Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

BẢN HỎI THƯA GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO PHẦN THỨ TƯ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO (584-670)

BẢN HỎI THƯA GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO PHẦN THỨ TƯ
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
 (584-670)

PHẦN THỨ TƯ
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
MỤC THỨ NHẤT
KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO
CHƯƠNG MỘT
MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN
BÀI 70 – KINH NGUYỆN TRONG LỊCH SỬ
“Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe tiếng kêu cầu của tôi tớ Ngài dâng trước Tôn Nhan”. (2 Sb 6,19).
584/ H. Cầu nguyện là gì?
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương. [534]

 
585/ H. Vì sao chúng ta phải cầu nguyện?
T. Vì tự bản chất con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa là nguồn sự sống và vì Ngài vẫn hằng kêu mời chúng ta đến gặp gỡ, thưa chuyện với Ngài. [535]
MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC
586/ H. Trong Cựu Ước, các Tổ Phụ, Ngôn Sứ và Dân Chúa đã cầu nguyện thế nào?
T. Các ngài đã cầu nguyện trong tinh thần tin tưởng và phó thác, lắng nghe và vâng phục, sống thân mật với Chúa và chuyển cầu cho anh chị em mình. [536-539]

 
587/ H. Thánh vịnh là gì?
T. Thánh vịnh là lời cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng, giúp con người ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. [540]

 
588/ H. Vì sao Thánh vịnh vẫn là lời kinh quan trọng của Hội Thánh?
T. Vì Thánh vịnh được Chúa Kitô dùng để cầu nguyện, là yếu tố chính yếu trong kinh nguyện của Hội Thánh và thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh qua mọi thời gian. [538]

 
TRONG CHÚA GIÊSU, VIỆC CẦU NGUYỆN
ĐÃ ĐƯỢC MẠC KHẢI VÀ THỰC HIỆN CÁCH TRỌN VẸN
589/ H. Trong Tân Ước, ai là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất?
T. Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất. [GLHTCG 2607]

 
590/ H. Chúa Giêsu học cầu nguyện với ai?
T. Chúa Giêsu học cầu nguyện với thân mẫu của Ngài và từ truyền thống Do Thái, nhưng lời cầu nguyện của Ngài còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn, vì Ngài là Con Một Chúa Cha. [541]

 
591/ H. Chúa Giêsu cầu nguyện khi nào?
T.  Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện, đặc biệt trước những giờ phút quyết định cho sứ vụ của mình hay của các Tông đồ. [542]

 
592/ H. Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình nào?
T. Chúa Giêsu cầu nguyện với tâm tình hiếu thảo. Ngài kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha trong tình yêu mến, vâng phục, mà đỉnh cao là cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá. [542]

 
593/ H. Chúa Giêsu cầu nguyện thế nào trong cuộc khổ nạn?
T. Qua những lời cầu nguyện trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu diễn tả tâm tình của người con muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha và mang lấy mọi nỗi lo âu của nhân loại, cùng mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ. [543]

 
594/ H. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện thế nào?
T. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với ý hướng ngay lành, với niềm tin mạnh mẽ, sự kiên trì và tình con thảo. [544]

 
595/ H. Làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả?
T. Để lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, phải kết hợp lời cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. [545]

 
596/ H. Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào?
T. Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện trong niềm tin, trong tâm tình quảng đại hiến dâng và cầu xin cho những nhu cầu của loài người. [546]

 
597/ H. Trong Tin Mừng có lời khẩn cầu nào của Đức Maria không?
T. Trong Tin Mừng có lời khẩn cầu của Đức Maria tại Cana, miền Galilê và lời kinh Ca ngợi. [547]
__________          __________
BÀI 71 – KINH NGUYỆN TRONG THỜI HỘI THÁNH
 
“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người”. (1 Tm 2,1).
598/ H. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong đời sống cầu nguyện thế nào?
T. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. (Cv 2,42). [548]

 
599/ H. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong kinh nguyện của Hội Thánh?
T. Chúa Thánh Thần dạy Hội Thánh cầu nguyện và hướng dẫn Hội Thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô. [549]

 
600/ H. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì?
T. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả những hình thức cầu nguyện này. [550]

 
601/ H. Chúc tụng là gì?
T. Chúc tụng là việc con người đáp lại hồng ân của Thiên Chúa. [551]

 
602/ H. Thờ lạy là gì?
T. Thờ lạy là việc con người phủ phục trước Thiên Chúa là Đấng muôn trùng chí thánh. [552]

 
603/ H. Cầu xin là gì?
T. Cầu xin là việc con người xin Chúa tha thứ và ban mọi ơn lành hồn xác, nhất là xin cho Nước Chúa trị đến. [553]

 
604/ H. Chuyển cầu là gì?
T. Chuyển cầu là việc con người xin ơn cho người khác, ngay cả cho kẻ thù. [554]

 
605/ H. Tạ ơn là gì?
T. Tạ ơn là việc con người dâng lên Thiên Chúa lời cám ơn, vì tất cả những gì họ nhận lãnh đều đến từ Thiên Chúa. [555]

 
606/ H. Khi nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn?
T. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi cử hành Thánh lễ. [555]

 
607/ H. Ca ngợi là gì?
T. Ca ngợi là việc con người tán dương và tôn vinh Thiên Chúa, vì chính Ngài và sự hiện hữu của Ngài. [556]
__________          __________
CHƯƠNG HAI
TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN
BÀI 72 – KINH NGUYỆN TRONG LỊCH SỬ
 
“Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”. (Rm 8,26b).
608/ H. Vì sao truyền thống của Hội Thánh có tầm quan trọng đối với việc cầu nguyện?
T. Vì qua truyền thống của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần dạy con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện. [557]

 
609/ H. Có những nguồn mạch nào giúp chúng ta cầu nguyện?
T. Có bốn nguồn mạch này:
  - Một là Lời Chúa;
  - Hai là Phụng vụ của Hội Thánh;
  - Ba là các nhân đức tin, cậy, mến;
  - Bốn là những biến cố vui buồn, sướng khổ trong đời sống hằng ngày. [558]

 
610/ H. Con đường cầu nguyện của chúng ta là gì?
T. Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Chúa Giêsu, vì chúng ta chỉ có thể cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu. [560]
611/ H. Ai dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu?
T. Chính Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, vì “không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3). [561]

 
612/ H. Vì sao Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria và cầu nguyện cùng Đức Maria?
T. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria vì Mẹ đã cộng tác cách độc đáo với hoạt động của Chúa Thánh Thần, và cầu nguyện cùng Đức Maria vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo nhất. [562]

 
613/ H. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria bằng cách nào?
T. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria bằng kinh Kính mừng, chuỗi Mân côi, kinh cầu Đức Bà, các thánh thi và thánh ca. [563]
NHỮNG NGƯỜI HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN
614/ H. Các Thánh giúp chúng ta cầu nguyện thế nào?
T. Các Thánh là những gương mẫu cầu nguyện. Các ngài hằng chuyển cầu cho chúng ta và để lại nhiều linh đạo dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện. [564]

 
615/ H. Những ai có thể dạy chúng ta cầu nguyện?
T. Cha mẹ, các thừa tác viên có chức thánh, các tu sĩ và các giáo lý viên, là những người có thể dạy chúng ta cầu nguyện. [565]

 
616/ H. Chúng ta có thể cầu nguyện lúc nào và nơi nào?
T. Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và nơi nào, nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện. [566]
__________          __________
CHƯƠNG BA
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
BÀI 73 – ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
“Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn”. (Mt 26,41).
617/ H. Thời điểm nào thích hợp cho việc cầu nguyện?
T. Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện, nhưng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội Thánh đề nghị các Kitô hữu những thời điểm sau: ban sáng và ban tối, trước và sau bữa ăn, Phụng vụ Các Giờ Kinh, Thánh lễ, kinh Mân côi, các lễ mừng trong năm phụng vụ. [567]

 
618/ H. Có mấy hình thức cầu nguyện?
T. Có nhiều hình thức cầu nguyện, nhưng Truyền thống Kitô giáo thường giữ ba hình thức chính yếu; đó là khẩu nguyện, suy niệm và chiêm niệm. Ba hình thức này hòa hợp với nhau và đưa con người đến gặp gỡ Thiên Chúa bằng cả thân xác lẫn tâm hồn. [568]

 
619/ H. Khẩu nguyện là gì?
T. Khẩu nguyện là bày tỏ tâm tình của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng lời kinh tiếng hát. Đây là nhu cầu của bản tính con người có hồn và xác. [569]

 
620/ H. Suy niệm là gì?
T. Suy niệm là dùng trí khôn để suy nghĩ và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, nhằm đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và quyết tâm theo Đức Kitô. [570]

 
621/ H. Chiêm niệm là gì?
T. Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa trong thinh lặng và tình yêu, tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. [571]
CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN
622/ H. Có những lý do nào khiến chúng ta lơ là cầu nguyện?
T. Có những lý do này:
  - Một là quan niệm sai lạc về cầu nguyện;
  - Hai là cho rằng mình không có giờ để cầu nguyện hoặc cầu nguyện là vô ích;
  - Ba là nản lòng trước những khó khăn và thất bại. [573]

 
623/ H. Chúng ta thường gặp những khó khăn nào khi cầu nguyện?
T. Chúng ta thường gặp những khó khăn do chia trí, khô khan và nguội lạnh. [574]

 
624/ H. Chúng ta phải làm gì để thắng vượt những trở ngại trong việc cầu nguyện?
T. Chúng ta phải có lòng khiêm nhường, tin tưởng vào Chúa và kiên trì cầu nguyện. [573]

 
625/ H. Chúng ta phải làm gì khi cầu nguyện mà không được Chúa nhậm lời?
T. Chúng ta phải tự hỏi xem Thiên Chúa có là người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi thánh ý, hay chỉ là phương tiện để đạt tới những gì chúng ta mong muốn. [575]

 
626/ H. Chúng ta phải làm thế nào để có thể cầu nguyện luôn?
T. Chúng ta phải gắn liền cầu nguyện với cuộc sống, nghĩa là làm cho đời sống trở thành lời cầu nguyện, bằng cách làm mọi việc vì Danh Chúa Giêsu Kitô (x. 1 Cr 10,31). [572. 576]
__________          __________
MỤC THỨ HAI
LỜI KINH CHÚA DẠY
BÀI 74 – KINH LẠY CHA
“Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. (Lc 11,1).

627/ H. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta kinh nguyện nào?
T. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta kinh nguyện tuyệt hảo, đó là kinh Lạy Cha:
  Lạy Cha chúng con ở trên trời/ chúng con nguyện danh Cha cả sáng/ Nước Cha trị đến/ Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. – Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày/ và tha nợ chúng con,/ như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con/ Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,/ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ./ Amen.

 
628/ H. Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha khi nào?
T. Chúa Giêsu dạy kinh Lạy Cha khi một môn đệ thấy Ngài cầu nguyện và thưa rằng: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). [578]

 
629/ H. Vì sao kinh Lạy Cha có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Kitô Giáo?
T. Vì kinh Lạy Cha là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là kinh nguyện của Chúa và của Hội Thánh. [579]

 
630/ H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng?
T. Vì kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện. [579]

 
631/ H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Chúa?
T. Vì kinh Lạy Cha là kinh nguyện do chính Chúa Giêsu đã dạy. [580]

 
632/ H. Vì sao kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Hội Thánh?
T. Vì kinh Lạy Cha là thành phần không thể thiếu trong các giờ kinh Phụng vụ và trong các bí tích khai tâm Kitô giáo. [581]

 
LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI

633/ H. Vì sao chúng ta dám đến gần và kêu cầu Thiên Chúa là Cha?
T. Vì Chúa Giêsu đã mạc khải và hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, đồng thời Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. [582-583]

 
634/ H. Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với những tâm tình nào?
T. Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với những tâm tình này:
  - Một là ước ao và quyết chí nên giống Thiên Chúa là Cha, vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài;
  - Hai là phải có lòng khiêm nhường và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được hoán cải và trở nên như trẻ thơ. [GLHTCG 2784-2785]

 
635/ H. Chúng ta phải hiểu và sống thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là “Cha chúng con”?
T. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và mọi người là anh em với nhau, vì thế chúng ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau. [584]

 
636/ H. Vì sao lời kêu cầu Thiên Chúa là “Cha chúng con” mang tính hiệp thông và truyền giáo?
T.  Vì đó là lời cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất với nhau và cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa là Cha. [585]

 
637/ H. Chúng ta phải hiểu thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là Cha “ở trên trời”?
T. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa cao cả và vượt trên tất cả mọi sự, Ngài là Đấng thánh thiện và hiện diện trong tâm hồn những người công chính. [586]
__________          __________
BÀI 75 – BẢY LỜI CẦU XIN
 
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”. (Mt 6,9).

638/ H. Kinh Lạy Cha được cấu tạo thế nào?
T. Kinh Lạy Cha bao gồm bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời cầu xin đầu hướng chúng ta đến Thiên Chúa, bốn lời cầu xin cuối trình bày những nhu cầu của con người. [587]

 
639/ H. Chúng ta xin gì trong ba lời nguyện đầu tiên của kinh Lạy Cha?
T. Chúng ta xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. [587]

 
640/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Danh Cha cả sáng”?
T. Chúng ta xin cho toàn thể nhân loại nhận biết và ngợi khen Thiên Chúa là Đấng chí thánh. [588]

 
641/ H. Chúng ta phải làm gì để Danh Cha được cả sáng?
T. Chúng ta phải sống tốt lành thánh thiện, để mọi người nhận biết và chúc tụng Thiên Chúa là Cha. [589]

 
642/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Nước Cha trị đến”?
T. Chúng ta khẩn cầu Đức Kitô trở lại trong vinh quang và Nước Thiên Chúa ngày càng lớn mạnh ngay trong cuộc đời này. [590]

 
643/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”?
T. Chúng ta xin Cha kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Chúa Giêsu, để ý định yêu thương của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. [591]

 
644/ H. Chúng ta xin gì trong bốn lời cầu xin cuối của kinh Lạy Cha?
T. Chúng ta Cha ban lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, trợ giúp chúng ta trong những cơn cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. [587]

 
645/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”?
T. Chúng ta xin Cha ban lương thực vật chất cũng như tinh thần và cho chúng ta biết giúp đỡ những người thiếu thốn. [592]

 
646/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”?
T. Chúng ta xin Cha thương xót và tha thứ cho mọi xúc phạm của chúng ta, đồng thời giúp chúng ta biết yêu thương và tha thứ cho người khác. [594]

 
647/ H. Chúng ta phải làm thế nào để có thể tha thứ cho người khác?
T. Chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần trợ giúp, vì chỉ mình Ngài mới làm cho chúng ta có được tâm tình yêu thương và khả năng tha thứ như Chúa Giêsu. [595]

 
648/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”?
T. Chúng ta xin Cha đừng để chúng ta đơn độc trong cơn cám dỗ, nhưng ban Thánh Thần để giúp chúng ta biết nhận định và chống lại cám dỗ, biết tỉnh thức và bền đỗ đến cùng. [596]

 
649/ H. Chúng ta xin gì khi nguyện “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”?
T. Chúng ta xin Cha cho cả gia đình nhân loại được thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó, cùng xin ơn bình an và kiên trì chờ ngày Chúa Giêsu lại đến. [597]

 
650/ H. Chúng ta mong ước gì khi kết thúc kinh Lạy Cha với tiếng “Amen”?
T. Chúng ta mong ước Chúa Cha nhận lời chúng ta cầu xin và cho chúng ta biết thực thi những điều Chúa Giêsu dạy trong kinh nguyện này. [598; GLHTCG 2856]
__________          __________
HẾT PHẦN THỨ TƯ
PHẦN THỨ NĂM
HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
BÀI 76 – LỊCH SỬ HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
 
“Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. (Cv 11,26).
651/ H. Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ khi nào?
T. Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ thế kỷ mười sáu.

 
652/ H. Có bằng chứng nào cho biết Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ thế kỷ mười sáu không?
T. Theo Khâm Định Việt Sử, năm 1533, đời vua Lê Trang Tôn, có một thừa sai Tây phương tên là Inêkhu đã theo đường biển vào truyền đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.

 
653/ H. Để rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, các vị thừa sai đầu tiên đã làm gì?
T. Để rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, các vị thừa sai đầu tiên đã hòa nhập vào đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam, đặc biệt sáng tạo và hoàn thành chữ Quốc ngữ với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng.

 
654/ H. Các tín hữu đầu tiên đã cộng tác thế nào với các vị thừa sai trong công cuộc rao giảng Tin Mừng?
T. Các tín hữu đầu tiên đã giúp các vị thừa sai học ngôn ngữ và làm quen với phong tục Việt Nam, để các ngài có thể giảng đạo bằng tiếng Việt Nam. Các thầy giảng còn giúp các ngài dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa.

 
655/ H. Các tín hữu đầu tiên đã đón nhận và sống Tin Mừng thế nào?
T. Các tín hữu đầu tiên đã đón nhận Tin Mừng cách quảng đại, đơn sơ và chân thành. Họ đã sống đùm bọc yêu thương nhau, đến nỗi đồng bào lương gọi họ là những người theo đạo yêu nhau.

 
656/ H. Chứng nhân đức tin đầu tiên tại Việt Nam là những ai?
T. Là anh Phanxicô, làm việc bác ái mà bị tra tấn và bị giết năm 1630, tại Đàng Ngoài và thầy Anrê Phú Yên là học trò của cha Đắc Lộ, bị chém đầu năm 1644, tại Đàng Trong.

 
657/ H. Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam thế nào?
T. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam là Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời đặt Đức Giám mục Phanxicô Palu làm Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Ngoài và Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt làm Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong.

 
658/ H. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại Giu-thi-a, kinh đô Thái Lan, vào năm 1664.

 
659/ H. Công đồng chung tại Giu-thi-a bàn đến vấn đề gì?
T. Công đồng chung tại Giu-thi-a bàn đến việc biên soạn một bản điều luật dành cho các thừa sai và cộng tác viên của các ngài, gồm có vấn đề thánh hóa đời sống bằng việc truyền giáo, vấn đề truyền giáo cho lương dân và việc tổ chức các xứ đạo.

 
660/ H. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại Phố Hiến, thuộc Hưng Yên, vào tháng 2 năm 1670, dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt.

 
661/ H. Công đồng Phố Hiến bàn đến vấn đề gì?
T.  Công đồng Phố Hiến đưa ra một chương trình hoạt động gồm có việc phân chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng Hội Thánh Việt Nam và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.

 
662/ H. Linh mục đầu tiên người Việt Nam là những ai?
T. Là các linh mục Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ ở Đàng Ngoài, linh mục Giuse Trang và Luca Bền ở Đàng Trong. Tất cả đều được Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt truyền chức tại Thái Lan, ngày 31 tháng Giêng năm 1688.

 
663/ H. Các Kitô hữu đã sống đức tin thế nào trong thời kỳ Hội Thánh tại Việt Nam chịu thử thách?
T. Các Kitô hữu Việt Nam đã sống đức tin hết sức kiên cường; hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào để minh chứng đức tin, trong số đó có 117 vị tử đạo gồm 8 giám mục, 50 linh mục và 59 giáo dân, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Ngoài ra còn có thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị tôn phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.

 
664/ H. Giám mục đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Giám mục đầu tiên người Việt Nam là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, ngài được Đức Thánh Cha Piô Mười Một tấn phong Giám mục ngày 11 tháng 6 năm 1933 tại Rôma.

 
665/ H. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập khi nào?
T. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được Đức Giáo Hoàng Gioan Hai Mươi Ba thiết lập ngày 24 tháng 11 năm 1960, với 3 giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài-Gòn.

 
666/ H. Đường hướng mục vụ của Hội Thánh tại Việt Nam hiện nay là gì?
T. Đường hướng mục vụ của Hội Thánh tại Việt Nam hiện nay là “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010).

 
667/ H. Để “bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Hội Thánh tại Việt Nam cần làm những gì?
T. Hội Thánh tại Việt Nam cần “xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương của Đức Kitô trên đất nước này” (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 s.9).

 
668/ H. Hội Thánh tại Việt Nam chọn nơi nào để tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt?
T. Hội Thánh tại Việt Nam chọn Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, để tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu Đức Bà phù hộ các giáo hữu.

 
669/ H. Vì sao Hội Thánh tại Việt Nam chọn La Vang làm Trung tâm Hành hương?
T. Vì đó là nơi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798, để an ủi và nâng đỡ đức tin của các tín hữu đang trốn lánh cơn bắt đạo dưới thời Vua Cảnh Thịnh.

 
670/ H. Đền Thờ Đức Mẹ La Vang có vị trí nào trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam?
T. Vào năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan Hai Mươi Ba đã nâng Đền thờ Đức Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường; và năm 1976, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn Đền thờ Đức Mẹ La Vang làm Trung tâm Hành hương.
__________          __________
HẾT PHẦN THỨ NĂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét