Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Xung đột Palestine – Israel (bài 1)

Xung đột Palestine – Israel (bài 1)
Trần Vinh 



    Nguyên do chính gây nên xung đột ở Trung Đông là vấn đề khát vọng hình thành một quốc gia riêng của hai dân tộc Israel và Ả Rập trên mảnh đất Palestine.

    Khát vọng này thật khẩn thiết và chính đáng. Bởi vì một dân tộc vô tổ quốc luôn bị coi là công dân hạng hai. Lịch sử đau thương của dân tộc Israel và ngưởi Ả Rập sống trên đất Palestine khiến cho cả hai coi vấn đề lập quốc là mục tiêu hàng đầu và họ sẵn sàng sống chết cho mục tiêu này.

    Palestinekhởi đầu tên là Canaan có dân tộc Semite sống ở đây; sau bị dân tộc Philistin từ Crete tới chiếm lấy miền ven biển và đặt tên là Palestine. Tiếp theo, có một dân tộc thứ ba tới định cư ở Canaan, đó là dân tộc Hebrew cũng thuộc dòng Semite.

    Lịch sử dân Hebrew bắt đầu 4000 năm trước với tổ phụ Abraham. Abraham là người thành Ur, xứ Chaldea (nay là Iraq) di cư tới định cư ở đất Canaan. Jehovah phán “Ta ban đất này cho con cháu ngươi” (Genesis 11:31—12:7). Do đó, Abraham trở thành tổ phụ của dân tộc Do Thái. Dòng dõi Abraham nổi bật lên những tên tuổi tiêu biểu nối tiếp nhau như Isaac, Jacob (sau đổi tên là Israel (Genesis 32: 27-29), Joseph (đại quan nước Ai Cập), Moses (đưa dân Do Thái từ Ai Cập về lại Đất Hứa vào năm 1266 trước công nguyên), Joshua (người thật sự chiếm lại được xứ Canaan làm Đất Hứa cho con cái Israel tới định cư).

    Sau khi định cư, dân Do Thái mới nghĩ tới việc lập một vị quốc vương và vị quốc vương đầu tiên của dân Do Thái là Saul. Sau Saul đến David, người mở rộng bờ cõi và xây dựng kinh đô Jerusalem. Con David là Salomon, một quốc vương nổi tiếng khôn ngoan đã tạo nên thời vàng son cho nước Israel. Khoảng năm 930 trước T.L., Salomon qua đời, đất nước chia đôi: Israel ở miền Bắc, Judea ở miền Nam. Miền Bắc bị Assyria chiếm năm 722 trước T.L., miền Nam bị Babylon chiếm năm 586 trước T.L., thành Jerusalem bị tàn phá, đa số dân chúng bị đầy sang Babylon. Nhờ đại vương Ba Tư là Cyrus, dân Do Thái được trở về cố hương gây dựng lại tổ quốc và sống an lạc được 200 năm (538-333 trước T.L.). Đến thời đại đế Hi Lạp Alexander đánh bại đế quốc Ba Tư thì Israel lại đổi chủ. Sau thời đế quốc Hi Lạp, Israel lại lệ thuộc Syria. Bị Syria ngược đãi, dân Israel nổi dậy đánh đuổi người Syria, chiếm lại thành Jerusalem vào năm 164 trước T.L. và sống an bình được một thế kỉ.
    Năm 63 trước T.L., đế quốc Roma chiếm xứ Judea. Chúa Jesu giáng thế vào đời vua Herod làm vua xứ Judea. Người Roma đặt tên mới cho ‘con cháu Israel’ là Jews có nghĩa là người xứ Judea, người Tầu phiên âm là Do Thái. Người Roma cai trị tàn ác khiến người Do Thái khởi nghĩa nhiều lần nhưng bị dập tắt, đền thờ Jerusalem lại bị phá hủy, đổi tên nước Israel thành Palestine như cũ. Người Roma còn xua đuổi hầu hết người Do Thái ra khỏi vùng này. Từ đó dân tộc Do Thái mất nước và phải phiêu bạt khắp tứ phương thiên hạ.
    Khi đế quốc Roma sụp đổ, Palestine lệ thuộc Byzance, Damas, rồi Thổ Nhĩ Kì. Có một điếu rất lạ lùng là từ ngày dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc không có đất nước thì chính xứ Israel cũng trở thành một vùng không có quốc gia. Nghĩa là mặc dù sẽ có nhiều nhóm dân tộc tới xứ này cư ngụ sinh sống nhưng không một dân tộc nào tạo nổi cho mình một quốc gia bền vững.

    Người La Mã, người Ba Tư rồi người Ả Rập thay nhau cai trị xứ này, nhưng họ coi Palestine chỉ là một thuộc địa xa xôi không đáng quan tâm khai thác.

    Năm 637, người Hồi giáo Ả Rập xâm chiếm Palestine. Họ đối xử tương đối tốt với người Do Thái. Những đoàn quân thánh chiến Kitô giáo từng chiếm đóng nhiều nơi trên đất Palestine từ năm 1099 tới 1291 và đã truy quét không thương xót người Do Thái. Sau đó đến thời Palestine bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kì cai trị rất lâu dài: Thời đế quốc Mamluks (1291-1516) và thời đế quốc Ottomans (1517-1917). Quân Thổ đối xử thân thiện với Do Thái giáo. Họ còn chứa chấp những tín đồ Do Thái giáo bị Kitô giáo Âu châu bách hại. Vào khoảng năm 1800, có thể nói đa số dân cư của thành Jerusalem là người Do Thái.

    Sau thế chiến thứ nhất, vùng đất này thoát khỏi sự thống trị nhiều thế kỉ của đế quốc Thổ do mệnh lệnh của Hội Quốc Liên (the League of Nations) và lại mang tên Palestine.

    Mặc dù vẫn thường xẩy ra những biến cố kì thị chủng tộc cũng như tôn giáo, nhưng nói chung, người Do Thái và người Ả Rập đã sống chung hài hòa với nhau. Tuy nhiên người Do Thái cư ngụ ở các nơi trên thế giới vẫn không ngừng bị khinh miệt, kì thị, khủng bố, xua đuổi và bị sát hại. Nhất là tại những nơi Đức quốc xã nắm quyền thì số phận của người Do Thái cực kì bi thảm. Từ đó càng khiến cho người Do Thái phiêu bạt tìm đủ mọi cách, dù phải liều mạng, để trở về cố hương.

    Đương nhiên diễn tiến này làm cho người Ả Rập đi từ lo ngại tới tức giận. Cuối cùng việc phải tới đã xẩy ra. Hồi 16 giờ ngày 14 thánh 5 năm 1948, Ben Gourion tuyên bố thành lập quốc gia Do Thái lấy tên cũ là Israel.

    Lập tức liên quân Ả Rập gồm có Ai Cập, Trasjordanie, Iraq, Syria và Lebanon tấn công Israel từ mọi phía. Đó là cuộc chiến tranh thứ nhất giữa Israel và người Ả Rập. Người Do Thái tuy ít về dân số nhưng vượt trội về tài năng, tổ chức, kỉ luật, tài chánh và một ý thức chiến đấu để tự tồn. Đang khi các nước Ả Rập không muốn có một nước Israel trên bản đồ vùng Trung Đông, và khi có rồi thì muốn xóa tên nhà nước Do Thái đó trên bản đồ. Riêng về người Ả Rập sống trên mảnh đất Palestine thì họ phải chiến đấu để có riêng cho họ một nhà nước và quốc gia ấy phải trải rộng hơn để tương xứng với số dân đông hơn của họ. Cho tới nay, nguyện vọng này của họ vẫn chưa thực hiện đưọc. Và cuối cùng là sự quyết tâm của cả hai bên để chiếm lấy cho mình thành cổ Jerusalem là thành thánh linh thiêng đối với cả hai dân tộc. Vì những lí do kể trên. Có thể nói, cả hai dân tộc luôn luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Những trận chiến vào các năm 1948, 1956, 1967, 1973, 2006 và trận chiến hiện đang diễn ra chỉ là những cao điểm của sự thù địch muốn tiêu diệt nhau vẫn hằng chất chứa âm ỉ sâu xa trong lòng của cả hai dân tộc mà thôi.

    Thành phố Giêrusalem
    *Trần Vinh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét