Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT 25 TN B


VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 25 TN B
Tin Mừng thánh Máccô 9,30-37

30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."



30 They left from there and began a journey through Galilee, but he did not wish anyone to know about it.

31 He was teaching his disciples and telling them, "The Son of Man is to be handed over to men and they will kill him, and three days after his death he will rise."

32 But they did not understand the saying, and they were afraid to question him.

33 They came to Capernaum and, once inside the house, he began to ask them, "What were you arguing about on the way?"

34 But they remained silent. They had been discussing among themselves on the way who was the greatest.

35 Then he sat down, called the Twelve, and said to them, "If anyone wishes to be first, he shall be the last of all and the servant of all."

36 Taking a child he placed it in their midst, and putting his arms around it he said to them,37 "Whoever receives one child such as this in my name, receives me; and whoever receives me, receives not me but the one who sent me."


I. HÌNH TÔ MÀU



*Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

* Em hãy viết câu Tin Mừng thánh Máccô 9,36
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

II. TRẮC NGHIỆM

01. Khi băng qua miền Galilê, Đức Giêsu dạy các môn đệ điều gì? (Mc 9,31)
a. “Ta là bánh trường sinh”
b. “Anh em hãy yêu thương nhau”
c. “Ai là anh em tôi”
d. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời…”

02. Đức Giêsu dạy Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau, Người sẽ thế nào? (Mc 9,31)
a. Được chôn cất trong mồ
b. Sống lại
d. Hiện ra với các phụ nữ
d. An ủi các môn đệ

03. Đâu là điều các môn đệ bàn tán dọc đường? (Mc 9,33)
a. Ai là người lớn hơn cả
b. Cái chết của Đức Giêsu
c. Sự đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu
d. Bánh trường sinh mà Đức Giêsu đã dạy

04. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm gì? (Mc 9,35)
a. Làm người chỉ huy
b. Làm người phục vụ mọi người
c. Làm người rốt hết
d. Chỉ có b và c đúng

05. Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy là đón tiếp ai? (Mc 9,37)
a. Người nghèo
b. Thầy
c. Vị ngôn sứ của Thiên Chúa
d. Mọi người

III. Ô CHỮ 




Những gợi ý


01. Khi Con Người bị nộp vào tay người đời, họ sẽ làm gì Người? (Mc 9,31)

02. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người thế nào? (Mc 9,35)

03. Ai đã hỏi các môn đệ dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy? (Mc 9,33)

04. Ai sẽ bị nộp vào tay người đời và bị họ giết chết? (Mc 9, 31)

05. Dọc đường các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả, nhưng khi Đức Giêsu hỏi họ, các ông đã có thái độ gì? (Mc 9,34)

06. Đức Giêsu dạy Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người và ba ngày sau, người sẽ thế nào? (Mc 9,31) 

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy,
là tiếp đón chính Thầy
Tin Mừng thánh Máccô 9, 37


Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 25 TN B
Tin Mừng thánh Máccô 9,30-37


I. HÌNH TÔ MÀU


*Chủ đề :
Đức Giêsu và trẻ em

* Câu Tin Mừng thánh Máccô 9,36
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó.

II. TRẮC NGHIỆM

01. d. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời…” (Mc 9,31)
02. b. Sống lại (Mc 9,31)
03. a. Ai là người lớn hơn cả (Mc 9,33)
04. d. Chỉ có b và c đúng (Mc 9,35)
05. b. Thầy (Mc 9,37)

III. Ô CHỮ 

01. Giết chết (Mc 9,31)
02. Rốt hết (Mc 9,35)
03. Đức Giêsu (Mc 9,33)
04. Con Người (Mc 9, 31)
05. Làm thinh (Mc 9,34)
06. Sống lại  (Mc 9,31) 

Hàng dọc : TRẺ NHỎ

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG

Nền văn minh mới
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.
Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.
Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.
Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.
Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.
Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.
Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.
Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.
Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
2) Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
3) Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?


 Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux.

LẦN THỨ HAI LOAN BÁO VỀ CUỘC KHỔ NẠN (9,29-32)
Điểm khởi hành của Chúa Giêsu không được xác định rõ. Tuy nhiên ghi chú địa lý lần trước cho thấy Ngài đang hiện đang ở miền cực bắc xứ Phalestin tức miền Cêsarê Phillipphê (8,27). Như thế là Chúa Giêsu băng ngang khắp miền Gialilê với các môn đệ Ngài (c. 30a) theo hướng bắc – nam. Ngài đang thực hiện điều mà người ta thường gọi là “cuộc tiến về Giêrusalem”. Giống như Matthêu và Luca, Maccô chỉ ghi nhận một hành trình duy nhất của Chúa Giêsu tiến về Giuđê và thủ đô Israel (9.30-11,1). Cuộc hành trình tối hậu này sẽ dẫn Chúa Giêsu tới định mệnh đẫm máu của Ngài. Nhưng Ngài “không muốn cho thiên hạ biết” (c.30b). Luôn luôn quy luật “bí mật Mêsia” được nêu ra. Quần chúng Galilê đã nhận được từ Chúa Giêsu những lời nói và phép lạ minh chứng đầy đủ về sứ mệnh Mêsia của Ngài. Thế mà họ đã không hoán cải. Giờ đây Chúa Giêsu phải cống hiến hoàn toàn cho việc dạy dỗ các môn đệ Ngài để, nếu có thể, dẫn dắt họ đón nhận viễn cảnh một Đấng Mêsia bị dân tộc mình ruồng bỏ (c.31a).
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các bạn hữu mình về cuộc khổ nạn. Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (x. 8,31). “Con Người” sẽ bị “nộp vào tay người ta. Động từ “nộp” dùng ở đây có nghĩa rất mạnh. Ngài sẽ bị ai nộp? Về sau Maccô sẽ xác nhận rõ những người nào sẽ bị nộp Chúa Giêsu để đưa Ngài đến cái chết: đó là Giuđa (14,10), các thượng tế (15,1) và Philatô (15,15). Tuy nhiên, ở đây hình thức động từ nằm ở thể thụ động: Chúa Giêsu sẽ “bị nộp”. Đây là một cách thức rất thông dụng dân Do Thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân mà tránh không nêu danh Người ra vì lòng tôn kính. Cần phải nhớ kỹ rằng: Cái chết của Chúa Giêsu có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi gây ra trong lịch sử. Các Kitô hữu cắt nghĩa “điều chướng kỳ” này bằng cách cho thấy nó nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đây là điều mà công thức đột ngột được dùng trong lần loan báo đầu tiên muốn đề cập: con người “phải” chịu khổ và chết (8,31). Cũng như lần trước, lần này lời hứa Phục sinh thêm vào ngay sau đó (c.31b) cũng chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn cảnh đớn đau của cái chết. Các bạn hữu của Chúa Giêsu vẫn khư khư chẳng hiểu gì lời giáo huấn của Thày mình (c. 32). Đây là chủ đề về “sự ngu muội” của các môn đệ trước nỗ lực liên lỷ của Chúa Giêsu nhằm dẫn dắt họ hiểu ra được định mệnh của Ngài. Như chúng ta từng thấy, Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng thực sự trước lời loan báo về cái chết của Chúa Giêsu (x. 8,32). Lần này, sự “khép lòng” của các môn đệ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài”, họ tránh né mọi cuộc trao đổi với Ngài về những thử thách đang chờ đợi Ngài. Như thế, độc giả có thể hiểu được rằng quả thực là khó khăn khi phải trực diện với cái chết.
VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ TRONG PHÚC ÂM MACCÔ
Tác giả Phúc Âm đã đóng khung cuộc đời Chúa Giêsu trong môt ranh giới rất đơn giản ở đó người ta thấy lộ rõ ra hai cực: Galilê và Giêrusalem. Thực thế, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan (1,9). Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của mình ở Galilê, nằm ở mạn bắc xứ Palestin (1,14-9,29). Chỉ mãi về sau Ngài mới băng ngang Galiê theo hướng nam để “lên” Giêrusalem, thủ phủ xứ Giuđêa (9,30). Chính ở đó Ngài sẽ đương đầu với các nhà cầm quyền tôn giáo của dân tộc mình để rồi trải qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh (11,10-16,8).
Lộ trình theo sát đường kẻ kiểu này chắc chắn là sản phẩm của một sự “khái quát hóa”, bởi vì theo như Phúc Âm của Gioan cho biết, sứ vụ của Đấng Mêsia trải dài trên hoặc ba năm. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần theo như tập tục vào các dịp lễ của người Do Thái (x. Ga 5,1; 7,2; 10,22; 12,12).
Như thế, nơi Phúc Âm Maccô, địa lý đã được dùng để “phục vụ” cho một ý đồ cao siêu. Quả thực đối với Maccô, Galilê và Giêrusalem là hai địa danh đối kháng nhau, mỗi nơi mang một ý nghĩa riêng biệt. Galilê là nơi Chúa mở đầu sứ vụ và đồng thời là nơi Chúa thi hành sứ vụ, rao giảng cho dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, thành phố mạn bắc này từng chịu nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Chỉ danh xưng của nó cũng nói lên được điều này: đây là một “khu vực thuộc các dân tộc” chen vai thích cánh với nhau (Is 8,23). Vậy mà chính tại Galilê Chúa Giêsu đã được dưỡng nuôi (ở Nadaret: Lc 4,16). Tại đây Ngài đã khai mạc sứ vụ (1,14). Ngài đã thiết lập ở Caphanaum và bên bờ hồ Tibêria, căn cứ hoạt động và giảng dạy của Ngài (1,16; 2,1.13; 4,1). Ở phần đầu Phúc Âm, người ta thấy đoàn lũ dân chúng Galilê hồ hởi đón nghe và theo dõi các phép lạ Chúa Giêsu ban phát cho họ.
Tuy nhiên, từ chỗ đó, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ Ngài vượt qua các biên giới. Ngài cùng họ vượt hồ Tibêria, từ bờ bên mạn tây thuộc Do Thái đi qua bờ mạn đông thuộc dân ngoại. Với hành vi lặp đi lặp lại này, Ngài không ngừng kêu mời họ mở rộng tầm nhìn để mang Tin Mừng đến với đám dân ngoại (xem toàn bộ từ 4,35-5,20). Càng bành trướng sứ vụ Chúa Giêsu càng gia tăng việc di chuyển đến những vùng không thuộc dân Do Thái chẳng hạn vùng Phênixi (hiện là Liban), vùng Tirô và Siđon (7,24.31a) hay vùng Thập Tỉnh, hiện nay là Giocđani (7,31b).
Qua việc thực hiện các chuyến đi ngắn hoặc dài nơi vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu muốn tập cho các bạn hữu mình quen với tư tưởng rằng Ngài không chỉ là Đấng Mêsia của dân Do Thái mà còn của dân ngoại nữa. Các vị hữu trách tương lai của Giáo Hội phải ý thức rằng Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ phổ quát. Đây chính là ý nghĩa lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai được Chúa Giêsu thực hiện ở mạn đông sông Giocđan (8,1-9), nơi đây Chúa Giêsu đã mở ra bàn tiệc Lời Ngài và ân sủng Ngài cho một dân tộc bên ngoài dân riêng của Chúa. Cũng không phải tình cờ mà ngay tại Betsaiđa, vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu đã mở mắt cho một người mù (8,22-26), hành vi này được ví như khúc nhạc dạo đầu cho sự khám phá ra thân thế Ngài (điều này được thực hiện ở Cêsarê Philipphê, giữa vùng đất dân ngoại: 8,27-29). Như thế không nên ngạc nhiên tại sao ngay khi vừa sống lại, Chúa Giêsu đã bảo các bạn hữu mình đến gặp Ngài “ở Galilê” là nơi Ngài đang chờ họ để sai họ theo chân Ngài ra đi mang Tin Mừng cho toàn thế giới (16,7-8.15).
Đối nghịch với Galilê, Maccô đã biến Giêrusalem, thủ đô của Do Thái, thành một cực khép kín và chống lại Chúa Giêsu. Ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, nhóm luật sĩ và Biệt phái “đến từ Giêrusalem” đã tố cáo là Ngài bị Satan nhập (3,22) nào là Ngài để các môn đệ mình vi phạm các truyền thống cổ xưa (7,1). Chính tại Giêrusalem, trung tâm đức tin Do Thái Chúa Giêsu sắp phải đương đầu gay gắt nhất với đám thủ lĩnh tôn giáo của dân riêng Chúa (11,1-12,40). Cũng chính ở đó Ngài sẽ bị bắt, bị xét xử, bị kết án tử hình và bị hành hình do lời xúi giục của các vị cầm quyền Do Thái cao cấp nhất (14,1-15,47).
Như thế vấn đề địa lý trong Phúc Âm Maccô chứa đựng một bài học sâu sắc: là người theo Chúa Giêsu, các Kitô hữu không được để cho Phúc Âm bị đóng khung trong bất cứ loại thành “Giêrusalem” nào! Họ phải luôn luôn liên kết với Đấng Phục Sinh là Đấng từ bờ hồ Tibêria đã mời gọi họ “ra khơi”. Bởi vì “trong Chúa Kitô không còn phân biệt ai là Do Thái, ai là Hy Lạp nữa” (Thư Phaolô gởi tín hữu Galat 3,28). Ơn cứu độ phải được mang đi từ Giêrusalem và từ Galilê đến tận cùng thế giới.
THEO CHÚA GIÊSU NHƯ THẾ NÀO: CƯ XỬ VỚI TRẺ EM (9,33-37)
Mỗi lần Chúa Giêsu loan báo rõ ràng về cuộc khổ nạn của Ngài (8,31; 9,31) Maccô đều nhấn mạnh đến sự “ngu muội” không hiểu của các môn đệ (8,32; 9,32). Sau đó, Maccô cho thấy Chúa Giêsu cố gắng nhồi nhét vào đầu óc của bạn hữu mình một bài học thích hợp với chủ đề Ngài nêu: muốn bước theo Ngài họ phải trung thành tự hạ như Ngài. Chúa Giêsu đã thực hiện việc dạy dỗ họ về chủ đề này sau lần loan báo thứ nhất về cái chết của Ngài (x.8,34-9,1). Và giờ đây Ngài lại tiếp tục dạy dỗ họ sau lần loan báo thứ hai.
Tác giả Phúc Âm gợi cho thấy đây là thời gian được chọn lựa đặc biệt để thầy trò trao đổi (c.33). Chúa Giêsu và các bạn Ngài về lại khu vực khởi đầu công việc dạy dỗ, ở tại Caphanaum và tại căn nhà cũ (x.2,1-2). Đây là nơi lý tưởng để tiến hành việc dạy dỗ riêng các môn đệ, xa đám đông ồn ào, về chủ đề mới mẻ nhưng khó khăn liên quan đến Đấng Mêsia “Tôi Tớ”. Với tư cách vị Đạo Sư sành sỏi, Chúa Giêsu khởi đầu bằng việc hỏi các môn đệ về đối tượng những “cuộc tranh luận” của họ trong lúc đi đường. Người ta đều biết rằng trong lối giáo dục của các kinh sư Do Thái, việc tranh luận đóng một vai trò quan trọng. Điều mà trong lúc đi đường các môn đệ tranh luận với nhau mang nhiều ý nghĩa. Nghe Chúa Giêsu hỏi, họ im lặng không trả lời. Thực ra họ đã tranh nhau xem ai là người “lớn” nhất (c.34). Maccô thú nhận là các vị này cảm thấy xấu hổ. Họ không dám thú nhận là đang lo tranh giành nhau danh vọng trong lúc Thầy mình thì đang tiến về một tương lai đầy khiêm hạ. Quả là tương phản rõ ràng!
Chúa Giêsu thấy mình có bổn phận can thiệp để tránh cho các môn đệ mình khuynh hướng đua đòi chay theo quyền lực. Ngài cho họ một bài học sống động (c.35a). Maccô diễn tả cho thấy Chúa Giêsu ngồi xuống để biểu lộ cung cách một vị Sư Phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của người giảng dạy đầy uy quyền (x.4,1). Ngài quy tụ “ nhóm Mười Hai” lại. Lối nói này hiếm khi được Maccô sử dụng(3,14; 6,7). Và khi sử dụng nó Maccô muốn nói rằng các tông đồ là những vị hữu trách tương lai của Giáo Hội. Chúa Giêsu nói với họ một cách hoàn toàn rõ ràng (c.35b). Đại khái trong lời ngỏ với các vị thủ lãnh tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược trật tự thông thường của phẩm trật nhân loại. Muốn làm đầu thì phải làm cuối mọi người, muốn chỉ huy thì phải làm “tôi tớ tất cả”. Nghịch lý này rõ ràng chỉ có ý nghĩa qua tấm gương Chúa Giêsu biểu lộ nơi thân thể và sứ mệnh của Ngài. Là Đấng Thủ Lãnh, Ngài đã đặt mình vào vị trí rốt hết để phục vụ mọi người. Sứ điệp của Ngài liệu có được người ta nghe không? Chúa Giêsu tin rằng cần phải minh hoạ lời Ngài nói bằng một cử chỉ có ý nghĩa. Ngài đặt một em bé vào giữa họ rồi ôm lấy em (c.36a). cử chỉ này tạo ra một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa đám môn đệ rồi ôm hôn nó: tất cả điều này đi ngược với tập tục đương thời. Xã hội thời xưa không quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Ngược lại, trẻ em không được người lớn đối xử như là những “nhân vật” còn non trẻ, người ta thường xem chúng là những sinh vật vô nghĩa. Chúng mà biết nói năng, lý luận gì cho ra trò. Thậm chí họ còn thường xua đuổi, khai trừ chúng ra khỏi cộng đồng tôn giáo vì cho rằng chúng ngu dốt không biết lề luật.
Như thế Chúa Giêsu đã thực hiện hành động phục hồi mang hai chiều kích (con người và tôn giáo) khi Ngài đặt đứa bé – tiêu biểu một hạng người bị khai trừ – vào giữa đám bạn hữu Ngài. Và Ngài nhấn mạnh hành động này bằng một lời nói nặng trĩu ý nghĩa (c.37a). Cộng đoàn Kitô hữu sẽ phải nhớ tới lời này. Nhân danh Chúa Giêsu tiếp nhận một đứa trẻ – ở đây tượng trưng cho kẻ nghèo khó vào mọi kẻ bị khai trừ – chính là tiếp nhận chính Chúa Giêsu. Đây là câu trả lời đầy kinh ngạc Chúa Giêsu dùng để đáp lại câu hỏi được các môn đệ tranh cãi nhau trong lúc đi đường: “Ai là kẻ cao trọng nhất?”. Việc đua đòi danh vọng đã trở nên sỗ sàng đối với những kẻ bước theo Chúa Giêsu vào lúc Ngài đang đi trên con đường khiêm hạ dẫn đến đau khổ và cái chết. Trở nên “tôi tớ” mọi người, mở rộng vòng đai khép kín của Giáo Hội đến tận những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất chính là “sứ vụ” Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ Ngài. Để nhấn mạnh thêm bài học trang trọng này Chúa Giêsu đã kết luận bằng một từ nói về “Sự tiếp đón” (c.37b): Chúa Giêsu chính là sứ giả của Thiên Chúa. Đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ chính là đón nhận chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ, đó là sứ điệp bất ngờ, rất tân kỳ của trang Phúc Âm khả ái này.



21. Chú giải của Noel Quesson.

Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết.
Một lần nữa, chúng ta lặp lại đề tài Chúa muốn ẩn thân. Đức Giêsu không được người ta hiểu, bị đám đông dân chúng bỏ rơi, bây giờ hoàn toàn chỉ chăm lo cách riêng vào việc đào tạo một số môn đệ của Người.
Phát xuất từ những vùng miền Bắc đi về miền Xêxarê Phi-líp-phê, ở nguồn sông Giođan, Đức Giêsu tiến gần về Giê-ru-sa-lem. Người băng qua xứ Galilê mà ở đó cách đây vài tháng Người đã rất thành công, nhưng một sự thành công không rõ rệt. Lần này Người không tìm dịp nói chuyện trước công chúng. Người chỉ nói với các tông đồ, là mầm mống của cộng đoàn Kitô hữu tương lai và những gì Người sắp nói với họ, là chính những luật lệ giúp họ sống trong cộng đoàn Giáo Hội.
Vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con người sẽ bị nộp vào tay người đời".
Trong khi Đức Giêsu không muốn người ta dùng tước vị "Con Thiên Chúa". Người luôn đúng, nhất là trong giai đoạn thứ hai đời sống tác vụ của Người, tước vị "Con Người". Ngược lại những gì thoạt tiên chúng ta có thể nghĩ, đây không phải là việc nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu. Thực tế, những Kitô hữu đầu tiên, phát xuất từ đạo Do Thái đã gán cho tước vị này một ý nghĩa sâu đậm: Đối với họ, tước vị này ám chỉ Đấng Mêsia do ngôn sứ Đanien đã báo trước (7,13-14). "Con Người" này có nguồn cội từ trời, Người từ trên mây trời mà xuống... Người đến nhân danh Thiên Chúa để hoàn tất công trình của Chúa.
Chúng ta thấy cách nói của Đức Giêsu muốn điều chỉnh lại ý niệm mà các tông đồ đã có về Đấng Mêsia. "Con Người Thần Thánh" từ trên mây trời hiện đến cách vinh quang mà các bạn đang mơ ước, thì Đấng đó sẽ bị giao nộp không chút tự vệ "vào tay loài người". Các bạn chớ nhầm lẫn Đấng Mêsia, chớ nhầm lẫn Thiên Chúa! Đức Giêsu thực sự do Thiên Chúa mà đến, nhưng không phải là Đấng mà loài người thường tưởng nghĩ.
Bị giao nộp.
Một Thiên Chúa ‘bị giao nộp’, một Thiên Chúa được ‘tăng ban’, một Thiên Chúa ‘Tình yêu’ chứ không phải một Thiên Chúa toàn năng, toàn quyền. Chúng ta tin không phải ở một Thiên Chúa toàn năng, nhưng là một Người Cha Toàn Năng, tin ở Đấng đã trao hiến hết mình, Đấng đã giao nộp mình vì chúng ta, mà Thập giá của Đức Giêsu là "mạc khải" rõ ràng và dứt khoát.
Cụm từ "bị giao nộp vì chúng ta" là những từ chủ yếu trong khoa thần học ban sơ. "Bị giao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25).
“Người đã không tha chính con của Người, mà đã giao nộp cho tất cả chúng ta” (Rm 8,32).
“Người đã thương yêu và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20).
"Anh em hãy sống trong tình bác ái như Chúa Kitô đã thương yêu chúng ta và đã nộp mình" (Ep 5,2).
“Chúa đã giao nộp Người vì tội của chúng ta" (Is 53,2).
Chứng từ này được nhắc lại cho chúng ta mỗi khi cử hành Thánh Thể; "Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con".
Họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau, Người sẽ sống lại.
Kể từ lúc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin tại Xêxarê Phi-líp-phê, thì đây là việc loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó. Toàn thể Tin Mừng của Maccô dẫn đưa chúng ta đến chóp đỉnh này: Sự tử nạn và Phục sinh. Đó là trọng tâm kinh Tin kính của chúng ta: Hai biến cố lịch sử. Đây thật là tiểu sử lạ lùng của một con người. Không phải sự sống của Người là quan trọng mà là "cái chết" của Người và việc Người "sống mãi". Chúng ta không thể không lưu ý con người đó luôn luôn báo trước, cùng một lúc và một cách bình tĩnh rằng, Người sẽ "sống lại" sau khi chết. Đó cũng như Người coi cuộc sống thứ nhất của Người ở Palestine thời đó, không phải là cuộc sống quan trọng nhất.
Ngày nay, chúng ta có thực sự tin rằng Đức Giêsu vẫn đang sống không?
Mầu nhiệm Phục sinh là cốt yếu của Đức tin chúng ta. Và đó là đặc quyền duy nhất và căn cốt của Đức Giêsu. Không có một vĩ nhân nào khác dám tự phụ giải phóng được con người, khỏi định mệnh cuối cùng, là cái chết. Cả Đức Phật và Mahômét hay bất cứ một chủ thuyết nhân bản nào khác, cũng không đưa ra được một giải pháp trước thái độ lo âu lớn lao của con người luôn biết mình sẽ phải chết. Chỉ có Đức Giêsu, một cách bình tĩnh và chân thành đã dám nói: "Họ sẽ giết Tôi, nhưng Tôi sẽ sống lại".
Đó là ánh sáng chủ yếu Chúa đã soi chiếu trên cái chết: Đức Giêsu biết rằng đó không phải là chấm dứt tất cả. Người biết những gì đang chờ đợi Người. Khi trải qua giây phút bi thảm của "hơi thở cuối cùng", Đức Giêsu biết rằng Người không rơi vào hố đen của hư vô, nhưng vào vòng tay của Chúa Cha. Và điều đó đã dệt nên bài ca hy vọng của người Kitô hữu trong nghi thức từ biệt cuối cùng với người chết: "Chúa Cha đợi bạn, và cánh tay của Thiên Chúa sẽ mở ra đón bạn".
Chúng ta cứ tin chắc rằng cái chết là như vậy không? Đây là sứ điệp của mọi người tử vì đạo. Đó là niềm tin vững chắc của những tín hữu đích thực. Nhưng các môn đệ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Chúa. Tin Mừng không hề tô vẽ cho các tông đồ. Đó cũng là những con người đáng thương như chúng ta. Thánh Maccô không những nhấn mạnh đến trí óc trì trệ, nông cạn, hẹp hòi của các ông. "Họ không hiểu”(Mc 6,52; 8,17; 8,21; 9,32). Do đó nhóm Mười Hai là một tiêu biểu cho những con người thông thường, trung bình. Người ta tự hỏi làm sao Giáo Hội và suốt dòng lịch sử vĩ đại của Giáo Hội, lại phát sinh từ những tưởng tượng và dự án của các tông đồ được. Quả thực các ông đã được một biến cố thay đổi. Các ông đã được nâng lên cao khỏi chính mình, và được một sức mạnh mới bao bọc. Và luôn diễn ra như thế đối với Giáo Hội.
Nếu chỉ là một Giáo Hội của loài người, thì Giáo Hội đã bị tiêu diệt từ lâu bởi những khiếm khuyết và tội lỗi của các nhà lãnh đạo và thành phần của Giáo Hội. Nhưng chúng ta có nên xét đoán Giáo Hội đơn thuần theo quan điểm của con người không?
Trong lúc này, các tông đồ đã sợ Đức Giêsu và họ giữ một thứ im lặng đến khó chịu "họ đã sợ không dám hỏi Chúa".
Đức Giêsu và các môn đệ đến thành phố Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?". Các ông làm thinh.
Các ông chưa nói được lời nào. Các ông giữ im lặng trước câu hỏi của Chúa. Sự "lúng túng" giữa họ trở nên nặng nề như trong một nhóm mà người ta không còn đồng ý với nhau nữa.
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau về chuyện ai là người lớn hơn cả.
Thật là hoàn toàn bất đồng ý kiến với Thầy của họ!
Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, khiến Người "giao nộp" mạng sống. Còn các ông thì chỉ nghĩ đến những “địa vị cao". Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Mêsia, và về Thiên Chúa. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một "biến cố vẻ vang", chứng tỏ quyền năng của Đấng Mêsia, một vương quốc trần gian, mà các ông đã tranh luận xem ai là "thủ tướng" khi Chúa và các ông thắng thế.
Nhưng xin các bạn đừng quá nghiêm khắc xét đoán việc các Ngài không hiểu vai trò của Chúa Giêsu. Mặc dù đã được soi dẫn với ánh sáng Phục sinh, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng mình chấp nhận sự vắng mặt hiển nhiên của Thiên Chúa, sự im lặng của Người, sự thất bại của Thập giá không? Chúng ta không tiếp tục xin Chúa can thiệp để chiến thắng sao?
Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi mười hai môn đệ lại mà nói: "Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Trong cuộc thương khó mà Chúa vừa loan báo, Chúa Giêsu đã tự hạ thành "kẻ sau rốt và là "đầy tớ” của mọi người. Thực sự, Thiên Chúa là như thế. Tại sao lời khẳng định này lại có vẻ như một cậu phạm thượng đối với một số người? Đúng ra, Thiên Chúa là Đấng trên hết, cao cả nhất, nhưng Chúa cũng là "Người đứng đầu trong phục vụ”, Người đứng đầu trong tình yêu.
Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa và điều đó phải lắm, vì Ta đúng là như thế, thế mà Ta đã rửa chân cho các con, như một người đầy tớ" (Ga 13,13). Thiên Chúa thực sự là Đấng Toàn Năng, nhưng là Toàn Năng để "phục vụ đến cùng". "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng làm giá cứu chuộc muôn người" (Mc 10,42-45).
Trong xã hội và tập thể con người (và cũng là luật tự nhiên trong thế giới động vật), người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ trật tự này: Người "thứ nhất” trở thành "người sau rốt", "ông chủ” trở nên "đầy tớ". Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách có vẻ khiêu khích và cách mạng.
Nhưng một lần nữa, đó không phải là để làm một cuộc “cách mạng" nghĩa là thay đổi "chữ” mà thôi! ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người, giúp chế ngự xu hướng tranh đấu không ngừng giữa loài người, để thống trị để đoạt giầu sang, quyền thế, bằng cách đè bẹp người khác.
Người dắt một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai đón tiếp một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".
Trong những tập thể chúng ta sống, trong lòng chúng ta và trên thế giới, bạo lực không ngớt gia tăng. Trong cơn thủy triều đen tối đang dâng lên như thế, Đức Giêsu đề nghị cách tượng trưng sự yếu đuối của đứa trẻ như một lý tưởng. Đứa trẻ là sinh vật nhỏ bé trong xã hội, ít được kính nể, và người ta gạt bỏ nó dễ dàng, kể cả bằng cách tội lỗi mà lại hợp pháp. Đứa trẻ đúng là kẻ "nghèo hèn", không tự vệ được, "bị giao nộp" cho những kẻ mạnh mẽ quyền thế hơn nó. Nhưng Chúa lật ngược những tiêu chuẩn xã hội về quan niệm ngôi thứ: Người ta nói, kẻ sau rốt là kẻ đứng đầu. Bây giờ Người nói tiếp, dưới mắt Thiên Chúa kẻ nhỏ bé lại là người lớn nhất. Đức Giêsu đặt đứa trẻ ở giữa cộng đoàn Kitô hữu.
Tôi dành ít thời giờ để niệm tưởng hình ảnh Đức Giêsu đang vuốt ve và ôm ấp đứa bé này. Sự cao cả của Kitô hữu được đo nghiệm theo phẩm chất của việc phục vụ những người "thấp hèn" nhất, những kẻ kém may mắn nhất. Chúng ta sẽ bị xét đoán theo tiêu chuẩn đó (Mt (25,31). Vả lại, đây không phải là một sự "nô lệ", vì chúng ta phục vụ Đức Giêsu khi chúng ta phục vụ những kẻ thấp hèn. Và qua Đức Giêsu, chúng ta phục vụ chính "Đấng" đã tạo nên thế gian và đã trao ban Con Một của Người.



22. Chú giải của Fiches Dominicales.

‘TRÊN ĐƯỜNG’, MỘT LỜI LOAN BÁO LÀM HOANG MANG – ‘Ở NHÀ’, MỘT LỜI DẠY GÂY KINH NGẠC
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. ‘Trên đường’, một lời loan báo làm hoang mang.
Ngay sau khi Phêrô tuyên tín ở miền Xê-sa-rê Phi-lip-phê, lần đầu tiên, Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó và sống lại của Người (Mc 8,27-31). Sau cuộc hiển dung trên núi cao (9,2-8), Chúa đang băng qua miền Galilê cùng môn đệ. "Người không muốn cho ai biết, thánh sử ghi rõ, bởi vì từ này Người muốn dùng thời gian để huấn luyện các môn đệ. Người cố gắng hướng dẫn các ông chấp nhận cái viễn tượng đảo lộn hướng tư duy là: một Đấng Mêsia bị chính dân Người ruồng bỏ.
‘Trên đường’ (câu 33), địa điểm tượng trưng cho cuộc hành trình về Giêrusalem, Người giáo huấn họ bằng cách nhắc lại lời loan báo lần trước: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại" Từ ngữ Chúa dùng hầu như giống hệt lần trước.
Cũng như ở câu 8,31, Đức Giêsu nói về chính mình bằng cụm từ "Con Người”, một nhân vật bí nhiệm và uy quyền, mà ngày tận thế sẽ đến trên đám mây để phán xét loài người (Đn 7,1 3-14).
- Nhưng khác lần trước, lần đó, Chúa loan báo Người sẽ phải "chịu đau khổ nhiều" "bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ”, còn ở đây, Người chỉ nói “bị nộp vào tay người đời”, giống những vị tử đạo trong Cựu ước bị nộp vào tay quân bách hại (Gr 26,24; Tv 71,4; Tv 1401 Đn 7,22).
Khi áp dụng cách nói này cho chính mình, Đức Giêsu coi cuộc khổ nạn của Người giống với cuộc bách hại các ngôn sứ và người công chính trong Cựu ước phải chịu; và Người cũng như bước trên con đường trung tín với Thiên Chúa đến tận cái chết.
“Bị nộp”. Đức Giêsu quả thật đã bị Giuđa nộp cho các thượng tế (14,10): bị các thượng tế nộp cho Philatô (15,10) và sau cùng bị Philatô giao nộp cho lý hình (15,15).
Một chi tiết đáng ngạc nhiên: Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn của Người thì hiện tại: Con Người bị nộp vào tay người đời”. Chắc chắn thánh sử muốn chỉ một tương lai gần, khi dùng thì hiện tại. Nhưng cũng có thể ông muốn nói rằng kế hoạch cứu độ: của Chúa Cha đã bắt đầu được thực hiện, tuy không thấy nhưng cũng không thể đảo ngược.
Các môn đệ vẫn một mực nghe mà không hiểu. Hervieux giải thích: Vẫn là vấn đề không hiểu của các môn-đệ trước những cố gắng của Đức Giêsu, khi Người muốn đưa các ông vào mầu nhiệm cuộc đời Người. Như ta đã thấy, Phêrô đã tỏ thái độ phản loạn đích thực khi nghe loan báo về cái chết của Chúa (8, 32) Còn lần nầy, tâm trí kín mít của các môn đệ được tỏ rõ bằng cách các ông không dám hỏi Thầy, không dám bàn tiếp với những thử thách đang chờ đợi Thầy. Qua đó, chúng ta thấy rằng trực diện với cái chết khó chừng nào! ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 133).
2. ‘Ở nhà’, lời dạy gây kinh ngạc.
Giờ đây chúng ta ở Ca-phác-na-um tức là "ở nhà”, địa điểm tượng trưng cho những cuộc trò chuyện kín đáo, chủ ý dạy dỗ các với cương vị một tôn sư dầy dạn kinh nghiệm, Người hỏi các môn đệ về đề tài mà trên đường các ông đã tranh luận sôi nổi, những cuộc tranh luận mà người ta thường coi là quan trọng trong quá trình huấn luyện của các vị tôn sư. Các ông không dám nói sự thật nên ngậm miệng làm thinh. Bởi vì trong khi Thầy mình loan báo về con đường khổ nạn sắp tới, thì các ông chỉ tranh luận về ngôi thứ, về vinh dự: "Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ".
Rồi, Đức Giêsu ngồi xuống gọi "Mười Hai ông lại". “Mười Hai ông" một danh xưng hiếm thấy nơi Máccô (3,14; 6,7), điều đó nghĩa là giáo huấn mà Chúa sắp nói đây nhằm nhóm các Tông đồ, những người nắm giừ trọng trách trong Giáo Hội tương lai. Giáo huấn này đảo lộn ngôi thứ thường tình trong phẩm trật nhân loại: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
J. Hervieux giải thích: Chúa lấy ‘người rốt hết’ đối chọi với ‘người đứng đầu’, lấy ‘người đầy tớ mọi người’ đối chọi với ‘người cai quản’. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người (Sđd, trang 35).
- Và để biết chắc mọi môn đệ đều hiểu, Chúa đã soi sáng lời nói bằng một cử chỉ đầy ý nghĩa. Thời đó người ta coi trẻ nhỏ là "đồ bỏ” vậy mà Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.
J. Hervieux giải thích tiếp: Cử chỉ này có một tầm quan trọng không ngờ. Đem một em nhỏ đặt vào giữa nhóm môn đệ và ôm hôn nó: các cử chỉ này đều đi ngược phong tục hồi đó. Xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Trái lại, thay vì đối xử với chúng như những người sẽ lớn, người ta coi chúng như "vô giá trị”, như đồ bỏ. Tục lệ còn dạy người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết Lề Luật (Sđd, trang 135- 136).
Như vậy, đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ, em nhỏ ở đây tượng trưng cho những người nghèo, những người bị loại trừ, Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng cho vấn đề các ông tranh cãi lúc đi đường: "Ai là người lớn nhất?" - "Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những người theo Đức Giêsu, lúc người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm "đầy tớ " mọi người mở cửa pháo đài Hội Thánh cho những người hèn kém nhất, những người nghèo đói nhất, đó là "dịch vụ" mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giêsu kết luận bằng từ "đón nhận”: Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón nhận Người qua những ai nhỏ bé là đón nhận chính Chúa. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ đó là một sứ điệp bất ngờ, rất độc đáo của trang Tin Mừng đẹp đẽ hôm nay (Sđd trang 136).
BÀI ĐỌC THÊM
1. Thang giá trị mới
(Đức Cha L. Daloz trong "Qui don est-il?", DDB, trang 55-56).
Đây là lần thứ hai Đức Giêsu loan báo cho môn đệ điều sẽ xảy đến cho Người. Người biết mình sẽ đi về đâu và người nói không úp mở về cái chết gần kề và sự sống lại của Người. Phải chăng Người đã phải chịu nỗi lo âu về cuộc khổ nạn: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này?”. Người còn lo lắng hơn không hiểu gì và họ sợ không dám hỏi Người. Phải chăng họ cũng tiên cảm được mối nguy đang rình chờ? Chúng ta đôi khi cũng không hiểu Đức Giêsu nói gì. Có lẽ vì ta sợ phải hiểu chăng? Qua im lặng, các môn đệ bình thản ở lại trong sai lầm: Nước Trời mà họ mơ tưởng là nước mà ở đó họ đóng vai ông lớn, là nơi mà họ tranh cãi xem ai trong nhóm họ là người lớn nhất. Khi Đức Giêsu hỏi họ: "Lúc đi đường các anh đã tranh luận gì thế?”, họ làm thinh. May thay, Đức Giêsu dịu dàng và kiên nhẫn loại bỏ sự im lặng và suy nghĩ sai lầm của họ. Vương quốc của Chúa là vương quốc của người phục vụ, là nơi người trước hết trở nên rốt hết, người nhỏ bé nhất trở nên người lớn nhất. Đức Giêsu hiểu rất rõ bản tính con người. Người không cho phép các môn đệ giam mình trong sự thinh lặng để che giấu nỗi sợ hãi và tham vọng. Người đi bước đầu, loan báo, chất vấn, giải thích. Rồi Người đặt một em bé ở giữa các ông, để tỏ cho các ông thang giá trị mới, nó bắt nguồn từ tình yêu đối với Chúa Cha".
2. “Ai là người lớn nhất?”
(Noel Quesson, trong "Les entretiens du Dimanche. Année B", Droguet & Ardant, trang 194-195).
"Trong xã hội loài người, tự nhiên ai cũng muốn chiếm được vị trí quan trọng. Đó cũng là luật lệ của thế giới loài vật, một thế giới rất có phẩm trật: luật rừng xanh, nơi kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, nơi người lớn thống trị người bé. Nhưng Đức Giêsu đến đảo ngược lô-gic đó: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn thì hãy làm đầy tớ mọi người”.
Những câu nói khiêu khích, cách mạng này không do các tông đồ sáng chế ra đâu, vì chính họ là người mong chiếm được địa vị cao. Nhưng chính Đức Giêsu đã đảo ngược khuynh hướng tự nhiên của con người. Nếu chỉ đổi chủ mà thôi thì không hơn gì: nếu người bị thống trị lại trở thành người thống trị, nào có thay đổi gì. Vậy mà lịch sử loài người lại đầy dẫy những cuộc nguỵ cách mạng, những người hò hét "đả đảo quân bóc lột" lại trở thành nỗi kinh hoàng cho những người thấp cổ bé miệng.
Đức Giêsu đề nghị một giải pháp khác: ông chủ tự nguyện đầy tớ mọi người. Đây là một cuộc cách mạng diễn ra trong nội tâm con người: một cuộc đổi mới tâm hồn, một sự từ bỏ truyền thống trị người khác.
Để làm điều đó Đức Giêsu nêu ra một minh hoạ: đứa bé. Trẻ em là một sinh vật nhỏ bé, không được trọng vọng loài xã hội, không có khả năng tự vệ, lại dễ bị người ta loại bỏ, cả bằng cách phạm pháp, như giết nó ngay khi còn trong bào thai nghĩa là vào lúc nó không có một chút khả năng nào để tự vệ. Đứa bé là một kẻ nghèo hèn đúng nghĩa nhất vì nó chẳng có quyền gì. Lúc nào và ở đâu, người ta cũng có thể trao nó vào tay kẻ mạnh, kẻ có quyền lực.
Vào những ngày này, khi bắt đầu các hoạt động, chúng ta tự hỏi xem mình sẽ phục vụ ở đâu?.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét