Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

GIÁO LÝ VẤN ĐÁP : Tại sao Thánh Lễ được gọi là “bẻ bánh”?

GIÁO LÝ VẤN ĐÁP : 

Tại sao Thánh Lễ được gọi là “bẻ bánh”?

Thánh lễ là trung tâm điểm là chóp đỉnh của đời sống người Kitô hữu, gồm có hai phần chính là phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Trong phần phụng vụ Thánh Thể, chúng ta thấy chủ tế bẻ bánh. Vậy việc bẻ bánh này liên hệ thế nào với việc cử hành Thánh Thể ?
“Bẻ bánh” là một trong những tên gọi cổ nhất để chỉ Thánh Thể. Theo nghi thức bữa ăn của người Do-thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bàn ăn bẻ bánh chia cho các thực khách. Chúa Giêsu đã thực hiện cử chỉ này 2 lần, khi Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,19 ; 15,36 ; Ga 6,11) và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Kể từ đó, nghi thức bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Chúa Kitô – Người Tôi Trung hiến dâng mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào : Người tự nộp mình để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người.
Các Kitô hữu tiên khởi, trong những ngày đầu tuần, tụ họp nhau để cử hành nghi thức mà chính Chúa Giêsu thiết lập và truyền dạy họ tái diễn ; và họ gọi việc này là “việc bẻ bánh”.  Bẻ và cùng trao cho nhau tấm bánh là chính Chúa Giêsu, các Kitô hữu tiên khởi cũng bắt chước Chúa Giêsu, chia sẻ cuộc sống cho nhau, như được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ : họ để chung lại tất cả những gì họ có, họ chia sẻ cho nhau, yêu thương nhau như anh em trong cùng một gia đình. Việc bẻ bánh như thế là cao điểm của cuộc sống huynh đệ, chia sẻ.
Trung thành với truyền thống ban đầu này, Giáo Hội qua mọi thời đại đã cử hành việc bẻ bánh trong thánh lễ. Trong lúc cử hành thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Khi đưa lời cầu khẩn đó vào trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Sergiô (687-701) qui định phải hát kinh này trong lúc cùng nhau chia sẻ Mình Chúa. Bẻ bánh là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực hiện với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lập lại cử chỉ của Chúa Giêsu – như dấu chỉ sự sống được ban cho hết mọi người.  Đây cũng là dấu chỉ diễn tả sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu khi họ cùng chia sẻ một Tấm Bánh là Đức Giêsu.
Thánh Thể có nhiều danh xưng khác nhau : như Bí tích Tạ ơn (ngay từ hồi giáo hội sơ khai, được gọi là Eucharistia –do nguyên từ Hi lạp Eukharistia : cảm tạ, tạ ơn). Bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Bữa Tiệc của Chúa (theo thư của thánh Phaolô gửi cho Giáo đoàn ở Côrinrô). Thánh Thể còn được gọi là Hy lễ thánh, Bánh các Thiên Thần (thành ngữ này bắt nguồn từ Thánh vịnh 75,25:”Chúa nuôi họ bằng bánh các thiên thần, Ngài ban cho họ dư dật lương thực”)…
Quả vậy, Thánh Thể không chỉ nói lên ý nghĩa và thực hiện sự hiệp nhất của tín hữu đối với Chúa Kitô, mà còn diễn tả sự hiệp nhất của các tín hữu với nhau, nghĩa là thực hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô. Khi thông phần vào Thánh Thể duy nhất của Chúa Kitô, chúng ta được liên kết với nhau trong Thân mình duy nhất của Chúa Kitô là Giáo Hội, như thánh Phaolô đã quả quyết trong thư thứ nhất Côrintô:” …Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (10: 16-17).
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rằng Thánh Thể được thiết lập để chúng ta trở thành anh em với nhau, để từ những con người xa lạ, chúng ta được hiệp nhất, bình đẳng và trở nên bạn hữu của nhau.Thánh Thể được ban cho, để từ một đám đông xa lạ (thậm chí thờ ơ, ích kỷ, chia rẽ và thù nghịch với nhau), chúng ta trở thành một dân tộc thật sự chia sẻ tình yêu huynh đệ trong một tình yêu duy nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét