Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Bàn tay lông lá của người Anh và những cuộc xuất hành bi tráng (bài 4)

Bàn tay lông lá của người Anh và những cuộc xuất hành bi tráng (bài 4)
*Trần Vinh 

    Thế chiến thứ hai nổ ra với sự thắng thế ban đầu của Phe Trục (Đức, Nhật, Ý). Pháp bị Đức đánh chiếm. Anh bị oanh tạc tơi tả. Bên vùng Trung Đông và Bắc Phi, hổ tướng Đức là Rommel làm mưa làm gió, đe dọa các vùng ảnh hưởng của Anh và Pháp. Cơ quan Trung ương Do Thái ở Jerusalem đánh giá tình hình hết sức nhậy bén, cho nên chỉ cần 10 phút hội họp, họ đã quyết định kêu gọi tất cả tình nguyện gia nhập quân Anh để đánh kẻ thù chung là Đức quốc xã. Trong một tuần lễ mà đã có tới 130 ngàn thanh niên Do Thái, cả nam lẫn nữ, tòng quân chiến đấu. Quân Anh cần nhân lực, nhưng lại sợ nếu huấn luyện thuần thục cho số quân Do Thái này thì thế nào cũng có ngày quân Anh sẽ phải đương đầu với họ. Vì thế người Anh chỉ cho quân tình nguyện Do Thái đảm trách những công tác không tác chiến. Tuy nhiên người Anh không thể ngăn cấm những quân nhân gốc Do Thái mang quốc tịch Anh, Hoa Kì, Pháp…Trong số họ, nổi bật lên những tên tuổi của tương lai Israel, như David Ben Gourion, Moshe Dayan.

    Những người cầm súng đã chiến đấu anh dũng giúp đỡ quân đội đồng minh ở mặt trận Tây Á. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, người Anh cố ý quên đi công lao của các quân nhân Do Thái. Vì vậy, Van Passen đã viết trong cuốn Người Bạn Đồng Minh Bị Bỏ Quên (L’Alliée oubliée) như sau: “Công góp sức của người Do Thái ở Palestine để chiến thắng tại Tây Á là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong Thế chiến thứ nhì”. Vì quyền lợi dầu lửa, người Anh không muốn làm phật lòng khối Ả Rập cho nên họ tiếp tục phong tỏa gắt gao, không cho người Do Thái di cư về Palestine.

    Người Do Thái vỡ mộng và bất mãn với người Anh. Tuy vậy, người Do Thái vẫn quyết tâm hồi hương. Cán bộ Do Thái sang tận Ba Lan, dùng tiền hối lộ các viên chức để dắt đồng bào của họ trốn về Palestine qua ngả Tiệp Khắc, tới Milan (Ý), xuống tầu Portes de Sion trực chỉ Toulon (Pháp). Họ làm thế hòng đánh lạc hướng người Anh. Tại Toulon, họ bí mật lên tầu Terre Promise hướng về Palestine, nhưng đã bị Hải quân Anh phát giác và bắt tất cả phải lên 3 chiếc tầu khác để quay trở lại Toulon. Mấy ngàn người Do Thái không chịu lên bờ ở Toulon. Họ ăn vạ nhiều tuần lễ trên tầu. Tới tuần lễ thứ tư, bắt đầu có người chết. Báo chí la hoảng. Cuối cùng, người Anh ra lệnh đưa 2 chiếc tầu tới cảng Hamburg (Đức), rồi họ nhốt di dân Do Thái vào trại Dachau của Đức Quốc xã trước đây. Chiếc tầu thứ ba phải trở về đảo Cyprus và nhốt di dân vào trại Carades. Thế là tái diễn cảnh nhốt người Do Thái vào những trại tập trung!

    Một vụ quyết tâm trở về khác rất nổi tiếng của người Do Thái, đó là vụ con tầu Exodus. Vụ này xẩy ra năm 1946, tại đảo Cyprus, Địa Trung Hải. Từ một trại tập trung mấy ngàn người Do Thái, Ben Canaan đã dùng mưu trí gạt được bọn lính gác người Anh, lừa cả viên giám đốc trại và trưng dụng xe của trại để chở 302 thanh thiếu niên Do Thái tuổi từ 10 tới 17 thoát ra khỏi trại giữa thanh thiên bạch nhật. Đoàn xe chạy xuyên qua đảo, tới Cyrenia. Tại đó, các em xuống con tầu Exodus. Ngay khi biết tin, viên tướng người Anh tên là Sutherland tức tốc tới và ra lệnh, trong vòng 10 phút, các em phải lên bờ, nếu không, ông sẽ dùng vũ lực. Dưới tầu, người Do Thái trả lời là đã bố trí đầy chất nổ, nếu tầu bị tấn công, họ sẽ cho nổ tung con tầu; đồng thời, họ thượng lên một lá quốc kì Anh quốc, ở giữa vẽ chữ “vạn”, vốn là biểu hiệu của Đức Quốc xã. Dư luận khắp nơi trên thế giới xôn xao, lên án chính quyền Anh. Dân chúng Anh gay gắt chế diễu là bọn Anh trên đảo đã ngủ gục ban ngày tất cả! Một số viên chức ở Luân Đôn muốn cho tầu Exodus cập bến Palestine, nhưng người phụ trách vấn đề Ả Rập ở Bộ Ngoại giao Anh là Bradshaw can ngăn, cho nhượng bộ như thế là nhục. Do đó, vấn đề còn nan giải. Trong tuần lễ đầu tiên, tinh thần trẻ em trên tầu rất cao. Chúng ca hát và chế diễu lính Anh trên bờ. Sang tuần thứ hai, báo chí xẹp dần, người ta khuyên Canaan nên dàn xếp. Ông cương quyết từ chối. Bắt đầu ngày thứ 16, Canaan tuyên bố trên tầu tuyệt thực. Khắp nơi lại nổ ra những cuộc biểu tình phản đối chính phủ Anh. Tuyệt thực tới giờ thứ 40, có 60 em mê man. Trước cảnh thương tâm này, một số lính người Anh xin chuyển đổi công tác. Giờ thứ 83, khoảng 10 em sắp tắt thở. Lúc đó, Canaan gửi cho tướng Sutherland lời đe dọa, từ ngày hôm sau, cứ mỗi ngày, đúng 12 giờ trưa sẽ có 10 em tình nguyện tự tử trên boong trước mắt quân Anh và sẽ tiếp tục tự tử hết cho tới khi tầu được phép về Palestine. Đến nước này, Bradshaw mới chịu nhờ 10 nhà lãnh đạo người Do Thái ở các nơi nói giùm với Canaan cho ông ta thêm thời gian để tìm giải pháp. Nhưng các nơi đều từ chối. Canaan vẫn giữ vững lập trường: “Exodus rời bến hay không, chỉ có bấy nhiêu thôi. Bàn cãi chỉ vô ích”. Và “Hãy để cho dân tộc tôi đi” (lời của Moishe nói với vua Ai Cập Pharaoh thuở xưa). Đang khi đó, Bradshaw lại nhận được điện tín của các quốc gia Ả Rập: “Nếu Anh cho tầu Exodus nhổ neo về Palestine tức là nước Anh xúc phạm các dân tộc theo Hồi giáo”. Bradshaw hoang mang tột độ. Sau cùng, chỉ còn 3 giờ nữa là tới kì hạn đợt tự tử đầu tiên, Bradshaw phải nhượng bộ và cho phép tầu Exodus nhổ neo đi Palestine.

    Tin tức exodus nhổ neo lại lên trang đầu các báo. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Y tế Anh yêu cầu được lên tầu săn sóc các em trước khi khởi hành.

     Mưu trí và lòng can đảm của người Do Thái đã thắng vẻ vang “trận đánh” này.

        *Trần Vinh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét