Trang

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Tinh thần Lãnh đạo của Đức Phanxicô Giáo hoàng Dòng Tên Đầu tiên – Hỏi đáp với Chris Lowney

Tinh thần Lãnh đạo của Đức Phanxicô Giáo hoàng Dòng Tên Đầu tiên – Hỏi đáp với Chris Lowney



Từ cựu huấn sinh dòng Tên đến Giám đốc Điều hành của J.P. Morgan và tác giả của quyển sách bán chạy Tinh thần lãnh đạo Anh hùng [Heroic Leadership], Chris Lowney là một người quá lý tưởng để khai bút viết sách về phong cách lãnh đạo của tân Giáo hoàng. Trong quyển Tinh thần Lãnh đạo của Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên [Pope Francis: Why He Leads the Way He Leads] này, ông Lowney đã diễn đạt cách thức những lời nói và việc làm của giáo hoàng thể hiện những phương châm đã chuẩn bị sẵn cho ngài để dẫn dắt Giáo hội và tác động đến thế giới thay đổi nhanh chóng của chúng ta. Khi chia sẻ những bài học từ giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên này, ông Lowney cũng khuyến khích và truyền cảm hứng cho các lãnh đạo, đủ kiểu đủ cấp, để họ hình tượng và thể hiện được một tinh thần lãnh đạo mới đang hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta.
lowney
Điều gì đã tạo cảm hứng cho ông viết một quyển sách về phong cách lãnh đạo của giáo hoàng Phanxicô? Và ông viết quyển này dành cho ai?
Quyển sách đầu tiên của tôi, Tinh thần lãnh đạo Anh hùng, đã rút ra những ‘bài học tiếp nhận’ từ các tu sỹ dòng Tên thời sơ khai, và mô tả những phẩm chất của các lãnh đạo vĩ đại: họ tự ý thức, quả cảm, tài tình và đầy yêu thương. Khi tân giáo hoàng, một tu sỹ dòng Tên, được bầu lên, nhà xuất bản đã hỏi xem liệu tôi có ý định viết gì về ngài hay không. Cũng như tất cả mọi người khác trên thế giới, tôi đã đầy phấn khích trong 48 giờ không thể tin nổi đầu triều giáo hoàng này, ngài muốn chúng ta chúc lành cho ngài, nhảy ra khỏi xe, trả tiền phòng ở … Và bỗng nhiên, trong tôi, nhận thấy ngài là một ‘trường hợp đáng để nghiên cứu về tinh thần lãnh đạo’, có thể nói là thế. Đây không phải là chạy theo thói thường, bạn biết đó nhiều người đã viết về ngài rồi.
Và quyển sách này viết cho ai? Những người chú tâm đến giáo hoàng và muốn hiểu hơn về lối suy nghĩ của ngài, về những gì giúp ngài lãnh đạo, các giá trị và ưu tiên hàng đầu của ngài, ngài sẽ dẫn dắt giáo hội đến đâu, và một điều rất quan trọng là, dành cho những người không chỉ muốn biết về giáo hoàng, nhưng còn muốn suy tư phản ảnh trên cuộc sống và hành động của mình.
Tôi thật may mắn khi được trao đổi với một số tu sỹ dòng Tên từng sống và làm việc với ngài, và tôi rất biết ơn vì những chuyện ‘hậu trường’ có được để chia sẻ với các độc giả.
Hãy bắt đầu với đề tựa, ‘Các bài học lãnh đạo từ giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên.’ Ngay lập tức, chúng ta đã thấy giáo hoàng này, với những nền tảng của dòng Tên, sẽ lãnh đạo theo một cách rất khác. Vậy đặc nét của một giáo hoàng dòng Tên trong tinh thần lãnh đạo là gì?
Vâng, xét căn bản nhất: không một ai viết một quyển sách về tổng thống Eisenhower mà không cố tìm cách hiểu được liệu quân nghiệp của ông có ảnh hưởng gì và thế nào lên thế giới quan và phong cách lãnh đạo của ông. Cũng như thế: Đức Giáo hoàng của chúng ta được đào tạo và sống trong một môi trường văn hóa rất mạnh, là đời sống dòng Tên. Và điều này kèm theo những lối suy tư về thế giới, cách tiếp cận thế giới, và những điều khác nữa.
Với các độc giả ban đầu, tôi chỉ đề cập đến 1 chuyện mà thôi. Tôi gọi nó là ‘tinh thần tiền tuyến’. Xuyên suốt lịch sử, các tu sỹ dòng Tên đã luôn luôn làm việc nơi đầu chiến tuyến. Đấng sáng lập Inhaxiô thành Loyola đã dạy rằng phải học cách ‘sống với một chân giơ lên’. Và hầu hết các tu sỹ dòng Tên có lời khấn đặc biệt là sẵn sàng cho bất kỳ sứ mạng nào giáo hoàng giao phó. Trong những thế kỷ đầu, đó là đường biên giới về mặt địa lý: Các tu sỹ dòng Tên cố gắng đi vào những nền văn hóa vốn xa lạ với người châu Âu.
Còn bây giờ, tất nhiên, những đường biên giới của xã hội chúng ta không còn là theo địa lý nữa, mà thay vào đó, là những người bị xem thường, loại trừ và loại ra ngoài rìa xã hội. Bạn thấy Đức Phanxicô thường nhắc nhở giáo hội rằng đừng khư khư trong mình nhưng phải đi ra vào trong thế giới, đặc biệt là gắn bó với người nghèo, nhưng xét chung, thì đó là gắn bó với tất cả mọi cộng đồng cảm thấy mình có đôi chút bị loại trừ.
Tinh thần liều lĩnh, gắn bó với thế giới, đầy sinh lực và không chút mệt mỏi này, chính là điều mà tôi nghĩ đến nhiều nhất trong văn hóa dòng Tên, do đó lẽ tự nhiên, đây cũng là điều ảnh hưởng lên lối suy nghĩ và sự gắn bó với thế giới của giáo hoàng Phanxicô.
Ông cũng nói rằng một giáo hoàng dòng Tên là chuyện ngược đời.  Ý của ông là gì?  Có phải là các tu sỹ dòng Tên không có ơn lãnh đạo?
Vâng, chắc chắn họ có ơn lãnh đạo, nhưng là lãnh đạo về đặc tính chứ không phải phẩm trật. Nghĩa là mỗi người đều có một cơ hội và trách nhiệm lãnh đạo, bất kể tình trạng và địa vị của họ trong hàng phẩm trật. Nghe có vẻ như tôi đang nói nhầm, nhưng hãy nhìn vào tự điển mà xem: một định nghĩa về lãnh đạo viết rằng ‘chỉ ra con đường, lối đi, hay mục tiêu, và tác động người khác hướng về nó.’ Thế đó, tất cả mọi người đều chỉ ra được một con đường, bằng nhân đức làm việc và bằng những việc họ làm. Tất cả mọi người đều có ảnh hưởng. Hãy nghĩ về các bậc cha mẹ và con cái họ mà xem, đó là một trường hợp lý tưởng cho cái ‘chỉ ra đường hướng và có ảnh hưởng.’
Khi xem lối đào tạo và cách sống của các tu sỹ dòng Tên, tôi thấy rằng dường như dù họ không dùng từ ‘tinh thần lãnh đạo’ trong các văn bản, nhưng họ đã hoàn toàn thực hiện được cuộc phổ biến văn hóa tinh thần lãnh đạo này.
Còn giờ, tôi nói đến phần ngược đời. Đấng sáng lập dòng Tên, thánh Inhaxiô, nghĩ rằng tham vọng cá nhân là một thứ thuốc độc cho các dòng tu.  Vậy nên, trong bộ Hiến pháp dòng, thánh Inhaxiô đã viết rằng các tu sỹ dòng Tên không được tìm kiếm những vị trí cao hơn trong giáo hội, phải từ chối ngay khi được đề nghị (trừ phi đó là lệnh bắt buộc từ giáo hoàng), và phải báo cáo về bất kỳ thành viên nào trong dòng mưu đồ những vị trí cao. Vậy nên, trong các tu sỹ dòng Tên, có một tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng không phải là kiểu thường thấy theo phẩm trật.
Ban có nhớ là tôi đã từng nói rằng qua cách Đức Phanxicô hành xử, tôi thấy toát ra văn hóa dòng Tên của ngài? Tham vọng cá nhân là một ví dụ khác nữa, bạn đã thấy ngài liên tục chê trách thói tham danh vọng trong giới giáo sỹ, ngài gọi thói danh vọng và tham vọng trong giới giáo sỹ là ‘bệnh hủi’. Một từ rất nặng!
Ông nói rằng quyển sách này viết về lãnh đạo toàn cầu của Giáo hội Công giáo, nhưng cũng là viết về tất cả chúng ta nữa.  Theo cách nào?
Để tôi nói ngắn gọn, bởi tôi đã từng trả lời cho câu hỏi này rồi. Như tôi đã nói rõ ở trên, theo tôi, mỗi một người đều có cơ hội lãnh đạo, dù lớn hay nhỏ. Và, trong một thế giới phức tạp, mau thay đổi, bạn thực sự cần những người đủ mọi tầm mức có khả năng góp phần vào công tác lãnh đạo. Vậy nên, tôi không thích viết một quyển sách chỉ nói về mỗi giáo hoàng mà thôi.  Tôi không thích kiểu sách ‘ồ, ngài ở trên kia, còn tôi lẹt đẹt dưới này.’ Tôi chỉ có hứng thú viết cái gi đó (mà nhà xuất bản cũng đồng ý chuyện này), nếu tôi có thể dùng giáo hoàng như một tấm ván bật nhảy để mời gọi độc giả suy tư về tinh thần lãnh đạo nói chung, và đời sống của chính họ nói riêng.
Một trong những bài học căn bản nhất, chúng ta có thể học từ giáo hoàng để tái hình dung vai trò lãnh đạo của mình, là gì?
Trong sách này, tôi đã lên khung 6 ‘dấn thân’ hay thói quen, cốt lõi của tinh thần lãnh đạo mới mà chúng ta cần trong thế kỷ XXI hỗn mang náo động này. Tôi không định nói hết chúng ra dây, nhưng nói ngắn gọn là, các lãnh đạo phỉa suy tư sâu sắc về mối liên hệ giữa họ với người khác, giữa họ với thế giới trôi qua mỗi ngày, cũng như mối liên hệ giữa họ với quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Nghe có vẻ hơi mơ hồ, vậy để tôi đưa ví dụ cho 2 điểm. Một mặt, các lãnh đạo phải ‘nối kết’, gắn bó sâu sắc với thế giới thật, với những vui mừng, đau khổ, và thách thức của người khác. Quá nhiều người được gọi là lãnh đạo lại ‘không nối kết’, họ được nuông chiều đến hư hỏng và nấp kín trong bọc kén của mình, chỉ liên kết với thế giới bằng các báo cáo, hệ tư tưởng, con số, truyền hình … Điều này chẳng làm được gì. Tôi ở trong giới kinh doanh, và thấy chúng ta có quá nhiều lãnh đạo kiểu tháp ngà, những người chẳng bao giờ gắn bó với những thách thức đời thực, những đẳng cấp kém hơn họ trong công ty.
Nhưng, một điểm khác nữa của sự tận tâm là, các lãnh đạo cũng phải tách rời khỏi thế giới hằng ngày. Họ cần phải hoàn toàn ‘trong’ thế giới, nhưng không phải là ‘của’ thế giới, có thể nói như vậy. Họ cần có thói quen suy tư mỗi ngày để biết chuyện gì đang diễn ra, nâng tầm nhìn để có được cái nhìn rộng hơn, tự nhắc nhở mình về những mục tiêu tối thượng, phải có lòng biết ơn, và còn nữa.
Đúng, nhưng họ cần phải đắm mình trong thế giới, nhưng nếu cả ngày họ chỉ lướt trên ngọn sóng của email, tin nhắn, cuộc gọi, gặp mặt, thì họ sẽ lạc lối. Bởi thế, hãy hòa mình vào thế giới hằng ngày, nhưng mỗi ngày phải có một ít thời gian để suy tư.
Thế nên, tôi diễn đạt từng cái điểm trong 6 dấn thân trong đời của giáo hoàng, rút ra từ đào tạo dòng Tên của ngài, và từ đó tôi đưa ra ý nghĩa của từng điểm đối với cuộc sống của chúng ta.
Đức Giáo hoàng dòng Tên này có các bài học cho các lãnh đạo Công giáo, và cả Phật giáo hay Hồi giáo, hay Vô thần?
Chắc chắn. Nghề nghiệp của tôi là ngân hàng đầu tư. Tôi làm việc với người Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái, các nhà nhân văn vô thần, có thể nói như vậy! Tôi được mắt thấy tai nghe cách những người thuộc các truyền thống khác nhau, có thể chia sẻ các giá trị và làm việc vì mục tiêu chung Vậy nên, trong mọi bài viết của mình, tôi để tâm cố gắng tìm những điểm tương giao. Rõ ràng, những người Công giáo (và tôi cũng là một người Công giáo nghiêm túc) liên hệ với giáo hoàng của mình theo cách khác với người Hồi giáo hay vô thần.
Nhưng quyển sách của tôi không phải là một quyển sách kiểu ‘chúng ta’ chỉ dành riêng cho người Công giáo. Quyển này cố gắng suy tư về tinh thần lãnh đạo chung.
Chắc chắn, nó đào sâu nền tảng đào tạo dòng Tên của giáo hoàng, và Linh Thao là cốt lõi của đào tạo này, và đây đó trong quyển này suy tư về những thách thức và khía cạnh cụ thể của Giáo hội Công giáo hiện nay. Vì thế, chắc chắn, có một vài hình tượng và quan niệm rất đặc thù Kitô giáo hay Công giáo, nhưng sẽ không lạ lẫm hay không dùng được đối với những người thuộc các đức tin khác.
Ông đã xây dựng được sự nghiệp thành công trên cương vị lãnh đạo tại một trong những hãng xuyên quốc gia lớn nhất và mạnh nhất. Khi nhìn vào Đức Giáo hoàng Phanxicô, điều gì thôi thúc, hay gợi lại cảm hứng cho ông?  Và ngài có những đặc tính nào mà ông nghĩ sẽ thực hành trong vai trò lãnh đạo của mình?
Có nhiều điều rất lôi cuốn về giáo hoàng này, bao gồm khả năng ‘thoải mái với bản thân’. Bạn có ấn tượng về con người đơn sơ này đang nói với chúng ta những chân lý cần nghe bằng một cách rất mộc mạc. Đó chính là ‘đích thực’, một từ rất tiếc lại bị lạm dụng quá nhiều. Sự đích thực hay ngay chính mà chúng ta thấy ở giáo hoàng là một sự đầy hứng khởi và lôi cuốn của một con người, dù đó là giáo hoàng, người cha, hay ông chủ.
Cho đến lúc này, Giáo hoàng Phanxicô đang có tỷ lệ ủng hộ cực kỳ cao.  Ông có nghĩ là có kiểu Tuần trăng mật cho giáo hoàng hay không, mà nếu như vậy thì ngài có giữ được uy thế sau giai đoạn này không?
Chắc chắn, là có một vài khía cạnh ‘trăng mật’. Tôi không nghĩ có ai lại có thể có được nhiều hi vọng hoài bão gởi gắm như giáo hoàng bây giờ. Nhưng, tôi cũng tin rằng ngài sẽ giữ được uy thế này. Người ta sẽ có những thất vọng không thể tránh khỏi vì chuyện này chuyện kia không thỏa mãn họ, nhưng sự tín nhiệm và chân thực của ngài, vốn đang có nền tảng rất tốt, sẽ xây dựng trong người ta một kiểu thiện tâm có thể đưa ngài băng qua những bất mãn đó. Nói cách khác, người ta có thể tách biệt những thất vọng của mình về một hai vấn đề cụ thể, khỏi quan điểm chung của họ về giáo hoàng.
Ông nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng được thấy những gì trong những năm kế tiếp dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng Phanxicô?  Còn bất ngờ nào nữa không?  Thách thức chính sẽ là gì?  Và trong mắt ngài, cái gì sẽ được xem là ‘thành công’ … và cả trong mắt giáo hội nữa?
Theo ý riêng tôi, thì Đức Giáo hoàng Phanxicô đang cố gây dựng một thay đổi lớn về mặt văn hóa trong Giáo hội Công giáo (tôi không nghĩ đây là cách nói của ngài, nhưng đúng là tôi thấy thế.) ‘Thay đổi lớn về văn hóa’ nghĩa là có một cách tiếp cận hoàn toàn khác, từ trên xuống dưới. Ví dụ như, ngài muốn thấy Giáo hội đồng dạng hơn với người nghèo, thể hiện một lối sống đơn sơ hơn, đừng khóa kín trong bản thân nhưng phải gắn bó với thế giới, ‘liều lĩnh’ hơn khi mạo hiểm với những khởi xướng dù có thể thất bại còn hơn là cứ lo lắng đến mức ám ảnh với các đề xướng hạn hẹp vốn dễ điều khiển, và ngài muốn một giáo hội ít được ‘điều hành’ bởi ‘tổng hành dinh’ nhưng mãnh liệt và tiên phong hơn.
Thách thức? Biến đổi văn hóa là điều khó nhất bạn có thể làm trong một tổ chức. Tất cả mọi tường thuật truyền thông đều tập trung vào những chuyện như viêc giáo hoàng sẽ làm gì với ngân hàng Vatican hay tái thiết lại cơ cấu giáo triều. Nhưng với tôi, ‘hành động’ thật sự mà ngài theo đuổi, chính là văn hóa, một chuyện khó thay đổi hơn nhiều.
Ví dụ như, ngân hàng Vatican có thể được tái cấu trúc bằng các văn kiện điều hành, và việc này có thể giao cho một nhóm đủ khôn khéo là được. Nhưng để cho hơn 2000 giám mục và 1,2 tỷ người Công giáo bắt đầu hành xử khác đi, thì sao? Đó là một đòi hỏi cao, để thay đổi được cách hành xử và văn hóa thì khó hơn nhiều.
Vậy thế nào là thành công? Giáo hoàng đã dùng một hình ảnh rất đẹp trong buổi phỏng vấn mới đây là: Giáo hội phải là ‘nhà cho tất cả, chứ không phải nhà nguyện nhỏ cho vài người được chọn’, và nếu mười năm sau, chúng ta cảm nhận ‘mái nhà cho tất cả’ này rõ nét hơn, thì đó là thành công.
Quyển sách này đã được chuyển ngữ và phát hành tại Nhà sách Hoàng Mai với tựa đề

TINH THẦN LÃNH ĐẠO

CỦA GIÁO HOÀNG DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN

lanh-dao-sach

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét