Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

GIÁO LÝ VIÊN, BƯỚC THEO THẦY GIÊSU



BƯỚC THEO  THẦY GIÊSU
HỎI ĐÁP



" Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy."
Tin Mừng thánh Gioan 14,15


GB. NGUYỄN THÁI HÙNG








GIÁO LÝ VIÊN,
BƯỚC THEO  THẦY GIÊSU
HỎI ĐÁP, TRẮC NGHIỆM & Ô CHỮ
được soạn theo tài liệu
Linh Đạo Giáo Lý Viên
của Ban Giáo Lý Gp. Banmêthuột.






                                                    

 

01. Hỏi: Khi nói đến ơn gọi, ta thường hiểu là tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong bậc giáo sĩ. Nhưng ơn gọi cũng có ý nghĩa chung là lời Thiên Chúa mời gọi mọi người vào một bậc sống nào đó như bậc sống  nào? (Sách GL 277). (Bài 1)

- Thưa: Bậc sống giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân

02. Hỏi: Mỗi người lãnh nhận bí tích gì trong Hội Thánh đều được Chúa Thánh Thần kêu gọi để được sống theo bậc sống phù hợp với mình, góp phần làm cho Nước Thiên Chúa sớm hoàn thành. (Bài 1)
- Thưa: Bí tích Rửa tội

03. Hỏi: Bậc giáo dân nảy ra những thứ ơn gọi riêng, nhiều con đường thiêng liêng và tông đồ khác, những ơn gọi đó là gì? (Bài 1)
- Thưa: Như ơn gọi Giáo lý viên, ơn gọi sống trong tu hội đời, sống độc thân ở giữa đời, sống đời hôn nhân . . .

04. Hỏi: Ơn gọi Giáo lý viên là ơn gọi chung với giáo dân bắt nguồn từ bí tích nào ? (Bài 1)
- Thưa: Bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Thêm sức.

05. Hỏi: Ơn gọi Giáo lý viên là ơn gọi chung với giáo dân bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, nhưng có điểm riêng đó là gì ? (Bài 1)
- Thưa: Là được Chúa Thánh Thần kêu gọi cách đặc biệt, nghĩa là ban cho một đặc sủng (ơn đặc biệt) được Hội Thánh công nhận và đặc sủng này được biểu hiện công khai rõ ràng qua sự uỷ nhiệm của Đức Giám Mục.


06. Hỏi: Trong công cuộc truyền giáo, Giáo lý viên có ơn gọi riêng cho việc dạy giáo lý nhưng cùng chung ơn gọi với các giáo dân khác để làm tông đồ nhằm làm điều gì ? (Bài 1)
- Thưa: Thiết lập và thăng tiến Hội Thánh.

07. Hỏi: Giáo lý viên cần khám phá và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của ơn gọi mình để làm gì ? (B.1)
- Thưa: Để phân định và vun trồng ơn gọi đó theo gương Chúa Giêsu.

08. Hỏi: Giáo lý viên noi gương ngôn sứ nào thưa với Thiên Chúa: “Này con đây, xin hãy sai con” ? (Bài 1)
- Thưa: Ngôn sứ Isaia

09. Hỏi: Mỗi lối sống theo ơn gọi của Thiên Chúa đều có những tính cách căn bản riêng, đó gọi là gì? (Bài 1)
- Thưa: Căn tính

10. Hỏi: Căn tính của Kitô hữu tuỳ thuộc vào điều gì ? (Bài 1)
- Thưa: Căn tính của Kitô hữu tuỳ thuộc vào ơn Thiên Chúa kêu gọi và được Hội Thánh xác định tuỳ theo mỗi bậc sống.

11. Hỏi: Căn tính Giáo lý viên có phần chung với căn tính giáo dân tuỳ theo ơn gọi giáo dân mà Hội Thánh đã xác định là giáo dân không theo hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Hội Thánh công nhận, họ thực hiện điều gì ? (Bài 1)
- Thưa: Sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian theo phận sự riêng của họ.

12. Hỏi: Giáo lý viên sống giữa cảnh sống đời thường trong gia đình và ngoài xã hội. Phận vụ riêng của họ là gì ? (Bài 1)
- Thưa: Phận vụ riêng là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các việc trần thế và sắp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.

13. Hỏi: Căn tính Giáo lý viên khác với giáo dân ở chỗ: Giáo lý viên có nhiệm vụ gì? (Bài 1)
- Thưa: Dạy giáo lý

14. Hỏi: Căn tính Giáo lý viên khác với giáo dân ở chỗ: Giáo lý viên có nhiệm vụ dạy giáo lý. Tuy nhiên, dạy giáo lý còn được Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáoGiáo luật chia làm hai loại:
      Loại 1: dạy giáo lý trong cộng đoàn giáo xứ đã có đạo lâu đời.
      Loại 2: dạy giáo lý cho cả người có đạo và nhất là cho muôn dân chưa có đạo.
      Do đó, căn tính Giáo lý viên thuộc loại một gồm những yếu tố nào ? (Bài 1)
- Thưa: Căn tính giáo lý viên thuộc loại một gồm ba yếu tố sau đây: là được Chúa Thánh Thần kêu gọi, được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh, được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục.

15. Hỏi: Căn tính Giáo lý viên ở xứ truyền giáo ngoài ba yếu tố sau : được Chúa Thánh Thần kêu gọi, được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh, được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục và còn thêm một yếu tố khác nữa là gì? (Bài 1)
- Thưa: Được liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho muôn dân.

16. Hỏi: Giáo lý viên luôn ý thức mình là giáo dân, phải hiểu đúng ơn gọi người giáo dân để sống cho đúng bổn phận trong Hội Thánh và thế giới hôm nay, đồng thời Giáo lý viên còn được Thiên Chúa mời gọi để dạy giáo lý, đó là một sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh, và ai trao lại cho Giáo lý viên ? (Bài 1)
- Thưa: Hội Thánh

17. Hỏi: Giáo lý viên phải hiểu ơn gọi và căn tính của mình, phải học hỏi luôn luôn, không những để dạy mà còn để sống đạo cho mình, dạy giáo lý không chỉ bằng lời nói mà còn điều gì nữa mới có tính thuyết phục ? (Bài 1)
- Thưa: Bằng cả nếp sống của mình.

18. Hỏi: Giáo lý viên Việt Nam là Giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo, nên có bổn phận loan báo Tin mừng cho số người rất lớn chưa nghe biết Tin mừng, đồng thời khi dạy giáo lý cho các em, Giáo lý viên phải làm gì ? (Bài 1)
- Thưa: Tập cho các em biết truyền giáo cho các bạn của mình bằng cách chăm chỉ học hành, vâng lời thầy cô, sẵn sàng yêu thương giúp đỡ các bạn đang gặp khó khăn vì yếu kém hay nghèo khó.

19. Hỏi: Trong hoạt động truyền giáo, vai trò của Giáo lý viên là chức năng, là nhiệm vụ và tác dụng phải lo, là quyền lợi và trách nhiệm loan báo cho mọi người biết Tin mừng của Chúa Kitô bằng mọi phương thế thích hợp như là gì? (Bài 2)
- Thưa: Như là : Lời nói, việc làm và cả đời sống bản thân nữa.

20. Hỏi: Trong các xứ đạo lâu đời, việc dạy giáo lý phải thực hiện chu đáo cho các đối tượng nào ? (Bài 2)
- Thưa: Việc dạy giáo lý phải thực hiện chu đáo cho các thiếu nhi, cho các thanh niên và cho cả những người đã trưởng thành.


21. Hỏi: Với các Giáo lý viên ở xứ truyền giáo thì họ có vai trò gì ? (Bài 2)
- Thưa: Loan báo Tin mừng lần đầu tiên nhằm khêu gợi đức tin, giúp người khác tìm ra lý lẽ để theo đạo, tập cho họ quen sống đời sống Kitô hữu, giúp hội nhập vào cộng đoàn ở địa phương.

22. Hỏi: Vai trò Giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo được liên kết với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, nên vừa phong phú và đa dạng.
Trước hết, bao gồm toàn bộ việc công khai truyền giảng sứ điệp Kitô giáo: loan báo đầu tiên, giới thiệu, trao đổi về lý do muốn làm dự tòng.
Tháp tùng dự tòng nghĩa là gì ? (Bài 2)
- Thưa: Nghĩa là dẫn bước họ dần dần vào việc tuyên xưng đức tin và lãnh các bí tích, rồi hội nhập vào Hội Thánh để cùng nhau làm chứng cho Đức kitô.

23. Hỏi: Theo Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu độ” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý viên là ai? (Bài 2)
- Thưa:Những cán bộ chuyên trách, những chứng tá trực tiếp những người Phúc âm hoá không thể thay thế, tượng trưng cho sức mạnh cơ bản của cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là các cộng đoàn trẻ.

24. Hỏi: Theo Giáo luật khoản 785/1, Giáo lý viên là: “Những giáo dân được huấn luyện thích đáng và trổi vượt về đời sống Kitô giáo, để dưới sự hướng dẫn của các vị thừa sai họ làm gì ? (Bài 2)
- Thưa: Để họ dấn thân giảng dạy giáo lý Phúc âm, tổ chức các cử hành Phụng vụ và các việc bác ái.

25. Hỏi: Sổ tay hướng dẫn về Giáo lý viên có dạy: Giáo lý viên là “giáo dân” được Hội Thánh uỷ thác cách đặc biệt, theo nhu cầu địa phương, để giúp những người chưa biết Đức Kitô và cả tín hữu nữa, để họ có thể làm điều gì ? (Bài 2)
- Thưa: Để họ nhận biết, yêu mến và bước theo Đức Kitô.

26. Hỏi: Bộ Phúc Âm hoá còn dựa theo Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” để nhắc các mục tử có thể trao cho Giáo lý viên giáo dân làm những việc không thuộc riêng chức thánh như những việc gì ? (Bài 2)

- Thưa: Như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ toạ buổi cầu nguyện, rửa tội, cho rước lễ...

27. Hỏi: Bộ Phúc Âm hoá đã dựa theo thực tế để nêu lên các nhiệm vụ một cách tổng quát. Những nhiệm vụ đó là gì? (Bài 2)
- Thưa:
* Một là chuyên trách về giáo lý như giáo dục đức tin cho giới trẻ và người lớn.
* Hai là cộng tác trong rất nhiều hình thức tông đồ với các thừa tác viên có chức thánh, tuỳ theo quy định của các ngài
* Ba là tuỳ theo giới tính và tuổi tác mà được trao nhiệm vụ.

28. Hỏi: Nhiệm vụ chuyên trách về giáo lý như giáo dục đức tin cho giới trẻ và người lớn đòi hỏi Giáo lý viên phải làm gì ? (Bài 2)
- Thưa:
      * Một là Chuẩn bị cho các dự tòng và gia đình họ nhận các bí tích khai tâm vào Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể)
      * Hai là Cộng tác vào những sáng kiến để ủng hộ họ và củng cố các Giáo lý viên như việc tĩnh tâm, cuộc giao lưu...

29. Hỏi: Nhiệm vụ cộng tác trong rất nhiều hình thức tông đồ với các thừa tác viên có chức thánh, tuỳ theo quy định của các ngài là những việc gì? (Bài 2)
- Thưa:
* Một là Loan báo Tin mừng lần đầu cho những người chưa theo Kitô giáo đến việc dạy giáo lý cho dự tòng, linh hoạt việc cầu nguyện trong cộng đoàn, đặc biệt là việc Phụng vụ Chúa nhật khi không có linh mục.
* Hai là Huấn luyện các Giáo lý viên khác cho đến việc tháp tùng Giáo lý viên tự nguyện và hướng dẫn các sáng kiến mục vụ. Từ việc thăng tiến con người và công lý cho việc trợ giúp người nghèo và các hoạt động khác có tính cách bác ái xã hội.
* Ba là Giúp đỡ các bệnh nhân cho đến việc cử hành nghi lễ an táng.
* Bốn là dạy giáo lý ở các xứ đạo.

30. Hỏi: Tuỳ theo giới tính và tuổi tác của Giáo lý viên, họ được trao những nhiệm vụ gì? (Bài 2)
- Thưa:
* Một là Đàn ông có gia đình xem ra thích hợp với nhiệm vụ làm linh hoạt viên cho cộng đoàn giống như nhiệm vụ gia trưởng.
* Hai là Phụ nữ có nhiệm vụ thích hợp hơn với việc giáo dục trẻ em và thăng tiến nữ giới.
* Ba là Người trưởng thành đã lập gia đình có nhiệm vụ làm chứng chắc chắn cho giá trị hôn nhân
* Bốn là người trẻ có nhiệm vụ tiếp xúc với thanh niên, thiếu niên.

31. Hỏi: Linh đạo của Giáo lý viên là gì ? (Bài 4)
- Thưa: Là đường lối thể hiện và biểu hiện căn tính cùng vai trò của giáo lý viên trong đời sống của mình.

32. Hỏi: Theo nghĩa chung linh đạo là gì? (Bài 4)
- Thưa: Là đường lối thiêng liêng để sống đúng với căn tính của mình.

33. Hỏi: Theo nghĩa chuyên môn linh đạo là gì? (Bài 4)
- Thưa: Là đường lối sống, là nếp sống hoàn toàn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng giúp mỗi người thường xuyên đổi mới chính mình cho đúng với căn tính của mỗi người.

34. Hỏi: Mỗi người có ơn gọi căn tính, với vai trò và nhiệm vụ riêng muốn sống đúng với ơn gọi và căn tính ấy thì phải làm gì ? (Bài 4)
- Thưa: Phải theo một đường lối, một nếp sống thích hợp, không theo một linh đạo thích hợp thì không thể thực hiện đúng ơn gọi của mình.
35. Hỏi: Ơn gọi của mỗi người đều do Chúa Thánh Thần kêu mời, vừa do chính Người soi sáng dẫn đường để sống theo linh đạo thích hợp. Việc của Giáo lý viên là gì? (Bài 4)
- Thưa: Là vâng theo và để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn.

36. Hỏi: Bản chất của tất cả các linh đạo là gì ? (Bài 4)
- Thưa: Là sống đời sống thánh thiện đi đôi với làm, làm cho người khác yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là Phúc âm hoá.

37. Hỏi: Tại sao lại sống thánh thiện? (Bài 4)
- Thưa:
* Một là Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48).
* Hai là Thánh Phaolô cũng khuyên các giáo hữu: sống xứng đáng như các vị thánh (Ep 5,3)
* Ba là như Hiến chế về Hội Thánh nói : Mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên Thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

38. Hỏi: Nên thánh hay nên trọn lành có ý nghĩa là gì? (Bài 4)
- Thưa: Nghĩa là Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và yêu mến Thiên Chúa thật thì phải khao khát làm cho Thiên Chúa được mọi người mến yêu.

39. Hỏi: Phúc âm hoá nghĩa là gì ? (Bài 4)
- Thưa: Là làm cho người khác hiểu và yêu mến Thiên Chúa.

40. Hỏi: Kitô hữu đã được Phúc âm hoá rồi thì có bổn phận gì ? (Bài 4)
- Thưa: Bổn phận Phúc âm hoá cho người khác.

41. Hỏi: Cần phải có một linh đạo riêng cho Giáo lý viên, phải phát xuất từ ơn gọi và sứ mệnh của họ, ý nghĩa đó là gì ? (Bài 4)
- Thưa: Nghĩa là Giáo lý viên phải vâng theo Chúa Thánh Thần để sống thánh thiện và truyền giáo theo cách của một Giáo lý viên giáo dân.

42. Hỏi: Giáo lý viên giáo dân ở giữa trần thế có bổn phận gì ? (Bài 4)
- Thưa: Họ có bổn phận làm cho các “thực tại trần thế” (như đời hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp,…) thấm nhuần tinh thần Phúc âm và trở nên hoàn hảo.

43. Hỏi: Giáo lý viên phải quan tâm việc Phúc âm hoá cho mọi người khác hơn giáo dân vì mình có điều kiện hơn, và quan tâm như thế nào? (Bài 4)
- Thưa: Bằng lời cầu nguyện và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với những ai muốn hiểu biết về Kitô giáo.

44. Hỏi: Khi giảng dạy giáo lý cho học viên, Giáo lý viên phải làm gì ? (Bài 4)
- Thưa: Tập cho học viên quen cầu nguyện cho việc truyền giáo, và cũng tập cho học viên, nhất là học sinh biết truyền giáo cho bạn bè mình bằng đời sống chăm ngoan, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè vượt khó.

45. Hỏi: Để giúp Giáo lý viên dễ sống linh đạo Giáo lý viên đúng hơn, Hội Thánh đã tóm tắt trong 4 phong cách. Đó là những phong cách nào? (Bài 4)
- Thưa:
* Một là Cởi mở với Lời Chúa
* Hai là Đời sống thống nhất và chân thực.
* Ba là Nhiệt tâm truyền giáo.
* Bốn là Tinh thần của Đức Maria.

46. Hỏi: Giáo lý viên có nhiệm vụ chính là truyền giảng Lời Chúa nên phong cách trước hết trong linh đạo Giáo lý viên là cởi mở với Lời Chúa. Cởi mở với Lời Chúa qua những điểm nào ? (Bài 5)
- Thưa: Qua Kinh Thánh, được Hội Thánh công bố, được cử hành trong Phụng vụ, được các thánh thực thi trong đời sống.

47. Hỏi: Cởi mở với Lời Chúa qua những điểm trên là để gặp gỡ Đức Kitô, vì Đức Kitô ẩn giấu trong đâu ? (Bài 5)
- Thưa: Trong Lời Người, trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Đức Kitô trong anh em chị đang sống bên ta.

48. Hỏi: Vì thế, cởi mở với Lời Chúa có nghĩa là gì ? (Bài 5)
- Thưa: Có nghĩa là cởi mở với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với thế giới.

49. Hỏi: Cởi mở để đón nhận gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi trong nơi sâu thẳm của lòng người. Việc cởi mở này rất quan trọng vì làm cho đời người có một ý nghĩa, một hướng đi, nghĩa là làm cho ta thế nào ?  (Bài 5)
- Thưa:
* Một là Có những xác tín, những tin tưởng chắc chắn, đúng với sự thật về Thiên Chúa và loài người.
* Hai là Có những tiêu chuẩn, những qui luật để giữ vào đó mà lượng giá tốt xấu cho đúng.
* Ba là Có thang giá trị để mà biết các giá trị nào cao thấp con người hơn con vật.

50. Hỏi: Cởi mở bằng cách tích cực là sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng của những ai? (Bài 5)
- Thưa:
* Một là Của Chúa Cha, Đấng đã trao ban cho ta Lời Chúa.
* Hai là Của Chúa Con, là Đức Kitô, là Ngôi Lời, Đấng đã làm người để chỉ nói lên những gì đã nghe từ Chúa Cha.
* Ba là Của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng trí tuệ và hâm nóng tâm hồn để hiểu Lời Chúa và yêu mến thực thi lời Chúa.

51. Hỏi: Hội Thánh là người sai Giáo lý viên đi như một thành phần của mình để Giáo lý viên làm gì ? (Bài 5)
- Thưa: Để Giáo lý viên góp phần xây dựng Hội Thánh.

52. Hỏi: Hội Thánh là người sai Giáo lý viên đi như một thành phần của mình để Giáo lý viên góp phần xây dựng Hội Thánh. Vì thế, Giáo lý viên phải ý thức sâu sắc điều gì ? (Bài 5)
- Thưa: Giáo lý viên phải ý thức sâu sắc rằng : mình tuỳ thuộc và có trách nhiệm với Hội Thánh, mình là thành phần chủ động của Hội Thánh.
53. Hỏi: Công việc của Giáo lý viên không phải là công việc có tính cách cá nhân, riêng rẽ, nhưng luôn luôn một việc có tính cách Hội Thánh. Nghĩa là gì? (Bài 5)
- Thưa: Nghĩa là mang tính cộng đồng và hiệp thông giữa các thành phần trong Hội Thánh.

54. Hỏi: Cởi mở với Hội Thánh bằng những cách nào? (Bài 5)
- Thưa: Bằng cách luôn luôn tỏ lòng thảo hiếu với Hội Thánh, tận tâm phục vụ Hội Thánh, sẵn sàng chịu khổ với Hội Thánh.

55. Hỏi: Cởi mở với Hội Thánh được thực hiện trong công việc cụ thể nào? (Bài 5)
- Thưa:
* Một là Gắn bó và vâng phục Đức Giáo Hoàng là trung tâm hiệp nhất và là mối giây thông hiệp tất cả thành phần Hội Thánh.
* Hai là Gắn bó và vâng phục Đức Giám Mục của mình là người Cha và là người lãnh đạo địa phương và với những vị đại diện cũng như những người cộng tác với các ngài.
* Ba là Tham gia với tinh thần trách nhiệm vào công việc mà Hội Thánh đang hành trình trên trần gian phải làm, đó là việc Phúc âm hoá. Việc truyền giáo; đồng thời cùng chia sẻ với Hội Thánh khát vọng được gặp gỡ trong vinh quang với Chúa Kitô mai sau.

56. Hỏi: Giáo lý viên cần phải ý thức đúng tầm quan trọng của thế giới trong chương trình cứu độ của Chúa. Nghĩa là nhìn thế giới như thế nào? (Bài 5)
- Thưa:
* Một là Thế giới được tạo dựng do đức ái vĩnh hằng của Chúa Cha và là nơi cũng do đức ái vĩnh hằng ấy, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện cứu độ có kế hoạch.
* Hai là Thế giới là nơi Chúa Con, là nơi Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong lịch sử để cắm lều và ở giữa loài người, hầu cứu độ tất cả loài người và vạn vật.
* Ba là Thế giới là nơi mà Chúa Thánh Thần được gửi đến để thánh hóa mọi người và lập Hội Thánh, để tất cả được “đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong một Thánh Thần duy nhất” (Ep 2, 18).

57. Hỏi: Cởi mở bằng cách quan tâm đến mọi nhu cầu của thế giới, là nơi mình biết mình được sai đến để hoạt động trong đó, nhưng là không được hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Cởi mở theo cách đó thì Giáo lý viên phải làm gì? (Bài 5)
- Thưa:
* Một là Luôn hội nhập vào hoàn cảnh sống của mọi người, của anh chị em mình, không tự tách mình ra hoặc để mình tụt hậu vì sợ khó hoặc muốn an toàn.
* Hai là Luôn có một cái nhìn siêu nhiên về cuộc sống chứ không chỉ nhằm tới vật chất và luôn tin rằng: Lời từ miệng Chúa phán ra thế nào cũng có hiệu quả. Lời ấy sẽ chẳng trở về Chúa mà lại không hoàn thành sứ mệnh cứu độ của Lời Chúa.

58. Hỏi: Cởi mở với Lời Chúa là phong cách làm nền tảng trong linh đạo Giáo lý viên. Giáo lý viên phải mở trí, mở lòng để làm gì và nhờ đó tấm lòng mình được thôi thúc bởi đức ái tông đồ, nghĩa là bởi lòng yêu mến muốn đem mọi người vào gia đình Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa và làm anh em với nhau? (Bài 5)
- Thưa: Giáo lý viên phải mở trí, mở lòng để đón nhận Lời Chúa, để tìm hiểu, suy gẫm thấm nhuần Lời Chúa, để nhờ đó tấm lòng mình được thôi thúc bởi đức ái tông đồ, nghĩa là bởi lòng yêu mến muốn đem mọi người vào gia đình Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa và làm anh em với nhau.

59. Hỏi: Thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thấm nhuần đức ái mục tử của Chúa Kitô, Giáo lý viên cùng với mọi thành phần trong Hội Thánh vâng theo Chúa Thánh Thần, cởi mở để làm gì ? (Bài 5)
- Thưa: Cởi mở để đi đến với thế giới loan báo Tin mừng cứu độ, đón nhận thế giới vào Hội Thánh để góp phần hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

60. Hỏi: Đời sống chân thực là đời sống đích thực chứ không giả hiệu giả hình, nghĩa là những điều gì đều đúng với thâm tâm hay lương tâm, không phải chỉ có tính cách xã giao, chiến thuật hay thủ đoạn? (Bài 6)
- Thưa: Lời nói, cử chỉ, việc làm.

61. Hỏi: Dạy giáo lý không phải là dạy một môn học về văn hoá, cũng không phải dạy ý kiến của Giáo lý viên, mà là dạy điều gì ? (Bài 6)
- Thưa: Dạy Lời Chúa, dạy những điều mà Hội Thánh tin.

62. Hỏi: Trước khi dạy giáo lý, Giáo lý viên đã phải cố gắng sống theo những giáo lý mình dạy cách chân thực. Làm như vậy, Giáo lý viên chứng minh cho mọi người điều gì ? (Bài 6)
- Thưa: Chứng minh cho mọi người rằng mình là một con người, là một Giáo lý viên có phẩm chất, có ý thức trách nhiệm và sống đúng trách nhiệm của Giáo lý viên.

63. Hỏi: Thế giới hôm nay đã phải nghe nhiều lời tuyên truyền rất hùng hồn và hấp dẫn của những hạng người nói vậy mà không phải vậy. Vì vậy, người ta đòi hỏi những người đi Phúc âm hoá người khác phải nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính người đó đã thế nào ? (Bài 6)
- Thưa: Đã hiểu biết quen thân, cảm nghiệm được, như thể người ấy đã được thấy được “Đấng vô hình”.

64. Hỏi: Đời sống chân thực là phong cách thứ hai của linh đạo Giáo lý viên, nó được biểu hiện qua những hành động nào ? (Bài 6)
- Thưa: Cầu nguyện, cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần

65. Hỏi: Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để làm gì ? (Bài 6)
- Thưa: Để nghe Chúa nói và để nói với Chúa, để có cùng ý nghĩ và ước muốn như Chúa.

66. Hỏi: Dấu chỉ sâu sắc hơn về đời sống chân thực, đó là những tâm tình của việc cầu nguyện, nó phát xuất từ những điều gì ? (Bài 6)
- Thưa: Nó xuất phát từ việc gặp gỡ, hiểu biết, cảm phục, tạ ơn, chúc tụng và xin ơn cần thiết cho hồn xác.

67. Hỏi: Giáo lý viên cần ý thức vai trò quan trọng của ai mà Chúa Giêsu đã gửi đến để thường xuyên hướng dẫn uốn nắn mỗi Kitô hữu? (Bài 6)
- Thưa: Của Chúa Thánh Thần.

68. Hỏi: Nhiệm vụ Giáo lý viên đòi hỏi Giáo lý viên hiểu biết Chúa Kitô mỗi ngày hơn và sống theo Người để làm gì ? (Bài 6)
- Thưa: Để đời sống luôn thống nhất và chân thực.

69. Hỏi: Càng sống thống nhất và chân thực, Giáo lý viên càng làm chứng và dạy dỗ hữu hiệu hơn. Muốn xác tín như vậy, Giáo lý viên cần phải làm gì ? (Bài 6)
- Thưa: Phải dẹp bỏ ý nghĩ sai lầm là mình chỉ là giáo dân sống giữa hoàn cảnh trần thế, làm sao tổ chức được đời sống kỷ luật và có các điều kiện thuận lợi như các linh mục và tu sĩ.

70. Hỏi: Cố gắng sống thống nhất và chân thực sẽ mang lại cho Giáo lý viên điều gì? (Bài 6)
- Thưa: Niềm vui và tự hào.
71. Hỏi: Đời sống thống nhất và chân thực theo linh đạo Giáo lý viên sẽ làm cho Giáo lý viên hưởng được hoa quả nào của Chúa Thánh Thần ?(x. Gl 5,22-23). (Bài 6)
- Thưa: Đó là : bác ái, hoan lạc, bình an, trung tín, hiền hoà. 

72. Hỏi: Giáo lý viên là Kitô hữu và còn là Kitô hữu có ơn gọi làm Giáo lý viên không thể làm ngơ trước tiếng gọi khẩn cấp gì? (Bài 7)
- Thưa: Truyền giáo hay loan báo Tin mừng.

73. Hỏi: Khi Giáo lý viên cởi mở để đón nhận lời Chúa, hiểu biết và sống thân tình với Chúa luôn thì không thể nào lại không tìm cách làm cho người khác hiểu biết và sống thân tình với Người. Cởi mở với lời Chúa đòi hỏi điều gì ?(B.7)
- Thưa: Vừa đón nhận, vừa đem lời Chúa cho người khác để họ cũng cởi mở với lời Chúa như mình để cùng được lời Chúa cứu độ.

74. Hỏi: Giáo lý viên không thể bỏ ngoài tai tiếng gọi khẩn cấp nào của Chúa Kitô ? (Bài 7)
- Thưa: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Cũng không thể quên lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu đã được ban bố trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

75. Hỏi: Giáo lý viên đã nghe biết về tiếng gọi và lệnh truyền của Chúa Kitô nên phải khắc ghi trong lòng để suy niệm. Dẫu có bị cấm cách, ngăn cản hay bách hại, Giáo lý viên không bao giờ thế nào ? (x. Rm 1,16). (Bài 7)
- Thưa: Hổ thẹn vì Tin mừng của Chúa.

76. Hỏi: Được tình yêu Chúa Kitô thúc bách, Giáo lý viên đã dứt khoát không chạy theo xu hướng của người đời chỉ lo kiếm tiền bạc danh vọng để hưởng thụ. Nhưng chọn lựa tìm kiếm vinh dự nơi Chúa Kitô và không muốn loan báo điều gì khác ngoài Chúa Kitô là gì? (Bài 7)
- Thưa: Là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

77. Hỏi: Giáo lý viên đã yêu mến Chúa Kitô và khao khát làm cho nhiều người nữa biết Người, thì phải làm gì ? (Bài 7)
- Thưa: Bắt chước tấm lòng của Người đến với các chiên lạc.

78. Hỏi: Nhiệt tâm truyền giáo thôi thúc thánh Phaolô đến nỗi Ngài thú nhận rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không làm gì ? (1Cr 9,16) (Bài 7)
- Thưa: Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

79. Hỏi: Nhiệt tâm chân thực truyền giáo của Giáo lý viên được biểu hiện như sau: (Bài 7)
- Thưa:
 * Một là Giáo lý viên khắc hoạ được nơi sâu thẳm nhất của mình: dấu Thánh Giá vinh quang của Chúa Kitô.
* Hai là Giáo lý viên sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan, thử thách, đau khổ trong đời truyền giáo.

80. Hỏi: Tinh thần của Đức Maria là gì ? (Bài 8)
- Thưa: Là tinh thần cộng tác chặt chẽ với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc và tinh thần gắn bó mật thiết với Hội Thánh của Đức Kitô.

81. Hỏi: Đức Maria cộng tác chặt chẽ với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc qua những việc nào ? (Bài 8)
- Thưa:
* Mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ Đức Giêsu
* Khi Đức Giêsu đi loan báo Tin mừng cho mọi người, Đức Maria luôn chăm chú theo dõi
* Khi Đức Giêsu chịu chết để cứu chuộc loài người, Đức Maria đã có mặt dưới chân thập giá để hiệp thông sâu sắc với con mình, trở nên như bà Eva mới, Mẹ của một nhân loại nhân loại mới, Mẹ của Hội Thánh.

82. Hỏi: Đức Maria là Mẹ Đức Kitô, Mẹ của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô và cùng với Hội Thánh, Người làm Mẹ, và đã lam gì? (Bài 8)
- Thưa: Làm cho nhiều người sinh lại để trở nên con cái Hội Thánh.

83. Hỏi: Theo gương Mẹ Maria, Giáo lý viên được mời gọi để làm người dạy dỗ, giáo dục đức tin cho các học viên. Như thế, Giáo lý viên phải làm gì với các học viên? (Bài 8)
- Thưa: Giúp họ trở thành môn đệ đích thực của Đức Kitô và giúp họ sống đúng căn tính Kitô hữu bằng cách đi theo linh đạo phù hợp với căn tính của mình.

84. Hỏi: Giáo lý viên gắn bó mật thiết với Hội Thánh bằng cởi mở với Hội Thánh, để  làm gì ? (Bài 8)
- Thưa: Cũng mang trong lòng mình mối ưu tư của Hội Thánh ở địa phương hôm nay và luôn vâng theo hướng dẫn của Đức Giám Mục và các Linh Mục coi sóc mình.

85. Hỏi: Đức Maria là Giáo lý viên gương mẫu sống đúng linh đạo Giáo lý viên. Người có đủ những phương cách kể trên, đó là những phương cách gì ? (Bài 8)
- Thưa:
* Một là Đức Maria cởi mở với lời Chúa bằng xin vâng ý Đức Chúa Cha, hiệp thông với Chúa Kitô, Con của Người và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn.
* Hai là Đức Maria cởi mở với Hội Thánh mới bằng cách “chuyên cần cầu nguyện”, cởi mở với mọi người bằng cách mau mắn giúp bà Êlisabeth, giúp tiệc cưới Cana.
* Ba là Đức Maria luôn thống nhất đời sống và sống chân thực theo thánh ý Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và cảm nghiệm về Thiên Chúa (thể hiện trong lời kinh Ngợi Khen của Đức Maria - Lc 1,56).
* Bốn là Đức Maria có nhiệt tâm truyền giáo ở mức độ cao nhất nhờ đồng công cứu chuộc trong cuộc tử nạn của Đức Kitô, mang lại ơn cứu chuộc cho mọi người.

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG



1 nhận xét: