Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Thần học và huyền nhiệm học Hồi Giáo từ năm 750 tới năm 1400 (III)

Thần học và huyền nhiệm học Hồi Giáo từ năm 750 tới năm 1400 (III)

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Abu Hamid Muhammad Al-Ghazali

Nhà thần học và huyền nhiệm học Hồi Giáo lên tiếng trả lời cuộc thách thức của các nhà triết học là Abu Hamid Muhammad Al-Ghazali (1058-1111). Ông bắt đầu sự nghiệp học thuật của mình như một học giả trẻ tuổi sáng chói trong một trường phái chính thức (madrasas) của thần học Hồi Giáo tại Baghdad. Dù đã thành công lớn như một nhà thần học nổi danh, ở tuổi trung niên, ông bắt đầu có những hoài nghi tâm linh và trí thức đối với các chân lý của đức tin Hồi Giáo mà ông cố gắng giải đáp bằng việc nghiên cứu triết học. Việc này dẫn ông tới chỗ hoài nghi mọi sự ngoại trừ các chân lý thuần lý. Cuối cùng, Ghazali bị suy sụp cả tâm lý lẫn thể lý. Ông bỏ chức vụ thần học gia để sống cuộc sống của một nhà huyền nhiệm học Sufi. Sau 11 năm sống như một người Sufi, Ghazali được thuyết phục trở lại với nghề dạy thần học, nhưng như một người Sufi vượt lên trên thần học truyền thống để cổ vũ một nền linh đạo dẫn tới việc gặp gỡ Thiên Chúa trong yêu thương.

Khi trở lại nghề dạy thần học vào năm 1106, ông viết cuốn tự truyện tựa là “Điều Giải Thoát Ta Khỏi Sai Lầm”. Trong tác phẩm này, ông thuật lại cuộc hành trình của ông từ điều ông gọi là “đồng bằng niềm tin ngây thơ và nghe qua trung gian tới đỉnh cao của việc thấy nhãn tiền” mà ông tìm được trong nền huyền học Sufi.

Cuộc trường hành tâm linh của Ghazali có thể ví với cuốn “Tự Thú” (Confessions) của Thánh Augustinô. Giống Thánh Augustinô, Ghazali đi qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc tìm kiếm Chân Lý (Thiên Chúa) của ông, một chân lý mà cuối cùng ông tìm thấy trong đường lối huyền nhiệm học của người Sufi. Sau cùng, câu trả lời của Ghazali đối với chủ nghĩa duy lý của triết học là: có một chân lý và thực tại cao hơn, vượt trên lý trí. Chân lý này chứa đựng trong các mạc khải ngỏ với tiên tri Muhammad trong Kinh Kôrăng, và con đường để gặp gỡ thực tại Thiên Chúa được mạc khải trong đó là xuyên qua ngả đường huyền nhiệm học của Sufi. Giống Thánh Augustinô, Ghazali tin rằng con người nhân bản được dựng nên để yêu mến Thiên Chúa và lý trí chỉ có một vai trò giới hạn trong trách vụ này.

Tôi thấy rằng con người bao gồm thân xác và trái tim (heart); tôi hiểu “trái tim” đây như bản chất chân thực của tinh thần vốn là trung tâm của nhận thức về Thiên Chúa, chứ không phải máu thịt mà họ có chung với thân xác và thú vật. Tôi thấy rằng cũng như nơi thân xác có sức khỏe và bệnh tật, thay phiên nhau gây cho họ triển nở và suy vong thế nào thì trong trái tim cũng thế, một đàng có sự lành mạnh và đúng đắn, và “chỉ người nào đến với Thiên Chúa với một trái tim đúng đắn” (Kôrăng, 26, 86) mới được cứu rỗi, nhưng đàng khác, có bệnh hoạn, trong đó là hủy diệt đời đời và cả hủy diệt trần thế nữa, vì Thiên Chúa tối cao dạy rằng “bệnh hoạn có trong trái tim ngươi” (Kôrăng 2,9)( Điều Giải Thoát Ta Khỏi Sai Lầm).

Không như Thánh Augustinô, người từng cưỡng lại đức tin Kitô Giáo cho tới tuổi giữa 30, Ghazali bắt đầu vốn là người có đức tin và là một thần học gia truyền thống. Tuy nhiên, cả hai người đều có vấn đề với cái hiểu đơn sơ và ngây thơ của niềm tin truyền thống và đều quay qua nghiên cứu triết học để tìm sự thật. Lúc còn là một thanh niên, Thánh Augustinô được gợi hứng bởi lời khuyên của Cicero về sinh hoạt triết học trong cuốn Hortensius, và ngài thấy Sách Thánh Kitô Giáo “không đáng được so sánh với nét uy nghiêm của Cicero”. Tuy nhiên, việc tìm kiếm trí thức có tính độc lập đã dẫn ngài tới việc tìm tòi mọi chủ trương linh đạo cũng như triết học cuối cổ thời Rôma: thuyết của Mani (Manicheanism), thuyết khắc kỷ, các nhà học thuật, triết học Tân Platông, và sau cùng là Kitô Giáo. Cũng thế, Ghazali cho ta hay từ thuở “thiếu niên”, ông đã tò mò muốn biết mọi giáo phái trong Hồi Giáo cũng như giáo huấn của các nhà triết học, thần học và huyền nhiệm học khác nhau. Môi trường hoàn cầu tại Baghdad của Ba Tư giúp ông hiểu ra rằng phần lớn người ta chỉ đơn thuần tuân theo tín ngưỡng của cha ông, bất luận họ theo Kitô Giáo, Do Thái Giáo hay Hồi Giáo. Vào lúc ấy, ông cho hay: ông bác bỏ “ các trói buộc của một mình uy quyền” và “những niềm tin thừa tự" và bắt đầu tìm kiếm “bản chất nguyên thủy” của ta độc lập với niềm tin dẫn khởi từ cha mẹ hay thầy dạy. Trong giai đoạn thuần lý này, ông quyết định chỉ chấp nhận là đúng “một kiến thức nào trong đó một đối tượng được tiết lộ cách nào để đừng còn một chút nghi ngờ nào về nó nữa”. Căn cứ vào tiêu chuẩn này, thoạt đầu ông chỉ chấp nhận là đúng “tri giác giác quan và các chân lý tất yếu” như định luật mâu thuẫn chẳng hạn. Tuy nhiên, suy nghĩ thêm, ông nhận ra rằng tri giác giác quan đôi khi sai lạc, như trong trường hợp bóng của một cây gậy hay cột đồng hồ mặt trời bề ngoài xem ra bất động nhưng qua thử nghiệm và quan sát, người ta thấy rõ chúng di chuyển “từ từ nhưng đều đặn bằng những khoảng cách vô cùng nhỏ đến nỗi không bao giờ ở trạng thái yên nghỉ cả”. Ngay trong giai đoạn này, ông coi là khả thể việc có sự nắm bắt siêu tri thức khiến cho các phán đoán tri thức ta đưa ra trong lúc hoàn toàn có ý thức trở thành "như những cơn mơ”. Đây là trạng thái được người Sufi cho là “trạng thái” xuất thần đặc biệt của họ. Nhưng trong thời kỳ ban đầu này, Ghazali chưa theo phái Sufi, thay vào đó, ông rơi vào một thời kỳ hoài nghi cho tới lúc ông cho hay “Thiên Chúa chữa tôi khỏi bệnh” và “các chân lý tất yếu của trí hiểu một lần nữa trở nên chấp nhận được hơn, khi tôi lấy lại được niềm tin nơi tính chắc chắn và khả tín của chúng”. Giống Thánh Augustinô, Ghazali tin rằng sự biến đổi này không do việc “chứng minh có hệ thống hay luận điểm có sắp xếp” mà là nhờ sự soi sáng của Thiên Chúa được ông mô tả như một “tia sáng mà Thiên Chúa tối cao đã chiếu rõi vào lòng tôi”.

Trong khi viết tự truyện về mình, Ghazali đã khảo sát những điều được coi là sự thật của 4 nhóm chính trong Hồi Giáo: các nhà thần học, là những người cho rằng họ là “những người trình bầy tư tưởng và các suy đoán tri thức”; những người, như phái Shiite, dựa trên “giáo huấn có thẩm quyền” của một imam bất khả ngộ; các nhà triết học, chuyên sử dụng luận lý học và chứng minh; và sau cùng, người Sufi hay huyền nhiệm học, những người cho rằng mình đã bước vào trước “nhan thánh” Thiên Chúa “và chiếm hữu được cái nhìn nhãn tiền và cái hiểu trực giác”. Cuối cùng, Ghazali đã bác bỏ 3 nhóm đầu, coi họ hoặc bất cập hoặc sai lầm và trở thành nhà huyền nhiệm học Sufi đi lang thang.

Dù Ghazali sống những năm đầu sự nghiệp học thuật của ông như một nhà thần học, ông đã tiến tới chỗ nhìn ra các điểm yếu của nền thần học truyền thống của Hồi Giáo (kalam). Mục đích của nó “chỉ đơn thuần nhằm duy trì tuyên tín chính thống hay bênh vực nó chống lại các sai lệch của lạc giáo”. Mục tiêu hộ giáo này không thỏa mãn các khát vọng tâm linh của riêng Ghazali. Các trước tác của các nhà thần học không thực sự sáng tạo vì chúng chỉ nhằm bênh vực “niềm tin ngây thơ” trong Kinh Kôrăng và trong Truyền Thống “bằng cách làm cho minh nhiên các mâu thuẫn của địch thù và chỉ trích chúng về các hậu quả luận lý học của điều chúng chấp nhận”. Thần học hoàn toàn không có khả năng bước vào cuộc đối thoại thực sự với những người có các vấn đề triết học như Ghazali. Các nhà thần học không có được cái hiểu thấu đáo về phương pháp triết học và do đó, nói chung, không thể “xua tan bóng tối của hồ đồ lẫn lộn” phát sinh do việc khảo sát các hệ thống triết học khác nhau.

Để hiểu triết học cho riêng mình, Ghazali đã dành hai năm để nghiên cứu riêng các sách vở của các triết gia, trong khi vẫn giảng dậy. Sau khi đã nắm vững “một cái hiểu đầy đủ về khoa học của các triết gia”, ông dành thêm một năm nữa để suy nghĩ về việc “nó (triết học) đánh lừa và làm người ta lẫn lộn bao xa và nó chân thật và trình bày sự thật đến mức nào”. Ông tiến tới chỗ có thể xếp loại các nhà triết học thành ba nhóm: duy vật, duy nhiên (naturalist) và duy thần (theist); và kết luận rằng mỗi nhóm đều đã bác bỏ những chân lý quan trọng của đức tin Hồi Giáo. Người duy vật cho rằng thế giới này vĩnh cửu và bác bỏ nhu cầu phải có Đấng Tạo Hóa. Người duy nhiên tin có Đấng Tạo Hóa, nhưng bác bỏ sự sống lại và ngày tận thế. Cuối cùng, người duy thần, kể cả các nhà giải thích Hồi Giáo như Farabi và ibn-Sina, “thì lý luận chống lại sự thật của tôn giáo”. Theo Ghazali, có ba điểm trong đó các triết gia, như ibn-Sina, khác với đức tin Hồi Giáo:

a. Họ nói rằng thân xác không sống lại; chỉ có tinh thần trơ trụi được tưởng thưởng hay bị trừng phạt mà thôi, và phần thưởng hay trừng phạt đều là thiêng liêng, chứ không thuộc thể xác… Những điều này đều cũng có cả, nhưng họ nói một cách sai lầm khi bác bỏ các hình phạt thể xác và trong các tuyên bố của họ, họ không tin Lề Luật của Thiên Chúa. b. Họ tin rằng Thiên Chúa biết những điều phổ quát chứ không biết những điều đặc thù. Điều này cũng rõ ràng không phải là một niềm tin. Sự thật là: “Đến trọng lượng của một nguyên tử ở trên trời hay ở dưới đất cũng không thoát được Người” (Sura 34:3). c. Họ nói rằng (vũ trụ) trường tồn mãi mãi, vô thủy vô chung. Nhưng không người Hồi Giáo nào từng chấp nhận quan điểm như thế về vấn đề này. (Trích trong Montgomery Watt: The Faith and Practice of Ghazali, 35, 38).

Tóm lại, đối với Ghazali, sai lầm của nhà triết học nằm ở chỗ lấy “con người làm tiêu chuẩn của chân lý, chứ không lấy chân lý (như đã được mạc khải trong Kôrăng) làm tiêu chuẩn cho con người”.

Luận điểm của Ghazali chống lại những ai dựa vào huấn giáo có thẩm quyền của imam khiến ta nhớ đến nỗi thất vọng của Thánh Augustinô khi ngài gặp Faustus, một giám mục theo phái Mani, người giả thiết phải minh giải các câu hỏi của thánh nhân đặt ra liên quan tới các điểm kỳ bí và gây mơ hồ trong giáo thuyết của phái này. Trong trích đoạn sau đây, Ghazali thuật lại kinh nghiệm của ông khi tra vấn những người theo một vị imam đặc thù.

Ấy thế nhưng khi chúng tôi hỏi họ xem họ đã tiếp thu được kiến thức gì từ nhân vật bất khả ngộ này, và nêu các luận bác chống lại họ, họ đã không hiểu các luận chứng này, huống chi là trả lời chúng, và trong sự lúng túng của họ, họ đã chạy đến với vị “Imam dấu mặt” và cho hay người ta phải đi gặp ngài.

Ghazali tiếp tục nói lên sự ngạc nhiên của ông đối với những người phí phạm cuộc đời đi tìm một thầy dạy như thế và huyên hoang vì đã tìm ra người này, “trong khi không hề học được điều gì từ ông ta”. Ông kết luận rằng đối với người Hồi Giáo, Muhammad là thầy dạy bất khả ngộ chứ không phải bất cứ imam bí mật nào khác.

Trình thuật của Ghazali về các đường lối của huyền nhiệm học không đơn thuần là trình thuật của một quan sát viên bàng quan mà chính là câu truyện hồi hướng tâm linh của chính ông. Ông biết rằng phái Sufi bao gồm “cả niềm tin tri thức lẫn sinh hoạt thực hành”, và nhờ đọc riêng, ông có khả năng tự làm quen với “phía tri thức” của huyền nhiệm học. Nhưng trong giai đoạn này, ông cũng hiểu ra rằng điều “đặc biệt nhất của huyền nhiệm học là một điều không thể nắm được bằng nghiên cứu, mà phải bằng trải nghiệm tức khắc, bằng ngây ngất xuất thần và bằng thay đổi tinh thần”. Đây là sự dị biệt giữa “biết” và “hiện hữu” giống như sự dị biệt giữa việc người y sĩ biết định nghĩa sức khỏe và việc thực sự khỏe mạnh.

Quyết định của Ghazali sống lối sống huyền nhiệm khá khúc khuỷu và khó khăn giống như quyết định của Thánh Augustinô trở thành Kitô hữu và việc ngài từ bỏ lối sống hưởng lạc và dạy tu từ học. Dù Ghazali không tự mô tả mình như kẻ tội lỗi kinh khủng như Thánh Augustinô, ông vẫn tiến tới chỗ hiểu được rằng các khoa thần học ông đang giảng dậy đều “không quan trọng và không đóng góp được gì vào việc đạt được sự sống đời đời”. Nhờ suy tư, ông cũng hiểu ra rằng động lực khiến ông dạy học “là lòng thèm muốn có chức vụ quan trọng và được công chúng hoan nghinh”. Giống Thánh Augustinô, Ghazali trải qua một thời kỳ lâu dài đầy ngập ngừng về quyết tâm từ bỏ nghề dạy học của mình và rồi bỏ quyết tâm này vì lòng ham muốn “an ổn và an toàn”. Sau cùng, sự suy sụp sức khỏe thể lý và tinh thần buộc Ghazali phải quyết định. Giống Thánh Augustinô, Ghazali hiểu các biến cố này như hành động của Thiên Chúa trong đời ông.

Thiên Chúa khiến lưỡi tôi ra khô để tôi khỏi giảng bài… Cản trở trong việc nói năng này đã làm trái tim tôi buồn phiền, và cùng một lúc năng lực tiêu hóa và hấp thụ thức ăn và thức uống của tôi cũng gặp trở ngại… Các năng lực của tôi trở nên yếu đến nỗi các bác sĩ mất hết hy vọng chữa tôi lành. Họ bảo: “Trở ngại này phát xuất từ tâm hồn, và từ đó, nó lan ra khắp cơ thể; phương pháp chữa trị duy nhất là: phải giảm lo lắng đang đè lên tâm hồn”.

Ghazali kết thúc trình thuật về cuộc hồi hướng của ông như sau.

Bởi thế, khi thấy được sự bất lực của mình và khi đã mất hết năng lực lựa chọn, tôi tìm nương náu nơi Thiên Chúa tối cao như một người được dẫn tới với Người, vì mình không còn tài nguyên nào của riêng mình nữa. Người trả lời tôi, Người là Đấng “trả lời người được dẫn tới (Người nhờ sầu khổ) khi kêu cầu Người” (Kôrăng 27:63). Người làm cho tâm hồn tôi dễ dàng quay mặt khỏi chức vụ và giầu có, khỏi con cái và bạn bè.

Trải nghiệm của Ghazali trong diễn trình này rất giống với trải nghiệm bất hủ của Thánh Augustinô về ơn thánh Thiên Chúa trong thửa vườn ở Milan và quyết định sau đó của ngài trong việc từ bỏ việc giảng dạy tu từ học. Các triệu chứng tâm sinh học, mà cả hai người cùng trải nghiệm khi họ ráng tiếp tục dạy học dù đã biết mình được kêu gọi bước vào cuộc sống mới, quả hết sức tương tự nhau. Cả hai đều mất tiếng nói khi họ ráng dạy những điều hiện họ biết chắc là trống rỗng, nên cả hai đều biết ơn vì chứng bệnh này giúp họ cơ hội từ bỏ việc giảng dạy để sống cuộc sống suy niệm tâm linh. Trình thuật của Thánh Augustinô cho thấy những dáng dấp rất quen thuộc của Ghazali.

Hơn nữa chính mùa hạ này, dưới công việc giảng dạy nặng nề, phổi của con bắt đầu suy sụp và con thở một cách khó khăn, cơn đau trong lồng ngực cho thấy cả hai lá phổi đều bị ảnh hưởng và chúng không còn để con nói một cách mạnh mẽ trong một thời gian quá lâu nữa. Thoạt đầu, điều này làm con lo âu vì trên thực tế, nó biến thành một điều tất yếu buộc con phải từ bỏ nghề dạy học, hay ít nhất cũng phải tạm ngưng một thời gian nếu muốn mình khỏi và mạnh trở lại. Nhưng khi con hiểu trọn vẹn mục đích của việc đem lại cho con thì giờ nhàn tản để suy niệm về việc Chúa là Chúa ra sao và nhờ một quyết tâm, như Chúa đã biết, ôi lạy Thiên Chúa của con, con thực sự thấy con hân hoan vì đã có được cớ hoàn toàn đúng sự thật để thưa với cha mẹ, những người rất có thể bị xúc phạm… Thế là con hoàn toàn hân hoan, và con muốn đuổi theo khoảng thời gian vẫn còn phải chạy, con nghĩ là khoảng hai mươi ngày. Nhưng chịu đựng thời gian đòi có can đảm. Lòng thèm muốn tiền bạc, trước đây từng giúp con chịu đựng lao nhọc của nghề dạy học, nay đã biến mất; đến nỗi con dám… thấy nó đè bẹp mình nếu sự kiên nhẫn không thay thế lòng thèm muốn. Một số tôi tới của Chúa, và là anh em con, có thể nghĩ con có tội trong việc này, vì sau khi đã ghi danh với hết tấm lòng của mình để phục vụ Chúa, con vẫn đã cho phép mình ngồi cả tiếng đồng hồ trong cái ghế của sự giả này. Có thể lắm. Nhưng lạy Chúa rất nhân từ, há Chúa đã không tha thứ và bỏ qua tội này, cùng với những tội khiếp đảm và đáng chết khác trong nước rửa tội đó ư? (Tự Thú, cuốn IX).

Trong 11 năm sống cuộc sống của một Sufi lang thang, Ghazali trải qua nhiều giai đoạn của con đường huyền nhiệm rất khác với cái hiểu của các triết gia về mục đích của tôn giáo. Tương phản với ibn-Sina, người coi tôn giáo như con đường thấp hơn được Thiên Chúa dành cho quảng đại quần chúng, là những người không có khả năng có được những tầm nhìn thông sáng đích thực của triết học, Ghazali khám phá nơi huyền nhiệm học Sufi một con đường dẫn tới việc “tức khắc cảm nghiệm” được Thiên Chúa và thuốc chữa lành trái tim con người. Các thực hành về lễ nghi trong Hồi Giáo không có mục đích thuần lý như các nhà triết học truyền giảng; đúng hơn, nó là liều thuốc tâm linh dành cho tâm hồn, phát xuất từ mạc khải siêu lý đã ban cho các tiên tri, nhất là Muhammad.

Tôi nhất thiết tiến tới chỗ hiểu ra rằng trong trường hợp các liều thuốc của việc thờ phượng chính thức, đã được các tiên tri ấn định và xác định, cách giải thích tri thức của các nhà trí thức không thể nắm được cách thế hữu hiệu của chúng; đúng hơn, người ta phải chấp nhận các lời phát biểu của các tiên tri, là những người nắm được các đặc tính này nhờ ánh sáng tiên tri, chứ không nhờ ánh sáng giải thích…

Nói chung, các tiên tri là các y sĩ trị các căn bệnh tâm hồn. Lợi điểm duy nhất của trí hiểu là: nó thông tri cho ta điều đó, làm chứng cho mạc khải tiên tri bằng cách tin và làm chứng cho chính nó là đã không có khả năng nắm bắt những điều con mắt tiên tri luôn nắm bắt được; rồi nó cầm tay ta và ủy thác ta cho mạc khải tiên tri, như những người mù được ủy thác cho người hướng dẫn họ và như những bệnh nhân đầy âu lo được ủy thác cho các bác sĩ đầy thiện cảm. Trí hiểu chỉ tiến xa đến đó. Những gì vượt quá mức đó, nó không hề dự phần, ngoại trừ hiểu những điều nhà y sĩ thông truyền.

Trong truyền thống Kitô Giáo, đây là mối liên hệ giữa lý trí và đức tin, một liên hệ sẽ trở thành chủ điểm trong hệ thống thần học vĩ đại của Thánh Tôma Aquinô, và cũng là mối liên hệ mà Dante đã kịch hóa một cách sáng chói qua các vai trò của Virgil (lý trí), Beatrice (đức tin) và Bernard thành Clairvaux (chiêm niệm) trong tuyệt phẩm Commedia của ông.

Trong phần kết luận của cuốn Điều Giải Thoát Ta Khỏi Sai Lầm, Ghazali giải thích các lý do khiến ông trở về với việc giảng dạy thần học. Sự biếng trễ của các nhà lãnh đạo, các nhà huyền nhiệm và các nhà triết học trong việc tuân giữ lề luật của Kinh Kôrăng đã dẫn quần chúng tới chỗ biếng trễ “trong tác phong phù hợp với các qui luật đã được đấng tiên tri giải thích”. Việc Ghazali trở lại dạy học đã được động viên về tâm linh. Vì lệnh của Seljuk sultan Muhammad và theo lời khuyên của một số Sufi, ông đã rời nơi ẩn dật theo lối đơn tu và trở lại chức vụ dạy học chính thức. Tuy nhiên, động lực việc dạy học của ông đã thay đổi hẳn.

Tôi đã từng phân phát các kiến thức nhờ đó người ta đạt được thành công trần thế; bằng lời và việc làm, tôi đã kêu gọi người ta làm việc này; và đó từng là mục đích và ý hướng của tôi. Nhưng nay, tôi kêu gọi người ta tiến tới thứ kiến thức qua đó họ từ bỏ thành công trần thế và chiếm các địa vị thấp hơn theo mức độ thừa nhận giá trị chân thực.

Công trình của Ghazali, nói chung, được nhìn nhận là đã tái sinh tinh thần tôn giáo đích thực trong Hồi Giáo. Một niềm tin bình dân trong Hồi Giáo cho rằng ở đầu mỗi thế kỷ của Hồi Giáo, Thiên Chúa đều cho trỗi dậy một người phục hưng Hồi Giáo đích thực. Ghazali tin ông là con người được Thiên Chúa chọn lựa này, và quả thực Hồi Giáo đã nhận được một sinh lực mới trong các thế kỷ sau đó nhờ ảnh hưởng của huyền nhiệm học Sufi đối với những người cố gắng trung thành với hệ thống luật lệ của Hồi Giáo. Và mặc dù tới thế hệ tiếp theo, ibn Rushd (Averroes) (1126-1198), triết gia vĩ đại Hồi Giáo ở Tây Ban Nha, sẽ bênh vực triết học chống lại các tấn kích của Ghazali, cái hiểu có tính huyền nhiệm học của Ghazali về đức tin Hồi Giáo vẫn đã trổi vượt chủ nghĩa duy lý của Rushd.

Nhưng cũng chính vì thế, Ghazali bị coi là người đã dẫn Hồi Giáo xa con đường lý lẽ, như trong nhận định của Robert Traciski.


http://www.thanhlinh.net/node/84461

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét