cuộc này” (NK, 812). Mẹ Bề trên của Faustina cũng khẳng định : “Lòng Thương Xót Chúa vô cùng tốt đẹp và chắc
chắn đó là cộng cuộc vĩ đại của Thiên Chúa, vì thế Satan ra sức chống đối và
muốn phá hoại việc ấy” (NK, 1115).
Satan tìm mọi cách cản phá
công việc mà chính Chúa Giêsu nói với Faustina: “Con hãy công bố cho toàn
thế giới về lòng nhân lành khôn cùng của Cha. Con đừng chán ngại vì những khó
khăn con sẽ gặp phải khi rao truyền lòng thương xót của Cha. Những khó khăn này
sẽ làm cho con đau khổ nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là
bằng chứng cho thấy công việc này là của Cha (NK, 1142). “... Con hãy
nói với linh mục của Cha rằng các tội nhân cứng lòng cũng sẽ hối cải khi nghe
rao giảng về lòng thương xót của Cha, và linh mục nào rao giảng về lòng thương
xót của Cha sẽ được ân thưởng một thần lực kỳ diệu; Cha sẽ xức dầu những lời
của các ngài và đánh động tâm hồn những ai nghe lời các ngài rao giảng”
(NK,1521). “Cha ước mong các linh mục hãy rao giảng về lòng thương xót khôn
lường của Cha cho các tội nhân. Đừng để họ sợ hãi không dám đến gần bên Cha.
Những ngọn lửa xót thương đang bừng cháy trong Cha, kêu gào đòi được phân phát.
Cha muốn trào đổ cho các linh hồn này...” (NK,50).
Satan ơi, biết như thế nên anh
cám dỗ người ta đừng dại gì mà tin vào lòng thương xót của Chúa, đó chỉ là trò
đạo đức rẻ tiền, mị dân, mê tín... Cho nên Chúa Giêsu nói với Faustina: “Trái
Tim Cha sầu muộn vì ngay các linh hồn ưu tuyển cũng không hiểu biết về lòng
thương xót hải hà của Cha. Tình thân ái giữa họ với Cha dù sao cũng bị đầu độc
vì sự nghi ngờ của họ. Ôi, điều ấy đả thương Thánh Tâm Cha đau đớn biết bao! ”
(NK,379). Chúa than thở với chị: “Sự hoài nghi của các linh hồn đang xé nát
lòng Cha. Sự hoài nghi của một linh hồn ưu tuyển còn làm Cha đau đớn hơn nữa;
mặc dù Cha dành cho họ một tình yêu vô tận, nhưng họ vẫn không tín thác vào
Cha. Thậm chí cái chết của Cha vẫn không đủ đối với họ. Khốn cho linh hồn nào
lạm dụng những ân sủng này” (NK,50b).
Anh xuyên tạc, bóp méo sự
thật, tuyên truyền láo toét để không ai tin, anh hù doạ để không ai dám đi loan
truyền lòng thương xót của Chúa nữa, nhưng Chúa đã hứa chắc rằng: “Linh hồn
nào truyền bá việc tôn kính lòng thương xót của Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt cả
cuộc đời như người mẹ dịu hiền đối với đứa con nhỏ, và đến giờ lâm tử của họ,
Cha sẽ không là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ...” (NK,1075).
Satan này, Đức Thánh cha
Phanxicô là kẻ thù số một của anh đấy, vì lòng thương xót là chủ đề đặc biệt
của ngài trong những bài giảng và suy niệm. Anh làm được gì ngài không?
Chắc anh đã nghe Đức Thánh cha
nói với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại Quảng trường
Thánh Phêrô ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 2013: “Hãy luôn luôn tín
thác nơi lòng Chúa thương xót và đừng sợ hãi là Kitô hữu và sống như Kitô
hữu... Bình an thực sự, bình an sâu thẳm đến từ kinh nghiệm lòng xót thương của
Thiên Chúa...”. Và Đức Thánh cha mời gọi chúng tôi phải có lòng can đảm ra
đi loan báo Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã trao ban bình an, tình yêu thương cùng
sự tha thứ của Ngài với máu và với lòng thương xót của Ngài.
Trong buổi
triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 10.4.2013, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã nhắn nhủ chúng tôi mỗi ngày phải để cho Đức Kitô biến đổi mình
thành hình ảnh của Người, nghĩa là cố gắng sống là những Kitô hữu ngay cả khi
thấy những giới hạn và yếu điểm của mình. Chỉ qua việc hành xử như con cái
Thiên Chúa, không nản lòng vì những sa ngã và tội lỗi của mình, cảm thấy được
Ngài yêu thương, mà cuộc đời của chúng tôi được đổi mới, được sinh động hoá bởi
sự thanh thản và niềm vui.
Chúa Nhật IV
Phục Sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và cũng là Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi
lần thứ 50, trong Thánh lễ Truyền Chức linh mục cho 10 thầy phó tế tại Vương
cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của
sứ vụ linh mục: “Các con đừng bao giờ mệt mỏi tỏ lòng xót thương,
đừng xấu hổ khi phải ân cần với người cao tuổi. Hãy phân phát cho mọi
người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng nhận lãnh...
hãy luôn ghi nhớ mẫu gương của Người Mục tử Nhân
lành, Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, để tìm
kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Các con là mục tử chứ không phải công
chức. Là người trung gian chứ không phải môi giới”.
Đức Giáo
Hoàng không ngần ngại nói đến ma quỷ. Khi nói chuyện với một nhóm Hồng Y, ngài
nhắc nhủ họ “đừng lùi bước trước sự chua
xót và sự bi quan mà ma quỷ xô đẩy chúng ta mọi ngày”. Trong bài giảng
trong thánh lễ ngày 15 tháng 4 tại nguyện đường thánh Marta, Đức giáo hoàng đặc
biệt kết án những lời nói xấu, đó là “một
tội lỗi xấu xa hơn hết, vì nói xấu là hành vi trực tiếp từ quỷ Satan”, bởi
vì nó sinh ra từ lòng thù hận, ganh tỵ. Lòng thù hận ganh tỵ chính là Satan.
Satan ơi, tôi biết trong những lúc đau khổ,
bệnh tật, bị nghi ngờ, hiểu lầm, bị kết án oan trái, bị anh em loại trừ, làm ăn
thất bại, thất nghiệp, thất tình... là thời cơ thuận lợi nhất để anh ra tay đẩy
kẻ sa cơ thất thế đến bờ vực thẳm, muốn nổi loạn vì bất mãn, muốn buông xuôi
tất cả, co cụm mình lại không còn tin vào ai, rồi đi đến chỗ tuyệt vọng, không
còn tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nữa.
Thánh nữ Faustina theo lệnh của Chúa đã
viết trong cuốn “NHẬT KÝ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT NƠI LINH HỒN TÔI”, những kinh
nghiệm đó: “Vực thẳm khốn nạn của tôi lúc nào cũng hiện ra trước mắt. Mỗi
lần vào nhà nguyện để làm việc thiêng liêng, tôi lại trải qua những cực hình và
những cám dỗ ghê rợn hơn nữa... tôi cảm thấy ghét cay ghét đắng các bí tích, và
như thể chẳng được lợi ích gì từ đó cả... Dường như tôi sẽ chết giữa những
thống khổ này. Nhưng đối với tôi, tư tưởng khủng khiếp nhất là đinh ninh rằng
mình đã bị Thiên Chúa loại bỏ. Thế rồi những tư tưởng khác ập đến với tôi: tại
sao phải cố gắng đắc thủ các nhân đức và làm những việc lành? Tại sao phải hành
xác và huỷ mình? Khấn dòng, cầu nguyện, hy sinh và bỏ mình được ích gì? Tại sao
lúc nào cũng phải hy sinh bản thân? Được ích gì nếu như tôi bị Thiên Chúa loại
bỏ?” (NK,77).
Trong đau khổ và thử thách, Thánh nữ Faustina
không bị Satan kéo về phe, chị nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu của con, chỉ
mình Chúa biết những bách hại con đang chịu chỉ vì trung tín với Chúa và tuân
theo những lệnh truyền của Chúa... cuộc đời con sẽ là một cuộc chiến triền
miên, ngày càng khốc liệt hơn... Những hiểu lầm thật quá kinh hoàng; nhiều khi,
nếu không nhờ Thánh Thể, chắc con không đủ can đảm dấn bước trên đường Chúa đã
vạch sẵn cho con” (NK,91).
Thánh nữ Faustina thấy rõ âm mưu thâm độc
của anh, “Satan luôn lợi dụng những giờ phút như thế; những tư tưởng chán
chường bắt đầu nổi lên-đây là phần thưởng cho ngươi về sự trung thành và thực
tâm của ngươi đấy. Làm sao có thể chân thành trong khi lại bị hiểu lầm như thế?
‘Lạy Chúa Giêsu, con không thể tiếp tục được nữa’. Tôi lại ngã gục xuống đất
dưới sức nặng, toát đẫm mồ hôi, và nỗi sợ hãi bắt đầu lấn lướt. Trong lòng, tôi
không còn một ai để nương tựa. Đột nhiên tôi nghe được một tiếng nói trong linh
hồn: ‘Đừng sợ. Cha ở với con!’. Và một ánh sáng soi chiếu tâm trí tôi, tôi đã
hiểu rằng không nên đầu hàng trước những phiền sầu như thế. Tôi được đầy tràn
sức mạnh và ra khỏi phòng với lòng can đảm mới mẻ để chịu đựng đau khổ” (NK
129).
Thánh Faustina được Chúa cho biết những
người được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt thì Người gửi đến thử thách và bóng tối. “Hôm
nay, tôi đã được nghe những lời này: Trái tim con là nơi thường trú của Cha,
cho dù con rất khốn cùng. Cha liên kết con với Cha, cất đi những nỗi khốn cùng
của con, và ban cho con lòng thương xót của Cha. Cha thực hiện những công trình
lòng thương xót nơi mọi tâm hồn. Tội nhân nào càng khốn nạn, càng có quyền lớn
hơn trên lòng thương xót của Cha... Ai tín thác vào lòng thương xót của Cha sẽ
không phải hư mất, vì tất cả những công việc của họ sẽ là của Cha, và những
địch thù của họ sẽ bị tan tành dưới bệ kê chân Cha” (NK,723). “Chớ
gì các tội nhân đặt trọn niềm tín thác vào lòng thương xót của Cha. Họ được
quyền ưu tiên hơn những người khác khi tín thác vào vực thẳm thương xót của
Cha... Linh hồn nào kêu nài đến lòng thương xót là làm cho Cha được sướng vui.
Với những linh hồn ấy, Cha sẽ rộng ban cho họ nhiều ơn thánh hơn là họ kêu xin.
Cha không thể trừng phạt cho dù là một tội nhân khốn nạn nhất nhưng biết khẩn
cầu đến lòng thương xót của Cha. Sự khốn nạn của các con không gây trở ngại cho
lòng thương xót của Cha, ngược lại, Cha còn thánh hoá các con trong lòng thương
xót vô cùng và khôn sánh của Cha... Ai khước từ không bước qua cánh cửa lòng
thương xót của Cha, sẽ phải bước qua cánh cửa phép công thẳng của Cha”
(1146). “Con hãy hối thúc các linh hồn tín thác vào vực thẳm vô tận lòng từ
ái của Cha, vì Cha muốn cứu vớt tất cả mọi người. Trên thập giá, nguồn mạch
lòng thương xót của Cha đã được lưỡi đòng khai mở cho hết mọi linh hồn. Cha
không loại trừ bất kỳ một ai!” (1182). Chúa quả quyết: “Thà rằng trời
đất trở về hư không chứ lòng thương xót của Cha không thể nào không ấp ủ linh
hồn có lòng tín thác” (NK,1777).
Anh thấy rõ lòng thương xót của Chúa chưa?
Bây giờ anh lại mỉa mai rằng việc sùng kính này chỉ là “phong trào” sớm nở tối
tàn, chẳng đi đến đâu. Xin thưa với anh là đây không phải việc của con người
nhưng là việc của Chúa, ý định của Chúa, cho nên Chúa không muốn chúng tôi chỉ
dừng lại ở việc “sùng kính lòng thương xót” mà phải cụ thể hoá ra bằng “thực
hành lòng thương xót”.
Chính Chúa truyền cho Faustina phải thực
hành ba cấp độ xót thương. Hành vi xót thương dưới bất cứ hình thức nào;
ngôn từ xót thương thể hiện qua lời nói; nếu không thể tỏ lòng xót
thương bằng việc làm hay lời nói thì vẫn luôn có thể thực hiện được bằng lời cầu
nguyện (NK, 163).
Chúa nói rất rõ ràng: “Mọi linh hồn,
nhất là linh hồn các tu sĩ, phải phản ảnh lòng thương xót của Cha. Trái Tim Cha
chan chứa tình yêu thương và lân tuất đối với tất cả mọi người. Trái tim của
những người yêu quý của Cha cũng phải nên giống Trái Tim Cha; trái tim ấy cũng
phải trào ra nguồn lòng thương xót của Cha cho các linh hồn; nếu không, Cha sẽ
không nhận họ là những người thuộc về Cha” (NK,1148). Với những người được
Chúa sai đi loan truyền lòng thương xót của Chúa thì Chúa đòi hỏi họ phải là
người đầu tiên trổi vượt trong niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa... “Ở
mọi nơi và trong mọi lúc, họ phải tỏ lòng nhân ái đối với những người lân cận.
Họ không được rút lui, kiếm cớ thoái thác hay tự miễn cho mình khỏi những công
việc này” (NK,742).
Như vậy là đã rõ rồi nhé, dù có trăm phương
nghìn kế, mưu mô quỷ quyệt đến đâu anh cũng sẽ không bao giờ tiêu diệt được
lòng thương xót của Chúa nơi chúng tôi đâu, vì Chúa nói với chúng tôi qua chị
Thánh Faustina rằng “hãy chúc tụng Chúa trong mọi sự và hãy tôn vinh Người,
vì lòng nhân lành của Chúa không bao giờ cùng. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng lòng
thương xót của Chúa không giới hạn và không bao giờ chấm dứt. Sự dữ đến đâu
cũng có mức độ, nhưng lòng nhân từ thì không mức độ” (NK,423).
Dù có bao khó khăn trở ngại tôi cũng cương
quyết vượt qua để thực hiện lệnh truyền của Chúa ra đi công bố “Lòng thương
xót là ưu phẩm vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Tất cả mọi công trình thực hiện đều
được tôn vinh với lòng thương xót” (NK,301).
“Vì nhân loại chỉ tìm được bình an thực sự
khi nào biết quay về với lòng thương xót của Chúa với niềm tín thác” (NK, 300b).
Sài Thành, Lễ Đức Mẹ Thánh Thể 13.5.2013
Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét