Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Chiến tranh Israel - Ả Rập (bài 7)

Chiến tranh Israel - Ả Rập (bài 7)
*Trần Vinh 



    CHIẾN TRANH LẦN THỨ 3 NĂM 1967, CÒN GỌI LÀ CUỘC CHIẾN 6 NGÀY
    Trận chiến thứ 3 này, phía Israel tấn công trước.

    Tình hình:

    Một khi các siêu cường thò tay vào thì vùng Trung Đông đã rối ren càng xáo trộn thêm. Họ thi nhau đổ vào vùng này tiền bạc, vũ khí, tình báo. Rồi những vụ bạo loạn, ám sát, đảo chánh liên tiếp xẩy ra ở Lebanon, Iraq, Jordan, Yemen.

    Riêng tình hình Israel thì dọc theo biên giới luôn luôn căng thẳng. Nhất là từ khi Nasser thành lập Cơ quan Giải phóng Palestine giao cho Ahmed Choukeiri cầm đầu.  Cơ quan này đóng bản doanh ở Jerusalem với nhiệm vụ gây rối ở những nơi nào có người Palestine tị nạn. Đây là cơ quan có rất nhiều tiền do các nước Ả Rập đóng góp bằng loại thuế mang tên “thuế hồi hương”. Nhờ vậy, cơ quan thành lập được một đạo quân 16 ngàn người do Trung Cộng huấn luyện. Đạo quân của Choukeiri quấy phá dọc biên giới Israel với Syria, Jordan, Lebanon.

    Tình hình đến tháng 5 năm 1967 coi như là rất xấu, cả Ai Cập lẫn Israel sẵn sàng lâm chiến bất cứ lúc nào.

    Giọt nước cuối cùng làm tràn li:

    Đó là việc, vào ngày 23 tháng 5 năm 1967, Nasser quyết định phong tỏa eo biển Tiran trong vịnh Aqaba, ngăn các tầu của Israel cập bến ở Elat, cửa ngõ của Israel ra Hồng Hải.  Trước đó 3 ngày, 4 ngàn giáo đường ở Ai Cập kêu gọi tín đồ tham dự thánh chiến.  Tại Gaza, 12 ngàn quân của Choukeiri và một số quân cảm tử Fedayin áp sát biên giới Israel.

    Chiến tranh không thể tránh được nữa.

    Hoa Kì lên tiếng cảnh cáo Ai Cập làm cho tình hình nguy hiểm và phải chịu trách nhiệm.
    Liên Xô liền phản ứng, dọa kẻ nào dám xâm lăng sẽ đụng phải lực lượng của liên minh Ả Rập và Liên Xô.

    Được Liên Xô hậu thuẫn, Nasser cảm thấy yên tâm.

    Tương quan lực lượng đôi bên:

    Ai Cập có 270 ngàn quân; đã di chuyển 100 ngàn quân tới bán đảo Sinai. Syria tập trung 60 ngàn quân ở biên giới với Israel.  Jordan có 60 ngàn quân do một tướng Ai Cập chỉ huy.  Lebanon có một đạo quân nhỏ.  Iraq, Algeria và Kuwait chỉ gửi số quân tượng trưng.
    Về võ khí, Ai Cập và Syria được Liên Xô và Tiệp Khắc cung cấp đầy đủ phi cơ, xe tăng, hỏa tiễn, tầu ngầm, khu trục hạm.

    Nasser rất tin tưởng sẽ đè bẹp Israel.  Đài phát thanh Ai Cập cao rao: “Hai gọng kìm Egypt và Syria đã xiết chặt vào cổ Israel”, “8 họng súng Ả Rập đã chĩa vào Israel”.

    Lực lượng Israel có từ 250 tới 300 ngàn quân.  Lệnh động viên vừa ban ra, 100% thanh niên nhập ngũ ngay.  Riêng các đơn vị nhảy dù và thiết giáp, số thanh niên nhập ngũ lên tới 130%!  Chưa có lệnh cũng tình nguyện. Không có một lá đơn xin nghỉ phép nào trong suốt thời gian chiến dịch diễn ra. Phụ nữ trên 55 và trẻ em trên 12 cũng được giao nhiệm vụ.  Các nhân viên đã về hưu cũng trở lại lãnh nhiệm vụ. Học sinh thi đua đào hầm.  Xe tư nhân tự nguyện vận tải vũ khí, quân nhu.

    Không còn nấc thang giá trị xã hội, sang hèn đều bình đẳng trong mọi công tác. Tất cả nối đuôi nhau hiến máu.  Thanh niên gốc Do Thái khắp thế giới ra phi trường tình nguyện về Israel cứu quốc.  Israel đã có khả năng vận động toàn dân chiến đấu.  Sức mạnh tinh thần của Israel cao ngất trời.

    Những trận đánh thần kì của quân đội Israel:

    Mãi tới ngày 01 tháng 6, do dân biểu tình đòi hỏi, tướng Moshe Dayan mới được gọi trở lại nắm Bộ Quốc phòng. Chiến thuật  của Dayan là nếu Israel muốn không bị đánh bại thì phải ra tay trước. Tiên hạ thủ vi cường.

    1/ Mặt trận Sinai:

    8 giờ sáng ngày 5 tháng 6 năm 1967, tất cả chiến đấu cơ của Israel nhất loạt túa lên bầu trời về hướng Ai Cập, bay rất thấp, xuyên qua các lỗ hổng của hệ thống phòng không. Họ tiêu diệt hầu như toàn bộ phi cơ, phi trường của Ai Cập. Israel không tấn công Thủ đô Cairo, không phá đập Aswan, không bỏ bom khu dân cư, không phá nhà máy, cầu cống.  Phi cơ Israel đánh trúng mục tiêu như có phép mầu nào! Chỉ trong vòng 80 phút, Tư lệnh Không quân là tướng Hod báo cáo cho tướng Tham mưu trưởng Rabin: “Sianai đã trống không”.

    Ngay sau đó, cũng như trận đánh năm 1956, đại quân Israel chia ra 3 mũi dùi đánh thốc xuống kênh Suez. Đạo quân thứ nhất do tướng Tal chỉ huy, đánh 3 ngày tới bờ kênh Suez.  Đạo quân ở giữa do tướng Yaffee chỉ huy, đánh 4 ngày tới Talata, bắt tay được với đạo quân của tướng Tal.  Đạo quân trục Nam của tướng Sharon đánh 4 ngày thì tới Mitla.

    Các đạo quân đều đánh liên tục, không ngơi nghỉ.  Tới ngày 08 tháng 6, quân Israel làm chủ hoàn toàn bán đảo Sinai mênh mông.  Cùng ngày, Hải quân Israel giải tỏa eo biển Tiran và vịnh Aqaba.

    Sau 88 giờ chiến đấu, tướng Gavish, tư lệnh mặt trận Sinai, báo cáo cho tướng Rabin: “Quân đội chúng ta đóng ở bờ kênh Suez và Hồng Hải. Tất cả bán đảo Sinai ở trong tay chúng ta. Chiến dịch Sinai kết thúc”.

    Đại diện Ai Cập là Muhammad Awad El Kouni khóc nấc khi loan báo cho Hội đồng Bảo an LHQ rằng chính phủ Ai Cập bằng lòng ngưng chiến.

    Về tổn thất:

    Ai Cập: 10 ngàn lính tử thương, 5 ngàn bị bắt làm tù binh, trong đó có 5 tướng lãnh, 350 cấp tá và úy, 400 - 500 phi cơ bị hủy, 400 xe tăng bị bắn cháy, 300 chiếc xe tăng bị “bắt sống”.
    Phía Israel: tử trận 275, 800 bị thương, 61 xe tăng bị bắn cháy.

    2/ Mặt trận Jordan:

    Lúc đầu, Israel phán đoán Jordan vốn thân Tây phương, mãi tới ngày 31 tháng 5 năm 1967 mới theo về Nasser, thì thế nào cũng không tham chiến một cách tích cực. Phán đoán này sai. Quân Jordan đang tiến công về phía Tel Aviv, khiến một lữ đoàn nhảy dù Israel đang lên máy bay ra mặt trận Sinai ở mạn Nam đã phải hoãn bay để đánh thẳng sang Jerusalem. 

     Sau đó, một lữ đoàn thiết giáp tới tăng viện. Cuộc đánh chiếm Jerusalem rất khó khăn vì phải tiến từ căn nhà này sang căn nhà khác và phải tránh phá hủy các di tích cổ. Cuối cùng, Israel cũng chiếm được Jerusalem với Bức Tường Than Khóc thiêng liêng mà đã từ 20 năm qua, không một người Do Thái nào được tới đây cầu nguyện. Lính Israel chen lấn nhau tới áp má lên bức tường mà khóc. Cờ Israel bay trên cổ thành. Mọi người đồng thanh hô lớn: “Năm nay về Jerusalem”.  Các tướng Dayan, Rabin và ông Eshkol cũng tới và tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ rời khu đất có Bức Tường Than Khóc thiêng liêng đó nữa.

    Tiếp tục chiến dịch, một cánh quân tiến về sông Jordan và đánh chiếm thành cổ Jericho vào ngày 08 tháng 6.

    Thế là Israel chiếm hết miền đất Tây ngạn sông Jordan.
    Về tổn thất:

     Jordan: thiệt mất 6 ngàn lính, 760 bị thương, 460 tù binh, 100 chiến xa bị phá hủy, mất toàn bộ phi cơ.

    Israel: chết 350 lính, 300 bị thương.

    3/ Mặt trận Syria:

    Mặt trận này đầy gian nan.  Syria rất hiếu chiến và tự tin.  Với 75 ngàn quân cùng 400 thiết giáp, lại có địa lợi vì cao nguyên Golan rất hiểm trở và vũ khí tối tân.  Israel phải chịu hi sinh nhiều chiến sĩ mới có thể đẩy lui quân Syria.

    Hồi 18 giờ ngày 10 tháng 6, LHQ ra lệnh cho hai bên phải ngưng chiến.

    Sau trận này, Israel chiếm trọn cao nguyên Golan rộng 20 - 30 km2 bên bờ phía Đông sông Jordan.

    Về tổn thất:

    Syria: chết 200 lính, 5 ngàn bị thương, mất 80 xe tăng, 40 chiếc bị Israel “bắt sống”.  Israel chết 115 lính, 306 bị thương.

    Nguyên nhân thắng lợi:

    1/ Các nước Ả Rập chỉ đoàn kết ngoài mặt. Khi tới việc thì thiếu phối hợp.

    2/ Israel có các tướng lãnh tài ba, như các tướng Moshe Dayan, Yitzhak Rabin, Ariel Sharon, Mordekhai Hod…

    3/ Tinh thần quân đội Israel cao ngất trời.  Họ chiến đấu để sống còn. Một mặt là đại dương, 3 mặt là quân thù.

    4/ Quân đội Israel được huấn luyện kĩ lưỡng. Vả lại, nói chung, binh lính của Israel có trình độ văn hóa cao hơn.  Nhiều người trong hàng binh lính và hạ sĩ quan là những người đã tốt nghiệp đại học.

    5/ Nhờ có các vị chỉ huy tài ba cho nên tùy theo hoàn cảnh của mỗi mặt trận, quân đội Israel đã xử dụng chiến thuật tác chiến uyển chuyển khác nhau để đạt thắng lợi tối đa và mau lẹ nhất .

    6/ Sau cùng, phải kể tới công to lớn của các cơ quan tình báo Israel đã cung cấp tin tức về địch quân vô cùng tỉ mỉ và chính xác, giúp cho các vị chỉ huy soạn thảo kế hoạch hành quân hoàn hảo nhất. Tướng Moshe Daya đã phải thốt lên: “Bất kì một quân đội nào trên thế giới cũng phải tự hào có được cơ quan tình báo như vậy”.

    Kết quả:

    Về phía Ả Rập:

    1/ Nasser cay đắng trách cứ Liên Xô hứa nhiều rồi bỏ rơi Ai Cập. Ông đâu có ngờ Liên Xô và Hoa Kì đã bắt tay chung sống hòa bình. Bên ngoài họ đứng về hai bên khác nhau để thủ lợi. Khi hữu sự họ phủi tay, đứng nhìn.

    2/ Bị thua trận và thiệt hại hầu như toàn bộ vũ khí, cho nên các nước Ả Rập phải xin Liên Xô cung cấp đủ các loại vũ khí thay thế.

    3/ Nasser mất mặt, mất nhiều uy tín và xin từ chức. Dân chúng Ai Cập phải yêu cầu ông tiếp tục ở lại vị trí lãnh đạo.

    4/ Dư luận thế giới khâm phục Israel vì tài năng và dũng cảm. Khối Ả Rập mất đi nhiều thiện cảm vì nạn chia rẽ khá trầm trọng.

    5/ Hội nghị các nước Ả Rập vào tháng 8 năm 1967 tại Khartoum, Sudan, chẳng những đã không làm cho họ đoàn kết hơn mà lại làm cho hố phân cách càng sâu đậm hơn. Các nước trong hội nghị chia thành 2 phe: Phe “cách mạng” và phe “bảo thủ”.  Phe cách mạng gồm có: Ai Cập, Algeria, Syria, Sudan, Yemen, Iraq.  Phe bảo thủ gồm có: Saudi Arabia, Jordan, Morocco, Tunisia, Lybia, Lebanon, Kuwait.  Phe bảo thủ sợ Liên Xô hơn sợ Israel và muốn tiếp tục bán dầu cho Âu Mĩ.  Phe cách mạng muốn cấm vận dầu lửa Âu Mĩ để trừng phạt họ đã tỏ thiện cảm với Israel.

    Về phía Israel:

    1/ Sau trận 1967 này, Israel chiếm được trọn bán đảo Sinai của Ai Cập, trọn miền Tây ngạn rộng lớn của Joradan, trọn cao nguyên chiến lược Golan của Syria và trọn thành cổ Jerusalem.

    2/ Israel cũng thu được số vũ khí trị giá 2 tỉ Mĩ kim.

    3/ Tinh thần và uy tín lên rất cao. Có tiếng nói mạnh tại LHQ.

    4/ Tại LHQ, Israel có thái độ tự chế, tuyên bố không tham vọng đất đai chỉ yêu cầu các nước Ả Rập thương thuyết trực tiếp với Israel; bảo đảm biên giới Israel; Israel được thông thương trên kênh Suez và vịnh Aqaba; Israel sẵn sàng giúp các nước Ả Rập phát triển kinh tế; bằng lòng cho Jordan con đường ra biển.  Tóm lại là buộc các nước Ả Rập công nhận sự hiện hữu của nước Israel.

    Về phía Liên Xô:

    Liên Xô bị Ai Cập trách móc bỏ rơi đồng minh cho nên bề ngoài Liên Xô phải tỏ ra cứng rắn với Israel, thực ra bên trong Liên Xô muốn dùng biện pháp ngoại giao hơn là vũ lực. Liên Xô được mối lời to nhờ cung cấp vũ khí tân trang cho quân đội các nước Ả Rập vừa thua trận.
    Về phía Hoa Kì:

    Hoa Kì được ưu thế hơn về chính trị ở vùng Trung Đông, nhưng bề ngoài cố tránh làm mất mặt Liên Xô; cũng không muốn làm cho các nước Ả Rập bảo thủ mất lòng, cho nên chỉ đứng sau lưng Israel một cách kín đáo.

    Vì trận thắng năm 1967 này mà lãnh thổ Israel mở rộng thêm rất nhiều. Một số nước chung quanh, đặc biệt là người Palestine, hết sức đau đớn và luôn luôn tranh đấu để đòi lại những phần đất đã mất.  Họ dứt khoát không chịu công nhận quốc gia Israel, bao lâu Israel chưa chịu trả lại những phần lãnh thổ này cho dân Palestine và cho các nước chung quanh.

    Phía người Do Thái, tuy có một số người muốn trả đất để đổi lấy hòa bình, nhưng đa số vẫn khăng khăng không chịu trả đất, nhất là thành cổ Jerusalem và Bức Tường Than Khóc (The Wailing Wall).

    Đó là nguyên do chính của mọi xung đột bấy lâu nay ở vùng này.

    Đối với dân Do Thái, thành cổ Jerusalem là tượng trưng của cả dân tộc.  Sau hàng ngàn năm tha hương với biết bao nhiêu nhục nhằn, đau khổ, dân tộc Do Thái hằng mơ có ngày được gặp nhau ở Jerusalem (Next year, in Jerusalem!) thì hôm nay, họ đã có thể cùng nhau hô lớn “Năm nay về Jerusalem”.

    Về Bức Tường Than Khóc, The Wailing Wall, còn gọi là Bức Tường Phía Tây, The Western Wall, là một di tích linh thiêng bậc nhất.  Khoảng năm -1000 trước Tây lịch, vua Salomon đã xây đền thờ tráng lệ ở đây.  Đến năm - 586, đền thờ bị đế quốc Babylon phá hủy.  Năm -19 trước Tây lịch vua Herod tái thiết đền thờ huy hoàng hơn xưa.  Nhưng đến năm 70 Tây lịch, đền thờ lại bị hoàng đế La Mã phá hủy, chỉ còn trơ lại bức tường phía Tây.  Đền thờ là trung tâm tinh thần của dân tộc Do Thái, là nơi họ tới cầu nguyện, cho nên tuy đền thờ bị phá hủy, nhưng còn lại một bức tường, mặc nhiên bức tường trở thành nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái.  Dù họ đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất, người Do Thái vẫn duy trì tôn giáo của mình và tin theo lời ghi trong Cựu ước.  Họ ao ước được tới đây, đập đầu vào bức tường mà than khóc cho thân phận lưu đầy và cầu xin Yavê sai một đấng Messiah tới cứu dân Ngài, vì thế mà bức tường mang tên Bức Tường Than Khóc. Ngày nay, mỗi khi đất nước gặp nguy khốn, người Do Thái cũng đổ về đây để cầu nguyện cho đất nước được tai qua nạn khỏi.

    Vì ý nghĩa linh thiêng tối quan trọng của bức tường này, cho nên khi chiếm được cổ thành, quân Israel lập tức ủi sạch khu đất chung quanh, biến nơi đây thành một quảng trường rộng lớn, mang tên Western Wall Plaza, đủ chỗ cho khoảng 400 ngàn người tụ họp cầu nguyện trong những dịp lễ lớn.

    Ngày nay chúng ta rất quen thuộc với hình ảnh những người Do Thái thuộc phái Hassidi, áo dài màu đen, mũ đen, râu dài, tới đây đọc sách thánh và cầu nguyện.

    Thánh địa Western Wall Plaza cũng thường là nơi các du khách, các chính khách tới viếng thăm và cầu nguyện mỗi khi có dịp tới thành cổ Jerusalem.

    CHIẾN TRANH LẦN THỨ 4 NĂM 1973

    Còn gọi là cuộc chiến Yom Kippur vì quân đội hai nước Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel vào đúng ngày lễ Sám hối (Yom Kippur) của người Do Thái.

    Trận chiến thứ 4 này, Israel bị tấn công bất ngờ.

    Tình hình từ năm 1967 tới năm 1974:

    Quan hệ Hoa Kì - Liên Xô:

    Ngoài mặt, vẫn chiến tranh lạnh, song bên trong ngấm ngầm chủ trương sống chung hòa bình.  Cả hai bên đều nhúng tay vào những cuộc xung đột ở Việt Nam, Trung Đông…. Ở Trung Đông, bên này đổ thêm vũ khí, bên kia cũng đổ thêm vũ khí. Mặc nhiên bảo các bạn cứ đánh nhau, chúng tôi đứng canh chừng, khi nào mệt thì chúng tôi bảo ngừng. Chúng tôi không muốn đánh nhau. Tới năm 1972, Tổng thống Nixon còn sang Bắc Kinh bắt tay Chủ tịch Mao Trạch Đông.

    Khối Ả Rập:

    - Hội nghị Khartoum của các nước khối Ả Rập tháng 8 năm 1967 thất bại. Khối chia ra 2 phe: cách mạng và bảo thủ. Hội nghị không dám chủ chiến vì chưa đủ lực, cũng không chủ bại vì sợ mất mặt.

    - Tháng 11 năm 1967: Hội đồng Bảo an LHQ ra quyết nghị bắtIsrael phải trả đất.  Ả Rập phải nhìn nhận Israel.  Ả Rập bằng lòng nhưng Israel không chịu trả đất.

    - Đến tháng 7 năm 1968, Ai Cập dịu đi, chấp nhận Israel là một thực thể, không hô hào tiêu diệt Israel nữa. Nhưng chính phủ mới lên ở Syria lại quyết liệt đè bẹp Israel, làm cho tình hình lại căng thẳng. Trong khi đó, xẩy ra nhiều cuộc va chạm ở các biên giới.  Bao giờ Israel cũng trả đũa dữ dội hơn.

    - Tháng 9 năm 1969, Ai Cập - Israel không chiến lớn ở bờ kênh Suez. Nữ thủ tướng Israel bảo:  “Ả Rập vẫn chưa học được bài học tháng 6 năm 1967”. Thái độ quá tự tin này sẽ dẫn tới việc Israel bị tấn công bất ngờ lần này (1973).

    - Sau trận không chiến, các nước khối Ả Rập họp hội nghị tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

    Hội nghị lên án việc đốt một thánh đường Hồi giáo ở Jerusalem của một công dân Úc sống trong khu vực người Do Thái; đòi Do Thài trả đất đã chiếm trong trận 1967; ủng hộ Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO).

    - Nhưng chỉ 3 tháng sau, tháng 12 năm 1969, một hội nghị thượng đỉnh khác họp tại Rabat, Morocco, thì lại chia rẽ, không đưa ra được quyết nghị nào.

    - Giữa năm 1970, Hoa Kì đề nghị hai bên hưu chiến. Liên Xô và cả hai bên bằng lòng.

    Israel đề nghị: Trả 70% đất đã chiếm ở Tây ngạn sông Jordan, nhưng cần lập một vùng phi quân sự; vẫn chiếm giữ cao nguyên Golan. Bù lại, Ả Rập phải thừa nhận quốc gia Israel; Istrael được xử dụng kênh Suez và Ai Cập phải nhường vài vị trí trên kênh Suez cho Israel.
    - Mặt trận Giải phóng Palestine phản đối đề nghị của Israel. Họ còn âm mưu ám sát quốc vương Hussein của Jordan vì cho là quốc vương chủ hòa. Hussein ra lệnh đàn áp Mặt trận dữ dội. Palestine gọi vụ đàn áp này là vụ Tháng Chín Đen.

    - Nasser đứng ra hòa giải, nhưng bất ngờ chết vì đau tim ngày 28 tháng 10 năm 1970, thọ 52 tuổi. Tổng thống Ai Cập Nasser là người có chí lớn, có tài. Tuy mộng không trọn vẹn nhưng vị trí của ông trong lịch sử đứng ngang hàng với Mustafa Kemal (1881-1938, người khai sáng nền cộng hòa và là tổng thống Thổ Nhĩ Kì từ 1823-38).

    - Chủ tịch quốc hội Answar Sadat lên thay. Bên Syria cũng có tổng thống mới là tướng Assad, chủ trương ôn hòa hơn. Tổng thống mới của Ai Cập là Sadat muốn kí hòa ước với Israel, chịu thừa nhận Israel và đề nghị Israel trả cho Ai Cập một phần bán đảo Sinai. Nữ Thủ tướng Golda Meir của Israel bác bỏ đề nghị này của Tổng thống Sadat, khiến LHQ và Hoa Kì bất mãn. Nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Sadat thất bại khiến cho ông bị phe tả muốn lật đổ ông, bắt buộc ông phải thẳng tay đàn áp.

    - Năm 1971, hai bên căng thẳng trở lại trong tình trạng chiến tranh.

    - Năm 1972 xẩy ra 3 sự kiện đáng chú ý: Một là quốc vương Hussein của Jordan muốn bắt tay với Israel thành lập một vương quốc liên hiệp Ả Rập - Israel ở bờ Tây ngạn sông Jordan. Đề nghị này bị Mặt trận Giải phóng Palestine và khối Ả Rập phản đối. Hai là Tổng thống Sadat xin thêm viện trợ của Liên Xô không được nên đã trục xuất 15 ngàn cố vấn quân sự Liên Xô, rồi quay sang nhờ cậy Hoa Kì. Hoa Kì không đáp ứng.  4 tháng sau, Sadat lại trở về nhờ cậy Liên Xô.

    Tóm lại:

    Quốc vương Hussein của Jordan chủ hòa nhưng bị dân tị nạn Palestine lưu vong ở nước ông chống đối muốn giết ông. Ông phải khôn khéo lắm mới giữ được tính mạng.

    Lebanon tuy ghét người Do Thái nhưng lại thân Tây phuơng.

    Saudi Arabia vì quyền lợi bán dầu lửa cho nên chỉ ủng hộ phe Ả Rập bằng miệng mà thôi.
    Ai Cập là chủ chốt, nhưng mất đi nhiều uy tín từ khi nhà lãnh đạo Nasser qua đời.

    Trong tình hình này, lại thêm việc Israel chưa thực tâm muốn hòa giải, cho nên những nỗ lực vãn hồi hòa bình ở Trung Đông không mang lại kết quả nào.

    Bên cạnh tình hình các quốc gia Ả Rập trước khi cuộc chiến thứ 4 xẩy ra như trên, cũng phải kể thêm những hoạt động của Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO) trong giai đoạn này đã làm cho tình hình thêm căng thẳng.

    Từ khi thành lập năm 1964, cảm tử quân thuộc Mặt trận PLO đã tổ chức nhiều trận đánh đặc công, phá hoại, ám sát. Những cuộc đọ sức giữa PLO và Israel diễn ra khắp nơi với những pha hồi hộp, lạnh gáy như trên phim ảnh!

    Về phía Israel:

    Cuối năm 1969, thủ tướng Levi Eskhol qua đời, bà Golda Meir lên thay. Bà cùng với tướng Moshe Dayan chủ trương “diều hâu”, từ chối những đề nghị hòa giải của LHQ cũng như của phía Ả Rập. Bà Golda Meir từng tuyên bố: “Người ngoại quốc chưa bao giờ định biên giới cho chúng tôi, và trong tương lai chúng tôi cũng miễn cho họ việc ấy. Hiện nay chúng tôi đóng ở đâu, thì đó là biên giới của chúng tôi” (1969).

    Thế nhưng Isarel cũng có một quan niệm ôn hòa hơn. Đại diện là bộ trưởng ngoại giao Abba Eban. Ông bộ trưởng chủ trương trả đất để sống chung hòa bình. Nếu cứ thực dân và hiếu chiến thì có ngày sẽ chung số phận của Napoléon và Hitler. Đang khi đó, Israel phải tiêu tới 75% lợi tức quốc gia vào quốc phòng thì dân không chịu cực khổ được lâu nữa. Những trận đánh du kích tiêu hao của Ả Rập làm tổn thất nhân mạng cao hơn số tử vong trong trận chiến 1967.

    Trong bối cảnh tình hình phức tạp của vùng Trung Đông như đã sơ lược trên đây, có mấy điểm đáng chú ý: Một là hồi tháng 7 năm 1972, Tổng thống Sadat của Ai Cập trục xuất một lúc 15 ngàn cố vấn Liên Xô. Hai là vào tháng 9 năm 1972, tổng thư kí LHQ Kurt Waldheim đi thị sát Trung Đông về, đã tuyên bố rằng các nước bên đó muốn hòa bình. Ba là từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9 năm 1972, hội nghị các nước phi liên kết diễn ra tại Alger, Algeria, cho thế giới có cảm tưởng họ không đoàn kết và chỉ lên án Israel lấy lệ. Riêng có lãnh tụ Mặt trận Giải phóng Palestine là Arafat đưa ra đề nghị trừng phạt các nước Âu Mĩ đã ủng hộ Israel bằng biện pháp cấm vận dầu lửa. Đây không phải là ý kiến mới mẻ gì, vả lại,vì quyền lợi kinh tế riêng, nhiều nước có dầu lửa không chấp nhận ý kiến này. Sau này người ta nghi ngờ 3 diễn biến trên đây đều là kế nghi binh của Liên Xô và các nước Ả Rập nhằm làm cho Israel đang mắc bệnh chủ quan, rằng các nước Ả Rập không dám tấn công Israel trong lúc này, bị đánh úp bất ngờ sẽ không trở tay kịp.

    Diễn tiến cuộc chiến tranh lần thứ tư

    Lần này, các nước Ả Rập ra tay trước, lợi dụng yếu tố bất ngờ.

    1/ Giai đoạn 1 từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 10 năm 1973: Chiều thứ 7 ngày 6 tháng 10, trong khi người Do Thái đang cử hành lễ Kippur (Lễ Sám hối) thì liên quân Ai Cập và Syria cùng lúc ồ ạt tấn công Israel. 120 ngàn quân Ai Cập, 2 ngàn chiến xa, 500 chiến đấu cơ tràn qua kênh Suez. Đồng thời 100 ngàn quân Syria cùng với 1 ngàn 4 trăm chiến xa tấn công tái chiếm cao nguyên Golan.

    Isarel chỉ có 90 ngàn quân hiện dịch cố gắng chống đỡ ở cả hai mặt trận Bắc, Nam, đã phải vội vàng gọi quân trừ bị để chuẩn bị phản công. Ngày 9 tháng 10, Israel thua tại Sinai, phải bỏ phòng tuyến tối tân Barlev, mất một đoàn xe tăng.

    Khối Phi liên kết và các nước Cộng Sản lên tiếng ủng hộ Ả Rập. Morocco và Sudan gửi quân tăng viện. Iraq quốc hữu hóa 2 công ti dầu của Hoa Kì. Hoa Kì tuyên bố ủng hộ Israel, còn Liên Xô ủng hộ Ả Rập. Pháp giở giọng: “Họ trở về nhà của họ thì không thể bảo là họ xâm lăng được”. Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngưng bắn, nhưng chẳng ai nghe.
    Chỉ sau 4 ngày đầu, Israel thiệt trên 1 tỉ Mĩ Kim.

    2/ Giai đoạn 2 từ ngày 10 đến 18 tháng 10: Israel phản công dữ dội. Thắng ở cao nguyên Golan, tiến cách thủ đô Damas của Syria có 30 km. Iraq tăng viện 16 ngàn quân và 100 phi cơ.  Jordan chỉ gửi một đoàn kị binh giúp Syria.  Israel tiêu diệt cả hai đạo quân Syria lẫn Jordan. Ả Rập đã thua tại mặt trận phía Bắc.

    Tại mặt trận phía Nam, Ai Cập tiến qua kênh Suez được khoảng 15 tới 20 km thì bị Israel chặn lại. Một trận đại chiến xẩy ra ở trung bộ Sinai, không phân thắng bại. Thêm nhiều nước tham chiến, như: Algeria, Tunisia, Saudi Arabia. Phe Ả Rập cấm vận dầu lửa sang Hoa Kì và Hòa Lan. Âu châu lo lắng, kêu gọi ngưng bắn và Israel phải trả đất đã chiếm của Ả Rập năm 1967.

    Hoa Kì và Liên Xô vội vã gửi thêm vũ khí cho đàn em. Hoa Kì gửi xe tăng GM60, đại bác, đạn “bò cạp”, hỏa tiễn Sidewinder và Sparrow cho Israel. Liên Xô gửi Mig 21, hỏa tiễn Sam 6 để hạ phi cơ và Sam 7 để đánh chiến xa. Hoa Kì điều hàng không mẫu hạm Roosevelt vào Địa Trung Hải, Liên Xô cũng phái 3 chiến hạm và nhiều tầu nhỏ vào vùng biển đang có giao tranh.

    Ngày 16 tháng 10, hai bên có vẻ muốn thương lượng. Các chính khách hàng đầu của Liên Xô và Hoa Kì tấp nập hoạt động ngoại giao con thoi.

    3/ Giai đoạn 3 từ ngày 19 đến 23 tháng 10: Israel có vẻ thắng thế. LHQ ra lệnh ngưng bắn

    . Phía Bắc, Syria cố phản công, nhưng bị Israel bẻ gẫy. Phía Nam, Ai Cập bắt đầu núng thế.  Ngày 19 tháng 10, Isarel chẻ đôi quân Ai Cập ở Siani. Ngày 21 tháng 10, 15 ngàn quân cảm tử Israel vượt Hồng Hải luồn vào phía sau quân Ai Cập, phá hủy các dàn hỏa tiễn phòng không. Nhờ thế, Isreal lại làm chủ không trung. Bao vây toàn bộ quân đoàn 3 của Ai Cập. Israel tiến cách thủ đô Cairo của Ai Cập 80 km.

    Kissinger qua Liên Xô thu xếp để cho LHQ có thể ra lệnh:

    - Ngưng bắn tại chỗ từ 18 giờ 52 phút ngày 22 tháng 10 năm 1973.

    - Thi hành nghị quyết 22 tháng 11 năm 1967 của LHQ (5 năm trước Israel không chịu). Isreal phải trả đất chiếm năm 1967 và tôn trọng quyền sinh sống của người Palestine. Ả Rập phải tôn trọng biên giới của Israel và nhìn nhận tính hợp pháp của quốc gia Israel…

    Lúc đầu, Israel và Ai Cập ngưng bắn, như thế là cuộc chiến kéo dài 17 ngày. Nhưng vì Syria, Iraq và Palestine không chịu nên Israel và Ai Cập lại đánh nhau thêm một ngày nữa. Sang ngày 23 tháng 10 mới chấm dứt hẳn, cho nên gọi là cuộc chiến 18 ngày.

    Tổn thất:

    Israel: chết 4 ngàn 100 lính, mất 107 phi cơ, 840 chiến xa, 1 tầu.

    Ai Cập: chết 7 ngàn 500 lính, mất 242 phi cơ, 895 chiến xa, 20 tầu.

    Syria: chết 7 ngàn 300 lính, mất 179 phi cơ, 880 chiến xa.

    Kết quả:

    Israel chiếm được 300 dặm vuông ở Syria, 475 dăm vuông ở Ai Cập.

    Các nước Ả Rập sản xuất dầu lửa đoàn kết với nhau để trừng phạt Hoa Kì, Hòa Lan và các nước ủng hộ Israel. Cuộc cấm vận dầu lửa này làm xáo trộn đáng kể đời sống của nhiều nước. Nhật vội vàng yêu cầu Israel phải trả đất cho Ả Rập để mong Saudi Arabia tiếp tục bán dầu cho.

    Kissinger vận động ráo riết để triệu tập hội nghị Genève vào ngày 21 tháng 12 do tổng thư kí LHQ chủ tọa. Tham dự có Isreal, Ai Cập, Jordan, Hoa Kì, Liên Xô, Syria không chịu họp. Khó giải quyết nhất là vấn đề Jerusalem và vấn đề người Palestine. Làm sao có một tổ quốc cho gần 3 triệu người Palestine đang sống lây lất ở các nước chung quanh Jordan, Lebanon, Syria, Kuwait, Saudi Arabia, dải Gaza và trên đất Israel. Còn vấn đề Jerusalem là thánh địa của 3 tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Sau chiến thắng năm 1967, Israel thề sẽ không bao giờ rời bỏ thành thánh Jerusalem nữa.

    Như thế, con đường tiến tới hòa bình ở vùng này vẫn là con đường thiên lí đầy gian nan, đau khổ.
    *Trần Vinh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét