NHỮNG GIÁO HUẤN CUỐI CÙNG VÀ LÊN TRỜI (Luca 24,46-53 – Lễ Thăng Thiên - C)
Khi đi về trời, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống chúng ta.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh
Chương 24 của TM Lc được xây dựng thành 3 đoạn và một kết luận (xem bài trước). Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay lấy một vài câu của phần ba và đoạn kết luận.
Khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy Người chính là Đức Kitô đã chịu đóng đinh, Người cũng không được gìn giữ khỏi đau khổ và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù ghét, khỏi những đau đớn và cái chết. Nhưng cũng chính Đấng chịu đóng đinh là Đấng Phục Sinh. Người đã bị điệu đi đến cái chết trong tình trạng thê thảm và tàn bạo, nay Người đang đứng trước mặt các ông như là Đấng đang sống đã thắng vượt cái chết và không thể chết nữa. Rồi Người cho các môn đệ hiểu rằng các ông chẳng những không phải sợ là bị hủy diệt hoàn toàn, mà còn có thể và phải đi làm chứng về biến cố trọng đại này. Đức Giêsu đã dựa vào Kinh Thánh để trình bày cuộc Thương Khó – Phục Sinh, rồi xác định sứ mạng của các môn đệ.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành hai phần:
1) Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (24,46-49);
2) Đức Giêsu lên trời (24,50-53).
3.- Vài điểm chú giải
- bắt đầu từ Giêrusalem (47): Câu này là câu chuyển tiếp đưa sang tập thứ hai của tác phẩm Lc (= Sách Cv).
- Chứng nhân (48): Tại đây, tác giả Lc đã nói trước điều ngài sẽ triển khai trong sách Cv, bắt đầu ở Cv 1,21-22. Ngoài TM IV, sách Cv là quyển sách thuộc Tân Ước trong đó từ này và các từ phái sinh (làm chứng, chứng tá, chứng từ) được sử dụng nhiều nhất: 29 lần. Lý do là vì quyển sách này là sách về chuyên việc làm chứng. Như thế, từ martys,“chứng nhân”, cũng có một tầm quan trọng đặc biệt. Đặc biệt không được lẫn lộn từ này với tư cách “mục chứng”: Hy ngữ cổ điển, và chính Lc (Lc 1,2) dùng từ autopês, “người chứng mắt thấy”. Vai trò của một autopçs khá thụ động, và tư cách này thực ra chỉ là một tình trạng thực tế: autopês là người có cơ hội chứng kiến một biến cố nào đó; do đó, nếu cần phải làm chứng hoặc toà án buộc làm chứng, người ấy có thể trình bày những gì mình đã thấy, như mình đã thấy. Còn chứng nhân (martys) có một vai trò tích cực hơn nhiều, có một sứ mạng phải hoàn tất: đó là không những công khai công bố những gì mình đã chứng kiến, mà còn xác định ý nghĩa, tầm mức của biến cố ấy nữa. Là người đi qua biến cố, “chứng nhân” trở thành người tuyên cáo (trong bối cảnh tôn giáo, thần học) sứ điệp đã được hàm chứa trong biến cố ấy. Câu truyện tuyển chọn ông Mátthia thay thế cho Giuđa minh hoạ điểm phân biệt này (Cv 1,15-26). Bởi vì trong thực tế, ta khó mà hiểu được vì sao lại phải đi tới một tuyển chọn, thậm chí một sự chuẩn nhận để cắt đặt một chứng nhân nếu người này chỉ cần có một điều kiện là hiện diện thể lý trong một biến cố thuộc quá khứ. Trái lại, ta hiểu là cần có một cuộc tuyển chọn (rút thăm) nếu vai trò người được chọn vượt quá khung cảnh chật hẹp này, nếu cùng với việc công bố biến cố, người ấy còn phải biết minh giải đúng đắn biến cố ấy. Vậy các chứng nhân mà Cv sẽ nói tới trong cả sách, là những nhà thần học về các hoạt động cứu độ của Chúa.
Muốn làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa (Cv 4,33), thì phải công bố chân tính và toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu. Công viẹc làm chứng này của các tông đồ được mô tỏ rõ ràng trong các bài diễn từ (Cv 2,22-36; 3,12-16; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,26-41; 17,30-31).
- điều Cha Thầy đã hứa (49): dịch sát là “lời hứa của Cha Thầy”, là Thánh Thần, như Cv1,4b.5b sẽ diễn tả rõ. Thánh Thần sẽ là nguồn của “quyền năng” trong câu tiếp theo.
- giơ tay (50): Đây là cách chúc lành của tư tế (xem Aharon trong Lv 9,22), hoặc của vị thượng tế (xem Simôn II trong Hc 50,20-21). Điều mà Dacaria (Lc 1,21-22) đã không thể làm được, thì Đức Giêsu đang làm cho người đang đi theo Người. Mặc dù tác giả Lc mô tả Đức Giêsu thực hiện một hành vi tư tế, nền thần học của ngài không hề đề cập đến Đức Giêsu như là tư tế.
- được đem lên trời (50): Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa (x. Cv 1,9.11.22). Các câu 50-53 dường như mâu thuẫn với Cv 1,3-11. Theo Cv, Đức Giêsu “còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Trong khi đó, bản văn TM dường như lại bảo rằng tất cả những gì tác giả Lc kể trong ch. 24 đã xảy ra trong ngày Phục Sinh, rằng di chúc của Đức Chúa đang rời xa thế gian này (cc. 41-49) và cuộc Lên trời của Người (cc. 50-53) theo liền ngay sau cuộc hiện ra vào chiều ngày Phục Sinh.
Dường như Lc đã có những ý hướng Phụng vụ khi trình bày các biến cố: mỗi ngày chúa nhật của cộng đoàn Kitô hữu là một lễ Phục Sinh, một ngày Phục Sinh.
- các ông bái lạy Người (52): Các môn đệ làm một cử chỉ nhận biết Đức Kitô. Họ thinh lặng bái lạy để thờ phượng Người, như người Do-thái đã làm trước mặt thượng tế Simôn (Hc 50,22) để nhận phúc lành của ông.
- trở lại Giêrusalem (52): Như vậy, TM Lc kết thúc tại nơi nó đã bắt đầu (1,5). Giêrusalem đã là mục tiêu của hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu (23,5); bây giờ Giêrusalem lại được nêu ra như điểm nhắm. Nhưng rồi, điểm nhắm lại trở thành khởi điểm khi “lời” lan tỏa đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).
- lòng đầy hoan hỷ (52): dịch sát là “với niềm vui lớn lao”. Đây là niềm vui của những người không những đã được thấy Đấng Phục Sinh, mà còn đã đặt sự Phục Sinh của Người liên hệ với cuộc ra đi của Người và đặt cuộc ra đi này liên hệ với lời hứa Thánh Thần. Lời nhắc đến “niềm vui lớn lao” khiến ta hiểu rằng biến cố Lên Trời chấm dứt thời gian Đức Giêsu ở tại trần thế, mà cũng là hoàn tất cuộc Phục Sinh của Người, là khởi đầu của thời gian Giáo Hội. Niềm vui này của những người chứng kiến cuộc Lên Trời là tiếng vọng và sự hoàn tất của niềm vui mà sứ thần hứa cho tư tế Dacaria và cho một số đông vào ngày Gioan Tẩy Giả chào đời (Lc 1,14). Nhưng nhất là niềm vui này thể hiện trọn vẹn niềm vui lớn lao mà sứ thần hứa cho các mục đồng, “một niềm vui cho toàn dân” (2,10). Ở đây cũng vậy, khởi đầu và kết thúc gặp nhau.
- hằng ở trong Đền Thờ (53): Như vậy, tác giả Lc bắt đầu mô tả đời sống cộng đoàn của Hội Thánh phôi thai (x. Cv 2,46; 3,1; 5,42). Ở đây lại nổi bật tầm quan trọng của Đền Thờ theo hướng nhìn của Lc.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu Phục Sinh ban sứ điệp (46-49)
Trong tư cách Đấng Phục sinh, Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng toàn thể định mệnh của Người đã được Thiên Chúa muốn như thế, và Người giúp các ông hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, như Người đã làm cho hai môn đệ Emmau. Cái chết của Người trên thập giá và cuộc Phục Sinh của Người cũng đã làm trọn nội dung sau này phải được loan báo cho mọi dân tộc. Nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là trong chứng từ về Người, khởi đi từ tất cả những gì đã được biểu lộ xuyên qua công trình và toàn thể cuộc tiến bước của Người cho đến thập giá và sự sống lại, muôn dân sẽ được loan báo sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi. Mọi người phải quay trở lại với Thiên Chúa, Đấng đã nhờ cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà chứng tỏ tình yêu và quyền lực của Người. Rồi Đấng Phục Sinh biến các môn đệ trở thành chứng nhân của Người. Họ sẽ phải làm chứng về các biến cố trong cuộc đời của Người cũng như cuộc gặp gỡ với Người đây và việc Người trở về trời (x. Cv 1,21t). Mỗi lời loan báo đều phải phát xuất từ các chứng nhân này, nghĩa là không dựa trên những suy diễn, những ý tưởng hoặc ý kiến cá nhân, nhưng trên các biến cố lịch sử và trên những giáo huấn do Đức Giêsu ban cho. Do đó, lời loan báo chỉ có thể phát xuất từ những người đã tháp tùng và lắng nghe Đức Giêsu, đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời Người nhờ được Người giải thích.
Các môn đệ không thể hiểu nhiệm vụ bao la này bằng sức riêng. Do đó, Đức Giêsu báo cho các ông là Người sẽ gửi cho các ông điều Chúa Cha đã hứa, tức là Thánh Thần. Chính Thánh Thần, là quyền lực của Thiên Chúa, sẽ giúp cho các ông có khả năng loan báo với xác tín và can đảm công trình và sự Phục Sinh của Đức Giêsu (x. Cv 2,22-36).
* Đức Giêsu lên trời (50-53)
Sau khi đã dùng nhiều cách để làm cho các môn đệ tin chắc vào sự sống lại của Người và sau khi đã chuẩn bị các ông đi vào nhiệm vụ, Đức Giêsu từ biệt các ông. Người sẽ không hiện diện bên các ông theo kiểu hữu hình nữa. Nhưng Người sẽ cùng đi với các ông trên mọi nẻo đường. Người giơ tay lên để từ biệt các ông. Trong khi Người đi xa dần khỏi mắt các ông, Người chúc lành cho các ông. Người gửi đến cho các ông sức mạnh của hành vi chúc lành của Người, để sức mạnh này ở lại với các ông và nâng đỡ các ông suốt đời trong mọi hoạt động.
Chỉ đến lúc này, tác giả mới nhắc đến niềm vui của các môn đệ và việc các ông chúc tụng Thiên Chúa. Dacaria (Lc 1,64.68-79) và ông Simêôn (2,28-32) đã chúc tụng Thiên Chúa. Lời chúc tụng Thiên Chúa liên tục vang lên khi dân chúng chứng kiến những hành vi quyền lực của Đức Giêsu (7,16; 13,13; 17,15; 18,43). Sau khi đã trải nghiệm qua Đấng Phục Sinh hành vi quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa, nghĩa là sự Phục Sinh của Đức Giêsu, các môn đệ chỉ có một câu trả lời đúng đắn: ca ngợi trong niềm hoan hỷ và chan hòa tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa.
+ Kết luận
Tác giả Lc đã bắt đầu tác phẩm với việc Dacaria dâng hương và dân chúng cầu nguyện trong Đền Thờ (Lc 1,8-10), để xin Thiên Chúa nhớ lại dân Ngài và tỏ lòng nhân ái. Bây giờ tác giả kết thúc Tin Mừng với việc các môn đệ của Đức Giêsu chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Các ông đã cùng đi với Đức Giêsu cho đến khi Người lên trời, các ông đã biết hơn bất cứ ai rằng Thiên Chúa đã nhớ đến dân Ngài thế nào. Và tất cả những ai nhờ chứng tá của các môn đệ và qua tác phẩm Lc mà trải nghiệm lòng từ bi cao cả của Thiên Chúa, thì không thể làm gì hơn là tham gia vào việc ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay là Chua Giêsu lên trời. Khi mừng đại lễ này, chúng ta tưởng niệm lần cuối cùng Đức Giêsu tỏ mình ra hữu hình với các môn đệ. Người chọn một cách thức hiện diện khác để hỗ trợ các môn đệ trong hoạt động truyền giáo. Từ nay, Người sẽ đồng hành với họ, sẽ hiệp thông với họ khi chia sẻ bữa ăn, sẽ sống động khi họ giải thích Sách Thánh và khi họ ý thức rằng họ đang được đón nhận sự sống viên mãn của Người. Người bỏ cách hiện diện trước đây bằng thân xác, để từ nay hiện diện mãi mãi với mỗi môn đệ.
2. Khi đi về trời, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống chúng ta. Nếu chúng ta xác tín rằng chúng ta thuộc về “trên cao”, thì chúng ta sẽ phải quy hướng trọn cuộc sống chúng ta về đó. Chúng ta vẫn sống giữa các thực tại trần gian, chúng ta vẫn phải sử dụng các yếu tố trần gian, nhưng không bám víu vào các phương tiện ấy, trái lại, biết dùng chúng cách tích cực mà chuẩn bị cho mình và người khác đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Trước ngày đi chịu chết, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm nhưỡng vinh quang của con” (Ga 17,24).
3. Thánh Thần, là quyền năng của Chúa Cha và của Đức Giêsu, luôn ở với Hội Thánh để hỗ trợ Hội Thánh trong sứ mạng đã nhận từ Đức Giêsu. Đọc sách Cv, chúng ta nhận ra được sức năng động của Thánh Thần.
4. Nếu các tín hữu gắn bó mật thiết với Đức Giêsu, họ nhận ra quyền lực vô song của Thiên Chúa trong viẹc cho Đức Giêsu sống lại. Khi đó, họ chỉ có thể cảm thấy tưng bừng hoan hỷ và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa sẽ hồn nhiên từ đáy lòng trào dâng lên môi miệng họ. Và trọn cuộc sống của họ là một chứng từ về quyền lực cứu độ của Thiên Chúa mà họ đã trải nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét