Trang

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Kinh Thánh và Thánh Thể


Tác giả: Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế op. -


Kinh Thánh và Thánh Thể
Kinh Thánh và Thánh Thể là hai thực tại tương đồng, nhưng mãi đến hậu bán thế kỷ XX, điều này mới được chứng tỏ và xác quyết tại Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) : “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Kinh Thánh giống như tôn kính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu… Vì vậy, toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Ki-tô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Dei Verbum, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2012, số 21, trang 209).
Từ bao đời nay, Thánh Thể vẫn chiếm ưu vị tuyệt đối trong các việc thờ phượng. Ngay từ nhỏ, người Công Giáo đã được dạy cho biết phải mộ mến bí tích Mình và Máu Chúa được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ và lưu giữ trong Nhà Chầu. Vì vậy, Nhà Chầu được đặt ở nơi trang trọng nhất, được giữ gìn cẩn thận và chăm sóc kỹ lưỡng. Ngọn đèn chầu luôn luôn được thắp sáng để chứng tỏ sự hiện diện liên lỷ của Chúa Giê-su và cũng để thay mặt cho loài người túc trực đêm ngày bên cạnh Người. Do đấy, lòng sùng kính bí tích Thánh Thể đã thấm sâu vào đời sống các tín hữu. Bởi vậy, vị trí trổi vượt của lòng sùng kính này là lẽ đương nhiên.
Gần đây điều này lại được một vị Chức Sắc trong Hàng Giáo Phẩm đến từ Rô-ma nhắc lại, khi thấy sách Kinh Thánh được đặt ngang hàng với Nhà Chầu tại nhà nguyện Đại Chủng Viện Sao Biển ở Nha Trang. Theo ngài, không được để như thế, vì sự cao trọng trổi vượt của Mình Thánh Chúa đòi phải có sự khác biệt.
Trải qua một thời gian khá dài, lòng đạo đức của giáo dân được nuôi dưỡng bằng các thứ lòng sùng kính thì tất nhiên phải nói như thế. Thật vậy, các thứ lòng sùng kính đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức của các tín hữu, khi Phụng Vụ chưa được biết đến và Lời Chúa chưa được phổ biến và giảng dạy như bây giờ. Phụng Vụ và Kinh Thánh là hai nguồn chính yếu nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cũng như lòng đạo đức của tín hữu. Kinh Thánh nay được phổ biến và nhiệt liệt khuyến khích. Các bài đọc trong Thánh Lễ hàng ngày là cơ hội tối hảo cho tín hữu tiếp cận với Lời Chúa. Bên cạnh đó là việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Thời trước chỉ các linh mục mới buộc phải đọc thôi, còn nay, tu sĩ nam nữ, giáo dân cũng có thể đọc như các linh mục. Nhiều giáo dân và một số các hội đoàn đã đọc chung với nhau ở nhà thờ vào những giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Nhờ đọc như thế, nhiều người đã cảm được cái hay và sư thâm thuý của Lời Chúa trong việc nuôi dưỡng linh hồn mình. Nếu trước đây, Mình Thánh Chúa được tôn kính bao nhiêu thì nay sách Kinh Thánh cũng được tôn kính như vậy. Đây là giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, như đã trích dẫn trên đầu bài.
Vì thế, trong nhiều nhà thờ hiện nay, sách Kinh Thánh được đặt ngang hàng với Nhà Tạm, điều đó không có gì là sai trái khiến lương tâm phải áy náy, vì phải tuân theo giáo huấn của Công Đồng bởi giáo huấn này phải ở trên mọi giáo huấn khác. Xin nhắc lại một lần nữa lời xác quyết của Công Đồng để làm chứng về sự tương đồng giữa Kinh Thánh và Thánh Thể : “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như tôn kính Thánh thể Chúa.” Vì không tôn trọng giáo huấn của Công Đồng nên đã có một thứ bè rối ở thời đại chúng ta : đó là Huynh Đệ Đoàn Thánh Pi-ô X của cố giám mục Lefèvre, định cư tại Écône (Thụy Sĩ). Huynh Đệ Đoàn này đã bị rút phép thông công, vì đã cử hành thánh lễ bằng tiếng La-tinh theo sách lễ cũ thời ĐGH Pi-ô V, và phủ nhận giáo huấn của Công Đồng.
Để kết luận, xin được trích dẫn số 26 trong Hiến Chế Mặc Khải, để mọi người thấy rõ vị trí và tầm ảnh hưởng quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin của tín hữu : “Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh (1 Tx 3,1), và kho tàng mặc khải đã được uỷ thác cho Giáo Hội ngày càng lấp đầy tâm hồn con người. Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng cũng nhận được sự thúc đẩy mới nhờ việc gia tăng lòng sùng kính Lời Thiên Chúa, Lời tồn tại muôn đời” (Is 40,8 ; x. 1 Pr 1,20-25). Như vậy, theo giáo huấn trên đây, đã rõ là Giáo Hội muốn chúng ta biểu lộ rõ rệt lòng tôn sùng Lời Chúa, bằng cách thiết lập bàn thờ tôn vinh hay bằng cách thế nào đó, để cho thấy rằng lòng sùng kính này là cần thiết vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi (Tv 118,105).



Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế op.

http://kinhthanhchomoinguoi.org/bai-viet/158

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét