Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Con Người Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa (2)

Con Người Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa (2)

bethesda
Sự cứu độ do sáng kiến của Chúa Cha được gửi tặng cho con người một cách sung mãn trong Đức Giêsu Kitô, rồi được thực hiện và truyền lại cho chúng ta nhờ hoạt động của Thánh Thần, là sự cứu độ dành cho hết mọi người và là sự cứu độ toàn diện con người: đó là sự cứu độ phổ quát và toàn diện. Nó liên quan đến con người trong hết mọi chiều hướng: chiều hướng cá nhân lẫn xã hội, thể lý lẫn tâm linh, lịch sử lẫn siêu việt. Nó đã bắt đầu trở thành một hiện thực trong lịch sử vì bất cứ điều gì được tạo dựng đều tốt và đều do Chúa muốn, cũng như vì Con Thiên Chúa đã trở nên một người giữa chúng ta [1]. Tuy nhiên, để hoàn tất, nó còn phải chờ đến tương lai khi mọi người chúng ta, cùng với toàn thể thụ tạo (x. Rm 8), được chia sẻ sự sống lại của Đức Kitô và được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống của Chúa Cha trong niềm vui của Thánh Thần. Quan niệm như thế đã cho thấy rõ sai lầm và dối trá của những cái nhìn thuần tuý nội tại về ý nghĩa của lịch sử và của những ai đòi tự cứu lấy mình.
Sự cứu độ mà Thiên Chúa gửi tặng con cái Ngài đòi hỏi họ phải tự nguyện hưởng ứng và chấp nhận. Đức tin cốt ở tại điều ấy, và thông qua việc này, “con người tự nguyện hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho Chúa” [2], đáp lại tình yêu đi bước trước và rất dồi dào của Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,10) bằng cách yêu thương anh chị em mình một cách cụ thể và bằng cách luôn sống trong hy vọng, vì “Đấng đã hứa với chúng ta là Đấng luôn trung thành” (Dt 10,23). Thật ra, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không khiến con người phải ở thế thụ động hay lép vế khi liên hệ với Đấng Tạo Hoá, vì mối quan hệ của chúng ta với Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta và đã tình nguyện nhờ Thánh Thần biến chúng ta thành những người đồng thừa tự, chính là mối quan hệ của con cái đối với cha mình, cũng chính là mối quan hệ mà Đức Giêsu đã từng sống với Chúa Cha (x. Ga 15-17; Gl 4,6-7).
Chính vì ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại vừa phổ quát vừa toàn diện, nên mối quan hệ mà mỗi người chúng ta được mời gọi liên kết với Chúa không thể tách rời khỏi trách nhiệm chúng ta phải thi hành đối với anh em mình trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Điều này chúng ta có thể cảm nhận qua sự tìm kiếm của hết mọi người đi tìm sự thật và ý nghĩa cuộc đời, dù không phải lúc nào cũng tránh được sự hồ đồ hay ngộ nhận. Sự tìm kiếm ấy cũng là nền tảng cho Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel, như các tấm bia ghi Mười Điều Răn và giáo huấn của các ngôn sứ đã chứng nhận.
Tương quan này càng trở nên rõ ràng và chính xác hơn trong giáo huấn của Đức Giêsu, đồng thời được xác nhận cách dứt khoát qua bằng chứng tuyệt vời của Người khi hy sinh mạng sống mình vì vâng theo ý muốn của Chúa Cha và vì yêu thương anh chị em mình. Khi nghe một kinh sư hỏi “Điều răn nào là quan trọng nhất?” (Mc 12,28), Đức Giêsu đã trả lời: “Điều răn thứ nhất là: “Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là Đấng duy nhất; ngươi phải yêu mến Ngài với hết cả tâm hồn, linh hồn, trí khôn, và hết sức lực ngươi”. Còn điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình. Không có điều răn nào lớn hơn hai điều răn ấy” (Mc 12,29-31).
Trong tâm hồn con người, hai điều này liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể tách rời nhau: đó là mối quan hệ với Chúa “ như là Đấng Tạo Hoá và như là người Cha của mình, mối quan hệ này là nguồn gốc và là đích điểm của sự sống và sự cứu độ “ và sự cởi mở để yêu thương con người một cách cụ thể, như yêu thương chính bản thân mình, kể cả khi người ấy là kẻ thù (x. Mt 5,43-44). Phân tích tới cùng, chúng ta sẽ thấy việc cam kết thực thi công bằng và liên đới để xây dựng một cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị theo đúng kế hoạch của Chúa đã bắt nguồn từ nội tâm sâu xa của con người.
(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 38-40)
Cầu nguyện
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Ðấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa. (Tv 25,1-10)
……………..
[1] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966), 1043.
[2] CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966), 819.
 

http://dongten.net/noidung/40495

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét