Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Thần học và huyền nhiệm học Hồi Giáo từ năm 750 tới năm 1400 (II)

Thần học và huyền nhiệm học Hồi Giáo từ năm 750 tới năm 1400 (II)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Ash’ari

Phản ứng của người Sunni chính thống đối với phái Mu’tazilite có thể tìm thấy điển hình nơi suy tư của Ali ibn Isma’il al-Ash’ari (873-935). Lúc còn trẻ, al-Ash’ari bị tư duy của phái Mu’tazilite lôi cuốn, nhưng đến tuổi 40, ông bác bỏ thần học để chọn trường phái giải thích nghiêm ngặt do Ahmad ibn Hanbal (780-855) thành lập. Trường phái này chủ trương rằng mạc khải trong Kinh Kôrăng là giới hạn và là hướng dẫn cho lý trí con người. Nếu kho tàng mạc khải tiên tri không nhường bước cho việc giải thích thuận lý, thì ta phải chấp nhận nó theo thế giá. Cuốn “Làm Sáng Tỏ Các Nền Tảng Hồi Giáo” của Ash’ari bắt đầu bằng lời tuyên xưng đức tin của phái Sunni dưới hình thức lời ca tụng Thiên Chúa, theo ngôn ngữ truyền thống của Kinh Kôrăng, như là Đấng Tạo Hóa toàn năng, toàn trí, quan tòa công chính, nhưng biết tha thứ và xót thương. Sau đó là lời quả quyết của đức tin cho rằng Muhammad là Đầy Tớ Được Thiên Chúa Tuyển Chọn, là Tông Đồ, và là Tiên Tri, người hăng hái làm việc cho Lời Thiên Chúa. Muhammad mang mạc khải dưới hình thức Kinh Kôrăng, “Cuốn Sách Vinh Hiển” vốn là “một công văn từ Đấng Khôn Ngoan và Đấng Đáng Ca Tụng gửi xuống”.

Tiếp theo đó, là việc trình bày niềm tin của “những người sai trái và đổi mới”, chủ yếu là phái Mu’tazilite. Tất cả mọi sai lầm của họ đều được gán cho ý kiến cá nhân trong việc giải thích Kinh Kôrăng, đi ngược lại các truyền thống của Đấng Tiên Tri và các đồng chí của ngài. Trong số các sai lầm được liệt kê, có tính tạo dựng của Kinh Kôrăng, gán cho con người quyền tạo ra sự ác và kiểm soát số phận đời đời của họ, đồng thời bác bỏ ý chí tối cao của Thiên Chúa trong việc ấn định mọi sự, và bác bỏ ngôn ngữ nhân học về Thiên Chúa trong Kinh Kôrăng.

Trong phần trình bày niềm tin của phái Sunni, Ash’ari nhận sự thật theo nghĩa đen của ngôn ngữ nhân học nói về Thiên Chúa trong Kinh Kôrăng nhưng nói rõ thêm rằng hình thái Thiên Chúa sở hữu các đặc tính này vượt quá sự hiểu biết của con người. Công thức tiêu chuẩn là bila kayfa, “không hỏi cách nào và không so sánh (với các đặc tính của con người)”. Ông cũng biện luận rằng các phẩm tính của Thiên Chúa như hiểu biết vốn hiện hữu từ đời đời trong thực tại Thiên Chúa và không hiện hữu độc lập với thực tại này ngoại trừ trong các trừu tượng hóa của lý trí con người. Điều này không làm giảm tính đơn nhất của Thiên Chúa hơn là đối với một con người nhân bản vốn cũng có những phẩm tính khác nhau. Ash’ari bênh vực tính đời đời của Kinh Kôrăng như là lời hay ngôn từ Thiên Chúa bằng cách phân biệt giữa ngôn từ đời đời của Thiên Chúa vốn là sứ điệp hướng dẫn gửi nhân loại và những âm thanh tạo dựng của người đọc hay những trang sách trên đó Kinh Kôrăng được viết ra.

Khi thảo luận tới quyền tối thượng của Thiên Chúa và sự tự do của con người, giống mọi người Sunni khác, Ash’ari hướng nhiều về phía định mệnh thuyết, rất giống với các triết gia chủ chí (voluntarist) của Kitô giáo vào thế kỷ 14. Nói rằng Thiên Chúa không muốn và không tạo nên mọi sự, đối với họ, là nghi ngờ quyền năng và ơn quan phòng của Thiên Chúa. Ash’ari thậm chí còn muốn sẵn sàng chấp nhận ý tưởng cho rằng Thiên Chúa muốn và đã tạo ra sự ác, nhưng chính Người không phải là sự ác. Các giới răn của Thiên Chúa ấn định các giới hạn giá trị cho con người nhân bản. Họ được coi là tốt hay xấu là do tham chiếu các qui phạm này, nhưng Thiên Chúa thì vượt trên các giới hạn này.

Chứng cớ Người tự do làm bất cứ điều gì Người làm là:Người là Quân Vương Tối Cao, không tùy thuộc ai, không ai cao hơn Người để có thể cho phép hay ra lệnh, hoặc quyết định, hay ngăn cấm, hoặc truyền lệnh điều Người nên làm và ấn định một trói buộc cho Người. Vì là như thế, nên không gì có thể là ác về phần Thiên Chúa. Vì sự gì ác chỉ là về phần chúng ta mà thôi vì chúng ta mới vi phạm các giới hạn đã được đặt ra cho chúng ta và làm những điều chúng ta không có quyền làm. Nhưng vì đấng tạo hóa không tùy thuộc ai và không bị trói buộc bởi giới răn nào, nên không thể có sự ác nào về phần Người. (Abu al-Hasan al Ash’ari, Thần Học của Ash’ari, bản tiếng Anh của Richard J. McCarthy[Beirut: Imprimerie Catholique, 1953] tr. 99).

Ash’ari cũng dùng lý lẽ để chứng minh một số chân lý trong đức tin Hồi Giáo. Thí dụ, ông biện luận sự hiện hữu của Thiên Chúa như là Hữu Thể Tất Yếu do sự kiện: thế giới hữu hạn này chỉ là khả hữu hay tùy thể. Ông cũng tin rằng ta có thể chứng minh tính đơn nhất, sự hiểu biết, uy quyền, sự sống… của Thiên Chúa bằng luận điểm thuần lý.
Ibn-Sina (Avicenna)

Không cuộc tranh luận thần học sơ khai nào trong Hồi Giáo có liên quan tới loại suy tư triết học đang thách thức cộng đồng Hồi Giáo từ thế kỷ thứ chín tới thế kỷ mười hai. Đến năm 850, người Hồi Giáo đã kiểm soát được Syria, Ai Cập và Ba Tư. Tất cả các nước này đều đã tiếp xúc với thế giới triết học và khoa học của Hy Lạp. Dưới triều đại Abbasids thế kỷ thứ chín, Ba Tư với thủ đô Baghdad trở thành trung tâm của thế giới Hồi Giáo, và năm 832, vua Abbasid là al-Ma’mun thiết lập tại đây Nhà Khôn Ngoan nổi tiếng, nhằm vừa khuyến khích vừa đem lại trật tự cho việc khai triển ảnh hưởng Hy Lạp đối với triết học và khoa học Hồi Giáo trong địa bàn của ông. Nhà này có một đài quan sát, một thư viện lớn, và một nhóm dịch thuật được ủy nhiệm dịch các bản văn khoa học và triết học từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Ả Rập.

Triết học Hy Lạp đến với thế giới Hồi Giáo phần lớn qua việc suy niệm của Kitô Giáo. Từ thời các nhà hộ giáo ở thế kỷ thứ hai, các nhà tư tưởng Kitô Giáo vốn đã sử dụng thuyết Tân Platông và Khắc Kỷ (Stoicism) để phát biểu đức tin Kitô Giáo, nhằm trả lời các đe dọa của nhiều phong trào lạc giáo. Tại Đông Phương Byzantine, trong công trình của Thánh Gioan Đamascênô, cũng đã có một bộ khá lớn các công trình của Aristốt có thể sử dụng được trong các bản dịch Syriac, và các học giả Kitô Giáo thậm chí còn sản xuất được những bản dịch sang tiếng Ả Rập, ít nhiều đáng tin cậy, một số bản văn triết học có chọn lựa. Trong thời kỳ từ năm 750 tới năm 1000, phần lớn các công trình của Platông và Aristốt cũng như của truyền thống Tân Platông đều được dịch sang tiếng Ả Rập. Trong diễn trình này, các nhà triết học Hồi Giáo như al-Farabi (870-950) cũng chú giải các công trình của Aristốt như cuốn Organon.

Một trong các đặc điểm đáng chú ý về các nhà triết học Hồi Giáo buổi đầu này là: họ chia sẻ xác tín của các nhà triết học Tân Platông như Porphyry rằng: mọi trường phái khác nhau của triết học chỉ tượng trưng cho các khía cạnh khác nhau của một nền triết học duy nhất mà thôi. Thực ra, nhiều lầm lỗi đã xẩy ra khi gán một số công trình Tân Platông cho Aristốt. Thí dụ, các cuốn IV-VI trong Bộ Enneads của Plotinus đã được nghĩ là Thần Học Của Aristốt.

Việc pha trộn độc đáo giữa triết học Tân Platông và Aristốt này được coi là một thách đố đối với thần học truyền thống của Hồi Giáo và đe dọa các nhà chuyên môn của các hình thức nhận thức này. Có một vài lý do giải thích phản ứng này. Trước nhất, các nhà triết học Hồi Giáo này quả quá đáng khi cho rằng triết học giải thích được một cách trọn vẹn và thuận lý các thực tại y như thần học mà không cần tham chiếu mạc khải của Kinh Kôrăng, vốn bị họ coi như phần lớn có tính biểu tượng và phúng dụ. Điều Kinh Kôrăng dạy quần chúng bằng ngôn ngữ tưởng tượng, nhà triết học có thể khám phá ra bằng cách sử dụng lý trí. Đối với những người duy truyền thống, triết học, do đó, bị nhìn như kẻ xâm phạm kiêu căng vào không gian vốn đã được thần học chiếm giữ. Thứ hai, triết học Tân Platông và Aristốt xem ra mâu thuẫn với một số niềm tin quan trọng nhất của Hồi Giáo. Thí dụ, Aristốt dạy rằng thế giới vật chất là trường cửu trong khi thần học truyền thống của Hồi Giáo, dựa vào niềm tin trong Kinh Kôrăng, cho rằng thế giới do Thiên Chúa tạo nên và có khởi đầu trong thời gian. Một số nhà triết học cũng theo chủ trương của Aristốt cho rằng linh hồn là mô thức (form) của thân xác và sẽ ngưng không còn hiện hữu nữa vào lúc chết. Điều này dĩ nhiên mâu thuẫn với niềm tin chính của Hồi Giáo đối với việc xác sẽ phục sinh, sẽ có thưởng phạt ở đời sau. Cuối cùng, các nhà triết học Hồi Giáo này cũng chia sẻ niềm tin của phái Tân Platông coi Thiên Chúa là hữu thể tất yếu mà nguyên tư tưởng tự suy của Người đã tạo nên hay phát sinh ra các các hữu thể tùy thuộc. Mỗi bình diện của hữu thể tùy thuộc đều là hậu quả tất yếu và tự động của một hữu thể bên trên và ngược lại là nguyên nhân của hữu thể bên dưới. Dây chuyền này tạo ra cả một phẩm trật gồm mười loại trí khôn thượng giới; chín loại được đồng hóa với linh hồn của các thiên cầu trong thiên văn học của Ptôlêmê, còn loại thứ mười chính là Trí Khôn Hành Động điều khiển thế giới hay thay đổi dưới mặt trăng (sublunary) mà chúng ta đang chiếm hữu. Theo các nhà thần học truyền thống của Hồi Giáo, thế giới quan Tân Platông này đe dọa ý niệm cho rằng Thiên Chúa trực tiếp biết và quan phòng hướng dẫn thế giới.

Có lẽ nhà triết học Hồi Giáo vĩ đại nhất của Ba Tư là Abu’Ali b. ‘abd Allah ibn Sina, được Tây Phương biết đến dưới danh Avicenna (980-1037). Giống nhiều nhà triết học vĩ đại khác của Hồi Giáo và Do Thái Giáo thời Trung Cổ, Ibn Sina là một học giả phổ quát. Ông viết ít nhất 160 cuốn sách về đủ mọi chủ đề: triết học, y khoa, khoa học, toán học, và huyền nhiệm học. Ông cũng can dự nhiều vào nền chính trị Ba Tư và sống một cuộc sống tích cực được đánh dấu bởi nhiều biến đổi lớn lao của định mệnh. Ông nhiều lần làm cố vấn cho các nhà cai trị Ba Tư và có lúc đã phải ngồi tù một thời gian. Mười ba năm cuối đời, ông sống khá ổn định tại Isfahan, nơi ông qua đời năm 1037.

Các nghiên cứu triết học của ibn-Sina về Thiên Chúa và tạo thế xem ra bác bỏ quan điểm của Kinh Kôrăng trong đó, Thiên Chúa tạo dựng bằng một hành vi ý chí và ở một điểm của thời gian. Sử dụng các giả thiết trong triết học Aristốt và Tân Platông, ibn-Sina khởi đầu bằng cách biện luận rằng mọi hữu thể phải hoặc là có một lý do để hiện hữu hoặc là không. Các hữu thể có lý do để hiện hữu đều là các hữu thể tùy thể (contingent) hay khả hữu (possible); chúng không nhất thiết hiện hữu vì nguyên nhân để chúng hiện hữu nằm ở bên ngoài chúng.

Một hữu thể không có nguyên nhân bên ngoài để hiện hữu thì là hữu thể tất yếu. Do đó, ông bác bỏ khả thể một chuỗi bất tận các hữu thể tùy thể, coi nó là phi lý và biện luận rằng muốn giải thích được hiện hữu của bất cử hữu thể tùy thể nào, người ta buộc phải giả thiết một Hữu Thể Tất Yếu. Luận điểm này khá giống với luận điểm hữu thể học của người gần đồng thời với ông là Thánh Anselm thành Canterbury (1033-1109). Trích đoạn sau đây cho ta hiểu rõ lối suy luận hết sức chặt chẽ nhờ đó ibn-Sina đạt tới các kết luận về bản tính Thiên Chúa như Hữu Thể Tất Yếu mà không cần tham chiếu mạc khải trong Kinh Kôrăng.

Bất cứ điều gì có hữu thể đều phải hoặc có một lý do cho hữu thể của mình hoặc không có lý do nào cả cho hữu thể này. Nếu nó có một lý do, thì nó là tùy thể, bất luận là trước khi nó bước vào hữu thể (nếu ta giả thiết như thế trong trí khôn) hay trong khi nó đang ở trong trạng thái hữu thể, vì trong trường hợp một sự vật mà hữu thể của nó là tùy thể, nguyên sự kiện nó bước vào hữu thể vẫn không lấy mất đi bản tính tùy thể của hữu thể nó. Nếu, đàng khác, nó không có lý do cho hiện hữu của nó, bất cứ cách nào cũng không, thì nó tất yếu trong hữu thể của nó. Khi đã xác nhận qui luật này, tôi xin tiến tới việc chứng minh rằng trong hiện hữu, có một hữu thể không có lý do cho hữu thể của nó.

Hữu thể ấy hoặc là tùy thể hoặc là tất yếu. Nếu nó tất yếu, thì điểm ta muốn chứng minh dã được thiết lập. Nếu, mặt khác, nó tùy thể, thì điều tùy thể không thể bước vào hữu thể ngoại trừ nhờ một lý do nào đó làm lệch cán cân nghiêng về phía hữu thể hơn là vô thể (non-being). Nếu lý do này cũng tùy thể, thì lúc đó sẽ có một chuỗi tùy thể tùy thuộc lẫn nhau, và sẽ không có hữu thể nào cả. Vì hữu thể đang là chủ từ trong giả thuyết của ta không thể bước vào hữu thể bao lâu trước nó không có một tiếp nối bất tận các hữu thể, một điều phi lý. Cho nên các hữu thể tùy thể kết cục ở một Hữu Thể Tất Yếu. (Avicenna, Về Thần Học, bản dịch tiếng Anh của A.J.Berry [John Murray Ltd. Publishers, 1951]).

Dù mọi hữu thể khác đều tùy thể theo nghĩa chúng không có lý do hay nguyên nhân trong chính chúng để hiện hữu, ibn-Sina vẫn lý luận rằng sự hiện hữu của chúng như các hữu thể khả hữu, về luận lý, hàm nghĩa rằng chúng tất yếu theo cái nhìn của Thiên Chúa; Người là Hữu Thể tất yếu, là nguyên nhân của chúng.

Như thế nay đã rõ: sự vật nào cần được hiện hữu nhờ một sự vật khác, tì tự nó là hiện hữu khả hữu. Và điều này cũng có thể nói ngược lại rằng mọi sự vật tự nó hiện hữu khả hữu, nếu sự hiện hữu của nó đã xẩy ra, đều tất yếu hiện hữu nhờ một sự vật khác; vì không thể tránh được sự kiện này là nó phải hoặc thực sự có một hiện hữu hoặc không thực sự có một hiện hữu, nhưng nó không thể thực sự có một hiện hữu, vì nếu thế nó không thể hiện hữu được. … Thành thử chỉ còn lại điều này: sự vật này, về phương diện yếu tính, là khả hữu, nhưng về phương diện tương quan với nguyên nhân của nó, nó là tất yếu. Nếu ta nghĩ mối tương quan này không còn nữa, thì nó bất khả hữu. Nhưng khi ta xem xét yếu tính của chính sự vật, không liên quan với bất cứ sự vật nào khác, thì sự vật tự nó là khả hữu trong chính nó. (Sách Giải Thoát, bản dịch tiếng Anh của G. Hourani, “Ibn-Sina on necessary and possible existence” (Ibn-Sina về hiện hữu tất yếu và khả hữu)”, Philosophical Forum, 6, 74-86).

Quan điểm về tạo thế như vừa tất yếu vừa trường cửu này đã gây ra phần lớn các vấn đề cho các nhà tư tưởng của các truyền thống Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Xem ra nó mâu thuẫn với ý nghĩa rõ ràng trong các trình thuật tạo thế của Thánh Kinh và Kinh Kôrăng, là những sách muốn nói rằng Thiên Chúa tự do quyết định tạo thế trong thời gian.

Tâm lý học của Ibn-Sina chịu ảnh hưởng nặng nề của tự duy Tân Platông và sau đó thường bị giải thích sai là bác bỏ tính cá thể riêng biệt của mỗi linh hồn con người. Đối với ibn-Sina, Trí Khôn Hành Động (Agent Intellect) là tác nhân trực tiếp của tạo thế; tác nhân này tạo ra bốn yếu tố của thế giới và ban cho các thân xác thể lý các mô thức bản thể của chúng. Tác nhân này cũng có trách nhiệm ban cho con người khả năng biết các mô thức nhờ việc trừu tượng hóa. Mọi hữu thể nhân bản đều có trí hiểu khả hữu, tức khả năng biết mô thức của sự vật. Nhưng chính Trí Khôn Hành Động “chiếu rọi các mô thức” cho trí khôn được tạo dựng nơi ta qua một soi sáng nào đó của Thiên Chúa. Một số người hiểu ý tưởng vừa nói gây nguy hiểm cho niềm tin vào tính cá thể riêng biệt của mỗi linh hồn. Tuy nhiên, điều này không thực sự công bằng đối với ibn-Sina, vì tâm lý học của ông thiên nhiều về Platông hơn Aristốt. Ông tin rằng linh hồn và thân xác là hai bản thể riêng biệt và linh hồn vừa có trước thân xác vừa tiếp tục hiện hữu sau khi người ta chết. Là một nhà triết học, ông hiểu đời sau phần lớn tùy thuộc khả năng nhận thức của người ta. Quan điểm chủ yếu có tính Platông của ibn-Sina về linh hồn khá hiển nhiên trong bài Tụng Ca Linh Hồn rất nổi tiếng của ông:

Xuống trên ngươi từ cõi cao xanh,
Là Bồ Câu hiển dương, khôn tả, vinh quang, thiên giới.
Nó bị che khỏi mắt những người biết bản tính của nó,
Thế nhưng nó không mang khăn che mặt và luôn tỏ hiện với con người.
Nó miễn cưỡng tìm ngươi và nối kết với ngươi, ấy thế nhưng, dù đau buồn,
Xem ra nó vẫn không miễn cưỡng rời thân xác ngươi.
Nó phản kháng và đấu tranh, và nhất định không vội vàng chịu thuần hóa,
Nhưng nó vẫn nối kết với ngươi, vẫn từ từ làm quen với thứ rác rưởi đáng buồn này,
Tuy nhiên, như tôi tưởng tượng, vẫn bị quên khuấy là các ám ảnh và chân thành của nó
Trong các khu vườn và lùm cây thiên giới, mà việc rời bỏ quả tình miễn cưỡng.
Cho tới lúc nó bước vào chữ G của việc giáng hạ,
Và giáng xuống trần, xuống chữ T của tâm điểm nó, một cách miễn cưỡng,
Con mắt Y của Yếu Đuối đánh vả nó, và kìa, nó bị nhật lào
Giữa những cột mốc và nhà cửa tan hoang của thế giới phiền não này.
Nó khóc than, mỗi lần nghĩ tới nhà cửa và sự bình an nó vốn có,
Với những nước mắt tràn mi không ngừng không nghỉ,
Với khóc thương ai oán ủ ê như người tang chế
Về những vết tích căn nhà của mình khi gió bốn hướng rời bỏ.
Những chiếc lưới dầy giam hãm nó, và chiếc cũi mạnh mẽ
Khiến nó khỏi tìm thấy bầu trời cao rộng.
Cho tới lúc giờ bay về nhà gần điểm,
Và là lúc nó trở về với tinh cầu rộng rãi hơn,
Nó ca hát hân hoan, vì khăn che đã được vén, và nó rõi nhìn
Những điều chưa bao giờ mắt trần được thấy.
Nó líu lo dâng cao những khúc hát tụng ca.
(Vì ngay cả những vật thấp hèn nhất cũng gia tăng hiểu biết).
Và thế là nó hồi hương, biết hết mọi việc dấu ẩn
Bây giờ tại sao từ chỗ đậu trên cao, nó bị ném như thế này
Xuống hố thẳm âm u và sầu thảm của đáy trời thấp nhất?
Có phải là Thiên Chúa ném nó xuống vì một mục đích khôn ngoan,
Che dấu khỏi con mắt dò xét của người dò tìm sắc bén nhất?
Phải chăng sự giáng xuống này là một kỷ luật khôn ngoan nhưng nghiêm khắc
Để nó học hỏi những điều chưa từng được nghe,
Đó là người mà Định Mệnh đã tước đoạt, cho tới ngày ngôi sao của nó
Cuối cùng được định vị tại nơi nó từng mọc lên từ trước,
Giống một làn chớp chiếu sáng thảo nguyên,
Và như chưa bao giờ có, trong một phút lại biến đi.

(Theo bản Tiếng Anh của E.G. Browne trong “Lit. Hist. of Persia” [Lịch Sử Văn Chương Ba Tư], cuốn 2, 110-111).

Trong tác phẩm chính tựa là Sách Giải Thoát, ibn-Sina tập chú vào thái độ của ông đối với mạc khải trong Kinh Kôrăng. Nói chung, giống nhiều nhà triết học khác trong ba tôn giáo lớn, ibn-Sina là loại người duy ưu tú thuận lý. Trong phần nói tới việc cần có một tiên tri như nhà làm luật, ông bắt đầu với tiền đề cho rằng quần chúng không có khả năng lý luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa và phần đông người ta, nếu để riêng cho họ, sẽ đeo đuổi một cuộc sống chỉ biết quan tâm tới mình và hiểu công lý là điều về phe với họ. Do đó, để bảo đảm việc sinh tồn và hoàn tất việc thể hiện của nhân loại, điều cần thiết là Thiên Chúa mạc khải một bộ luật cho nhà làm luật (tức tiên tri Muhammad), người đã được để riêng ra khỏi người khác nhờ quyền làm phép lạ của ngài. Nguyên tắc nền tảng của bộ luật này là: có Một Thiên Chúa Duy Nhất là Đấng Tạo Hóa, Toàn Năng và Toàn Trí, và các giới răn của Người phải được tuân giữ. Quần chúng tuân phục quan điểm này phần lớn vì sợ bị trừng phạt và mong được tưởng thưởng, vì Muhammad vốn dạy họ rằng Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa này đã chuẩn bị sẵn một cuộc sống hạnh phúc cho những ai tuân phục, còn những kẻ bất tuân, Người sẽ dành cho họ một cuộc sống khốn khổ.

Ibn-Sina xác tín rằng quần chúng chỉ có thể hiểu các dụ ngôn và biểu tượng của chân lý, chứ không hiểu các chân lý “cao hơn” của siêu hình học và thần học. Có thể dạy họ rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng và uy nghi dựa trên các dụ ngôn và biểu tượng về những gì được họ coi là quyền năng và uy nghi. Nhưng họ không có khả năng hiểu các quan niệm triết học trừu tượng như ý niệm cho rằng Thiên Chúa không thể bị xác định bởi không gian và không ở trong cũng như không ở ngoài thế giới. Cho dù Muhammad có biết các chân lý siêu hình này, thì ngài cũng không để lộ ra, trái lại, ngài sẽ tự chế vào việc sử dụng các hình ảnh mà người bình dân có thể hiểu. Cũng thế, các bức tranh về đời sau nên lôi cuốn trí tưởng tượng của quần chúng. Hạnh phúc và bất hạnh nên được minh họa bằng các ngôn từ thể lý cụ thể có trong Kinh Kôrăng; những ngôn từ này đề cao sự thèm muốn được hưởng khoái cảm nhục thân (sensual gratification). Nhưng đó đây khắp trong mạc khải (Kinh Kôrăng), vẫn có những câu như “mắt chưa thấy tai chưa nghe” ngụ hàm một bình diện ý nghĩa cao hơn cho những ai có đầu óc triết học nhiều hơn để họ được khuyến khích tiến xa hơn trong các suy tư của họ.

Ngay việc ibn-Sina bàn tới cầu nguyện và các hành vi thờ phượng của Hồi Giáo cũng có tính duy lý cao. Chúng được hiểu như “những phương thế bảo toàn sinh tồn cho bộ luật của đấng tiên tri và các luật lệ thuộc đủ mọi lãnh vực của phúc lợi con người” hơn là như cách thế để hiệp thông với Thiên Chúa. Truyền thống cầu nguyện năm lần trong một ngày của Hồi Giáo là một cách liên tục nhắc người ta nhớ tới Thiên Chúa và đời sau. Người ta cần được cổ vũ làm như thế như là một phương thế để được ân huệ của Thiên Chúa và xứng đáng lãnh nhận phần thưởng lớn hơn. Một số các hành vi được truyền lệnh, như thánh chiến và hành hương, càng có lợi hơn về phương diện vật chất. Việc tuân giữ cao thượng nhất là lối cầu nguyện trong đó, người thực hành “giả thiết mình đang ngỏ lời với Thiên Chúa trong một cuộc đàm đạo tư riêng”. Thay vì tìm kiếm một ý nghĩa tâm linh cao hơn nơi các nghi thức đi trước và cùng đi với việc cầu nguyện, ibn-Sina phân tích chúng, coi chúng giống như các thái độ của một người tới diện kiến một vị vua cao cả.

Khi thảo luận về đời sau, ibn-Sina phân biệt giữa khoái lạc và trừng phạt thể lý được đề cập trong Kinh Kôrăng và khoái lạc thiêng liêng được những người như các nhà triết học tìm kiếm. Ông gợi ý rằng cho dù các nhà triết học có được ban cho khoái lạc thể lý thì họ cũng nên ghét bỏ nó để hưởng khoái lạc thiêng liêng, có thế mới tiến gần hơn tới Chân Lý Đệ Nhất. Trong phần cuối, điều rõ ràng là ibn-Sina không tin nghĩa đen của việc xác sống lại sau khi chết. Đúng hơn, ông gợi ý rằng một số linh hồn vẫn còn quá gắn bó với trái đất, nên lối hiểu nghĩa đen của Kinh Kôrăng có thể đã “tưởng tượng” ra việc họ được hưởng khoái lạc thể lý ở trên đời này.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét