Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Lớp giáo lý dưới mái trường Chúa dạy

Lớp giáo lý dưới mái trường Chúa dạy

10561693_814004425298708_7718632490947705313_n
1 – Giai đoạn sửa soạn
Chúng tôi lên đường tìm đến các buôn làng ngày lễ thánh Giuse 19.03.1991. Bước đầu làm quen, chúng tôi đến ở với bà con, từ từ đi thăm các làng kế cận, đánh thức các làng đã theo đạo trước kia mà nay đang trong cảnh bơ vơ vì không người chăn dắt; một số làng đã có giáo lý viên gồm những người đã được các cha thừa sai đào tạo trước năm 1975, và những người được chính các giáo lý viên này tuyển chọn. Dĩ nhiên tất cả đều chưa có cơ hội học và ôn lại giáo lý, chúng tôi lần lượt đưa về cho học tại nhà các Soeurs dòng Thánh Phaolô.
Khi đó, hai anh em chúng tôi, một người chuyên lo dạy giáo lý, và một người đi tìm kiếm và tuyển chọn giáo lý viên. Chương trình giáo lý dựa theo cuốn giáo lý căn bản gồm 21 bài được soạn sao cho phù hợp với anh em. Thời gian dành cho mỗi nhóm về học là 8 ngày, vừa học vừa cầu nguyện và phải làm bài kiểm tra 2 ngày một lần. Chúng tôi đã biên soạn một cuốn giáo lý thật đơn giản nhưng tương đối đầy đủ, để khi đã hiểu bài, người giáo lý viên có thể về dạy lại cho bà con, chỉ cần nói dựa theo từng câu của bài là đã tạm đủ.
Vì mục đích cuối cùng của các giờ giáo lý là đặt con người trước Thiên Chúa, do đó mỗi giờ giáo lý cũng kèm theo giờ cầu nguyện, để trong từng giờ cầu nguyện, người giáo lý viên đặt mình với Giêsu và lên đường với Giêsu, nghĩa là cuộc đời Giêsu như được ghi lại trong Tin mừng và được giãi bày qua các giờ giáo lý phải trở thành hành động không ngừng nơi đời sống của người giáo lý viên, vì thế, khi về nhà, người giáo lý viên được nhắc nhở phải dành ra ít là 30 phút mỗi ngày để cầu nguyện.
2- Học giáo lý, tập trở nên môn đệ và để được sai đi Cuối năm 1993, con số giáo lý viên được trên 100, chúng tôi quyết định lấy ngày 8 tháng 12 làm ngày công bố lệnh lên đường của Chúa, và ngày 1.1.1994, tất cả các giáo lý viên phải ra khỏi nhà, đem Tin Mừng đến các buôn làng chưa nhận biết Chúa.
Giáo lý viên lên đường trong lời kinh của vợ con và của bà con buôn làng, số người trở lại mỗi lúc một đông, người đem Tin Mừng cũng là người tiếp tục tuyển chọn giáo lý viên từ những gia đình mới trở lại, và gửi về cho chúng tôi để học giáo lý, trở thành giáo lý viên cho bà con ngay trong buôn làng của mình, thế là con số hơn 100 ban đầu từ từ lên tới 200 và hơn nữa.
Người giáo lý viên học xong cuốn giáo lý căn bản, rồi cuốn giáo lý đời sống mới, thực ra mới chỉ là bước khởi đầu của đời sống mới. Đặt mình với Giêsu và lên đường với Giêsu đòi lắng nghe và vâng giữ Lời Ngài, chúng tôi quyết định đặt người giáo lý viên cũng như bà con đối diện thẳng với Lời Chúa, lấy Lời Chúa nuôi dân, và chúng tôi đã soạn ra cuốn giáo lý Tin Mừng, để người giáo lý viên khi về học giáo lý ngang qua các trang Tin Mừng thì cũng được đặt trên hành trình, không còn là học, mà là cầu nguyện, một hành trình đòi biến đổi tận căn. Từ cuốn giáo lý Tin Mừng 1 tới cuốn giáo lý Tin Mừng 5, các giáo lý viên về đều đặn mỗi năm 1 lần / 8 ngày để cầu nguyện và cũng là học, học mà cầu nguyện, để có được một con tim biết lắng nghe, nghe Chúa nói, nói với Chúa và ra đi nói về Chúa cho mọi người.
3 – Nói về Chúa, Đấng tôi quen biết
Học xong cuốn giáo lý căn bản, người giáo lý viên đã có thể bắt đầu dạy giáo lý cho người lớn cũng như trẻ em. Tại sao không có một cuốn giáo lý dành riêng cho các trẻ em, mà tất cả lại có thể dùng chung? Thực ra cuốn giáo lý căn bản chỉ có 7 bài đầu dẫn đưa người học đến với Thiên Chúa ngang qua hành động của Người trong lịch sử cứu độ và trong truyền thống của cha ông, để cuối cùng đặt tất cả trước Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa và kết thúc trong quyền năng Thánh Thần, vì thế phần còn lại của cuốn sách không gì dễ dàng hơn là đặt người học đối diện thẳng với Lời Chúa. Học xong cuốn giáo lý căn bản cũng có nghĩa là đã quen biết Giêsu, người giáo lý viên biết mình phải trở nên môn đệ và cuộc sống tiếp theo sẽ là cuộc sống của NGƯỜI MÔN ĐỆ. Về với bà con để dạy giáo lý có nghĩa là kể chuyện Giêsu, và gặp trẻ em thì cũng là kể chuyện Giêsu, hay đúng hơn, để Giêsu lên tiếng ngang qua đời mình và ngang qua lời của mình. Người giáo lý viên biết khi gặp người lớn phải kể ra sao, và với các em thiếu nhi thì phải chuyển giao thế nào, sức hấp dẫn khi người kể ở đây cứ như nhìn thấy Đấng vô hình.
Tương tự cuốn giáo lý đời sống mới cho thấy niềm vui được làm con Chúa, hạnh phúc khi bước đi theo giới luật Chúa truyền. Nếu cuốn giáo lý căn bản như dìm người học vào trong lửa hồng ân sủng thì giáo lý đời sống mới làm rực sáng cuộc sống, hành trình tiếp theo là đặt mình trước Lời Chúa và để Chúa xếp đặt đời mình theo ý của Người, nhờ vậy đời sống của bà con được diễn ra theo từng chặng đường của Tin Mừng, trở đi trở lại với 5 cuốn giáo lý Tin Mừng.
Tóm tắt hành trình
Toàn bộ chương trình giáo lý có thể tạm chia thành 2 phần. Phần tín lý đặt người học trước Thiên Chúa và trước hành động của Người, ở đó đời sống của người học diễn ra theo hàng dọc từ trên xuống: được Thiên Chúa Cha thương yêu, săn sóc, chở che, được đồng hành với Giêsu trong quyền năng Thánh Thần, ngôi nhà và cảnh sống trở thành thân thương vì luôn diễn ra trong vòng tay Ba Ngôi Thiên Chúa, từng bước kinh nghiệm Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Ngược lại, người học cố ngắm nhìn và lắng nghe, để con tim mình trở nên mềm mại, hòa nhịp với hơi thở của Ngôi Con. Phần luân lý đặt người học nhìn vào chính mình, nhìn lên và nhìn qua mọi người. Dĩ nhiên, cả 2 phần không có ý phân chia rạch ròi như thế, mà tất cả là để gặp Chúa và để Chúa cuốn hút, như người đã từng lôi cuốn đám đông và biến đổi trở nên môn đệ.
Vậy thì vấn đề đặt ra cho người giáo lý viên là gì và những yêu cầu tối thiểu cho việc đào tạo giáo lý viên ra sao?
Bài bản, sư phạm, nhưng nếu con tim bị lỗi nhịp thì sẽ mất sức hấp dẫn.
Kể chuyện Giêsu,
Câu chuyện được kể trở thành lời kinh chúc tụng Thiên Chúa.
Đấng từ cõi trời, trong Đức Kitô, đã thi ân giáng phúc
Cho ta được hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần (Eph 1,3).
Câu chuyện được kể đặt tất cả trên đường với Giêsu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét