Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa (4)

Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa (4)

God and man
Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới được sự thật đích thực và trọn vẹn của mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng gần gũi với con người “điều này được thực hiện qua cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình trên thập giá và đã hy sinh chịu chết “ cho thấy càng nhìn các thực tại của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa và càng sống các thực tại ấy trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, các thực tại ấy càng được tăng thêm sức mạnh và càng được giải phóng cho hợp với bản sắc riêng của chúng và hợp với tự do riêng của chúng. Chia sẻ đời sống làm con cùng với Đức Kitô, nhờ cuộc Nhập Thể và nhờ quà tặng của Thánh Thần trong mầu nhiệm Vượt Qua, không phải là huỷ hoại mà là giúp giải phóng các đặc điểm và bản sắc thật sự và độc lập, cũng là nét làm nên con người với những sự biểu hiện khác nhau.
Cách nhìn này dẫn đến một cách tiếp cận đúng đắn các thực tại trần thế và sự độc lập của các thực tại ấy, đó là điều đã được Công đồng Vatican II lưu ý mạnh mẽ: “Nếu nói đến sự độc lập của các việc trần thế mà hiểu rằng các sự việc trần thế và xã hội tự chúng có những quy luật riêng và những giá trị riêng, và chúng ta có bổn phận phải khám phá dần dần để sử dụng và điều hoà, thì hoàn toàn hợp lý khi chúng ta đòi hỏi sự độc lập ấy cho các sự việc và xã hội trần thế. Điều ấy ”cũng phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hoá. Chính vì được tạo thành như thế mà mọi sự được ban cho có sự ổn định, chân thật, tốt lành, cũng như luật lệ và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng những điều này khi tách rời chúng bằng những phương pháp đặc thù của các khoa học hay nghệ thuật”[1].
Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người, nhưng giữa hai bên có mối quan hệ yêu thương, theo đó, thế giới và các kết quả hoạt động của con người trong thế giới đều là món quà trao tặng cho nhau giữa Cha và con cái, hay giữa con cái với nhau, trong Đức Kitô Giêsu; trong Người và nhờ Người, thế giới và con người tìm được ý nghĩa đích thực và vốn có của cả hai. Nhìn tình yêu Thiên Chúa bao trùm lên tất cả mọi sự hiện hữu như thế, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đã tỏ mình cho chúng ta nơi Đức Kitô như một người Cha và như người ban tặng cho chúng ta sự sống; còn con người nhận tất cả mọi sự trong Đức Kitô từ nơi Thiên Chúa như nhận những quà tặng, một cách khiêm tốn và tự nguyện; con người cũng thấy mình thực sự đang sở hữu mọi sự như của mình chính khi con người ý thức và cảm nghiệm sự vật nào cũng là của Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa và đang tiến về Thiên Chúa. Về điểm này, Công đồng Vatican II đã nói: “Nếu kiểu nói “sự độc lập của các sự việc trần thế” được hiểu là các thụ tạo không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không liên hệ gì với Đấng Tạo Thành chúng, thì bất cứ ai nhìn nhận Thiên Chúa đều thấy đó là kiểu nói hết sức sai lầm. Vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ biến mất”[2].
Tự bản thân và trong ơn gọi của mình, con người vốn vượt lên trên những giới hạn của vũ trụ, xã hội và lịch sử: mục tiêu tối hậu của con người là chính Thiên Chúa [3], Đấng đã tự mạc khải mình cho con người để mời gọi và tiếp nhận con người vào hiệp thông với mình [4]. “Con người không thể trao mình cho một kế hoạch thực tế thuần tuý của con người, cho một lý tưởng trừu tượng hay cho một điều không tưởng sai lầm. Trong tư cách là một ngôi vị, con người chỉ có thể trao mình cho một ngôi vị khác hay cho các ngôi vị khác, và sau cùng, cho Thiên Chúa, là tác giả sự tồn tại của con người và là Đấng duy nhất có thể tiếp nhận sự trao thân gửi phận của con người” [5]. Vì lý do đó, “một người bị tha hoá khi không chịu vượt lên trên bản thân mình và không chịu sống cái kinh nghiệm tự hiến, kinh nghiệm cùng với người khác làm nên cộng đồng nhân loại đích thực để đạt tới định mệnh cuối cùng của mình, là chính Chúa. Một xã hội bị tha hoá khi do hình thức tổ chức, sản xuất và tiêu thụ của xã hội ấy khiến con người khó tự hiến bản thân mình và khó thực hiện sự liên đới với người khác” [6].
Không thể và không được dùng các cơ chế xã hội, kinh tế hay chính trị để lèo lái con người, vì mỗi người đều có tự do để tự hướng dẫn mình đạt tới mục tiêu tối thượng của mình. Ngược lại, bất cứ thành quả văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị nào, qua đó bản tính xã hội của con người và những hoạt động biến đổi thế giới của con người được thể hiện ra trong lịch sử, đều phải luôn luôn được xem xét trong bối cảnh đó là những thực tại tương đối và tạm bợ, vì “bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,31). Ở đây, chúng ta có thể nói tới “tính tương đối theo cánh chung học”, theo nghĩa con người và thế giới đang tiến về cùng đích của mình, đó là hoàn thành định mệnh của mình trong Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể gọi đó là “tính tương đối theo thần học”, vì việc Thiên Chúa tặng ban chính mình “ qua đó định mệnh cuối cùng của con người và tạo thành sẽ được thực hiện “ luôn lớn lao hơn những gì con người có thể làm được và kỳ vọng. Nếu vậy, bất cứ quan điểm độc tài nào về xã hội và Nhà Nước, cũng như bất cứ ý thức hệ chủ trương tiến bộ nội trong thế giới này thôi đều đi ngược lại sự thật toàn diện về con người và đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử.
(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 45-48)
Cầu nguyện
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,
xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on,
thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.
Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,
lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.
Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa. (Tv 50, 14-21)
……………..
[1] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054;
CĐ Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 7: AAS 58 (1966), 843-844.
[2] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054.
[3] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2244.
[4] x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966), 818.
[5] Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
[6] Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844-845.

http://dongten.net/noidung/41088

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét